tộc
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tộc người cùng sinh sống, đoàn kết với nhau trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, các dân tộc thiểu số ở nước ta cư trú trên địa bàn rộng, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống ngoại xâm, cải tạo thiên nhiên và xây dựng đất nước, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng cả nước, trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước.
Tỉnh Trà Vinh có khoảng một triệu dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30% số dân, là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bào Khmer trong tỉnh đa số sống bằng nghề nông, đời sống nghèo khó vì ít đất sản xuất và do hoàn cảnh đông con học thức ít. Công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc trong tỉnh cũng được quan tâm phát triển, trong những năm 1986 - 1990 chuyện cứu đói cho đồng bào Khmer là việc làm thường xuyên của các ngành, các cấp ở Trà Vinh. Những năm 1991 - 1995, nhờ chính sách đầu tư phát triển ngày càng nhiều của Trung ương và địa phương đối với đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, cụ thể là Nghị quyết 22-NQ/TW, tháng 11/1989 của Bộ chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển KT - XH miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị quyết 01/TU của tỉnh ủy về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhằm giúp đồng bào Khmer giải quyết cái đói, đi đến bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tỉnh Trà Vinh đã kịp thời đề ra những chính sách thiết thực, thích hợp cho từng giai đoạn, từng ấp, xã, huyện cụ thể, để giúp đồng bào Khmer có việc làm, cuộc sống ngày càng khá hơn. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm nhanh từ trên 50% năm 1992 xuống còn 35,4% năm 1995; chính sách giao dục đối với đồng bào Khmer cũng được cải thiện, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp được tỉnh đầu tư cải tạo nâng cấp xây dựng mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, số lượng học sinh tăng dần theo các năm, số học sinh dân tộc Khmer được xét tuyển, cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ngày một tăng; cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư được đồng bào Khmer ủng hộ, hưởng ứng tích cực. Hàng năm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer đều được tỉnh tổ chức chu đáo, trọng thể.
Trình độ dân trí của đồng bào Khmer ngày càng cao, tính đến năm 1995, số học sinh là người dân tộc Khmer đang theo học ở các cấp học trên 68.457 em; số giáo viên toàn tỉnh có 6.700 người, trong đó giáo viên người dân tộc thiểu số là 1.903 người, chiếm 28,4%; số y bác sĩ toàn tỉnh là 1.336 người, trong đó người dân tộc có 104 người, chiếm 7,8%; bình quân y bác sĩ trên 1 vạn dân là có 1 người dân tộc Khmer.