Dân gian ta có câu: “Tiền tài là huyết mạch”. Đúng vậy, mọi vấn đề nếu không có tiền thì khó có thể giải quyết được. Nên kinh nghiệm quản lý tài chính ở các DN Việt Nam, thường coi là mọi hoạt động quản lý tài chính của doanh nghiệp gần giống như là quản lý tài chính người chủ gia đình, mà đặc thù truyền thống gia đình người Việt thường gia trưởng, độc quyền, nên hiệu quả quản lý tài chính có phần nào bị hạn chế.
Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, tại Việt Nam có rất nhiều công ty được thành lập có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên một số doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài còn lại là đại đa số doanh nghiệp đều chưa quan niệm đúng về quản lý tài chính, chưa tách bạch chức năng, nhiệm vụ bộ phận quản trị tài chính và chức danh giám đốc tài chính, bộ phận quản trị tài chính và bộ phận kế toán thống kê.
Trong nhiều doanh nghiệp, chức năng, nhiệm vụ của giám đốc tài chính và bộ phận quản trị tài chính đã mặc nhiên giao cho một phó giám đốc và kế toán trưởng làm thay. Thế nhưng, theo Điều lệ kế toán trưởng trong các DN quốc doanh còn đang có hiệu lực, kế toán trưởng lại không có chức năng, nhiệm vụ của giám đốc tài chính. Thậm chí, trong Luật kế toán cũng vậy. Do đó, có khá nhiều việc kế toán trưởng làm cũng không được mà không làm cũng không xong.
Sự “làm thay tự nguyện” này chính là một trong những nguyên nhân tạo ra một “khoảng trống về quản trị tài chính” trong các DN Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân cơ bản là sự nhầm lẫn chức năng giữa bộ phận kế toán và bộ phận tài chính doanh nghiệp, không chỉ có trong nhận thức của các chủ doanh nghiệp mà ngay cả trong tư duy của không ít nhà làm luật. Chẳng hạn, cho đến nay, trong hệ thống văn bản pháp quy về kế toán chưa có một văn bản nào quy định về giám đốc tài chính.
Trong một số công ty liên doanh, khi tồn tại song song hai chức danh giám đốc tài chính và kế toán trưởng, nếu giám đốc tài chính là người nước ngoài, kế toán trưởng là người Việt Nam thì thông thường kế toán trưởng chỉ tồn tại trên hình thức. Như vậy, có thể nói để có thể phát triển, tình hình tài chính ổn định thì các doanh nghiệp cần:
- Phân định rõ ràng chức năng của giám đốc tài chính và kế toán trưởng như là một bộ phận quản trị tài chính và bộ phận kế toán trong doanh nghiệp.
- Tổ chức bộ phận quản lý tài chính doanh nghiệp do giám đốc tài chính đứng đầu theo một cơ cấu thống nhất giữa các doanh nghiệp
- Có sự phối hợp chặt chẽ hơn mối quan hệ mật thiết giữa bộ phận quản trị tài chính doanh nghiệp với các phòng ban chức năng khác, đặc biệt là tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa bộ phận quản lý tài chính, giám đốc tài chính với giám đốc, tổng giám đốc hay hội đồng quản trị của doanh nghiệp.
Đó là những việc làm cấp thiết giúp cho các DN Việt Nam phát triển nhanh hơn, tăng thêm khả năng hội nhập kinh tế thế giới. Một doanh nghiệp phát triển và thành công trong kinh doanh bao giờ cũng phải đi kèm với tình hình tài chính vững mạnh và hiệu quả.