Hiệp ước dẫn độ giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha năm

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 62 - 64)

Trung Quốc là một quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Cùng với sự phát triển này là những diễn biến phức tạp của tình trạng tội phạm trong các lĩnh vực đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là các loại tội phạm kinh tế nguy hiểm cho sự phát triển của đất nước. Từ năm 1993 đến 2005, hơn 230 nghi phạm hình sự của Trung Quốc đã được chuyển giao về cho phía Trung Quốc từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác dưới sự trợ giúp của INTERPOL, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là con số nhỏ so với những kẻ phạm tội đang lẩn trốn ở nước ngoài.[40] Để có thể khắc phục được tình trạng này, phía Trung Quốc mau chóng thực hiện việc ký kết các điều ước quốc tế với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động hợp tác về dẫn độ tội phạm giữa quốc gia này với các quốc gia khác. Một trong những điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm được kể đến là Hiệp ước dẫn độ tội phạm được ký kết giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha (29/04/2006). Đây được coi như Hiệp ước đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Trung Quốc trong việc trừng trị các quan chức tham nhũng đã chạy trốn ra nước ngoài, chủ yếu là ở các nước đang phát triển của Châu Âu và Bắc Mỹ.

Hiệp ước đã giải quyết được vấn đề liên quan đến hình phạt tử hình. Pháp luật Hình sự của Trung Quốc vẫn áp dụng hình phạt tử hình, đặc biệt là đối với loại tội phạm kinh tế nghiêm trọng, điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình hợp tác về dẫn độ tội phạm với các quốc gia trong Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ, khi các quốc gia này đã không còn sự dụng hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật Hình sự của mình. Điều đó có nghĩa rằng một yêu cầu dẫn độ sẽ bị từ chối nếu các quốc gia này biết rằng hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với cá nhân bị dẫn độ. Trong khi Hiến pháp Tây Ban Nha Năm 1978, sửa đổi năm 1992 tại Điều 15, Phần

I đưa ra quy định bãi bỏ án tử hình (ngoại trừ theo quy định hình sự liên quan đến lĩnh vực quân sự trong thời kỳ chiến tranh).

Tây Ban Nha và Trung Quốc đã tiến hành ký kết điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm vào tháng 9/2004 và tháng 14/11/2005, trong chuyến thăm của mình, chủ tịch Trung Quốc – Hồ Cẩm Đào đã cùng với phía Tây Ban Nha ký các thoả thuận có liên quan đến Hiệp ước dẫn độ. Hiệp ước dẫn độ giữa Vương Quốc Tây Ban Nha và Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2006.

Nội dung của Hiệp ước gồm 21 điều khoản, với các quy định liên quan đến: Nghĩa vụ dẫn độ (Điều 1); Đối tượng dẫn độ (Điều 2); Các căn cứ từ chối dẫn độ (Điều 3, Điều 4), trong các căn cứ từ chối dẫn độ, hai bên đã thống nhất rằng những tội phạm liên quan đến hành vi khủng bố hoặc các hành vi có liên quan sẽ không được coi là tội phạm chính trị để từ chối dẫn độ (Điểm a, Điều 3)…; Các quy định của một yêu cầu dẫn độ cũng như các tài liệu cần thiết (Điều 7), với các nội dung: tên của cơ quan có thẩm quyền, tên, ngày sinh, tuổi, giới tính, quốc tịch, địa chỉ của cá nhân được yêu cầu, bản mô tả hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi phạm tội, hình phạt được áp dụng đối với các nhân đó, các văn bản pháp luật có liên quan; Quy định về tạm thời bắt giữ (Điều 9), trong đó cả hai bên đều chấp thuận thẩm quyền của INTERPOL trong việc sử dụng các thông tin của tổ chức này.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha trong hiệp ước này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong các điều ước quốc tế khác mà họ là thành viên (Điều 19). Những tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp ước sẽ được giải quyết thông qua ngoại giao và tham vấn bởi các bên liên quan (Điều 20).

Trung Quốc cũng là một quốc gia có sự phát triển nhanh chóng và rất mạnh mẽ trong khu vực châu Á nói riêng và quốc tế nói chung, tỷ lệ tội phạm ở nước này cũng tăng lên nhanh chóng cùng với tốc độ phát triển, đặc biệt là các tội phạm liên quan đến kinh tế, thương mại. Thành công của Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha không những khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà còn thể hiện sự hợp tác đang tăng lên không ngừng giữa các quốc gia châu Á với châu Âu trong lĩnh vực hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)