Nội dung giáo dục chủ yếu

Một phần của tài liệu Thực hiện và phát huy chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình hiện nay (Trang 30 - 33)

Phần lớn trẻ em là đối tượng được quan tâm trong các gia đình. Trước kia cũng như ngày nay, giáo dục gia đình không có một chương trình, kế hoạch nhất định được soạn thảo như giáo dục ở nhà trường và xã hội nói chung nhưng nó lại có nội dung hết sức phong phú gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Dưới đây là một số nội dung chủ yếu:

Một là: Giáo dục hành vi đạo đức

Đạo đức là phạm trù được nghiên cứu từ rất lâu. Nó không xa lạ với cuộc sống con người nhưng cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất. Theo chúng tôi, đạo đức là những quy định, những chuẩn mực ứng xử trong quan hệ của con người với nhau cũng như với tự nhiên và xã hội. Nó là thành phần cơ bản của nhân cách, phản ánh bộ mặt cá nhân của mỗi con người. Để đánh giá một con người có đạo đức hay không, người ta thường căn cứ vào hành vi của người đó. Hành vi đạo đức thường được biểu hiện qua cách đối nhân xử thế, lời ăn tiếng nói, nếp sống…

Với truyền thống đạo đức của dân tộc, các bậc cha mẹ thường xuyên giáo dục trẻ em biết giữ gìn những giá trị đạo đức bền vững, mang cốt cách dân tộc, gia đình như là một động lực tinh thần giúp con phấn đấu vươn lên. Đó là lòng yêu nước thương người, nhân nghĩa, trọng đạo lý, trọng nghĩa tình, tinh thần anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động. Không chỉ có thế, họ còn dạy cho con em mình truyền thống tốt đẹp của gia đình, những nề nếp gia phong thể hiện ở lòng kính trọng, sự hiếu thảo, sự chăm sóc ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi. Đạo làm con phải hiểu được công lao trời biển của cha mẹ:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ, kính cha

Ngoài ra, giáo dục gia đình còn giúp con trẻ biết đoàn kết, thương yêu, nhường nhịn, sẻ chia, giúp đỡ anh chị em:

“Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc, giở hay đỡ đần”

Mặt khác, dù sống trong xã hội nào, con người cũng phải có lòng nhân ái, yêu thương, đồng cảm với người khác. Vì vậy, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục phẩm chất đạo đức đó cho con cái nhằm giúp các em sớm hình thành và phát triển những yếu tố nhân cách của người công dân vị tha, biết dung hòa quyền lợi cá nhân với lợi ích tập thể.

Ngoài ra, trẻ em còn cần được giáo dục nhiều phẩm chất đạo đức khác như tính trung thực, thật thà, khiêm tốn, dũng cảm… Gia đình với tư cách là trường học đầu tiên của con trẻ cần phối hợp với giáo dục nhà trường và xã hội để từng bước hình thành và hoàn thiện nhân cách tốt cho trẻ thơ.

Hai là: Giáo dục tri thức căn bản

Gia đình là thiết chế giáo dục cơ sở, trung tâm đào tạo đầu tiên giúp đứa trẻ tập từng bước đi vào cuộc sống. Gia đình chuẩn bị cho trẻ có thể phát triển đầy đủ tiềm lực của nó và đóng vai trò hữu ích trong xã hội khi đến tuổi trưởng thành.

Cuộc tập sự bắt đầu từ khi đứa bé mới sinh ra. Từ lúc đó đến 6 tháng tuổi là giai đoạn mấu chốt để hình thành sự thông minh, nhân cách và cách ứng xử xã hội của trẻ em. Gia đình sẽ cung cấp cho trẻ những hiểu biết từ những điều đơn giản nhất như cách xưng hô, cách chào hỏi, cách ăn, cách nói… đến những kinh nghiệm trong lao động sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn các công việc nhà… và kể cả ý thức tôn trọng bản thân mình. Những tri thức căn bản mà các em học được từ giáo dục gia đình sẽ là hành trang mà mỗi con người mang theo trong suốt cuộc đời, tạo điều kiện thuận lợi cho một tương lai tươi sáng.

Ba là: Giáo dục thái độ, kỹ năng lao động

Lao động là tiêu chí quan trọng để đánh giá đạo đức, tài năng của con người trong bất cứ xã hội nào. Vì vậy, giáo dục thái độ, kỹ năng, thói quen lao động đối với con người là hết sức cần thiết phải bắt đầu từ thuở ấu thơ, góp phần hình thành nhân cách gốc cho con trẻ, giúp các em biết tôn trọng mọi loại lao động chân tay cũng như trí óc vì nó tạo ra sản phẩm vật chất hoặc tinh thần cần thiết phục vụ nhu cầu đời sống con người, đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông từng nói :

“Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Trên cơ sở đó, gia đình cần giáo dục cho trẻ em biết tôn trọng, quý mến mọi người lao động bởi lẽ bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần thiết cho xã hội và có thái độ lao động tự giác từ giản đơn đến phức tạp tùy theo các độ tuổi khác nhau.

Mặt khác, giáo dục thái độ, kỹ năng, thói quen lao động cần kèm theo ý thức trách nhiệm quý trọng những sản phẩm của lao động. Trong gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm giáo dục theo đặc điểm giới tính của các con. Ví dụ: con gái dạy học “nữ công gia chánh” như thêu thùa, nội trợ… Tuy nhiên, lao động chủ yếu của các em là lao động học tập vì nó cần thiết cho tương lai và nó sẽ theo con người đến suốt cuộc đời.

Bốn là: Giáo dục thể chất và thẩm mỹ

Như chúng ta đã biết, mỗi con người có được khỏe mạnh, trường thọ hay không là kết quả của một quá trình chăm sóc sức khỏe từ thời thơ ấu cho đến khi về già, trong đó, sự phát triển thể chất ở lứa tuổi thanh thiếu niên có ý nghĩa hết sức đặc biệt vì đó là lứa tuổi phát triển mạnh mẽ nhất tất cả các cơ quan của cơ thể.

Giáo dục thể chất cho trẻ ở trong gia đình trước hết phải quan tâm đến chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, tổ chức vui chơi, giải trí… Đối với

nhiều gia đình nông dân, do điều kiện kinh tế chưa khá giả nên phần lớn, cha mẹ thường chỉ lo cho con ăn uống đầy đủ đã là một điều đáng ghi nhận, còn việc tổ chức vui chơi thì các em thường tham gia khi hoạt động ngoài xã hội như ở trường, ở lớp, ở thôn làng…

Giáo dục thẩm mỹ để trẻ biết yêu cái đẹp. Xã hội càng văn minh, hiện đại thì con người nói chung càng hướng tới cái đẹp, có nhu cầu về hưởng thụ cái đẹp nhiều hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn. Ngày nay, xu hướng quốc tế hóa đã và đang mở ra khả năng giao lưu về văn hóa giữa các quốc gia. Gia đình phải có những định hướng nhất định cho con cái mình trong việc đón nhận nhận giá trị văn hóa mới sao cho phù hợp, đồng thời dạy các em biết trân trọng những giá trị của văn hóa truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cha ông để lại.

Một phần của tài liệu Thực hiện và phát huy chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình hiện nay (Trang 30 - 33)