Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 26 - 30)

Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình cũng là nguyên tắc được ghi nhận trong hầu hết các điều ước song phương và đa phương về dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia. Nguyên tắc này chịu ảnh hưởng lớn từ của thuộc tính chính trị pháp lý mà chỉ quốc gia có được đó là “chủ quyền” và một chế định trong luật quốc tế, đó là quốc tịch.

Trước hết, quốc tịch là chế định pháp lý bao gồm các quy định điều chỉnh hình thực và nội dung mối quan hệ pháp luật mang tính hai chiều được thiết lập giữa một cá nhân với một nhà nước.[29] Xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa một cá nhân với một nhà nước, với tổng thể là các quyền và nghĩa vụ tương ứng giữa công dân với nhà nước đó và ngược lại. Trong đó quốc gia sở tại có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích công dân của chính quốc gia mình kể cả trong trường hợp quyền lợi của họ bị xâm hại hoặc không bị xâm hại (hiểu theo nghĩa rộng của bảo hộ công dân). Sẽ rất khó có thể yêu cầu một quốc gia dẫn độ một công dân của mình cho quốc gia khác xét xử bởi các thủ tục tố tụng của quốc gia đó. Bởi nếu một nhà nước không thể bảo vệ được công dân của mình (dù họ có hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của quốc gia khác), thì họ cũng không thể duy trì được niềm tin, sự bảo vệ và những nghĩa vụ mà công dân sẽ thực hiện với họ.

Bên cạnh việc không dẫn độ công dân nước mình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân, nguyên tắc này còn được lý giải bởi nguyên nhân là xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với dân cư (một trong những yếu tố cấu thành rất quan trọng của quốc gia). Xuất phát từ thuộc tính chính trị pháp lý mà chỉ quốc gia có

được trong quan hệ quốc tế, các quốc gia có quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ với lãnh thổ, dân cư. Cũng phải hiểu rằng hành vi vi phạm có thể không xâm hại trực tiếp đến lợi ích của chính quốc gia mà họ là công dân mà tiến hành ở quốc gia khác và hiện giờ công dân đó trở về nước để lẩn trốn khỏi sự trừng trị bởi pháp luật nơi mà họ tiến hành hành vi vi phạm điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi chủ quyền của quốc gia đối với dân cư, quan trọng nhất đó là quyền quản lý và tài phán. Bởi những nguyên nhân nói trên mà việc không dẫn độ công dân nước mình đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng được các quốc gia ủng hộ ghi nhận vào trong các điều ước quốc tế có nội dung hợp tác về dẫn độ tội phạm. Nội dung của nguyên tắc này là quốc gia được yêu cầu dẫn độ có quyền từ chối không thực hiện yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác, nếu cá nhân bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước mình (người mang quốc tịch của quốc gia được yêu cầu).[24] Nguyên tắc này cũng thường được các chủ thể thoả thuận trong những điều khoản đầu tiên:

Trong một điều ước quốc tế có tên “Bustamante Code” được thông qua tại hội nghị tại Havana – Cu Ba (20/02/1928) được ký kết giữa 21 quốc gia miền Nam,

miền Trung và Bắc Mỹ ghi nhận: “Các nước tham gia không có nghĩa vụ dẫn độ

công dân của chính họ”.

Hiệp ước về dẫn độ giữa Argentina và Tây Ban Nha năm 1881 quy định việc không mở rộng nghĩa vụ dẫn độ trong bất cứ trường hợp nào đối với công dân của hai nước (Điều 3); Hiệp ước với nội dung hợp tác dẫn độ giữa Argentina và Bỉ cũng ghi nhận nguyên tắc không dẫn độ công dân mang quốc tịch nước mình tại Điều 3 Hiệp ước này; Hiệp ước giữa Anh và Argentina về dẫn độ tội phạm năm 1889 quy định “Mỗi bên trong Hiệp ước có quyền từ chối hoặc chấp nhận yêu cầu dẫn độ đối

với các đối tượng là công dân nước mình”.

Tuy nhiên, để đảm bảo các hành vi phạm tội được trừng trị nghiêm minh cũng như thể hiện sự thiện chí của quốc gia trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, trong các điều ước quốc tế về hợp tác dẫn độ tội phạm, các quốc gia đã đưa ra những thoả thuận nhằm yêu cầu quốc gia trong những trường hợp không dẫn độ tội phạm phải tiến hành các biện pháp nhằm trừng trị hành vi phạm tội đó.

Ví dụ: Trong Hiệp ước về dẫn độ giữa chính phủ Argentina và chính phủ Tây Ban Nha (07/05/1881 - Điều 3), hai quốc gia đã thoả thuận sẽ không dẫn độ công dân nước mình tuy nhiên, các bên sẽ cam kết tiến hành khởi tố, truy tố cá nhân đó theo quy định của pháp luật quốc gia đó trên cơ sở yêu cầu của quốc gia yêu cầu dẫn độ. Những yêu cầu này thường được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, bên yêu cầu sẽ phải cung cấp các hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và các thông tin cần thiết khác về hành vi phạm tội để nhà chức trách của quốc gia nguyên đơn có đủ cơ sở để khởi tố, truy tố cá nhân này.

Điều 228 Hiệp ước Versailles (28/06/1919) quy định Chính phủ Đức sẽ tiến hành trao cho đồng minh những cá nhân bị cáo buộc đã tiến hành các hành vi phạm tội trong chiến tranh (theo tên gọi hoặc cấp bậc, văn phòng làm việc..). Tuy nhiên, cuối cùng chính phủ Đức đã từ chối dẫn độ công dân quốc gia mình mà tiến hành xét xử tại toà án tối cao Leipzig của Đức.

Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957 cũng đề ra nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 6 của Công ước cũng ghi nhận:

“Nếu bên được yêu cầu không tiến hành dẫn độ công dân nước mình thì theo yêu cầu của bên quốc gia yêu cầu dẫn độ phải đưa các cá nhân phạm tội đó ra trước cơ quan có thẩm quyền phù hợp với thủ tục tố tụng của quốc gia đó.”

Đối với những người không quốc tịch thì việc dẫn độ có thể được tiến hành trên cơ sở quyết định của quốc gia mà cá nhân không quốc tịch đó đang sinh sống và cư trú, thông thường các quốc gia sẽ ghi nhận việc có hay không dẫn độ cá nhân là người không quốc tịch trong các văn bản pháp luật quốc gia.Ví dụ: Luật Hình sự sửa đổi năm 1999 của Georgia quy định người không quốc tịch trên lãnh thổ của Georgia có thể bị dẫn độ sang quốc gia khác hoặc tới ICC để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành bản án theo cách thức và phạm vi của điều ước quốc tế mà Georgia là thành viên.

Điều 22 Luật tình trạng pháp lý của công dân nước ngoài và người không quốc tịch ở Moldova năm 1994 quy định: “Công dân nước ngoài và người không quốc tịch có thể bị dẫn độ trên cơ sở các công ước quốc tế hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại”.

Việc dẫn độ đối với các cá nhân là người có hai hay nhiều quốc tịch (nhóm người vì một số lý do, có cùng một lúc hay hai nhiều quốc tịch của các quốc gia khác nhau) cũng được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình. Người hai hay nhiều quốc tịch cũng sẽ được hưởng các quyền và nghĩa vụ, được hưởng sự bảo hộ của những quốc gia mà họ mang quốc tịch như đối với các công dân của quốc gia đó, vì vậy người ta thường coi việc mang hai hay nhiều quốc tịch là một thuận lợi nhiều hơn là những khó khăn, khi những cá nhân này được hưởng các quyền, các ưu đãi và sự bảo hộ của nhiều nhà nước khác nhau. Tuy nhiên cũng đặt ra một vấn đề đối với chính quốc gia mà người này mang quốc tịch trong trường hợp cá nhân này thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ quốc gia mà họ mang quốc tịch nhưng lại chạy trốn sang quốc gia cũng đồng thời có quốc tịch còn lại, trong trường hợp này, các quốc gia thường sử dụng các biện pháp ngoại giao thích hợp nhằm đảm bảo thực hiện việc xét xử đối với cá nhân trên.

Một trong những trường hợp gây khó khăn khác đó là trường hợp dẫn độ tội phạm là công dân của quốc gia thứ ba (công dân của một trong hai quốc gia thành viên có điều ước về dẫn độ mà thực hiện hành vi phạm tội tại quốc gia thứ ba, giờ đây xuất hiện trở lại ở một trong hai quốc gia này), và quốc gia thứ ba yêu cầu dẫn độ cá nhân đó. Đây được coi là vấn đề cần được giải quyết một cách hết sức tế nhị, nhằm đảo bảo mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa các quốc gia. Luật quốc tế ghi nhận thẩm quyền quyết định việc dẫn độ trong trường hợp này thuộc về quốc gia mà cá nhân đó đang hiện diện. Quốc gia đó trên cơ sở chủ quyền của mình hoàn toàn có thể tiến hành dẫn độ hoặc không dẫn độ cá nhân đó cho quốc gia thứ ba. Tuy nhiên, trong thực tiễn quan hệ các quốc gia, xuất phát từ sự tôn trọng và mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác, quốc gia được yêu cầu sẽ tỏ ra quan ngại trước yêu cầu của phía bên kia, vì phần nào nó cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia mà cá nhân phạm tội mang quốc tịch.

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế đã ghi nhận một số vụ việc mà quốc gia được yêu cầu tiến hành dẫn độ cá nhân phạm tội cho quốc gia thứ ba. Ví dụ như vụ việc năm 1919, Hoa Kỳ đã tiến hành dẫn độ công dân Đức cho Canada bị buộc tội có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Canada; Năm 1940, Hoa Kỳ cũng dẫn độ công

dân Đức cho Vương quốc Anh;[28] Gần đây nhất là vụ việc Ousama M.Naaman, công dân của Canada và Lebanon đã được Đức dẫn độ cho Hoa Kỳ năm 2010 vì hành vi hối lộ các quan chức Iraq để giành được hợp đồng dầu mỏ trong “Chương trình Lương thực” của Liên hợp quốc.[56]

Tuy nhiên, Luật quốc tế cũng thừa nhận ngoại lệ đối với nguyên tắc này, đó là trong trường hợp các cá nhân của một quốc gia phạm các tội ác quốc tế (tội phạm quốc tế) như: tội xâm lược, tội ác chiến tranh, tội phạm diệt chủng, tội chống lại loài người.. phải bị dẫn độ cho toà án quốc tế hoặc toà án quốc gia khác xét xử.[24] Cộng đồng quốc tế thừa nhận ngoại lệ này là do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại hình tội phạm quốc tế đối với sự ổn định và phát triển của nhân loại, thực tiễn đã chứng minh ngoại lệ này (những toà án adhoc được thành lập xét xử tội phạm chiến tranh sau chiến tranh thế giới II) phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế.

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 26 - 30)