Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 30 - 33)

Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị cũng là một nguyên tắc phổ biến trong hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm. Nguyên tắc này được hình thành cùng với nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình, được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và cả pháp luật quốc gia. Nội dung của nguyên tắc này là quốc gia được yêu cầu có thể từ chối yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác đối với các cá nhân mà quốc gia này cho rằng đã phạm các tội về chính trị (có lý do hoạt động và tư tưởng chính trị đối lập tại quốc gia yêu cầu).

Tuy nhiên, khái niệm “tội phạm chính trị” vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong thực tiễn quan hệ quốc tế khi bàn luận về “tính chính trị” của loại tội phạm này. Khái niệm tội phạm chính trị xuất hiện chủ yếu trong đời sống quốc tế từ thế kỷ 18, khái niệm này dùng để chỉ những người ủng hộ cho sự phát triển của dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tội phạm chính trị thực chất có mối liên hệ quan trọng với chế định “cư trú chính trị” trong Luật quốc tế. Chế định này đã xuất hiện từ thế kỷ 17, đánh dấu bởi sự ra đời của Hiến pháp 1793 của Pháp. Khi đó, quyền cư trú chính trị được nhắc đến trong mối quan hệ của nước Cộng hoà Pháp đối với các quốc gia khác “Nước

Pháp sẽ là nơi để cư trú cho những người đấu tranh vì sự nghiệp tự do của nhân loại và bị trục xuất khỏi quốc gia họ”. Những người này sẽ được cư trú tại Pháp và Pháp sẽ từ chối dẫn độ những người này cho các quốc gia khác.[62] Khái niệm cư trú chính trị trong Luật quốc tế được hiểu là việc một quốc gia cho phép những người nước ngoài đang bị truy nã do những hoạt động và quan điểm về chính trị, khoa học và tôn giáo được nhập cảnh và cư trú trên lãnh thổ quốc gia mình.

Việc xác định đối tượng hưởng quyền cư trú chính trị cũng chính là việc xác định những “tội phạm chính trị” được ghi nhận trong nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị. Theo đó, những cá nhân này phải là những người bị truy đuổi vì các lý do hoạt động và quan điểm chính trị tại quốc gia mình. Cộng đồng quốc tế ghi nhận một số hành vi không được phép hưởng quyền cư trú chính trị và theo phép loại trừ, những hành vi còn lại (điều này còn tuỳ thuộc vào quan điểm của quốc gia cho phép cư trú) được coi là cư trú chính trị phù hợp với Luật quốc tế. Các đối tượng không được hưởng quyền cư trú chính trị đó là: Những cá nhân là tội phạm quốc tế; Những cá nhân là tội phạm hình sự thực hiện các hành vi phạm tội có tính chất quốc tế; Những cá nhân là tội phạm hình sự mà việc dẫn độ được quy định trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương về dẫn độ; Những cá nhân thực hiện những hành vi trái với mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc.[19]

Để hiểu rõ hơn về tội phạm chính trị, khoa học pháp lý quốc tế đã có sự phân chia loại tội phạm này như sau:

Về Tội phạm chính trị tuyệt đối: bản chất chính trị tuyệt đối được nói đến là khi mục tiêu đấu tranh hướng tới là nhà nước, các tội phạm như phản quốc, gián điệp và âm mưu lật đổ được coi là “tuyệt đối” vì các cá nhân chỉ chống lại nhà nước mà không làm tổn tại cho lợi ích của cá nhân. “Hành vi phạm tội chính trị là những tổn thất về chính trị, nhằm chống lại hiếm pháp của Chính phủ và chống lại chủ quyền.. động cơ của người phạm tội là hướng tới các nhân vật chính trị”. Trong tác phẩm nghiên cứu của mình, Bà Van den Wijngaert (chuyên gia nghiên cứu luật hình sự quốc tế, thẩm phán Toà hình sự quốc tế) đã đưa ra nhận định có 2 yếu tố xác định tội phạm chính trị đó là: trước hết họ được quyền chiến đấu chống lại nhà nước, tổ chức chính trị mà không làm phương hại đến lợi ích cá nhân và thứ hai là

họ không được hưởng lợi như các loại tội phạm thông thường khác. Các tội phạm chính trị “cổ điển” được nói đến như tội phản quốc, âm mưu, gián điệp, làm việc cho kẻ thù và loại tội phạm chính trị dưới hình thức không đồng ý với hệ tư tưởng hiện hành. Đây là những hành vi tội phạm không gây ra bất cứ sự nghi ngờ nào về tính chất chính trị của tội phạm: hành vi kêu gọi trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc tại các cuộc biểu tình, mít tinh kích động thực hiện các hoạt động vũ trang chống chính trị..[55]

Ví dụ: Năm 1955, Kolczynski và bảy công dân Ba Lan (thành viên của một tàu đánh cá nhỏ) đã đưa ra các quan điểm về chính trị tại Ba Lan, họ đã phát hiện ra những cuộc nói chuyện và quan điểm chính trị của họ đã bị một nhân viên chính trị nghe lỏm và ghi lại, lo ngại rằng sẽ bị truy tố hoặc trừng phạt, những người này đã tổ chức cuộc nổi dậy chống lại chế độ của Ba Lan, sau đó những người này xin tị nạn tại nước Anh. Nếu bị dẫn độ về Ba Lan thì họ có thể bị trừng trị về tội phản quốc. Chính phủ Anh đã chấp nhận Kolczynski và 7 người khác như là những tội phạm chính trị và từ chối dẫn độ họ cho Ba Lan.

Về Tội phạm chính trị tương đối: Theo Van den Wijngaert: “…Nếu một cá nhân bị buộc tội đã giết chết một nhà độc tài với hy vọng thay đổi chính phủ của đất nước thì hành động đó sẽ được biện minh là có ý nghĩa chính trị”. Những hành vi này thực chất là các hành vi vi phạm tội ác có tính chất hình sự chung nhưng được thực hiện với động cơ, lý do chính trị: Sát hại các chính khách của đảng phái đối lập, đốt phá các kho vũ khí, các khu vực dân cư nhằm mục đích kích động bạo loạn.. Các loại hình của tội phạm này thường gây ra tranh cãi đối với “tính chính trị” của nó.

Trong các nghiên cứu của các học giả về Luật hình sự quốc tế cũng đã đưa ra các yếu tố khác nhau để xác định một hành vi được coi là phạm tội chính trị:

Thứ nhất: Động cơ của người phạm tội là mong muốn phản đối, chống lại

nhà nước;

Thứ hai: Những hành động của người phạm tội không hướng tới lợi ích cá

Thứ ba: Hành vi phạm tội không thuộc một trong các trường hợp của tội

phạm quốc tế;

Thứ tư: Hành vi phạm tội xảy ra trong bối cảnh của sự xáo trộn, mất ổn định

về mặt chính trị;

Thứ năm: Người vi phạm có thể sẽ bị xét xử bởi một phiên toà bất công hoặc

phân biệt đối xử.

Những yếu tố trên được các học giả tổng hợp và đưa ra nhằm giúp các quốc gia nhận biết được “tính chính trị” trong hành vi phạm tội đã xảy ra. Theo quy định chung, việc xác định “tính chính trị” của tội phạm chính trị được giải quyết trong quan điểm, chính sách, đường lối và sự nhìn nhận của quốc gia nơi cá nhân được yêu cầu dẫn độ đang lẩn trốn. Các quốc gia có thể cho phép một cá nhân thực hiện các hoạt động chính trị công khai, vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của cộng đồng quốc tế, lên tiếng phản đối chính sách sai lệch của quốc gia... được phép cư trú trên lãnh thổ của quốc gia mình, hoặc trong các cơ quan đại diện ngoại giao tại chính quốc gia mà họ đang bị truy bắt (dù là lãnh thổ của quốc gia sở tại thì các cơ quan đại diện ngoại giao cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm về trụ sở theo quy định của luật quốc tế). Quốc gia này sẽ không tiến hành dẫn độ các tội phạm chính trị đang cư trú trên lãnh thổ quốc gia họ, hoặc không giao nộp cá nhân đó cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu.

Thực tiễn Luật quốc tế đã thừa nhận ngoại lệ của nguyên tắc “không dẫn độ tội phạm chính trị”. Theo đó, nếu cá nhân thực hiện các hành vi giết hại nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo cao cấp khác của quốc gia thì không được coi là tội phạm chính trị và sẽ bị dẫn độ sau khi tiến hành hành vi vi phạm. Ngoại lệ này ra đời nhằm đảm bảo cho việc cá nhân tiến hành các hành vi chống lại sự hoà bình và ổn định của quốc gia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành động của mình (Khoản 3, Điều 3 Công ước Châu Âu về dẫn độ năm 1957). [57]

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)