7. Kết cấu của luận văn
2.3.1. Nhân vật và vai trò của nhân vật trong văn xuôi nghệ thuật
Văn học muôn thưở luôn hướng đến đời sống con người và con người luôn là tâm điểm với vị trí trung tâm trong văn học. Các tác phẩm văn học có thể viết về bất kì đối tượng nào trong đời sống, những câu chuyện ấy, tình cảm ấy, tư tưởng ấy phải hướng đến con người. Đi chệch ra khỏi quỹ đạo đó, văn chương không còn là chính mình và không thể nào “nằm ngoài định luật của mọi sự băng hoại” (S. Sedrin). Tác phẩm tự sự có thể viết về nhiều đối tượng khác nhau, đề cập đến nhiều sự kiện, vấn đề trong tác phẩm. Song có thể nói, điều quyết định chất lượng của một tác phẩm chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật. “Nhân vật là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [19; 198]. Là con người cụ thể nên nhân vật gắn liền với số phận, tình cảm, tư tưởng sống động, giúp người viết thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình. Tuy nhiên cần hiểu linh hoạt khái niệm “con người cụ thể” ở đây: nhân vật có thể có tên riêng (Tấm, Chí Phèo, Mị, Gorio,…) cũng có thể không có tên riêng (thằng bán tơ, một mụ nào – Truyện Kiều của Nguyễn Du). Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể mà đề cập đến một hiện tượng nổi bật trong đời sống xã hội. Chẳng hạn, người ta thường nói đến nhân dân như là nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi, trong
Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, đồng tiền là nhân vật chính trong tiểu thuyết
dấu hiệu để nhận biết, để gọi tên, những dấu hiệu về tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm riêng… những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường phát triển về sau. Có thể nói nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu riêng là ngôn từ. Vì vậy, nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng để dựng lại chân dung một con người hoàn chỉnh trong tất cả mối quan hệ của nó.
Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách của con người có vai trò dẫn dắt độc giả vào các thế giới khác nhau của đời sống. Nhân vật trong tác phẩm văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn về cuộc đời, về con người. Tính chất điển hình của nhân vật trong các tác phẩm tự sự cũng bắt nguồn từ đặc điểm đó. Nhắc đến Thúy Kiều người ta nghĩ ngay đến hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến, Lão Hạc là nhân vật tiêu biểu đại diện cho hình ảnh người nông dân bần cùng trước Cách mạng tháng Tám,… Chính vì nhân vật văn học là một nhân vật nghệ thuật đầy tính ước lệ nên không thể đồng nhất nó với con người thật ngoài đời sống. Nó là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn với ý đồ, tư tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề hiện thực của cuộc sống. B. Brecht cho rằng các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải đơn giản là những “bản dập” của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ, tư tưởng của tác giả. Vì thế, nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề tác phẩm.
Trong văn xuôi nghệ thuật nói chung, tiểu thuyết nói riêng, mỗi hình tượng nhân vật được xây dựng một cách khác biệt. M.Bakhtin cho rằng: “Tiểu thuyết là thể loại văn chương luôn luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn sự chuyển biến của bản thân hiện thực” [3; 27]. Chính vì vậy, nhân vật trong tiểu thuyết cũng bộc lộ rõ sự biến đổi, “không đứng yên” của nó. Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn, các sự việc đẩy câu chuyện lên tới cao trào và đi đến kết thúc. Đó là mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật khác, mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật. Bởi thế nhân vật luôn gắn liền với cốt truyện, và là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất quá trình. Đặc biệt, điều làm nên sự khác biệt giữa nhân vật văn học
với các nhân vật trong các bộ môn nghệ thuật khác là nhân vật văn học được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ. Vì thế, tác giả văn học có ưu thế hơn trong việc khám phá, mổ xẻ, phân tích đời sống nội tâm nhân vật, đi đến tận cùng thế giới bên trong của con người với vô vàn những biểu hiện đa chiều phức tạp. Dostoievski trong những ghi chép của mình đã khẳng định: “Trong chủ nghĩa hiện thực đầy đủ phải tìm thấy con người trong con người…người ta gọi đó là nhà tâm lí, không đúng, tôi chỉ là một nhà hiện thực chủ nghĩa trong ý nghĩa cao nhất, tức là tôi miêu tả tất cả các chiều sâu của tâm hồn con người” [4; 60]
Từ những góc độ khác nhau có thể chia nhân vật văn học thành nhiều loại khác nhau. Dựa vào chức năng, vai trò, vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm, nhân vật có thể chia thành các loại như: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và triển khai tác phẩm. Ở đây, nhà văn thường tập trung miêu tả, khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình, nội tâm, quá trình phát triển tính cách nhân vật. Qua nhân vật chính, nhà văn thường nêu lên những vấn đề và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm và từ đó giải quyết vấn đề, bộc lộ cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mỹ. Nhân vật chính có thể có nhiều hoặc ít tùy theo dung lượng hiện thực và những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Với những tác phẩm lớn có nhiều nhân vật chính thì nhân vật chính quan trọng nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm được gọi là nhân vật trung tâm. Trong không ít trường hợp, nhà văn dùng tên nhân vật trung tâm để đặt tên cho tác phẩm. Ví dụ:
Đônkihôtê của Cervantes, Anna Karênina của L.Tônxtôi, AQ chính truyện của Lỗ Tấn,… Trừ một hoặc một số nhân vật chính, những nhân vật còn lại đều là những nhân vật phụ ở cấp độ khác nhau. Đó là những nhân vật có vị trí thứ yếu so với các nhân vật chính trong quá trình diễn biến của cốt truyện, của việc thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm. Nhân vật phụ góp phần hỗ trợ, bổ sung nhân vật chính nhưng không được làm mờ nhạt nhân vật chính. Có nhiều nhân vật phụ vẫn được các nhà văn miêu tả đậm nét, có cuộc đời và tính cách riêng cùng với các nhân vật khác tạo nên bức tranh đời sống sinh động và hoàn chỉnh.
vật tư tưởng,… Tùy thuộc vào mỗi thời kì, mỗi giai đoạn văn học mà cách phân loại nhân vật cũng có nhiều nét khu biệt. Văn học trung đại, cận đại, nhiều tác phẩm tự sự xây dựng nhân vật theo hai tuyến chính diện và phản diện. Nhưng trong văn học hiện đại, đặc biệt là thời kì hậu hiện đại, thật khó phân biệt đâu là nhân vật chính diện, đâu là nhân vật phản diện. Việc miêu tả này phù hợp với quan niệm cho rằng hiện thực nói chung và con người nói riêng, không phải chỉ mang một phẩm chất thẩm mỹ mà bao hàm nhiều phẩm chất thẩm mỹ khác nhau. Ranh giới giữa đặc trưng “chính diện” và “phản diện” của nhân vật trở nên mong manh hơn. Con người là một khái niệm mang tính tổng hòa, vì thế nhân vật văn học cũng được nhìn nhận với nhiều góc độ, đa chiều và sâu sắc hơn. M.Bakhtin cho rằng cần phải thống nhất trong bản thân mình vừa các đặc điểm chính diện lẫn phản diện, vừa cái tầm thường lẫn cái cao cả, vừa cái buồn cười lẫn cái nghiêm túc. Vì vậy, khi đặt nhân vật vào loại nào cần xem xét khuynh hướng chủ đạo của nó, đồng thời phải chú ý đến các khuynh hướng, phẩm chất thẩm mỹ khác nhau. Điều quan trọng nhất không phải là xếp nhân vật đó vào loại nào, mà qua nhân vật đó, anh đã khái quát được những nét phẩm chất, tính cách gì của thời đại, của hiện thực, của xã hội và con người trong thời đại đó.
Nhân vật văn học là một thuật ngữ, một khái niệm khá phức tạp. Đặc biệt, nhân vật trong các tác phẩm tự sự, nhất là tiểu thuyết luôn có sự vận động, sự biến đổi không ngừng theo quy luật vận động của văn học. Các nhân vật trong thực tế văn học hết sức đa dạng, bởi vậy mọi sự phân chia đều chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Khi xem xét, nghiên cứu một nhân vật cụ thể trong tác phẩm, cần vận dụng những góc độ tiếp cận phù hợp nhất để chạm được tận cùng những chiều sâu tư tưởng, tình cảm, khám phá một cách chân xác nhất thế giới nội tâm phong phú của con người. Từ góc nhìn của nhân vật, người đọc có thể giải mã được những vấn đề xã hội, thời đại, con người mà nhà văn gửi gắm.