Đánh giá chung thực trạng pháp luật về công chứng

Một phần của tài liệu Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh bắc giang thực trạng và giải pháp (Trang 67 - 73)

2.1.4.1. Ưu điểm

Sự ra đời của Luật Công chứng năm 2006 đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về công chứng. Lần

đầu tiên, các quan hệ công chứng được điều chỉnh trong văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao là “Luật”. Từ khi Luật Công chứng năm 2006 ra đời cho đến nay là Luật Công chứng năm 2014, hệ thống pháp luật về công chứng dần được củng cố, hoàn thiện. Hệ thống pháp luật công chứng đã khẳng định vai trò là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu nhất đối với tổ chức và hoạt động công chứng. Sự có mặt của các văn bản quản lý trong hoạt động của các cơ quan quản lý có thể được hiểu như sự "tập trung quyền lực của nhà nước, nhằm điều hành có hiệu quả nhất hoạt động quản lý bằng pháp luật". Nhà nước đã có một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến các tổ chức hành nghề công chứng và các hoạt động công chứng. Các văn bản pháp luật, luật nội dung là khung pháp lý mà công chứng viên phải tuân thủ để hợp đồng giao dịch công chứng có hiệu lực pháp luật.

Một trong những điểm đổi mới căn bản, quan trọng của Luật công chứng là đã tách bạch và phân biệt rõ về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng và nguyên tắc hoạt động của công chứng so chứng thực. Theo đó, công chứng từ chỗ bị hiểu như là một hoạt động mang tính chất thủ tục hành chính đơn thuần thì nay được coi là một nghề, một ngành chuyên môn sâu đã tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề công chứng tập trung thực hiện đúng chức năng của mình theo hướng chuyên nghiệp hóa; nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch giờ đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức hành nghề công chứng. Giá trị của hoạt động công chứng trong xã hội được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc đưa hoạt động công chứng phát triển theo xu hướng hội nhập với khu vực và thế giới.

Các quy định về công chứng viên vừa siết chặt các quy định về điều kiện bổ nhiệm công chứng viên vừa mở rộng đối tượng được bổ nhiệm công chứng viên nhằm nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động của công chứng viên.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo quy định của Luật công chứng, ngoài việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển mô hình Phòng công chứng do Nhà nước thành lập, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công, việc phát triển các Văn phòng công chứng trong thời gian qua tại một số địa phương đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của nhân dân trong khi không đòi hỏi sự đầu tư về nhân lực và tài lực của nhà nước, không còn hiện tại ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng. Việc cho phép thành lập các Văn phòng công chứng (thay vì thành lập thêm các Phòng công chứng) góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách của các địa phương, giải quyết công việc cho nhiều người lao động, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên. Sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức hành nghề công chứng phụ thuộc vào chất lượng công chứng các văn bản, sự nhanh chóng, thuận tiện, chính xác trong hoạt động công chứng của mình, do đó đã khơi dậy tính chủ động, tích cực và ý thức trách nhiệm của công chứng viên khi thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức hành nghề công chứng đều lấy yếu tố “phục vụ khách hàng” là tiêu chí phục vụ hàng đầu và là một trong những yếu tố để cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng.

Quy định về trình tự, thủ tục công chứng đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, tạo thuận lợi cho công chứng viên trong quá trình tác nghiệp.

Luật công chứng năm 2014 phân định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước bằng pháp luật về công chứng phù hợp với nhiệm vụ được giao trong các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Nhiệm vụ quản lý được phân cấp phù hợp cho địa phương, tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn.

Việc xã hội hóa công chứng đã tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân, tổ chức, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu “gánh nặng” pháp lý cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.

Thực tiễn đã chứng minh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là chủ trương đúng đắn. Luật công chứng với chủ trương xã hội hóa đã được nhân dân đồng tình, đón nhận. Sự hài lòng và thuận tiện của nhân dân về công chứng chính là thước đo sự thành công của Luật công chứng.

2.1.4.2. Hạn chế

Hệ thống pháp luật về công chứng ngày càng được hoàn thiện song vẫn còn nhiều bất cập khiến hoạt động công chứng vận hành chưa thông suốt, cụ thể:

Thứ nhất, việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hành nghề công chứng: Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng năm 2014 đều không đề cập đến vấn đề chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hành nghề công chứng, điều này gây khó khăn trong quá trình tổ chức áp dụng pháp luật cho địa phương.

Thứ hai, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về những trường hợp được phép công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Pháp luật về công chứng quy định việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nhằm bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ của văn bản công chứng. Tuy nhiên, Luật Công chứng năm 2014 cho phép có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề

đối với một số trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cho quy định "lý do chính đáng khác". Lý do này chưa được giải thích cụ thể, dẫn đến cách hiểu sai về nguyên tắc thực hiện công chứng là không nhất thiết phải ở tổ chức hành nghề công chứng nên các văn phòng công chứng đã thực hiện số lượng lớn các việc công chứng ngoài trụ sở với lý do là đương sự muốn giữ bí mật, đương sự không muốn xếp hàng chờ đợi, đương sự muốn công chứng tại nhà... và sẵn sàng trả khoản thù lao công chứng theo thỏa thuận với văn phòng công chứng. Việc công chứng ngoài trụ sở một cách "dễ dàng" dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, làm giảm uy tín của các tổ chức hành nghề công chứng. Ngược lại, các Phòng công chứng chỉ thực hiện công chứng ngoài trụ sở khi khách hàng có giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được công chứng ngoài trụ sở và có đơn yêu cầu công chứng ngoài trụ sở kèm theo.

Thứ ba, một số quy định của Luật Công chứng vẫn còn chung chung hoặc chưa dự liệu được hết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn thi hành như: về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng; về trách nhiệm bồi thường của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng; về xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng.

Thứ tư, các quy định liên quan đến vấn đề chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng, thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã công chứng trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành có điểm chưa đồng bộ với Luật Công chứng. Liên quan đến vấn đề này, Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày

29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải “đẩy mạnh chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng”, đồng thời Bộ Tư pháp cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc chuyển giao, tuy nhiên, ngày 22/10/2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường lại có văn bản số 4591/TNMT-PC trong đó yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan tạo điều kiện cho người sử dụng đất được lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, ngày 29/6/2015, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 2271/BTP-BTTP đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan thực hiện quy định thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai năm 2013, đảm bảo người dân có quyền lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Công văn số 2271/BTP-BTTP cũng nhấn mạnh, đối với các địa bàn đã thực hiện việc chuyển giao chứng thực, hợp đồng, văn bản từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã có quyết định chuyển giao xem xét những nơi mà việc chuyển giao đã ổn định, tổ chức hành nghề công chứng hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu thì xem xét, quyết định giữ nguyên việc chuyển giao để tránh gây xáo trộn, khó khăn cho người dân. Việc chỉ đạo thiếu thống nhất như trên đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật về

công chứng ở địa phương, làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng của nhân dân vào công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước.

Một số quy định pháp luật nội dung trong Bộ luật Dân sự và các văn bản có liên quan chưa cụ thể cũng dẫn đến khó khăn trong hoạt động chuyên môn, nghiệp cụ công chứng, ví dụ như: Quy định về hộ gia đình (cách thức xác định các thành viên của hộ gia đình), quy định về tài sản hình thành trong tương lai…

Một phần của tài liệu Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh bắc giang thực trạng và giải pháp (Trang 67 - 73)