7. Kết cấu của luận văn
3.2.1. Không gian hiện thực có mang màu sắc tâm tưởng
Không gian hiện thực trong Thế giới xô lệch được Bích Ngân xây dựng khá nhỏ hẹp. Nếu khảo sát chúng ta sẽ thấy, nhà văn cho nhân vật của mình vùng vẫy
trong một không gian chật hẹp: chủ yếu là không gian căn nhà cũ kĩ của nhà nước cấp lại cho một cán bộ viên chức; không gian nhà hát kịch; không gian nơi cơ quan người chị làm việc và cuối cùng là không gian làng quê lúc tìm hài cốt người bà. Không gian thực ở đây mang đậm màu sắc tâm tưởng. Đó là không gian biểu hiện những rối rắm, phức tạp trong thế giới nội tâm của nhân vật trước cuộc sống hiện thực. Nhà văn Bích Ngân đã để cho dòng ý thức của nhân vật chính không ngừng trôi về với không gian quá khứ xưa.
Nhân vật anh thương binh quay về với không gian quá khứ với ngôi nhà ở làng quê khi ở ngôi nhà cũ kĩ: “[…] một ngôi nhà tràn ánh sáng trên một mảnh vườn xum xuê cây trái nhìn ra cánh đồng […]” [30; 10]. Anh cũng quay về khung cảnh phố phường anh cùng chị gái và đứa cháu đi dạo chơi khi anh nhìn thấy bức ảnh trước lúc chuẩn bị đi bộ đội: “[…] Đường phố, góc phố, những tòa nhà tráng lệ và vô số những con người với vẻ mặt khác nhau, những bước đi khác nhau, thong dong, hối hả… Nhà hát Thành phố, nơi chị khoe đã một lần được vào bên trong, ngồi vào chiếc ghế bọc nhung và được xem Hồ thiên nga, một vở múa ba lê đã khiến chị khóc khi xem và còn rưng rức nước mắt mỗi khi nhớ lại […]” [30; 23].
Trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, căn gác “độc thân” là không gian như tách Kiên ra khỏi không gian của cuộc sống thời hậu chiến. Trở về sau chiến tranh, cuộc đời Kiên gần như đóng khung trong không gian ấy với “núi non bản thảo” đầy “dang dở”. Căn gác với chút ánh sáng le lói suốt đêm thâu gắn liền với cuộc sống bức bối, bế tắc, cô độc, thế giới tách biệt với cuộc sống bên ngoài của nhân vật. Trong không gian chật hẹp con người dễ đối thoại với chính mình. Thông qua hồi ức của Kiên, có sự đồng hiện giữa không gian hiện tại và không gian chiến trường:
“Nhờ tham gia vào đội thu nhặt hài cốt tử sĩ của trung đoàn, Kiên mới có dịp trở lại vùng hồ Cá Sấu. Tất nhiên anh nhớ ngay tới Hòa và muốn tìm lại con đường vào rừng ngày trước. Nhưng cái trảng trống ấy không hiểu sao chẳng còn dấu vết. Tảng đá hình đầu người, chứng tính duy nhất như thể bị xóa nhòa trong thời gian. Chỉ còn lại đó ngàn cây âm u, những thảm lá mục nát lấp lên đáy rừng, các khe cạn, tiếng chim chóc, tiếng gió, tiếng những nguồn nước thì thầm xa xôi và hương thơm hoa
lặng, mơ hồ, phảng phất đâu đây” [30; 206]. Không gian hiện tại với những thay đổi theo thời gian: chứng tích duy nhất như thể bị xóa nhòa, chỉ còn những âm thanh và mùi hương của núi rừng như lưu giữ một thời chiến tranh đã đi qua. Một trong những lát cắt bí ẩn mà núi rừng lưu giữ, Kiên được chứng kiến khi anh hồi tưởng lại: tại nơi này trước đây, Hòa đã tìm đường cho cả đoàn tải lương. Ngày đó không gian ở đây còn tràn đầy sức sống: “Rừng có vẻ xanh tươi hơn. Không khí như có chút hơi mát. Từ đây, Hòa có vẻ chắc chắn là mình không lạc đường nữa. Cô dẫn Kiên di chuyển một cách tự tin qua các vùng ánh sáng và bóng tối, vùng khô chat và ẩm ướt, vùng nồng nặc hơi thở rữa nát của những hố lầy lớn nhỏ và vùng ngào ngạt hương thơm của các trảng cỏ đỏ ối những hoa là hoa…dòng trôi trầm trầm của Sa Thầy mỗi lúc một rõ” [33; 200]. Sự thay đổi không gian tại một địa điểm gắn liền với bước đi thời gian và vết thương chiến tranh dường như chưa bao giờ được hàn gắn trong Kiên. Vì thế mà không gian chiến trường trong kí ức luôn hiện về ám ảnh trong những giấc mơ: “Giữa những khung cảnh chiến tranh trong mơ, Kiên vẫn thấy thoáng lên những cảnh sinh hoạt và lao động của đời lính B3. Mùa khô phá rẫy đốt nương. Mùa mưa làm cỏ úa. Mùa mưa vào rừng nhặt măng, hái nấm. Mùa khô giăng lưới bắt cá, đặt bẫy săn thú. Mùa khô đi gùi. Tấm lưng to bè, bàn tay chai sạn và hạt muối, hạt gạo, củ sắn, mồ hôi thời ấy như chứa đựng mầm mống của niềm vui sống mà ngày ngày anh đã để cho rơi vãi, mai một. Có lẽ thế chăng” [33; 212]. Không gian bị cắt vụn, sự đồng hiện các mảng không gian gắn liền với sự đồng hiện các lớp thời gian. Tất cả hiện lên trong kí ức của nhân vật. Không gian được mở rộng trong tâm tưởng nhân vật, không gian gần và không gian xa đan cài vào nhau vừa tạo nên chiều rộng của không gian vừa tạo nên chiều sâu trong tâm hồn nhân vật. Kết hợp với không gian xuôi chiều trong tâm thức ấy, nhà văn tạo nên không gian tràn ngập niềm tin ở phía trước: “Có một miền đất mà đời Kiên đã một lần lướt thoáng qua, bây giờ thường thấy hiện lên trước mắt như biểu tượng về một vùng đất hứa đã mất vào quá khứ, đó là vùng đất thảo nguyên bao la miền Nam Tây Nguyên. Từ đèo Ngoạn Mục, qua Đơn Dương, Đức Trọng, xuôi đường 20 lát bóng, thẳng tắp về Di Kinh… Chẳng phải chỉ vì không gian bát ngát xứ sở này gắn liền với thời kì hành quân kì diệu. Thần tốc! Thần tốc nữa! của sư đoàn 10 mà còn bởi chính ở đây, trên nóc trời cực nam cao
nguyên, trước ngày kết thúc chiến tranh, trong lòng anh lần đầu bừng lên tình yêu cuộc sống hòa bình, lòng thương mến ngưỡng mộ đối với đời sống lao động yên hàn, bình dị và êm ấm tuyệt đối tương phản với bạo lực, chém giết và tàn phá” [33; 213]
Trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can cũng có sự đồng hiện không gian, đó là sự đồng hiện giữa không gian cộng đồng và không gian cá nhân. Không gian cộng đồng với những miêu tả sinh động về những miền quê, những phiên chợ quê, những rạp hát của miền đất Nam Bộ, với những buổi diễn xiếc của ông Trần hay màn phóng dao của anh Hai biểu diễn… Không gian cá nhân gắn liền với những suy tư, những trăn trở, dằn vặt của nhân vật ông Ba luôn có linh cảm đến những mũi dao chệch hướng bay sẽ gây thương tích cho cô em gái ruột của mình đang đứng trên tấm ván “đúng như tôi nghĩ sự nguy hiểm sẽ đến cho từng người đứng trước tấm ván, nếu như người phóng phân tâm, lúc tôi chuẩn bị chu đáo nhất để phóng dao cạnh cổ hình nhân thì…bất ngờ con chó sủa vang, nó sủa rồi chạy theo một con cóc, chỉ vậy mà tôi lại mất tập trung, con dao cắm vào giữa cổ hình nhân, tôi chợt khám phá ra một điều người phóng dao sẽ bị phân tâm khi nào ảnh hưởng bởi ngoại cảnh hay bị sốc về tâm lí… “Mà con người thì khó tránh khỏi, sơ ý một tí có thể xảy ra tai nạn…với người phóng dao…nó là máu” [8; 85]. Nỗi dằn vặt, day dứt về sự ám ảnh: sự rủi ro có thể cướp đi sinh mạng của cô em gái đứng trước mũi dao đã làm cho những trang hồi ức trở nên tâm tình xúc động. Mạc Can đã khéo léo tạo ra sự đồng hiện của hai loại không gian này làm nổi bật không gian của sự vô tâm hay quan niệm lạc hậu của những người thích xem trò phóng dao cũng như sự bế tắc của con người trước cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn. Như vậy, mỗi nhà văn có cách tạo nên sự đồng hiện không gian không giống nhau đã làm cho bức tranh đời sống được mở rộng về phạm vi hiện thực.
Xây dựng kết cấu đồng hiện trong không gian đòi hỏi nhà văn phải sử dụng linh hoạt và đa dạng các thủ pháp trần thuật. Bakhtin cho rằng: “Một trong những đề tài cơ bản có tính nội tại của tiểu thuyết là đề tài nhân vật không tương hợp với số phận và vị thế của nó” [3; 72]. Chỉ những số phận “nếm trải”, những cơn xô dạt trên đường đời, những số phận ý thức được chính mình mới có thể diễn tả được đầy đủ
vật chính trong Nỗi buồn chiến tranh, Tấm ván phóng dao, Thế giới xô lệch,… là những con người “lạc lõng” trước thực tại, là những con người có chấn thương quá lớn về mặt tinh thần. Những con người bình thường với những số phận bình thường đó khi được soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau của không gian, thời gian thì mới phát hiện được “con người lớn hơn thân phận mình”. Kết cấu đồng hiện không gian là một cách tân khá mới mẻ cho văn xuôi Việt Nam hiện đại.