Vấn đề điểm nhìn trần thuật trong văn xuôi nghệ thuật

Một phần của tài liệu hiện tượng thủ pháp dòng ý thức trong văn xuôi việt nam đương đại (Trang 41 - 42)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1.Vấn đề điểm nhìn trần thuật trong văn xuôi nghệ thuật

Điểm nhìn trần thuật là một yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn học được xem là một phương tiện trong quá trình tìm hiểu tác phẩm; là phương tiện để khái quát những gì nhà văn nhìn thấy, nghĩ đến từ một chỗ đứng nhất định để nhìn thấy thế giới nghệ thuật. Nghĩa là để miêu tả, trần thuật, nhà văn buộc phải lựa chọn, xác định điểm nhìn hợp lí. “Điểm nhìn văn bản là phương thức phát ngôn, trình bày, miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả. Người ta không thể miêu tả nếu không có người miêu tả và không bắt đầu từ một điểm nhìn nào. Khái niệm điểm nhìn mang tính ẩn dụ, bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, cảm thụ của chủ thể đối với thế giới. Nó là các vị trí dùng để quan sát, cảm nhận, đánh giá, bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lý, tâm lý, văn hóa”

[47; 149]

Điểm nhìn trần thuật là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc tác phẩm, được thể hiện qua ba phương thức: khách quan, chủ quan và liên chủ quan. Với phương thức khách quan, người trần thuật chỉ miêu tả “những gì nằm dưới tầm quan sát của anh ta, những gì mà chính anh ta trực tiếp cảm thấy hay nghe thấy”. Đây là điểm nhìn bên ngoài, nhấn mạnh tính chất khách quan của sự miêu tả hành động, hay sự kiện trong tác phẩm với người kể chuyện đứng ở ngôi thứ ba. Trái lại, điểm nhìn trần

thuật theo phương thức chủ quan được tiến hành từ “điểm nhìn của một nhân vật – người quan sát có khả năng nhìn thấy được tất cả mọi sự và có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật”. Có thể xem điểm nhìn bên trong và người kể chuyện sẽ đứng ở ngôi thứ nhất xưng tôi. Điểm nhìn trần thuật theo phương thức liên chủ quan được tiến hành cũng từ điểm nhìn bên trong của nhân vật “nhưng lại không thuần nhất một nhân vật nào mà đan cài, xen lẫn giữa các nhân vật. Điểm nhìn của các nhân vật chồng chéo lên nhau, hòa trộn vào nhau, đối nghịch với nhau, tạo nên một hợp thể phức điệu giữa các điểm nhìn không chỉ trong toàn bộ tác phẩm mà trong từng hành động của nhân vật”.

Thông qua điểm nhìn “mà từ đó người trần thuật tìm ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý quan tâm đặc điểm của chủ thể trong việc sáng tạo ra các điểm nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự thay đổi nghệ thuật bắt đầu từ thay đổi điểm nhìn” [19; 103]

Một phần của tài liệu hiện tượng thủ pháp dòng ý thức trong văn xuôi việt nam đương đại (Trang 41 - 42)