Cuộc đấu tranh chống tàn dư văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới, những hiện tượng văn hóa không lành mạnh được triển khai từ ngay sau giải phóng và việc xây dựng con người mới, lối sống mới trở thành nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở địa phương.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ khi thực hiện chỉ thị 01/TU của tỉnh ủy “về cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và “Nếp sống văn minh nơi công cộng”, ngành văn hóa thông tin phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp phát động nhiều phong trào thiết thực như: “Gia đình an toàn, xã hội trật tự”, “Sức khỏe, vệ sinh, phòng bệnh và sinh đẻ có kế hoạch”, “xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội”, “gia đình nông dân văn hóa”, “Tham gia tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp”… Đến năm 1995, có
77.257 hộ đăng ký đạt 43,4% tổng số hộ trong tỉnh và công nhận 33.913 hộ gia đình văn hóa.
Bằng nhiều giải pháp, cuộc vận động xây dựng nếp sống mới từng bước tiến triển tốt, có nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, quần chúng tin tưởng vào cách mạng thực hiện lối sống mới, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan…
Nhìn chung, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa bước đầu đã hình thành được phong cách lao động mới, xây dựng được môi trường văn hóa, nếp sống văn minh, tích cực bài trừ mê tín dị đoan, giảm dần tập tục lạc hậu, những gia đình văn hóa mới trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào trong tỉnh.
* Tiểu kết chương 2
Thời kỳ 1986-1995 tình hình KT - XH có sự chuyển biến rất lớn, là giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới từ quản lý KT - XH thời bao cấp sang quản lý KT - XH của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần IV và lần V, nhân dân Trà Vinh đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, nhờ đó KT - XH tỉnh Trà Vinh có nhiều chuyển biến tích cực.
Nền kinh tế địa phương đạt mức tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng KT - XH được tăng cường, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm trong thời kỳ 1991 - 1995 đạt mức 8,45%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị nông nghiệp từ 67,29% năm 1985 xuống 55,67% năm 1995, tăng dần tỷ trọng giá trị công nghiệp và xây dựng cơ bản từ 6,24% năm 1985 lên 10,71% năm 1995, tỷ trọng giá trị dịch vụ tăng từ 13,02% năm 1985 lên 19,67% năm 1995; Ngân sách Nhà nước ở địa phương tuy chưa cân đối được thu chi, nhưng đã tăng đáng kể mức thu thuế liên tục qua các năm trên 20%. Qui mô đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm tăng 23,15%, trong đó vốn huy động trong dân chiếm 66,5%.
Sản xuất nông nghiệp có tăng cường các biện pháp thủy lợi, chuyển giao kỹ thuật – công nghệ mới, tăng phương tiện cơ giới nên đến năm 1995 sản xuất lúa tăng nhanh, sản lượng lúa từ 409.483 tấn năm 1984 lên 732.000 tấn năm 1995, diện
tích trồng lúa tăng từ 145.593 ha năm 1985 lên 173.675 ha năm 1995, năng suất tăng từ 2,32 tấn/ha năm 1985 lên 3,68 tấn/ha năm 1995; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng từ 15,85% năm 1985 lên 21,9% năm 1995.
Kết cấu hạ tầng KT - XH được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, công tác thủy lợi được tăng cường góp phần gia tăng diện tích canh tác và năng suất cây trồng. Đã có 53/82 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia kéo về tới trung tâm, có 13% số hộ được sử dụng điện (năm 1995), bình quân đầu người 34 kwh/năm. Thông tin liên lạc ngày càng hiện đại hóa, có 100% xã, phường, thị trấn trang bị hệ thống điện thoại, số hộ sử dụng điện thoại ngày càng nhiều; sửa chữa, xây dựng mới 650 km đường, 10 cầu trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, khôi phục nhiều tuyến hương lộ, xóa phần lớn cầu khỉ ở nông thôn. Nước máy phục vụ nhân dân ở các trung tâm tăng gấp đôi, phát triển thêm hơn 2000 giếng nước bom tay phục vụ nước sạch cho hơn 50% số hộ ở nông thôn.
Văn hóa – xã hội có bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực: GD - ĐT bước đầu khắc phục được tình trạng xuống cấp của trường, lớp, giảm mạnh lớp học 3 ca, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đạt kết quả tốt; công tác phòng, trị bệnh cho nhân dân có tiến bộ, chú trọng củng cố tuyến y tế cơ sở; thực hiện chương trình DS - KHHGĐ đạt khá, giảm tỷ lệ gia tăng dân số còn 2,1% (năm 1995), công tác chăm sóc trẻ em được quan tâm, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 66% năm 1985 còn 44% năm 1995.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng và phát triển KT - XH của tỉnh Trà Vinh còn những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục:
Kinh tế có phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế có khá hơn nhưng vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững, tiềm lực kinh tế còn nhỏ bé và sức cạnh tranh yếu, kết cấu hạ tầng KT - XH vẫn còn trong tình trạnh yếu kém và lạc hậu; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có đúng hướng nhưng còn chậm, kinh tế địa phương vẫn còn mang tính chất nông nghiệp độc canh cây lúa; phát triển nông - lâm – ngư nghiệp gắn với công ngiệp chế biến và phát triển kinh tế nông thôn chưa có chuyển biến đáng kể; các mô hình sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng; nuôi trồng, khai thác thủy
sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp địa phương chưa được tổ chức quản lý hợp lý, còn lúng túng trong việc xác định bước đi cụ thể để phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Thu chi ngân sách vẫn còn mất cân đối lớn, trong khi chưa khai thác hết nguồn thu, chưa quan tâm đúng mức đến việc bồi dưỡng nguồn thu để tạo nguồn thu lớn cho ngân sách; công tác thu thuế một số nơi chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, bộ máy thu thuế ở đơn vị cơ sở có một bước củng cố nhưng chưa đủ mạnh; chỉ đạo, điều hành ngân sách còn bị động, bố trí ngân sách còn phân tán ở nhiều nơi; thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng tuy có tiến bộ song chưa được thực hiện một cách đầy đủ ở một số ngành và đơn vị.
Văn hóa – xã hội còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, GD - ĐT chưa đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển KT - XH, trình độ dân trí còn thấp; việc thực hiện xã hội hóa để chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa huy động được đông đảo các tổ chức và nhân dân tham gia, khả năng điều trị bệnh của y tế cơ sở còn hạn chế, chất lượng điều trị và thái độ phục vụ của một số y bác sĩ còn kém; đời sống nhân dân một số vùng còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, mức hưởng thụ văn hóa còn thấp, tỷ lệ tăng dân số vẫn còn cao (trên 2%); lao động chưa có việc làm và thiếu việc làm ổn định còn nhiều, nhất là khu vực nông thôn.
Đội ngũ cán bộ đang còn thiếu và phần lớn chưa được đào tạo chính quy, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức kinh doanh, yếu về trình độ kĩ thuật, thiếu về kiến thức quản lý và hiểu biết pháp luật, một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, còn tùy tiện trong việc chấp hành chủ trương chính sách, kỷ cương pháp luật của Nhà nước.
Qua những năm đổi mới, tình hình KT - XH của tỉnh có những chuyển biến tích cực và năng động hơn, tuy nhiên trước những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới thì những tồn tại, khó khăn đó là những lực cản và là những thách thức lớn đối với toàn Đảng và toàn dân tỉnh Trà Vinh. Nhưng với đường lối đổi mới hợp lòng dân, với tiềm lực và thế mạnh của tỉnh, cùng với khả năng hợp tác liên
doanh với nước ngoài ngày càng được mở rộng sẽ khắc phục được những tồn tại khó khăn tạo ra sức phát triển nhanh hơn cho những năm tiếp theo.
Chương 3
KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH TỪ NĂM 1996 ĐẾN NĂM 2010 3.1. Bối cảnh lịch sử
Trong bối cảnh tình hình khó khăn và thuận lợi chung của cả nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều cơ hội mới, song vẫn còn nhiều thách thức, riêng tỉnh Trà Vinh có những khó khăn, thuận lợi chủ yếu sau:
Đến năm 1996, nền kinh tế địa phương vẫn đang ở điểm xuất phát thấp, lại phải cạnh tranh sản phẩm đồng loại với nhiều địa phương trong nước và các nước trong khu vực; cơ sở hạ tầng còn yếu kém làm hạn chế thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngoài tỉnh và nước ngoài, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh không cao; mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hộ nghèo và thiếu đói còn nhiều, khả năng tự tích lũy đầu tư phát triển trong thời gian tới không lớn.
Tính chủ động, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế khu vực của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, trình độ quản lý và điều hành doanh nghiệp chưa theo kịp với kinh tế thị trường; khả năng huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển chưa nhiều, nguồn thu ngân sách còn thấp và thiếu vững chắc.
Nguồn nhân lực phần lớn chưa qua đào tạo nghề, đội ngũ cán bộ yếu, thiếu và chưa đồng bộ, mặt bằng dân trí thấp là trở ngại cho nỗ lực đẩy nhanh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây mất ổn định trên địa bàn tỉnh. Đó là tất cả những thách thức trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH của tình Trà Vinh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Trà Vinh có những thuận lợi lớn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH: tiềm năng phát triển nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến vẫn là lợi thế của tỉnh trong những năm trước mắt; nguồn lao động dồi dào nếu được quan tâm đào tạo tốt về văn hóa và tay nghề kỹ thuật sẽ là lợi thế lâu dài cho
sự phát triển của tỉnh; cơ sở hạ tầng KT - XH cùng với cầu Mỹ Thuận đã thông xe, các quốc lộ 54, 60 được thông tuyến và cửa Định An được nạo vét tạo nhiều thuận lợi mới cho tỉnh trong quan hệ với các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài.
Nhiệm vụ chung trong thời kỳ 1996 - 2010 là quán triệt và vận dụng tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, X trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VI, VII, VIII. Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, tinh thần tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông – ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, tập trung phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, góp phần cùng cả nước tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phấn đấu đến năm 2010, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng hơn 3 lần so với năm 2000, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ vào sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và các lĩnh vực có lợi thế, tiếp tục xác định phát triển thủy sản gắn với công nghiệp chế biến là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đi đôi với tăng trưởng kinh tế là giải quyết tốt các vấn đề văn hóa – xã hội; tạo chuyển biến mới về phát triển GD - ĐT, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao thu nhập và mức sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đối với người có công.
Tăng cường quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trước hết là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, có hiệu lực cao; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân
dân; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong quá trình thực hiện các Nghị quyết tỉnh Đảng bộ, bên cạnh những thuận lợi thì cũng gặp không ít khó khăn, song Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong tỉnh biết phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, đoàn kết phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, các chỉ tiêu KT - XH của tỉnh đề ra bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng.
3.2. Những chuyển biến của nền kinh tế tỉnh Trà Vinh từ năm 1996 đến năm 2010
Quán triệt Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VI, VII, VIII, toàn Đảng, toàn quân và dân tỉnh Trà Vinh tập trung thực hiện các mục tiêu KT - XH và đạt nhiều thành tựu lớn:
Thời kỳ 2001-2005, tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,64%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng giá trị nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cuối năm 2005, tỷ trọng giá trị nông – lâm – ngư nghiệp còn 55,87%, công nghiệp, xây dựng 17,72%, dịch vụ 26,41%. [22, Tr.16]
Thời kỳ 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,64%, trong đó nông nghiệp tăng 3,15%, lâm nghiệp tăng 10,95%, ngư nghiệp tăng 6,94%, công nghiệp tăng 15,83%, xây dựng tăng 29,55% và dịch vụ tăng 20,87%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị nông – lâm –ngư nghiệp năm 2010 là 43,85%, công nghiệp – xây dựng 23,59%, dịch vụ 32,56%. [23, Tr.15]