6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
3.3.1. Những yêu cầu về ngôn ngữ của thể loại truyện ngắn mini
Một nhà văn đích thực phải là người ý thức về mình như một nhà ngôn ngữ vì “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” (M. Gorki). Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện mang tính đặc trưng của văn học, là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tạo tác phẩm cũng như là yếu tố xuất hiện trực tiếp sớm nhất trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm. Ngôn ngữ là yếu tố nghệ thuật không thể thiếu với văn xuôi tự sự nói chung và
truyện ngắn mini nói riêng. Mỗi thể loại văn học có những đặc trưng, quy định về ngôn ngữ. Truyện ngắn mini là một biến thức của truyện ngắn, là con đẻ của thời đại thông tin nên nó có những yêu cầu nghiêm ngặt riêng về ngôn ngữ. Nguyễn Nho Khiêm trong bài Ước mơ của mỗi nhà văn đã khẳng định: “Để viết được những truyện rất ngắn đúng là truyện ngắn, đòi hỏi nhà văn phải có nhiều phẩm chất, mà phẩm chất không thể thiếu là tài năng và khả năng sử dụng ngôn ngữ” [31, 459].
Trước tiên do tính chất “ngắn” của thể loại nên truyện ngắn mini yêu cầu ngôn ngữ thể hiện phải chính xác và hàm súc. Điều này xuất phát từ nhu cầu phản ánh hiện thực của văn học. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, là “cái vỏ của tư duy”, sự biến đổi ngôn ngữ văn học liên quan chặt chẽ đến sự biến đổi tư duy văn học. Truyện ngắn mini là một kiểu tư duy mới về hiện thực nên ngôn ngữ phản ánh cũng phải có yêu cầu mới. Người đọc cần tiếp nhận những thông tin chân thực từ hệ thống ngôn ngữ mang đậm nhãn quan hiện thực đời thường. Cuộc sống vốn phồn tạp, đa chiều; con người vốn đa sự, đa đoan; hai mặt thiện ác, sáng tối luôn đấu tranh không ngừng, do vậy văn học phải có một nhãn quan ngôn ngữ mới mang tính định hướng. Mặt khác, truyện ngắn mini không có điều kiện để kể lể, bình luận dài dòng. Do vậy, sự chính xác càng được đòi hỏi một cách nghiêm ngặt. Ngôn từ phải nói trúng và đúng ý định mà nhà văn muốn thể hiện. Chẳng hạn để khắc họa về số phận lỡ làng của Hạc trong truyện Hoa muộn, Phan Thị Vàng Anh đã dùng những câu văn trễ tràng, lan man, mệt nhọc, chán chường, ngán ngẩm kiểu như “Ờ đúng rồi, mấy năm nay đã chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc... Đó là những “chú nhỏ” năm xưa, tay lăm lăm kéo, đứng chông chênh trên cái ghế gỗ, hay lom khom giữa những tàn mai già, nhặt lá. Lá mai xạm màu rơi đầy gốc, họ lại nghĩ ra việc quét vườn. Hạc lúc tựa gốc mít, lúc đi quanh “chú nhỏ” nói chuyện “ngụ ngôn”, đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu như
thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái...”. Có lẽ không phải là tình huống, cũng không phải cốt truyện mà chính những câu văn đó đã diễn tả chính xác thân phận dở khóc dở cười của cô gái để mọi cơ hội tuột khỏi tầm tay không phải khi đã muộn mà ngay từ thời tuổi trẻ.
Tính chính xác của ngôn ngữ trong truyện ngắn mini gắn liền với tính hàm súc, bởi nếu chỉ có tính chính xác ngôn ngữ sẽ trở nên xơ cứng, giảm sức gợi cảm của ngôn từ. Đúng như ý kiến của Ngô Thị Kim Cúc: “Ngắn nhưng không thể cụt ngủn. Súc tích nhưng không thể chỉ thuần lí trí. Không cần hoa mỹ nhưng vẫn phải là văn. Tinh giản nhưng vẫn tạo được sự ngân nga” [31, 435]. Ngôn ngữ truyện ngắn mini phải được chưng cất một cách tinh túy, vừa phải ngắn gọn, súc tích, lại phải có âm vang, sức gợi. Bị “trói” trong một số lượng ngôn ngữ hạn định, lúc đó nhà văn có cơ hội được thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình. Viết ngắn mà hay không phải là viết nhanh mà phải thực sự làm chủ được ngôn từ. Chẳng hạn đoạn văn mở đầu truyện Đò thiêng
của Phạm Minh: “Chị là người cuối cùng bước xuống đò. Chiếc va li nặng kéo người chị lệch về một bên. Con đò chòng chành. Người lái đò vội đưa tay đỡ giùm chiếc va li, nhưng chị đã kịp ngồi xuống, lắp bắp hai tiếng “Cảm ơn”. Những câu văn ngắn gọn nhưng gợi sự tò mò của độc giả về việc sẽ có cái gì đó bất thường xảy ra trên chuyến đò đó, kích thích người đọc phải theo dõi tiếp câu chuyện.
Nhu cầu tăng tính tốc độ và thông tin đặt ra như một đòi hỏi chính đáng và tất yếu ở thời đại bùng nổ thông tin. Truyện ngắn mini trên một diện tích nhỏ hẹp phải đáp ứng lượng thông tin cao nên ngôn ngữ phải tăng cường tính tốc độ, tính thông tin và tính triết luận. Đây cũng là đổi mới của truyện ngắn Việt Nam đương đại, nhưng ở truyện ngắn mini sự đòi hỏi trở nên nghiêm ngặt hơn. Tốc độ nhanh của ngôn ngữ gắn với hứng thú diễn đạt dòng chảy ồ ạt, xô bồ, hỗn tạp của cuộc sống thường nhật nhiều lo toan, nhiều mối quan hệ
chằng chéo và nội tâm con người phức tạp. Truyện ngắn mini vốn nhỏ gọn mà linh hoạt thuận tiện, dễ dàng gánh vác sứ mệnh “truyền đạt tin tức”. Nó bám sát đời sống, gắn bó với mạch đập của thời đại. Lượng thông tin đạt đến mức tối đa nằm ở một thứ ngôn ngữ đa nghĩa, nhiều ngụ ý. Ngôn ngữ do vậy một sự dồn nén cao độ, gia tăng thông tin. Những câu văn nhanh, gọn, gấp gáp rất thường gặp trong truyện ngắn mini. Chẳng hạn ở Ván cờ người của Nguyễn Xuân Hưng: “Đã lâu lắm làng Chùa mới lại mở hội đánh cờ người. Vào chung kết là cặp một già một trẻ. Ông Nhật giám đốc xí nghiệp gà ở xóm bờ sông. Anh Dã là dân xóm Đoài gốc. Ông Nhật có công biến xóm ngoại ven sông thành phường Phú Thịnh. Anh Dã làm nghiên cứu tận viện khoa học. Già là kì cựu vô địch vùng này, trẻ năm nay mới có dịp xuất đầu lộ diện”. Đoạn văn đã giới thiệu ngắn gọn và đầy đủ thông tin về con người của một ván cờ, đồng thời cũng hé lộ một sự gây cấn trong cuộc đọ sức, tranh tài. Việc tăng cường tính tốc độ, thông tin là phù hợp với dung lượng tác phẩm và phù hợp với mục đích đưa thông tin đến với người đọc nhanh nhất.
Thông tin được tăng cường bằng thứ ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, dồn nén chi tiết trong truyện ngắn mini đòi hỏi nhà văn phải có một sự trải nghiệm sâu sắc. Điều đó sẽ dẫn đến yêu cầu tất yếu của ngôn ngữ về tính triết luận. Các tác giả có thiên hướng kiếm tìm ý nghĩa triết học nhân sinh qua diễn tả đời sống cụ thể. Điều đó đem lại cho tác phẩm ý vị triết lý và giá trị phổ quát. Tính triết lý là một trong những yêu cầu quan trọng đối với truyện ngắn mini, bởi cái đọng lại trong lòng độc giả về những câu chuyện nhỏ đó không phải là hiện thực mà chính là ý nghĩa của hiện thực đó được đức kết bằng những trải nghiệm cá nhân. Đằng sau những câu chuyện tưởng như vụn vặt rời rạc, người đọc luôn bắt gặp những câu văn mang đậm tính triết lý về mọi mặt về cuộc sống, về con người. “Kỉ niệm không phải là vật hiện hữu mà là thứ mỗi người chúng ta giữ trong tim mình” (Lò sưởi tình yêu của Hoàng Long). “Tuổi già chỉ còn lại kinh nghiệm và lòng nhẫn nại” (Kịp theo chuyến cuối
của Hoàng Long). “Hình như người đàn bà luôn cô đơn với chính mình và luôn phải tự vượt từ nỗi cô đơn này đến nỗi cô đơn tiếp theo. Tưởng như không bao giờ hết” (Cam ngọt của Pham Sông Hồng). “Mọi thứ trên cõi đời này đều dính vào nhau, mắc vào nhau như cái mạng nhện. Không có chuyện