Bên cạnh bảo đảm về năng lực và nhận thức của công chứng viên; bảo đảm về kinh tế, xã hội; việc bảo đảm về pháp lý có vai trò quyết định trong chất lượng hoạt động công chứng. Để đảm bảo về mặt pháp lý, trước hết hệ thống pháp luật về công chứngphải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan và sự phát triển ổn định, bền vững của nghề công chứng. Cùng với đó phải đảm bảo về các nội dung cụ thể như sau:
Một là, bảo đảm quy định về hình thức công chứng, giá trị pháp lý của việc công chứng; phạm vi công chứng: Ở nội dung này, pháp luật cần đảm bảo hình thức công chứng là văn bản hay không cần bằng văn bản; khẳng định giá trị pháp lý của việc công chứng đối với các bên hợp đồng, giao dịch và công tác quản lý nhà nước. Đây chính vấn đề pháp luật công chứng cần quy định rõ. Ví dụ, theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng 2014:
1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công
chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu…. [47].
Như vậy, hợp đồng, giao dịch khác đã được công chứng sẽ có hai giá trị pháp lý cơ bản sau đây: i) Giá trị thi hành của văn bản công chứng. Theo đó, những gì đã thoả thuận trong văn bản công chứng thì có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên hợp đồng, giao dịch đồng thời đối với cả bên thứ ba; ii) Giá trị chứng cứ không phải chứng minh trước Toà án. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 80 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 [48, tr.56]. Cơ sở của quy định này là xuất phát từ việc thừa nhận chức năng của công chứng viên về chứng nhận tính xác thực của các hợp động, giao dịch như đã nêu trên. Tính xác thực do công chứng viên chứng nhận biến các tình tiết, sự kiện có trong hợp đồng, giao dịch trở thành chứng cứ hiển nhiên trước tòa.
Việc xác định phạm vi công chứng tức là xác định những loại việc nào thuộc thẩm quyền chứng nhận của các công chứng viên, người có thẩm quyền công chứng, loại việc nào không thuộc thẩm quyền công chứng của họ, làm cơ sở cho việc xác định trình tự, thủ tục thực hiện các loại việc thuộc thẩm quyền công chứng đó. Khi đã xác định được trình tự, thủ tục thực hiện các hành vi công chứng này, là cơ sở cho việc xác định giá trị pháp lý của văn bản công chứng-sản phẩm của quá trình thực hiện hành vi công chứng.
Hai là, bảo đảm quy định về tổ chức hành nghề công chứng: Ở nội dung này, pháp luật phải bảo đảm các vấn đề về: Hình thức tổ chức; quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng; các mối quan hệ giữa tổ chức hành nghề công chứng với người yêu cầu công chứng, với công chứng viên, người lao động, người tập sự hành nghề công chứng và với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quản lý nhà nước về công chứng; con dấu và tài chính; thẩm quyền công chứng…
Ba là, bảo đảm quy định về trình tự, thủ tục công chứng: Nội dung này, pháp luật về công chứng quy định các bước thực hiện, thành phần hồ sơ, thời
hạn công chứng đối với một số loại giao dịch, hợp đồng bắt buộc phải công chứng như giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất; di chúc; giao dịch liên quan đến bất động sản…
Bốn là, bảo đảm quy định về quản lý nhà nước về công chứng: Pháp luật về công chứng cần có những quy định có liên quan đến quản lý nhà nước về công chứng như: Tổ chức thi hành; nội dung quản lý; chủ thể, thẩm quyền quản lý; vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công chứng; khen thưởng, xử lý vi phạm; chế độ thông tin, báo cáo, lưu trữ; tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng; văn bản công chứng vô hiệu …
Đáp ứng được các yếu tố như trên, hoạt động công chứng chắc chắn sẽ có bước chuyển biến tích cực, đột phát, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng.