Như hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giao thông đường thuỷ rất thông dụng và thuận lợi do hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế. Tỉnh Trà Vinh trước đây đường bộ chủ yếu dựa theo quốc lộ 53 nối với Vĩnh Long và gần như là độc đạo. Sau ngày giải phóng, đặc biệt là khi đất nước tiến hành đổi mới, hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, cùng với Bến Tre và Tiền Giang hình thành tuyến đường bộ thứ hai (quốc lộ 60) đi Thành phố Hồ Chí Minh qua các phà nối sông Cổ Chiên có thể rút ngắn 80km (chỉ còn khoảng 120 km thay vì gần 200 km nếu đi ngã Vĩnh Long). Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Trà Vinh có 565,60 km, trong đó có 41,7 km đường láng nhựa, 150 km đường cấp phối, còn lại là đường đất; năm 1992 toàn tỉnh có 49 cây cầu, có 4 cây làm bằng bê tông, còn lại là cầu sắt tạm.
Tỉnh Trà Vinh nằm giữa 2 con sông lớn là sông Hậu và sông Cổ Chiên, có quốc lộ 53, 54 và 60 đi qua, đặc biệt có 65 km bờ biển. Do đó hệ thống giao thông trong tỉnh được chú trọng phát triển cả đường thủy lẫn đường bộ, phục vụ kịp thời
việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách ngày càng phong phú, chủ yếu là của tư nhân, tuy nhiên phần lớn phương tiện vận tải cũ kỹ, cơ chế quản lý chưa theo kịp cơ chế mới đã làm hạn chế khả năng vận chuyển và chất lượng phục vụ. Năm 1989, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 2,4 lần so với năm 1984, vận chuyển hành khách tăng 1,8 lần. Từ năm 1988 tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh vận tải thủy vì vận tải thủy hiệu quả cao hơn, kết quả vận tải được 66,8% khối lượng vận tải bằng đường thủy tăng 2,4 lần so với năm 1984.
Từ khi chuyển sang thực hiện cơ chế mới, nhiều đơn vị vận tải đã chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng phương thức khoán khối lượng, khoán phương tiện…nên năng suất, vòng quay phương tiện cao hơn trước. Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng nâng cấp cầu đường trên những tuyến trọng yếu như quốc lộ 53, quốc lộ 60 và các tuyến tỉnh lộ nối với các huyện trong tỉnh; các huyện thị tự cân đối và huy động nhân dân đóng góp để tu sửa cầu đường liên huyện và giao thông nông thôn, nhờ vậy hoạt động vận chuyển và đi lại được thuận tiện hơn trước. Năm 1990, vận tải hàng hóa đạt 1,43 triệu tấn tăng 23% so với năm 1989, trong đó đường bộ 420.000 tấn, đường thủy 1.010.000 tấn; vận tải hành khách 12,5 triệu lượt người, tăng 5,9%, trong đó đường bộ 9.200.000 lượt, đường thủy 3.300.000 lượt. [59, Tr.3]
Thời kỳ năm 1991 - 1994, kinh tế thị trường bước đầu phát huy tác dụng, các nguồn lực trong dân được huy động nên phương tiện vận tải ngoài quốc doanh tăng lên rất nhanh, vận tải hàng hóa và hành khách đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH. Chất lượng dịch vụ đáp ứng theo nhu cầu ngày càng cao của xã hội, phương thức quản lý vận tải cũng dần đổi mới phù hợp với điều kiện phát triển và nhu cầu của các thành phần kinh tế; các hợp tác xã vận tải hình thành với nhiều phương tiện vận tải hiện đại. Năm 1994, khối lượng vận tải hàng hóa tăng 4% so với năm 1993, vận tải hành khách tăng 4,79% cả đường thủy và đường bộ. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông năm 1994 là 19,84 tỷ đồng, trong đó nâng cấp quốc lộ 53 là 6 tỷ đồng. [37, Tr.5]
Về giao thông nông thôn, tỉnh chú trọng đầu tư làm mới, sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp nhằm phục vụ đi lại của nhân dân; trong 5 năm (1991 - 1995) tỉnh đã sửa chữa, làm mới 1.274 km đường, 249 cầu phục vụ giao thông nông thôn, đã có 88% số xã có đường bảo đảm xe 4 bánh đến xã.
Về giao thông thủy, hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch từ vùng nông thôn ra các xã, thị trấn đều có phương tiện phục vụ, chủ yếu là phương tiện tư nhân hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước và đảm bảo được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách kịp thời.
Ngày 29 tháng 5 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 36/CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, được đa số nhân dân đồng tình hưởng ứng, từ đó tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành luật lệ giao thông và ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm lồng lề đường, đặc biệt là giải quyết triệt để tình trạng phơi lúa trên các trục lộ giao thông mà trước nay chưa thực hiện được và tai nạn giao thông giảm đáng kể so với trước.