Tầm quan trọng của cốt truyện

Một phần của tài liệu hiện tượng thủ pháp dòng ý thức trong văn xuôi việt nam đương đại (Trang 29 - 30)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1.Tầm quan trọng của cốt truyện

Cốt truyện, theo cách hiểu truyền thống: “là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống, và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ tư tưởng và chủ đề tác phẩm”. Trong loại hình văn xuôi nghệ thuật, cốt truyện đóng vai trò quan trọng. Cốt truyện là hệ thống những sự kiện làm nòng cốt cho sự diễn biến các mối quan hệ và sự phát triển của tính cách nhân vật. Hệ thống sự kiện là yếu tố cốt lõi của cốt truyện. Sự kiện là những biến đổi, những sự việc có ảnh hưởng nhất định đến nhân vật, tính cách và các mối quan hệ của chúng trong tác phẩm. Quan hệ chính giữa các sự kiện hình thành nên cốt truyện là quan hệ nhân quả. Theo tính lôgic của nó, sự kiện B ra đời là do “đã có” sự kiện A và sự có mặt hiện tại của sự kiện B là “để có” sự kiện C nào đó. Chuỗi sự kiện cứ thế nối tiếp nhau làm nên trục vận động chính của cốt truyện, liên kết các yếu tố rời rạc trong tác phẩm thành một quá trình phát triển mạch lạc, hợp lý. Quan hệ nhân quả này được các nhà cấu trúc thâu tóm lại trong một mệnh đề ngắn gọn: “sau cái này tức là do nguyên nhân của cái này”. Như thế giả thiết đặt ra là những biến đổi của quan hệ nhân quả trong hệ thống sự kiện như tính chặt chẽ hay lỏng lẻo, sự tồn tại hay mất đi của nó đều có tác động đến cốt truyện. Tiểu thuyết thế kỉ XIX với một cốt truyện vô cùng chặt chẽ đồng nghĩa với một kiểu kết cấu theo chiều mũi tên đi lên đến đỉnh điểm. Đặc biệt, đối với thể loại tiểu thuyết cốt truyện phải làm rõ có các giai đoạn: thắt nút – cao trào – mở nút.

Với một vị trí, vai trò quan trọng như vậy nên sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật hiện đại thể hiện rất rõ ở phương diện cốt truyện. Kết cấu truyền thống thường khép kín với một cốt truyện trọn vẹn, có mở đầu cao trào kết thúc, giới thiệu đầy đủ câu chuyện của nhân vật, gửi gắm những thông điệp khá rõ ràng. Độc giả an tâm theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối dưới sự chỉ dẫn tận tình của tác giả, không phải băn khoăn, trăn trở gì thêm.

Văn học hiện đại thường phá vỡ trật tự tuyến tính “hiền lành”, đưa độc giả vào giữa dòng chảy bộn bề, trúc trắc của các sự kiện, không rõ bắt đầu và cũng không hề

khép lại khi câu chuyện kết thúc. Nhân vật không chỉ được nhìn từ phía người kể chuyện mà được soi chiếu từ nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn khác nhau, tạo nên một phức điệu đa âm. Mục đích dựng một cốt truyện trọn vẹn hầu như không còn ý nghĩa đối với các nhà văn hiện đại. Ngược lại, tác phẩm là những câu chuyện không thể kể lại, là sự pha trộn của nhiều loại văn bản, tạo nên những tầng lớp ý nghĩa đan xen. Độc giả không thể tiếp tục đứng bên ngoài thụ động mà phải tham gia thực sự vào hành trình của tác phẩm.

Với sự giảm nhẹ một cách rõ rệt vai trò của cốt truyện và nhân vật, văn học Việt Nam hiện đại đã không còn tuân theo sơ đồ diễn biến cốt truyện như thế nữa. Các sự kiện – cái làm cho cốt truyện đứng vững không còn phát huy được vai trò truyền thống của mình nữa. Sự kiện trong tác phẩm giờ đây không phải là hành động mà là suy nghĩ. Ý nghĩ của con người thì không bao giờ tuân theo một trật tự nào. Đang nghĩ cái này lại đến cái khác, cứ thế trong một dòng chảy miên man của ý thức. Và tất cả câu chuyện không toát lên từ những sự kiện mà toát lên qua dòng chảy suy nghĩ, ý thức của nhân vật trung tâm.

Một phần của tài liệu hiện tượng thủ pháp dòng ý thức trong văn xuôi việt nam đương đại (Trang 29 - 30)