Truyền thống lao động sản xuất và đấu tranh bất khuất của nhân dân tỉnh

Một phần của tài liệu quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh trà vinh từ năm 1986 đến năm 2010 (Trang 28 - 31)

dân tỉnh Trà Vinh qua các thời kỳ lịch sử

Trong tổng số hơn 1 triệu dân, đa phần là người Việt, người Khmer gần 30% và khoảng 2% là đồng bào Hoa. Từ xa xưa, cộng đồng các dân tộc cộng cư trên đất Trà Vinh vốn có truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn, đây chính là cơ sở hình thành sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để con người Trà Vinh đủ sức chiến đấu và chiến thắng kẻ thù cũng như hình thành, lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần làm đa dạng phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Có thể nói, đoàn kết – chiến đấu – xây dựng là cái trục xuyên suốt chi phối toàn bộ tiến trình lịch sử tỉnh Trà Vinh.

Đầu tiên và lâu dài nhất, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh đã một lòng một dạ chung lưng đấu cật cùng nhau trong công cuộc khai phá thiên nhiên, dải rừng hoang vu ngày nào nay đã trở thành những cánh đồng quanh năm vàng bông trĩu hạt, thành những xóm làng trù phú, những khu đô thị trẻ trung tràn đầy sức sống.

Trong lúc cuộc khai hoang lập ấp còn đang tiếp diễn thì cộng đồng các dân tộc Trà Vinh cùng nhân dân cả nước vùng lên chiến đấu trước những kẻ thù xâm lược; khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên mảnh đất này, thì gần như ngay lập tức, chúng vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của những người nông dân quanh năm tưởng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vùng ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải – chủ yếu là ở Mương Khai (Mỹ Long), Cồn Ngao (Hiệp Thạnh), Ba Động (Trường Long Hòa) – trở thành những căn cứ nổi tiếng của những cuộc khởi binh mãnh liệt như: Đề Triệu (1867 – 1868), Phan Tôn – Phan Liêm (1868 – 1869), Lê Tấn Kế – Trần Bình (1868 – 1870), Nguyễn Xuân Phụng – Đoàn Công Bửu (1868 – 1874)… Khi các phong trào khởi binh theo xu hướng Cần Vương đi vào chỗ thất bại thì cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nhanh chóng đứng vào những cuộc vận động yêu nước theo ý thức hệ tư sản dân tộc như phong trào Thiên Địa hội, Đông du, Duy tân, Thanh niên cao vọng, Truyền bá chữ quốc ngữ…

Phong trào cách mạng theo ý thức hệ vô sản bén rễ vào vùng đất Trà Vinh từ những năm đầu của thập niên 1920 với các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ,

Thanh niên đỏ ra đời tại Mỹ Long (Cầu Ngang), tỉnh lỵ (thị xã Trà Vinh) và An

Trường (Càng Long), mà công lao gây dựng, tổ chức, phát triển thuộc về nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (1902 – 2003). Đây chính là những chiếc nôi hình thành các Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (1927), rồi các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (mùa xuân 1930) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Tỉnh ủy Trà Vinh ra đời vào cuối năm 1930 và đến năm 1945, toàn bộ các huyện trong tỉnh đều có các Chi bộ Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Huyện ủy. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh đã vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào sáng ngày 25/8/1945, gần như cùng lúc với Sài Gòn – Gia Định.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Trà Vinh đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội như trận Cả Chương (1946), trận La Bang (1948), chiến dịch Bắcsama – Cầu Kè (1949), chiến dịch Trà Vinh (mùa xuân 1950)…góp phần cùng nhân dân cả nước đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh, rút quân về nước.

Ngay khi Hiệp định Genève còn chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhanh chân nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm miền Nam, dựng lên chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ. Trà Vinh trở thành một trong những trọng điểm đàn áp, khủng bố với nhiều thủ đoạn mang tên “Sóng tình thương”, “Đồng tâm diệt cộng”… nhắm vào những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước. Với Luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp nơi, phát xít hóa bộ máy cai trị… Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh kiên trì đấu tranh chính trị, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với bạo lực vũ trang giành quyền làm chủ. Bắt đầu từ Mỹ Long (14/9/1960), cuộc Đồng khởi nhanh chóng lan rộng và giành thắng lợi trên phạm vi cả tỉnh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Trà Vinh ngày càng mở rộng với sự ra đời và nhanh chóng trưởng thành của các đơn vị vũ trang như Tiểu đoàn địa phương quân 501, Đại đội địa phương quân 509, Đại đội Đặc công 513, Đại đội Pháo binh 517… cùng các đơn vị địa phương quân huyện, dân quân du kích xã ngày đêm bám dân, bám đất làm nòng cốt cho phong trào nhân dân du kích phát triển mạnh mẽ, đẩy địch vào thế bị động đối phó, góp phần cùng quân dân cả nước làm phá sản các chiến lược “chiến tranh Đơn phương”, “chiến tranh Đặc biệt”, “chiến tranh Cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mĩ.

Trong cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, quân dân Trà Vinh đã đồng loạt tiến công, khởi nghĩa vào thị xã và các huyện lỵ. Riêng tại thị xã Trà Vinh, ta đã anh dũng thọc sâu đánh chiếm làm chủ Dinh Tỉnh trưởng cùng các mục tiêu trọng yếu khác trong gần 48 giờ liền. Ngay sau đó, đại bộ phận lực lượng vũ trang đã chủ động rút khỏi nội ô, hỗ trợ nhân dân vùng ven nổi dậy

giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, tạo cơ sở giữ vững và phát triển cả thế lẫn lực cho chặng cuối cùng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Chính nhờ đó, ngay sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, quân dân Trà Vinh được Trung ương cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc cùng lá cờ mang tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” và danh hiệu Trà Vinh anh dũng.

Trong chiến dịch Tổng tiến công – nổi dậy mùa Xuân 1975, đêm 29/4/1975, các lực lượng vũ trang cách mạng Trà Vinh đã thần tốc đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, làm tê liệt ý chí chiến đấu của kẻ thù, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận. Với ba mũi giáp công nhuần nhuyễn và sáng tạo, Trà Vinh đã tự lực giải phóng hoàn toàn vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, gần như cùng lúc với Sài Gòn – Gia Định, góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước chiến thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với những thành tích to lớn, những chiến công lừng lẫy, tỉnh Trà Vinh có 54 tập thể cùng 24 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong đó, Xã đội phó Tam Ngãi (Cầu Kè) Nguyễn Thị Út (Út Tịch) đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam đánh Mỹ, qua hình tượng “Người mẹ cầm súng”, với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh!”.

Một phần của tài liệu quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh trà vinh từ năm 1986 đến năm 2010 (Trang 28 - 31)