Y tế, vệ sinh môi trường

Một phần của tài liệu quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh trà vinh từ năm 1986 đến năm 2010 (Trang 78 - 79)

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành y tế Trà Vinh chịu những tác động to lớn của nền kinh tế thị trường, thực hiện phương châm xã hội hóa công tác y tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế, từ năm 1986 đến năm 1995 ngành y tế tỉnh đã kịp thời nắm bắt thời cơ, vận dụng triệt để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đạt nhiều thành tựu.

Đến năm 1995, toàn tỉnh có 2 bệnh viện tỉnh với 500 giường bệnh bằng với số giường bệnh năm 1992; có 7 bệnh viện huyện với 390 giường bệnh; 10 phòng khám khu vực tăng hơn 4 phòng so với năm 1992 với 100 giường bệnh và 65 trạm y tế với 325 giường bệnh. Cán bộ y tế hiện có là 1.489 người tăng 21,96% so với năm 1992, trong đó bác sĩ 197 người tăng 18,78% so với năm 1992; y sĩ 582 người, dược sĩ đại học 10 người, dược dĩ trung cấp 57 người. [38, Tr.40]

Một thành tựu quan trọng khác của ngành y tế tỉnh là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Với phương châm dự phòng là chính, ngành y tế tỉnh đã chủ động, tập trung làm tốt công tác ngăn ngừa, phòng tránh các dịch bệnh theo mùa, thường xuyên đảm bảo cơ số thuốc điều trị ở các tuyến y tế cơ sở. Năm 1995, khám và điều trị bệnh cho 486.179 lượt người, tiêm chủng mở rộng đủ liều cho các cháu trong độ tuổi đạt 85,4%, uống Vitamin A đạt 98%, đồng thời làm tốt công tác cấp giấy phép cho các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia.

Trà Vinh là tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, phía Nam tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài hơn 65km. Trên địa bàn 8 huyện, thị có 105 xã, phường, thị trấn với dân số hơn 1 triệu người, đồng

bào dân tộc Khmer chiếm gần 30%. Cuộc sống sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên và người dân Trà Vinh có thói quen sinh hoạt thiếu vệ sinh và ít chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, ở các phum sóc trên đất giồng cát hoặc trong vùng đất thấp có kinh rạch ngang qua, bà con thường có thói quen đổ các chất phế thải, xác thú vật chết, kể cả phóng uế làm ô nhiễm nguồn nước mặt và môi sinh. Để giải quyết nước sạch sinh hoạt người cho dân trong thời gian qua, tỉnh đã xây được 30 trạm cấp nước quy mô vừa tại các trung tâm cụm xã, 88 trạm cấp nước nhỏ, khoan hàng ngàn cây nước sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, kể cả việc cấp 7.850 lu chứa nước mưa và 1.060 bộ lọc nước cho các hộ sử dụng, nhưng hiện còn 17.650 hộ cần hỗ trợ về nước sinh hoạt.

Trong nuôi thuỷ sản có nhiều hộ không áp dụng quy trình từ khâu sử dụng thức ăn… cho đến làm vệ sinh ao hồ, tất cả đều thải ra kênh rạch và dòng sông. Bố trí thời vụ nuôi không đồng nhất, chung một dòng sông có người xả nước ra thì người khác lại lấy nước vào, từ đó môi trường vùng nuôi thuỷ sản thường xuyên bị ô nhiễm. Việc phát triển các vùng nuôi tôm ven biển lại tăng thêm số lượng khoan cây nước ngầm, nhu cầu nước ngọt khoảng 5 vạn m3/ha/vụ, có nguy cơ dẫn đến nhiễm mặn nguồn nước ngầm do sự lún sụt địa tầng cạn kiệt mạch nước ngầm vào mùa khô. Để giải quyết triệt để các vấn đề trên, tỉnh đề ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác khuyến nông và khuyến ngư; áp dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng” trong canh tác lúa; sử dụng nông dược theo bốn đúng “đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều và đúng cách”; sử dụng phân bón hoá học hợp lý, có kết hợp phân bón hữu cơ cho cây trồng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và tiêm phòng gia súc gia cầm đầy đủ và xử lý tốt chất thải chăn nuôi.

Thực hiện chỉ thị 200/TTg của thủ tướng Chính phủ về “đảm bảo vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn”, năm 1995 tỉnh đã giải tỏa trên 7.000 cầu tiêu trên sông rạch, ao hồ, xây dựng mới 1.500 cầu tiêu hợp vệ sinh ở các khu đông dân cư, đóng mới 1.800 giếng nước sạch phục vụ sinh hoạt đời sống nhân dân. [38, Tr.12]

Một phần của tài liệu quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh trà vinh từ năm 1986 đến năm 2010 (Trang 78 - 79)