Luật dẫn độ năm 1953 của Nhật Bản

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 67 - 69)

Luật dẫn độ của Nhật Bản được ban hành năm 1953 (sửa đổi bằng Luật số 163 năm 1954, Luật số 86 năm 1964, Luật số 70 năm 1978). Luật dẫn độ của Nhật Bản gồm 34 điều với các vấn đề liên quan đến phạm vi dẫn độ, thủ tục dẫn độ, giam giữ cá nhân bị yêu cầu dẫn độ… Trong đó có một số nội dung cơ bản sau:

Về các trường hợp từ chối dẫn độ: Theo Luật dẫn độ của Nhật Bản, yêu cầu

dẫn độ sẽ bị từ chối nếu thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 2 Luật dẫn độ của Nhật Bản năm 1953: Khi hành vi phạm tội bị yêu cầu dẫn độ là hành vi phạm tội chính trị; Khi yêu cầu dẫn độ được xem như đã được lập với quan điểm để gây phiền hà hoặc để trừng phạt cá nhân bị yêu cầu dẫn độ về một hành vi phạm tội chính trị mà người này đã phạm phải; Khi hành vi bị yêu cầu dẫn độ không bị trừng phạt bằng án tử hình, hoặc tù chung thân hoặc án tù với khung hình phạt cao nhất từ 3 năm hoặc trên 3 năm theo quy định của luật, điều lệ hoặc pháp lệnh của quốc gia yêu cầu; Khi hành vi cấu thành tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, theo luật, điều lệ hoặc pháp lệnh của Nhật Bản, sẽ không bị trừng phạt bằng án tử hình hoặc tù chung thân kèm hoặc không kèm cưỡng bức lao động hoặc án tù với khung hình phạt cao nhất từ ba năm hoặc trên ba năm nếu hành vi này đã được thực hiện tại Nhật Bản; Khi

hành vi phạm tội được thực hiện tại Nhật Bản hoặc một toà án của Nhật Bản đã tiến hành xét xử hành vi này; Khi cá nhân bị yêu cầu dẫn độ là công dân Nhật Bản..

Về thủ tục dẫn độ: Yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Nhật Bản phải

được lập thành văn bản và gửi qua con đường ngoại giao. Bộ ngoại giao Nhật Bản sẽ là cơ quan tiến hành tiếp nhận yêu cầu dẫn độ từ nước ngoài. Một yêu cầu dẫn độ phải đảm bảo những nội dung sau: Họ tên của cá nhân bị yêu cầu dẫn độ; Bản miêu tả hành vi phạm tội được yêu cầu dẫn độ; Hành vi phạm tội và luật áp dụng; Các tài liệu khác có liên quan; Bản dịch sang tiếng Nhật toàn bộ yêu cầu.

Sau khi tiếp nhận văn bản này, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ lập văn bản yêu cầu hoặc giấy chứng nhận trong đó xác nhận yêu cầu dẫn độ đã được lập và chuyển cho Bộ Tư pháp kèm theo các tài liệu có liên quan. Trong trường hợp hình thức của yêu cầu bị dẫn độ không phù hợp với quy định của hiệp định (nếu yêu cầu dẫn độ được lập theo hiệp định dẫn độ) hoặc quốc gia yêu cầu dẫn độ không cam kết sẽ thực hiện yêu cầu tương tự của Nhật Bản (trong trường hợp yêu cầu dẫn độ không được lập theo hiệp định về dẫn độ), thì văn bản trên sẽ không được chấp nhận và gửi đi (Điều 3).

Sau khi nhận được yêu cầu và những tài liệu có liên quan, Bộ trưởng Tư pháp sẽ chuyển những tài liệu liên quan tới Công tố viên giám sát của Văn phòng Công tố cấp cao Tokyo và ra lệnh cho công tố viên này liên hệ với Toà án tối cao Tokyo để kiểm tra xem liệu cá nhân trong yêu cầu dẫn độ có thể bị dẫn độ hay không. Trừ trường hợp: Nếu tính chất vụ việc chưa rõ ràng để có thể dẫn độ; Nếu cá nhân đó đã bị toà án Nhật Bản xét xử hoặc cá nhân bị dẫn độ là công dân Nhật Bản (Hiệp định dẫn độ giữa Nhật Bản với quốc gia yêu cầu dẫn độ cho phép Nhật Bản có thể quyết định có hay không giao nộp cá nhân trong 2 trường hợp trên); Nếu hiệp định về dẫn độ giữa Nhật Bản và quốc gia yêu cầu quy định cho Nhật Bản có quyền quyết định việc giao nộp hay không giao nộp cá nhân, mà yêu cầu dẫn độ này lại thuộc một trong các trường hợp không được dẫn độ; Trường hợp yêu cầu dẫn độ không phù hợp với hiệp định về dẫn độ giữa Nhật Bản với quốc gia yêu cầu.

Sau khi nhận được lệnh của Bộ trưởng Tư pháp, công tố viên Văn phòng Công tố cấp cao Tokyo sẽ gửi đề nghị kiểm tra bằng văn bản tới Toà án tối cao

Tokyo (một bản dành cho cá nhân bị yêu cầu dẫn độ) nhằm mục đích kiểm tra tính xác đáng của việc cá nhân bị yêu cầu dẫn độ có thể bị giao nộp hay không. Đề nghị kiểm tra này sẽ được lập trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm công tố viên Văn phòng Công tố cấp cao Tokyo tạm giữ cá nhân bị yêu cầu dẫn độ (có lệnh bắt giữ) (Điều 8). Toà án Tokyo tiến hành các bước kiểm tra và ra quyết định về dẫn độ, Quyết định gồm có: Nếu đề nghị kiểm tra lập sai với quy định của pháp luật thì ra quyết định huỷ đề nghị; Nếu cá nhân bị yêu cầu dẫn độ không thể bị giao nộp thì ra quyết định về tình hình này; Nếu cá nhân bị yêu cầu dẫn độ có thể bị giao nộp thì ra quyết định về tình hình đó.

Quyết định này phải được đưa ra chậm nhất là trong vòng 2 tháng kể từ ngày cá nhân bị yêu cầu dẫn độ bị tạm giữ. Quyết định của Toà án tối cao Tokyo sẽ có hiệu lực khi công tố viên giám sát Văn phòng Công tố cấp cao Tokyo được thông báo về nội dung của quyết định. Sau khi nhận được bản sao có chứng thực quyết định do Toà án tối cao gửi, công tố viên này sẽ đệ trình quyết định, ý kiến cá nhân của mình cùng các tài liệu có liên quan lên Bộ trưởng Tư pháp để chuẩn bị ra quyết định dẫn độ.

Bộ trưởng Tư pháp sau khi xem xét các tài liệu có liên quan cùng với quyết định của Toà án tối cao Tokyo, nếu quyết định dẫn độ sẽ ra lệnh cho Công tố viên giám sát Văn phòng công tố cấp cao Tokyo giao nộp cá nhân bị yêu cầu dẫn độ, đồng thời thông báo cho cá nhân bị dẫn độ biết. Trường hợp quyết định không dẫn độ, Bộ trưởng Tư pháp sẽ thông báo cho Công tố viên giám sát Văn phòng Công tố cấp cao Tokyo và cá nhân bị yêu cầu dẫn độ biết, đồng thời ra lệnh cho công tố viên giám sát Văn phòng Công tố cấp cao Tokyo thả cá nhân bị yêu cầu dẫn độ (Điều 14).

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 67 - 69)