7. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Sự tiếp thu thủ pháp “dòng ý thức”
Văn học Việt Nam cuối thế kỉ XX bước vào thời kì đổi mới và có nhiều thành công rực rỡ. Nhiều nhà văn đã biết tìm đến những thủ pháp hiện đại để sử dụng một cách linh hoạt và đạt hiệu quả cho những sáng tác của mình. Một trong số những thủ pháp hiện đại đó có thủ pháp “dòng ý thức”. Và chính thủ pháp này cũng góp một phần nhỏ trong việc rút ngắn khoảng cách giữa văn học Việt Nam với văn học thế giới. Thủ pháp “dòng ý thức” là một thủ pháp hiện đại và thể hiện rõ nét trong các sáng tác của giai đoạn này. Tuy nhiên, thật ra thủ pháp “dòng ý thức” đã được manh nha từ lâu trong những sáng tác của Nam Cao, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu,....và hoàn thiện dần trong các sáng tác của Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Châu Diên, Thuận, Bích Ngân,… Các nhà văn giai đoạn này đã thật sự chú ý và sử dụng thủ pháp “dòng ý thức” với mục đích rõ ràng, cụ thể.
Trên cơ sở những sáng tác đi chệch quỹ đạo “phản ánh hiện thực” vốn quen thuộc như trước đây đã có nhiều ý kiên đánh giá về những đổi mới trong bút pháp nghệ thuật được các nhà văn sử dụng, đặc biệt là thủ pháp “dòng ý thức”. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “Ở Việt Nam, cũng từng có một số nhà văn miêu tả dòng ý thức của nhân vật một cách tinh tế như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng,… Truyện ngắn Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu cũng có thể được coi là một trong những thể nghiệm đầu tiên của thủ pháp “dòng ý thức”. Nhưng với những cây bút này, kĩ thuật dòng ý thức chỉ tồn tại như một thủ pháp nghệ thuật có tính cục bộ. Phải đến Nỗi buồn chiến tranh thì kĩ thuật dòng ý thức mới được vận dụng một cách triệt để, trở thành nguyên tắc nghệ thuật chi phối cách tổ chức kết cấu nhân vật” [16; 401]. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, được các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ghi nhận là một sự đóng góp nổi bật trong việc ý thức đổi mới cách viết trong tiểu thuyết hướng đến dòng tâm tư nhân vật thể hiện chiều sâu nhân vật. Xem đây như là một trường hợp của kiểu tiểu thuyết “dòng ý thức” và đã được bạn đọc, những giới nghiên cứu quan tâm. Nỗi buồn chiến tranh
của Bảo Ninh là một nỗi bật đáng ghi nhận cho loại tiểu thuyết “dòng ý thức” đã manh nha và phát triển ở Việt Nam.
Thủ pháp “dòng ý thức” ngoài việc được các nhà văn chú ý quan tâm thì nó còn được giới học thuật, nghiên cứu phê bình văn học quan tâm. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về thủ pháp này. PGS. TS Nguyễn Bích Thu cho rằng: “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã vận dụng thủ pháp dòng ý thức như một phương tiện đi vào thế giới tâm linh một cách có hiệu quả. Kĩ thuật dòng ý thức sử dụng thời gian đồng hiện, hồi ức, hoài niệm, dòng suy tưởng, những giấc chiêm bao, nhằm để nhân vật bộc lộ những niềm sâu kín của tâm hồn nằm ngoài vòng kiểm soát của ý thức con người” [26; 235]
Hơn thế nữa, trong những năm gần đây có rất nhiều những luận văn tốt nghiệp Đại học, luận văn Thạc sĩ của các sinh viên, học viên các trường Đại học trong cả nước chú ý khai thác thủ pháp “dòng ý thức” trong sáng tác của các nhà văn.