Việt Nam có điều kiện tự nhiên, tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Bắc Bán Cầu, thuộc khu vực phát triển kinh tế năng động của thế giới: Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam có vị trí thuận lợi trong giao lưu và hội nhập quốc tế, khu vực.
Việt Nam hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hóa đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời, phong phú về di sản văn hóa, các làng nghề và các lễ hội truyền thống gắn với các nhóm dân tộc của cả nước. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới (đến năm 2010 Việt Nam có 11 di sản được công nhận), cùng với nhiều nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn có giá trị. Chính vì vậy, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển hoạt động du lịch.
Ngay từ những lễ hội truyền thống có từ bao đời nay của nhân dân ta như Hội đền Hùng, Hội Gióng… gắn với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc đã góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương, cho đến sự xuất hiện của những khu biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo… xây dựng từ thời kì Pháp thuộc đã chứng tỏ hoạt động du lịch của nước ta đã ra đời, hình thành và phát triển từ rất sớm.
Tuy nhiên từ thập niên 60 của thế kỉ XX, ngành du lịch mới trở thành một ngành kinh tế độc lập, từ đó có những bước phát triển nhanh chóng. Sau hơn 20
32
năm tiến hành đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, du lịch đã khẳng định vị thế là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định với tốc độ trung bình ở mức tương đối cao (khoảng 20%/năm), thị phần du lịch của Việt Nam trong khu vực đã tăng từ 5% (năm 1995) lên trên 8% (năm 2005), thu nhập từ ngành du lịch tăng lên nhiều lần. Đây là một thành công lớn góp phần giúp du lịch trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn vào GDP.
Giai đoạn 1990- 2000 có thể khẳng định là giai đoạn bức phá trong tăng trưởng khách và thu nhập. Khách quốc tế tăng trên 9 lần, từ 250.000 lượt (năm 1990) lên 2,05 triệu lượt (năm 2000); Khách nội địa tăng 11 lần, từ 1 triệu lượt lên 11 triệu lượt; thu nhập du lịch tăng gần 13 lần từ 1.350 tỉ đồng lên 17.400 tỉ đồng. [19]
Giai đoạn 2001-2005, tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như chiến tranh, khủng bố, dịch SARS và cúm gia cầm nhưng do áp dụng các biện pháp táo bạo tháo gỡ kịp thời nên lượng khách và thu nhập du lịch hàng năm vẫn tiếp tục tăng trưởng 2 con số. Khách quốc tế tăng từ 2,33 triệu lượt lên gần 3,47 triệu lượt; khách nội địa tăng từ 11,7 triệu lượt lên 16,1 triệu lượt; người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài năm 2005 ước khoảng 900.000 lượt. Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỉ trọng GDP của ngành dịch vụ (riêng GDP du lịch hiện chiếm khoảng 5% GDP cả nước, theo cách tính của UNWTO thì con số này khoảng 10%) [19]
Đến năm 2007, nước ta đã đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,6% so với năm 2006, khách nội địa đạt khoảng 20 triệu lượt, tăng 14,5% so với năm 2006. Năm 2008, mặc dù trải qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giữ được 4,2 triệu lượt. Năm 2010, lần đầu tiên số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5 triệu lượt người, tăng 34,8% so với năm 2009. Như vậy, tính chung giai đoạn 2006- 2010, khách quốc tế đã tăng từ 3,58 triệu lượt (năm 2006) lên 5 triệu lượt (năm 2010), còn khách du lịch nội địa đã tăng tương ứng từ 17,5 triệu lượt lên khoảng 25 triệu lượt. [2]
33
Du lịch là một trong ít ngành kinh tế ở nước ta mang lại nguồn thu trên 2 tỉ USD/ năm. Hơn 10 năm trước, du lịch Việt Nam đứng vào hàng thấp nhất khu vực nhưng đến nay khoảng cách này đã được rút ngắn, đã đuổi kịp và vượt Philippin, chỉ còn đứng sau Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Theo UNWTO, hiện nay Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất khu vực và thế giới. Năm 2004, du lịch Việt Nam được Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới xếp thứ 7 thế giới về tăng trưởng lượng khách trong số 174 nước; Việt Nam được xếp vào nhóm 10 điểm đến hàng đầu thế giới.[19]
Với doanh thu và lượng khách du lịch ngày càng tăng, ngành du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT- XH. Từ đó, ngành du lịch Việt Nam cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch cả về số lượng và chất lượng; xây dựng hệ thống CSHT- CSVCKT cho hoạt động du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng cường đầu tư, hội nhập quốc tế và khu vực.