Hoạt động dẫn độ thông qua vai trò của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL)

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 73 - 78)

(INTERPOL)

Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL – International Police) được thành lập năm trên cơ sở Uỷ ban Cảnh sát Hình sự quốc tế (ICPC – 1923). Với 190 quốc gia thành viên hiện nay, INTERPOL được coi là tổ chức quốc tế đa phương lớn thứ hai sau Liên hợp quốc về số lượng thành viên. Điều 4 Quy chế INTERPOL cũng quy định bất kỳ quốc gia nào cũng có thể uỷ quyền cho cơ quan cảnh sát nước mình tham gia vào INTERPOL với tư cách là thành viên, Tổng thư ký INTERPOL sẽ là cơ quan nhận đơn xin gia nhập, việc cho phép trở thành thành viên của tổ chức này phải được thông qua với 2/3 số phiếu của các quốc gia thành viên. Với đại diện của tất cả các quốc gia thành viên, mục tiêu của INTERPOL là nhằm phối hợp một cách hiệu quả lực lượng cảnh sát của các quốc gia với nhau trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm mang tính chất quốc tế…Tổ chức này hoạt động một cách độc lập trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không tham gia vào các vấn đề liên quan đến chính trị, tôn giáo, quân đội, kỳ thị chủng tộc (Điều 3 Quy chế INTERPOL).. Những hoạt động chính mà INTERPOL tiến hành đó là truy nã tội phạm, tiến hành bắt giữ và trao trả tội phạm cho nước yêu cầu; Theo dõi những nghi phạm và tội phạm, trường hợp này có thể bao gồm cả truy nã tội phạm; Truy tìm những người bị mất tích; Truy tìm tài sản có giá trị bị đánh cắp.[24]

INTERPOL có cơ cấu tổ chức gồm 5 cơ quan chính, đó là: Đại hội đồng, Uỷ ban hành pháp, Ban thư ký, Văn phòng trung tâm quốc gia, Viện cố vấn với các chức năng và quyền hạn theo quy chế của tổ chức này nhằm phối hợp hoạt động giữa các quốc gia thành viên cũng như cho chính hoạt động của tổ chức.

Vai trò của INTERPOL được thể hiện trong hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm cũng là biểu hiện hỗ trợ các quốc gia thành viên đấu tranh phòng chống tội phạm của tổ chức này. INTERPOL thực hiện vai trò này thông qua các loại “thông báo quốc tế” với các ký hiệu màu sắc khác nhau được ghi nhận bằng trên văn bản ở góc phải như màu đỏ, màu vàng, màu xanh dương, xanh lá cây, màu đen, màu cam, màu tím.. Mỗi loại thông báo này sẽ biểu hiện tính chất và mức độ của vấn đề cần được

thông báo. Trong đó, thông báo đỏ là loại thông báo phổ biến nhất, được coi là giấy chứng nhận bắt giữ hình sự tạm thời. Lệnh truy nã đỏ được chính thức phát hành và có hiệu lực sau khi Trưởng văn phòng INTERPOL quốc gia yêu cầu truy nã và Tổng thư ký INTERPOL đã ký lệnh. Như vậy, khi có một kẻ phạm tội lẩn trốn khỏi một quốc gia thành viên INTERPOL, quốc gia đó phải đưa ra yêu cầu đối với INTERPOL phát lệnh truy nã đỏ, yêu cầu của quốc gia này được coi như là cơ sở để INTERPOL tiến hành phát lệnh, điều tra và nếu phát hiện ra cá nhân đó xuất hiện tại một quốc gia khác thì INTERPOL có quyền yêu cầu quốc gia đó bắt giữ và dẫn độ cho quốc gia đưa ra yêu cầu truy nã.[60]

Trong lệnh truy nã đỏ, ngoài ảnh đối tượng truy nã còn bao gồm 2 nội dung chủ yếu đó là: Phần ghi nhận các thông tin liên quan đến nhân thân của đối tượng truy nã (họ tên, quốc tịch, nhận dạng, vân tay, số hộ chiếu, số chứng minh thư); Phần chứa đựng những thông tin tư pháp thông báo quá trình và hoàn cảnh phạm tội và những căn cứ pháp lý tiến hành bắt giữ đối tượng (trích yếu vụ án, tội danh, các điều khoản pháp lý tiến hành hoạt động tư pháp, lệnh bắt giữ, bản án và thời gian có hiệu lực của bản án..).

Lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký tổ chức INTERPOL xem xét, sau đó chuyển cho các chuyên gia pháp luật của INTERPOL để thẩm định kỹ càng mới ký duyệt và phát sinh hiệu lực trên phạm vi lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Theo thống kê của INTERPOL, riêng trong năm 2012 cho đến thời điểm này INTERPOL đã phát ra 294 lệnh truy nã đỏ với rất nhiều các cá nhân từ các quốc gia thành viên khác nhau.

Với các trang thiết bị khác nhau, kể cả cấp độ công cộng và cấp độ nội bộ, những thông tin về các đối tượng phạm tội bị truy nã sẽ được gửi về mạng lưới của INTERPOL, trong đó, các quốc gia thành viên của tổ chức sẽ truyền tải các thông tin về các đối tượng phạm tội bị truy nã để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, phát hiện các cá nhân phạm tội. Thời hạn có hiệu lực thi hành của một thông báo đỏ là 5 năm, nếu hết hạn mà vẫn chưa bắt được đối tượng truy nã thì INTERPOL ra quyết định gia hạn hiệu lực thêm 5 năm nữa cho tới khi nào bắt được đối tượng mới thôi. [60]

Các ký hiệu trong các thông báo còn lại cũng có những ý nghĩa riêng như: thông báo vàng để giúp xác định vị trí người mất tích, thường là vị thành niên hoặc giúp xác định những cá nhân mà không thể tự xác định bản thân mình; thông báo xanh để xác định vị trí hoặc có được thông tin về cá nhân cần thiết trong một cuộc điều tra hình sự; thông báo đen để tìm kiếm thông tin trên cơ thể không xác định; thông báo màu xanh lá cây để giúp cảnh báo về các hoạt động phạm tội của một cá nhân đang là mối đe doạ cho an ninh công cộng; thông báo màu cam để cảnh báo về một sự kiện, một cá nhân hoặc một mối nguy hiểm có thể xảy ra đối với người và tài sản; thông báo màu tím để cung cấp thông tin về các công cụ, phương tiện, đối tượng được sử dụng bởi tội phạm.. Bên cạnh đó còn một biểu tượng đặc biệt là sự kết hợp giữa biểu tượng của Liên hợp quốc và INTERPOL, được sử dụng trong trường hợp những cá nhân hoặc tổ chức có thể liên quan đến các vấn đề của Liên hợp quốc. [60]

Có thể khái quát quá trình thực hiện vai trò của INTERPOL đối với hoạt động dẫn độ của các quốc gia như sau:

Trong vai trò và chức năng của mình, INTERPOL không có nghĩa vụ phải dẫn độ bất cứ cá nhân nào từ quốc gia này sang quốc gia khác, tổ chức này chỉ duy trì vị trí như là nơi phát đi sự cảnh báo và yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác để dẫn độ tội phạm. Trong thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp INTERPOL đã ra thông báo đỏ (lệnh truy nã đỏ) đối với một cá nhân nhưng quốc gia thành viên lại từ chối không tiến hành dẫn độ cá nhân bị truy nã theo yêu cầu của quốc gia đưa ra yêu cầu truy nã (ví dụ như vụ việc Hoa Kỳ từ chối thi hành lệnh truy nã đỏ của INTERPOL theo yêu cầu của Trung Quốc đối với các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế).[35] Sự từ chối trên có thể xuất phát từ nguyên nhân chính trị

Yêu cầu truy nã do quốc gia thành viên gửi INTERPOL Tổng thư ký INTERPOL Các quốc gia thành viên INTERPOL

hoặc từ sự khác biệt trong quy định về hình phạt giữa các quốc gia (đặc biệt là về án tử hình)… Những hoàn cảnh và nguyên nhân nói trên đã làm hạn chế rất nhiều nỗ lực của INTERPOL trong việc điều tra, tìm kiếm và đưa ra các yêu cầu bắt giữ và dẫn độ cho quốc gia đưa ra yêu cầu truy nã.

Hiện nay INTERPOL cũng đang nỗ lực tổ chức các hội nghị trao đổi thông tin, các dự án chia sẻ dữ liệu toàn cầu (Việt Nam là một trong số các quốc gia được tham gia dự án này)[65], nhằm giúp các quốc gia có thể kết nối với cơ sở dữ liệu của INTERPOL, bởi nguồn dữ liệu này đã được INTERPOL lưu trữ từ rất lâu, nó là kết quả của các kênh truyền thông tin từ cả các quốc gia thành viên lẫn sự tìm kiếm của INTERPOL. Đây sẽ là sự hỗ trợ cho quá trình hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tiến hành có hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Với hơn 80 năm hoạt động với những nỗ lực không mệt mỏi, INTERPOL vẫn luôn nắm giữ được vai trò hết sức quan trọng đối với các quốc gia thành viên và cả cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong tương lai, kể cả từ phía tổ chức cũng như các quốc gia thành viên cần phải tập trung hơn nữa đến quá trình tìm kiếm và chia sẻ thông tin về tình trạng tội phạm trong cộng đồng quốc tế một cách thống nhất, khắc phục hạn chế từ sự không tích cực trong khi các quốc gia còn thể hiện tính bị động trong việc thi hành nghĩa vụ thành viên của INTERPOL, còn INTERPOL thì rất tích cực trong việc cung cấp thông tin mới nhất cho các quốc gia hữu quan mà không cần các đề nghị đặc biệt nào được gửi tới. [24]

Chương 3

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 73 - 78)