Tổng sản phẩm xã hội đạt 1.605 tỷ đồng, tăng 53,3%, bình quân hàng năm tăng 8,90%; Thu nhập quốc dân (GDP) đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 54,5%, bình quân hàng năm tăng 9,1%; Thu nhập quốc dân bình quân đầu người từ 749.200 đồng (1990) tăng lên 1.073.600 đồng (1995); xóa được hộ thiếu đói quanh năm, thu hẹp được 50% hộ nghèo; Tỷ lệ tăng dân số giảm còn 2%. [19, Tr. 25]
2.2. Những chuyển biến của nền kinh tế tỉnh Trà Vinh từ năm 1986 đến năm 1995 1995
Quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IV (1986 - 1991) trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp và bất lợi cho phía cách mạng, đất nước còn trong tình trạng khủng hoảng KT - XH, địa phương cũng đứng trước những thử thách nhiều mặt. Đồng thời đất nước cũng trong quá trình đổi mới đạt những thành tựu quan trọng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã phấn đấu khắc phục từng bước những yếu kém, chủ động sáng tạo trong vận dụng thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nên đạt được tiến bộ nhất định về nhiều mặt.
Thời kỳ 1991-1995, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 8,45% (trong đó năm 1992 tăng 3,5%, năm 1993 tăng 8,3%, năm 1994 tăng 9%); GDP bình quân đầu người từ 111USD năm 1991 tăng lên 218 USD năm 1995. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong GDP giảm dần từ 60,29% năm 1991 còn 55,67% năm 1995, tỷ trọng giá trị thủy sản từ 15,4% tăng lên 16,76%, giá trị công nghiệp và xây dựng từ 7,24% tăng lên 10,71%, giá trị dịch vụ từ 17% lên 19,67%. [20, Tr.114]
2.2.1. Về nông – lâm – ngư nghiệp 2.2.1.1. Nông nghiệp
Đảng bộ tỉnh Cửu Long đã quán triệt và vận dụng đường lối đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đặc biệt là Nghị quyết 10 (4/1988) của Bộ chính trị xác định hộ là một đơn vị kinh tế tự chủ, được nhận khoán theo năng lực sản xuất, xác định quyền sử dụng đất của người dân làm cho nhân dân tin tưởng và yên tâm khi bỏ vốn đầu tư vào sản xuất. Cùng với những chính sách đổi mới ở nhiều lĩnh vực khác đã tạo môi trường thuận lợi cho người nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, tạo nên bước phát triển nhanh của ngành nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá cả về diện tích và sản lượng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có tiến bộ; sản xuất lúa được tập trung thực hiện ngay từ đầu, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là chọn giống lúa mới có năng suất cao, tăng cường các biện pháp phòng trừ dịch hại, thực hiện cấp giấy
chứng nhận sử dụng đất tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất; mặt khác có những thuận lợi về thời tiết, giá cả…nên kết quả sản xuất từng bước tăng về diện tích, năng suất và sản lượng.
Diện tích, năng xuất, sản lượng lúa tỉnh Trà Vinh từ năm 1991 đến năm 1995 Năm Diện tích (ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn)
1991 160.370 3,56 570.550 1992 159.500 2,79 445.000 1993 166.000 3,40 565.000 1994 171.911 4,1 705.055 1995 173.675 4,17 725.000
Nguồn: Tổng hợp các báo cáo tổng kết của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Diện tích gieo trồng lúa giai đoạn 1986 - 1990 tăng bình quân 3,67%/năm; năng suất tăng bình quân 2,71%/năm; sản lượng tăng bình quân 5,5%/năm. Năm 1995, diện tích gieo trồng lúa đạt 173.675 ha, tăng 25% so với năm 1976 (trong đó vụ Đông Xuân gieo cấy 36.875 ha, vụ Hè thu là 56.200 ha và vụ mùa là 80.600 ha); năng suất bình quân đạt 4,17 tấn/ha, tăng 2,3 lần; sản lượng đạt 725.000 tấn, tăng 2,93 lần. [38, Tr.2]
Đối với cây màu lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, chủ trương của Tỉnh là hình thành vùng chuyên canh, đưa cây màu xuống ruộng nhằm khai thác tốt tiềm năng của đất, chủ trương này được nông dân hưởng ứng nhưng vì giá cả bấp bênh, chưa có thị trường tiêu thụ nên tốc độ phát triển lúc tăng, lúc giảm một cách tự phát.
Năm 1995, diện tích trồng cây màu lương thực đạt 6000 ha, tăng 3,2 lần so với năm 1976 và giảm 15,5% so với năm 1994 do một số nơi đã chuyển diện tích trồng khoai lang, khoai mì sang trồng mía; riêng cây bắp lai đạt 300 ha, giảm 48% so với năm 1994. Cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm được mở rộng diện tích ở nhiều nơi, năm 1995 đạt 8.774 ha tăng 78,70% so với năm 1991, trong đó tăng chủ yếu là diện tích cây mía từ 3.200 ha năm 1991 tăng lên 7.300 ha năm 1995. [38, Tr.3]
Diện tích và sản lượng cây màu lương thực tỉnh Trà Vinh từ năm 1991 đến năm 1995
Năm Diện tích (ha) Sản lượng (tấn) quy ra lúa
1991 6.000 21.100
1992 6.140 20.000
1993 6.300 22.000
1994 7.100 21.645
1995 6.000 20.000
Nguồn: Tổng hợp các báo cáo tổng kết của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Việc nâng cấp cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là ở huyện Cầu Kè, Tiểu Cần. Trước đây phần lớn diện tích là vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp. Vào những năm 1985 - 1987 phong trào trồng dừa phát triển nhanh, toàn tỉnh có gần 3 triệu cây dừa, nhưng gần đây do hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân đã đốt bớt để trồng nhãn, cam, quít, sa bô, sầu riêng. Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V (1992 - 1995) đã xác định tầm quan trọng của kinh tế vườn và đề ra phương hướng: Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng năng suất, phấn đấu đến năm 2000 đạt bình quân giá trị thu nhập 1 ha vườn bằng 3 ha lúa, kết quả từ năm 1993 đến 1995 đã cải tạo được 3.919 ha vườn tạp, nâng diện tích vườn chuyên canh của tỉnh lên 8.346 ha, bằng 60% diện tích vườn hiện có. [19, Tr.12]
Chăn nuôi chủ yếu là nuôi heo, gà, vịt, trâu bò, trong những năm đầu sau giải phóng chăn nuôi chỉ mang tính chất hộ gia đình. Từ khi có chủ trương đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, tỉnh cho xây dựng hàng loạt các trại chăn nuôi ở các huyện thị, tăng cường cung ứng thức ăn gia súc và thuốc thú y, mở rộng mạng lưới thú y ở cơ sở, cho vay vốn…đã có tác dụng thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Nhưng quá trình phát triển không đều, do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả thức an gia súc làm cho nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ và nhiều trại chăn nuôi phải giải thể.
Theo số liệu điều tra thống kê chăn nuôi (10/1995), đàn heo đạt 183.300 con, tăng 19.800 con so với năm 1985; đàn trâu bò đạt 46.940 con, giảm 2.995 con so
với năm 1985 do nông dân sử dụng cơ giới ngày càng phổ biến và lượng giết mổ tăng do như cầu tiêu dùng của xã hội; đàn gia cầm đạt 2.370.000 con, trong đó phát triển nhất là đàn vịt chiếm 62% tổng số đàn gia cầm, huyện có đàn gia cầm nhiều nhất là huyện Cầu Ngang và Trà Cú. [38, Tr.3]
Tốc độ phát triển chăn nuôi tuy còn thấp nhưng bước đầu cũng cho thấy chăn nuôi từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế chính, làm thay đổi cơ cấu trong giá trị sản lượng nông nghiệp từ 9,74% thời kỳ năm 1976 - 1985 tăng lên 18,09% thời kỳ 1986-1995. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ 19,85% năm 1991 tăng lên 21,9% năm 1995. [3, Tr.23]
Công tác thủy lợi vẫn được coi là nhiệm vụ hàng đầu, các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung giải quyết tiền vốn, vật tư để đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nhằm sớm đưa vào sử dụng; đi đôi với việc tập trung xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm, tỉnh đã phát động nhân dân làm thủy lợi nhỏ, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 1989 tỉnh đã huy động được 8 triệu ngày công lao động đào đắp 3,65 triệu m3 đất cho các công trình thủy lợi nội đồng, phục vụ tưới tiêu cho 99.000 ha đất canh tác; các mô hình sản xuất chuyên canh kết hợp với đa canh theo hệ thống canh tác mới đạt hiệu quả kinh tế cao đã xuất hiện ở nhiều vùng trong tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại nhất là trình độ của lực lượng sản xuất còn nhiều hạn chế, tập quán sản xuất cũ lạc hậu vẫn còn ở nhiều nơi, một số vùng còn độc canh cây lúa nên việc thực hiện đa dạng hóa cây trồng còn gặp khó khăn. Các cơ sở vật chất phục vụ như mạng lưới cung cấp vật tư, trang trại giống, bảo vệ thực vật… chưa đáp ứng yêu cầu, việc tiêu thụ sản phẩm chưa có hướng giải quyết, phần lớn sản phẩm làm ra phụ thuộc vào thị trường điều tiết, chưa có sự tham gia tích cực của các tổ chức kinh tế quốc doanh nên tình trạng ép giá, tranh mua tranh bán… đã làm cho người sản xuất không an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Nhìn chung, nông nghiệp của tỉnh phát triển trên tất cả các mặt theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi (nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới) đã tạo được
một cơ cấu sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, giúp nông dân gặt hái nhiều kết quả. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của việc phát triển nông nghiệp toàn diện, cần phải cố gắng phát huy hơn nữa các nhân tố đặc biệt, khắc phục những nhược điểm tồn tại, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra.
2.2.1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng hiện có 24.490 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Duyên Hải, trong đó rừng tập trung là 17%, còn lại là rừng tạp và đất trống chiếm 81%; do hậu quả chiến tranh tàn phá và công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được coi trọng nên rừng trở nên nghèo kiệt ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tổn thất nhiều nguồn lợi.
Từ năm 1989, tỉnh có nhiều chủ trương khôi phục lại rừng: thực hiện giao đất giao rừng, tính đến cuối năm 1990 giao 8.625 ha rừng cho 3.620 hộ nông dân; tích cực đầu tư trồng rừng tập trung 7.800 ha, còn lại quy hoạch để khai thác đất rừng nuôi trồng thủy sản….
Phong trào trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán ở nhiều nơi được chú ý, nhất là từ khi thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho người lao động đã khuyến khích nhân dân tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến năm 1995, đã trồng được 220 ha rừng, cùng với việc trồng rừng tập trung, rừng phòng hộ, tỉnh đã vận động nhân dân trồng cây phân tán theo trục lộ giao thông, trên bờ kênh mương và khu vực đông dân cư. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ số cây trồng phân tán khoảng 6 triệu cây; đồng thời ngành đã làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, giao 233 ha rừng cho 29 hộ quản lý (năm 1995)… những việc làm đó đã hạn chế một phần tình trạng phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển.
2.2.1.3. Ngư nghiệp
Tỉnh Trà Vinh có 65km bờ biển và hai vùng cửa sông rộng lớn có tài nguyên thủy sản phong phú, theo tài liệu điều tra của vùng Nam Bộ, biển Trà Vinh có ngư trường lớn và trữ lượng cao; vùng cửa sông là nơi sinh sản thích hợp với các loài thủy hải sản với trên 40.000 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Nếu được trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại, giải quyết tốt các yêu cầu vốn đầu
tư cho dân vay để phát triển ngành nghề đáy sông, đáy biển, cải tiến phương thức nuôi tôm…sẽ có sản lượng đánh bắt hàng năm từ 80 – 100 ngàn tấn, sản lượng nuôi trồng từ 60 – 80 ngàn tấn, nhưng những năm qua tiềm năng thủy sản chưa được khai thác đúng mức, năm 1989 sản lượng đánh bắt nuôi trồng đạt 72.000 tấn; năm 1992 đạt 60.000 tấn, trong đó khai thác 27.000 tấn, nuôi trồng 33.000 tấn. [33, Tr.3]
Trong thời kỳ 1991-1995, khai thác nuôi trồng thủy sản được đầu tư phát triển và có nhiều chuyển biến, giá trị ngư nghiệp tăng bình quân 5,7%/năm. Trong khai thác thủy sản, một số hộ ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, do hạn chế trong việc đánh bắt xa bờ nên họ tự bỏ tiền ra hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng mới, nâng cấp phương tiện, kết quả năm 1995 đóng mới và nâng cấp trên 200 tàu thuyền có công suất 40CV trở lên để khai thác xa bờ, đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao như tôm biển, cá thu, mực…
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ở vùng ngập mặn ven biển ở Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, tập trung nhất là phong trào nuôi tôm sú. Ngành thủy sản đã có nhiều cố gắng trong việc hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, vệ sinh môi trường ao nuôi, tăng cường công tác khuyến ngư, khuyến khích các đơn vị và hộ gia đình sản xuất tôm giống và đưa trại tôm giống liên doanh vào hoạt động nhằm cung cấp con giống tại chỗ, hạn chế nhập tôm giống ngoài tỉnh. Theo điều tra vào tháng 10 năm 1992 toàn tỉnh có 3.600 hộ nuôi tôm cá theo hình thức bán thâm canh với 1.237 ha, trong đó có 460 ha nuôi tôm, nhiều hộ gia đình nuôi tôm có hiệu quả đạt năng suất từ 600kg đến 800kg/ha. Năm 1995, sau hai vụ nuôi tôm sú bị thiệt hại (năm 1994), việc nuôi tôm dần phục hồi, diện tích thả nuôi trên 1.000 ha, sản lượng 345 tấn, đồng thời đã mở ra hình thức nuôi đa dạng: nuôi cá, nuôi cua biển, nuôi nghêu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ở vùng nước ngọt, phong trào nuôi tôm cá tự nhiên và nuôi tôm càng trên đất ruộng lúa cũng được phát triển với nhiều mô hình nuôi tôm – lúa, cá – lúa đạt giá trị kinh tế cao. Năm 1995, có khoảng 7.000 ha đất ruộng lúa được bao ngạn nuôi tôm, cá kết hợp sản xuất lúa… nhờ đó đã tăng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản từ 55.340 tấn năm 1991 lên 60.600 tấn năm 1995. [20, Tr.116]