Thực hiện đường lối đổi mới của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Cửu Long chủ trương phát triển CN - TTCN song song với phát triển nông nghiệp toàn diện, các chính sách CN - TTCN đã được triển khai và thu hút nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy nền công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, đồng thời xác định công nghiệp có vai trò là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nhất là nông nghiệp.
Thời kỳ năm 1986-1990, CN - TTCN tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh từng bước thích ứng với cơ chế thị trường. Tuy còn nhiều khó khăn: thiếu vốn, thiết bị kỹ thuật lạc hậu, lúng túng trong cơ chế mới… Nhưng tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn nên sản xuất vẫn phát triển, năm 1989 giá trị công nghiệp đạt 3,3 tỷ đồng, tăng 0,25 lần so với năm 1985, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 77%, TTCN tăng 2,43 lần, tốc độ phát triển bình quân hàng năm thời kỳ 1986-1989 là 15%. [58, Tr.3]
Công nghiệp quốc doanh có một số đơn vị vận dụng quyết định 217/-HĐBT và cơ chế quản lý mới đã chủ động tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động, chuyển hướng sản xuất gắn với thị trường, kết hợp kinh doanh tổng hợp…đã vươn lên một cách cơ bản, giữ vững được sản xuất và có hiệu quả. TTCN phát triển chậm và còn nhiều hạn chế như thiếu vốn để mở rộng sản xuất, hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường, thiết bị sản xuất lạc hậu… Trong số 3.559 hộ và cơ sở sản xuất chỉ có 40 cơ sở đăng ký doanh nghiệp tư nhân với vốn ban đầu là 2,74 tỷ đồng (năm 1992), do chưa có quy hoạch công nghiệp địa phương nên các ngành nghề phát triển mang tính tự phát.
Tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, nhiều xí nghiệp mới được xây dựng ở tỉnh và huyện, nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến có tiềm năng rất lớn: lúa hàng hóa ước đạt từ 400 – 500 ngàn tấn/năm, tôm từ 15 – 25 ngàn tấn/năm, cơm dừa từ 25 – 30 ngàn tấn/năm, mía từ 260 – 300 ngàn tấn/năm… Do được đầu tư phát triển nên năng lực sản xuất nhiều
ngành tăng lên, cuối năm 1991 năng lực chế biến gạo đạt 200.000 tấn, thủy sản đông lạnh 1.000 tấn, dầu dừa 1.500 tấn, ép đường thô 2.500 tấn…giá trị sản lượng đạt 100 tỷ đồng. [33, Tr.4]
Thời kỳ 1991-1995, trong điều kiện khó khăn nhưng công nghiệp vẫn giữ được sản xuất và tăng trưởng hàng năm, giá trị sản lượng bình quân hàng năm 19,6%. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển biến theo hướng phát triển công nghiệp chế biến nông - ngư sản, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí sửa chữa, khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống, xuất hiện nhiều mô hình làng nghề ở thị xã và nông thôn.
Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp từ năm 1991 đấn năm 1995
ĐVT: tỷ đồng Năm Tổng số Chia ra
Quốc doanh Ngoài quốc doanh
1991 94,80 24,80 70
1992 103,20 33,20 70
1993 108 36 72
1994 128 42,20 85,80
1995 258,53 50,13 108,40
Nguồn: Tổng hợp các báo cáo tổng kết của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Năm 1992, tổng giá trị sản lượng đạt 103,2 tỷ đồng (giá cố định năm 1989) tăng 8,8 % so với năm 1991; trong đó công nghiệp quốc doanh đạt 33,2 tỷ đồng, TTCN đạt 70 tỷ đồng; những sản phẩm chủ yếu là thủy sản đông lạnh 1.000 tấn, gạo 255.000 tấn, dầu dừa 2.530 tấn…[34, Tr.3] Năm 1995, tổng giá trị sản lượng đạt 158,5 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 1994; trong đó công nghiệp quốc doanh là 50,1 tỷ đồng, TTCN là 108,4 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 1994. [38, Tr.5]
Công nghiệp quốc doanh có một số xí nghiệp vươn lên khắc phục khó khăn, giữ vững sản xuất, xây dựng mới 14 nhà máy, xí nghiệp; năm 1994 tỉnh đầu tư 1 triệu USD và 5 tỷ đồng để mua sắm thiết bị mới có công nghệ tương đối hiện đại cho các xí nghiệp trọng điểm như: xí nghiệp đông lạnh 2/9, xí nghiệp thuốc lá, xí
nghiệp dược phẩm…những sản phẩm làm ra có khả năng cạnh tranh trên thị trường. TTCN tăng thêm nhiều cơ sở sản xuất, chủ yếu là chế biến mía đường, dầu dừa, xay xát lương thực và các dịch vụ sửa chữa. Năm 1995, thành lập mới 16 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và hội ngành nghề thu hút trên 15 tỷ đồng vốn, giải quyết việc làm hơn 1.800 lao động, những cơ sở mới phát triển chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, sửa chữa cơ khí và một số ngành nghề truyền thống như: than gáo dừa, chiếu lác… [37, Tr.11]
Tuy nhiên quy mô sản xuất của công nghiệp nhỏ bé và phân tán, chưa tạo được sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn, sản phẩm phần lớn ở dạng sơ chế, chất lượng sản phẩm kém khó khăn về tiêu thụ. Khu vực ngoài quốc doanh còn mang tính tự phát, chủ yếu là hộ gia đình, chính sách khuyến khích, huy động vốn đổi mới thiết bị còn hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém nên gặp khó khăn trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng phát triển KT - XH nông thôn.