Nguyên tắc thực hiện giáo dục gia đình đối với trẻ em

Một phần của tài liệu Thực hiện và phát huy chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình hiện nay (Trang 26 - 30)

Thứ nhất: Nguyên tắc tôn trọng nhân cách của trẻ.

Trước kia, đặc biệt là trong các chế độ xã hội phong kiến, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nghĩa là cha mẹ có toàn quyền đối với con cái. Trẻ em bị tước bỏ những quyền lợi chính đáng. Quyền trẻ em đã được tổ chức Liên Hiệp Quốc khẳng định trong công ước về quyền trẻ em gồm 54 điều. Đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền con người của trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người.

Trên thực tế, chúng ta cần chống lại những hành vi giáo dục của cha mẹ theo kiểu cưỡng bức, áp đặt, mắng mỏ, đánh đập con cái. Điều này thủ tiêu biết bao nhiêu nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của con trẻ. Nhân cách đang bước đầu được hình thành của con rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, các bậc làm

cha, làm mẹ phải hết sức lưu ý, tránh gây ra những tình huống đáng tiếc trên bước đường dẫn dắt, giáo dục đứa con thân yêu của mình.

Thứ hai: Nguyên tắc nghiêm khắc, khoan dung, độ lượng

Bố mẹ muốn thực hiện được nguyên tắc này thì trước hết, họ phải nghiêm khắc với chính bản thân mình thể hiện ở sự mẫu mực trong lời ăn tiếng nói và quan trọng hơn hết là những gì họ làm. Phụ huynh của các em phải là người công dân gương mẫu của xã hội, người chủ thực sự đáng kính của gia đình, người bạn tin cậy của con cái… Với tất cả những điều đó, cha mẹ có thể đặt ra những yêu cầu cao đối với con cái, nghiêm khắc giúp con trưởng thành. A. C. Makarenkô đi đến kết luận rằng sự nghiêm khắc, ngay thẳng, ý thức bổn phận và phẩm giá con người của bố mẹ là những đức tính cần thiết để giáo dục con.

Mặt khác, khi đề cập đến nguyên tắc nghiêm khắc khi giáo dục con trong gia đình, các cụ xưa có câu:

“Yêu cho roi, cho vọt Ghét cho ngọt, cho bùi”

Nói như vậy không có nghĩa là lạm dụng roi vọt mà cha mẹ chỉ dùng phương pháp này khi nào thực sự cần thiết, tránh tình trạng đánh đập con một cách thô bạo, ảnh hưởng không tốt đến tình cảm, ý thức, nhân cách của con. Nghiêm khắc là cần thiết nhưng nếu nghiêm khắc đến mức cực đoan có thể sẽ gây ra hậu quả. Trên thực tế, ở nước ta cũng đã xảy ra những tình trạng đáng tiếc do cha mẹ áp dụng bạo lực khi nuôi dạy con.

Nghiêm khắc cần phải kết hợp với khoan dung, độ lượng, không định kiến, không cố chấp, không áp đặt… khi con cái đã ý thức được sai lầm. Khoan dung, độ lượng thường xuất phát từ cội nguồn tình thương yêu vô bờ mà cha mẹ dành cho đứa con máu mủ mình đã sinh ra. Khoan dung, độ lượng giúp các bậc cha mẹ kìm nén được sự nóng giận, tự chủ trước những tình

huống gia đình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần thấy rằng nó không hoàn toàn đồng nhất với thái độ quá dễ dãi, chiều chuộng thái quá.

Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc quy định: “Nhà nước phải tôn trọng các quyền, các trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình mở rộng, để hướng dẫn trẻ em một cách phù hợp với sự phát triển năng lực của các em” - Điều 5, “Cha mẹ có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dạy con cái và Nhà nước phải giúp họ thực hiện trách nhiệm ấy. Nhà nước phải giúp đỡ một cách thích hợp cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái” - Điều 18

Thứ ba: Nguyên tắc yêu thương

Trẻ em là một sinh thể non nớt, lúc chưa chào đời con cộng sinh với mẹ, hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Người mẹ với dòng sữa ngọt ngào, với ánh mắt dịu dàng, nụ cười hiền hậu, lời ru chan chứa yêu thương… Tất cả những điều ấy góp phần đặt nền móng cho nhân cách cũng như năng khiếu của trẻ sau này. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Lời ru của mẹ đã đi vào tiềm thức của không ít người. Nó cất lên sự ngọt ngào, êm ái đúng như lời của một bài hát: lời ru yêu thương của mẹ có dòng sông biếc xanh, có đàn cò trắng bay, đung đưa lũy tre làng, mênh mang biển lúa vàng, lung linh cả trời sao. Lời ru từ cành nôi, theo con suốt cuộc đời, ngọt ngào khi xuân tới, xua tan lạnh giá mùa đông…

Tuy nhiên, để trẻ có được sự phát triển hài hòa thì các em con cần sự dìu dắt, chỉ bảo của người cha. Mẹ cha giúp con hình thành nhân cách và những giá trị văn hóa tinh thần của gia đình. Tình thương yêu của cha mẹ được thể hiện qua những cử chỉ, ánh mắt, lời nói, lời dạy… có sức thu hút mạnh mẽ đối với con cái. Mọi hành động, việc làm đều phải xuất phát từ tình thương yêu thì việc giáo dục con của cha mẹ mới đem lại kết quả tốt. Tình

yêu, hạnh phúc của cha mẹ vừa là phương thức giáo dục vừa là nội dung đạo lý cho con trẻ.

Thứ tư: Nguyên tắc quyền uy của cha mẹ trong giáo dục gia đình.

Quyền uy được hiểu là quyền lực và uy tín của cha mẹ với con cái. Quyền uy của bố mẹ có vai trò rất to lớn đối với vấn đề giáo dục con cái trong gia đình, giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách. Bởi thế mà có những bậc cha mẹ khi sai bảo con khiến chúng thực hiện một cách nghiêm túc, nhưng cũng có không ít trường hợp hoàn toàn ngược lại. Điều này cũng phản ánh một phần quyền uy của bố mẹ ảnh hưởng đến con cái họ. Vậy, cha mẹ phải làm gì để có uyền uy trong gia đình, đặc biệt là trong việc giáo dục con cái ?

Để trả lời cho câu hỏi trên quả là không dễ dàng. Một trong những cơ sở để xây dựng quyền uy của những người làm bố, làm mẹ có thể nằm ngay trong cuộc sống lao động, trong các hành vi đạo đức đối nhân xử thế, trong việc thực hiện nghĩa vụ của người công dân chân chính của xã hội… Nếu cha mẹ hoàn thành các trách nhiệm nêu trên một cách trung thực, nhiệt tình với những cử chỉ, hành vi cao đẹp, lương thiện… sống có nhân cách thì đó sẽ không những là một tấm gương tốt cho con cái noi theo, mà điều đó còn tạo ra uy quyền cho cha mẹ.

Nhà giáo dục xuất sắc A. C. Makarenkô - một trong những người đã dày công trong nghiên cứu về giáo dục gia đình, cho rằng có mười loại uy quyền giả tạo, ví dụ như quyền uy xây dựng trên sự mua chuộc, quyền uy xây dựng trên sự cách biệt, dựa trên sự nói lý… Để tránh tạo quyền uy giả, cha mẹ cần xác định quyền uy trong giáo dục con cái ở môi trường gia đình là một phương tiện quan trọng, thường xuyên xuất hiện trong suốt quá trình. Quyền uy thực sự của cha mẹ có sức mạnh to lớn, có ý nghĩa tích cực giúp con hình thành nhân cách, bản chất tốt đẹp.

Một phần của tài liệu Thực hiện và phát huy chức năng giáo dục trẻ em của gia đình nông dân ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình hiện nay (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)