Đánh giá chung về hoạt động công chứng ở tỉnh Bắc Giang

Một phần của tài liệu Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh bắc giang thực trạng và giải pháp (Trang 88)

2.2.5.1. Ưu điểm

Để các văn bản pháp luật về công chứng có thể đến được với người dân, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được triển khai mạnh mẽ. Cùng với các văn bản pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, tỉnh Bắc Giang cũng ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thi hành Luật Công chứng. Đặc biệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2020 và các quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đã là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng, đảm bảo cho việc thực hiện chủ trương phát triển tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên.

Xã hội hóa hoạt động công chứng cơ bản đã được tích cực triển khai thực hiện tại địa phương. Mô hình Phòng công chứng do Nhà nước thành lập, hoạt động vẫn được tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển, hoạt động theo cơ

chế đơn vị sự nghiệp công, việc phát triển Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập được đẩy mạnh, đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của nhân dân, trong khi không đòi hỏi sự đầu tư về nhân lực và tài lực của nhà nước, hiện tượng ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng không còn. Việc cho phép thành lập các Văn phòng công chứng góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, giải quyết công việc cho nhiều lao động, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên.

Sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức hành nghề công chứng phụ thuộc vào chất lượng công chứng văn bản, sự nhanh chóng, thuận tiện, chính xác trong hoạt động công chứng của mình, do đó đã khơi dậy tính chủ động, tích cực và ý thức trách nhiệm của công chứng viên khi thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức hành nghề công chứng đều lấy yếu tố “phục vụ khách hàng” là tiêu chí hàng đầu và là một trong những yếu tố để cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng.

Hoạt động công chứng được phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Hoạt động công chứng có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội. Những kết quả bước đầu thu được từ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp. Việc xã hội hóa công chứng đã tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Với việc xã hội hóa, công chứng trở thành lá chắn hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết

kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu gánh nặng pháp lý cho Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự.

Kết quả hoạt động công chứng trong thời gian vừa qua đã khẳng định rõ vai trò của công chứng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp công dân, tổ chức góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bằng việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, công chứng đã góp phần tích cực vào việc quản lý các hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa, hạn chế các tranh chấp, vi phạm pháp luật, tạo sự ổn định cho các hoạt động giao dịch, hạn chế tối đa hậu quả đáng tiếc và không đáng có xảy ra trong các quan hệ dân sự, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, bảo đảm dân chủ, công bằng, giữ vững ổn định trong giao lưu dân sự, đồng thời bảo đảm cho các tranh chấp phát sinh có cơ sở pháp lý để giải quyết theo hướng tích cực và tạo lối ra an toàn cho các tranh chấp đó. Các cơ quan xét xử lấy đó làm cơ sở pháp lý để giải quyết vụ tranh chấp được an toàn, nhanh chóng.

Thực tiễn triển khai xã hội hóa hoạt động công chứng đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này. Hệ thống pháp luật về xã hội hóa hoạt động công chứng đã bước đầu biểu hiện tính phù hợp, được đồng tình, đón nhận, thước đo của sự phù hợp này chính là mức độ hài lòng của người dân, sự đóng góp vào quá trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Những kết quả nêu trên thể hiện sự tích cực, chủ động của các chủ thể pháp luật công chứng trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và đông đảo tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện pháp luật về xã hội hóa hoạt động công chứng. Đồng thời cũng thể hiện sự phù hợp tương đối của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về xã hội hóa hoạt động công chứng và thực tiễn ở địa phương.

* Nguyên nhân của ưu điểm

- Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng. Trước hết phải kể đến đó là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó đã chỉ rõ: Hoàn thiện chế định công chứng, xác định rõ phạm vi của công chứng, giá trị pháp lý của văn bản công chứng, xây dựng mô hình quản lý nhà nước bằng pháp luật về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa hoạt động công chứng. Thể chế hóa định hướng nêu trên, ngày 29/11/2006 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật công chứng là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động công chứng. Và để triển khai thi hành Luật Công chứng, Chính phủ, các cơ quan ngang bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Luật Công chứng. Với sự định hướng của Đảng và việc hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng nêu trên là một trong những nguyên nhân quan trọng mang đến cho hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung những chuyển biến mạnh mẽ, tạo cơ sở cho sự phát triển của tổ chức và hoạt động công chứng.

- Sự tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc triển khai Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng là một yếu tố đảm bảo sự triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công chứng. Ngay sau khi Luật công chứng được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân đối với hoạt động công chứng. Với

các biện pháp khuyến khích phù hợp đã góp phần phát triển số lượng các tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động công chứng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.

2.2.5.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Về tổ chức hành nghề công chứng

Việc triển khai thi hành pháp luật về xã hội hóa hoạt động công chứng chưa đồng bộ, có tình trạng phát triển nhanh, nóng về số lượng Văn phòng công chứng, cá biệt ở thành phố Bắc Giang phát triển 06 tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện. Ngược lại, một số địa phương lại chưa phát triển được Văn phòng công chứng. Nhìn chung, nhận thức về xã hội hóa công chứng gắn với quản lý việc thành lập, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch còn bất cập. Hiện nay sự phân bố các tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn còn chưa đồng đều, các Văn phòng công chứng chủ yếu phát triển ở các đô thị hoặc nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trong khi đó các địa bàn có điều kiện kinh tế kém phát triển thì số lượng tổ chức hành nghề công chứng rất ít. Điều này chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch.

Hoạt động của một số tổ chức hành nghề công chứng thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự liên kết trong hành nghề, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ quản lý còn bất cập. Tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các Văn phòng công chứng diễn biến phức tạp. Hiện tượng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm công chứng vẫn xảy ra. Một số Văn phòng công chứng bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ công chứng ở các

địa bàn ngoài trụ sở tổ chức mình để tiếp nhận yêu cầu công chứng, không niêm yết lịch làm việc, thu phí công chứng, thù lao công chứng cao hơn quy định, thu phí không ghi biên lai, hóa đơn hoặc thu cao hơn nhưng khi ghi hóa đơn chỉ ghi lại phần trăm phí và thù lao công chứng cho người yêu cầu công chứng để thu hút người này sử dụng dịch vụ công chứng của tổ chức mình, đầu tư vốn vào các Văn phòng công chứng khác…Điều này ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng.

- Về đội ngũ công chứng viên

Hiện nay, ở địa phương số lượng công chứng viên còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển tổ chức hành nghề công chứng do không có nguồn để bổ nhiệm khiến chủ trương xã hội hóa chậm được thực hiện. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên đã được bổ nhiệm chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến chất lượng của một bộ phận công chứng viên đang hành nghề chưa theo kịp yêu cầu công việc.

Nhìn chung, chất lượng đội ngũ công chứng viên còn nhiều bất cập, hạn chế, bên cạnh các công chứng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tâm với nghề, còn nhiều công chứng viên hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề, chưa tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, thậm chí một số công chứng viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp như quảng cáo hoạt động dịch vụ công chứng vượt ra ngoài quy định của pháp luật, thiếu sự hợp tác trong chia sẻ thông tin công chứng…

- Về việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng thì đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được phát triển tối đa 20 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó, tại thành phố Bắc Giang là 05 tổ chức, các huyện còn lại có từ 01 đến 02 tổ chức và phân bổ tại trung tâm các huyện. Việc phân bổ như vậy không thuận tiện cho người dân vì phải đi lại xa hơn trong khi tổ chức

hành nghề công chứng chỉ có 01 công chứng viên thực hiện công chứng nên không đáp ứng được nhu cầu công chứng ngày càng nhiều của người dân.

Nhận thức về chủ trương chuyển giao của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn hạn chế, do đó, việc chuyển giao ở địa phương tiến hành chậm, có địa phương cho rằng việc “chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng…” là trái với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, không thuận tiện cho nhân dân (do nhân dân phải đi lại xa và phí công chứng cao hơn lệ phí chứng thực…).

Một số huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt về công tác chuyển giao nên còn hiện tượng phối hợp chưa tốt, gây khó khăn cho người dân.

- Về công tác quản lý nhà nước trong tổ chức và hoạt động công chứng

Việc cho phép thành lập, đăng ký hoạt động các Văn phòng công chứng chưa được thực hiện một cách bài bản, chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích các tổ chức hành nghề công chứng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, con người ngay từ ban đầu để đáp ứng nhiệm vụ.

Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp nghiệp vụ và chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất về tài sản giao dịch; chưa tạo được cơ chế liên thông giữa các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và nhà khi thực hiện các thủ tục hành chính đối với các giao dịch về bất động sản. Điều này dễ dẫn đến tình trạng rủi ro trong hoạt động công chứng như: Một số tài sản giao dịch nhiều lần được công chứng ở nhiều tổ chức hành nghề công chứng khác nhau. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công chứng với các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, các cơ quan, tổ chức hữu quan chưa chặt chẽ dẫn đến việc quản lý nhà nước thiếu thông tin và hiệu quả chưa cao.

Công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức, hoạt động công chứng còn chưa chặt chẽ, thường xuyên nên dẫn đến việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, phát hiện, chấn chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đôi khi còn chưa hiệu quả.

- Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên

Việc thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa được thực hiện.

* Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Nguyên nhân khách quan

Như đã phân tích ở trên, do hệ thống pháp luật về công chứng ngày càng được hoàn thiện song vẫn còn nhiều bất cập khiến hoạt động công chứng vận hành chưa thông suốt. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên đôi khi còn lúng túng trong việc triển khai thi hành quy định của pháp luật về công chứng.

- Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về công chứng, về vai trò của công chứng còn chưa đi vào chiều sâu nên chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất, chưa ngấm, thấm sâu vào nhận thức của đông đảo cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; về bản chất của hoạt động công chứng; về chủ trương tách bạch giữa công chứng và chứng thực của bộ phận cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước bằng pháp luật về công chứng, của người dân còn chưa đầy đủ. Thời gian qua đã xuất hiện tâm lý phân biệt công chứng giữa Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tại một số nơi, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ chối cung cấp thông tin địa chính cho Văn phòng công chứng; Ủy ban nhân dân cấp xã

Một phần của tài liệu Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh bắc giang thực trạng và giải pháp (Trang 88)