Nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện ngắn mini Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 118 - 122)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện ngắn mini Việt Nam đương đại

đương đại

Một thể loại văn học muốn phát huy được thế mạnh, vai trò của mình phải có những đặc trưng khu biệt với các thể loại văn học khác. Truyện ngắn mini thuộc loại chùm hoa nở muộn, bước vào diễn đàn văn học trên nền của truyện ngắn - một thể loại đã và đang phát huy được ưu thế của mình. Vì vậy, truyện ngắn mini phải có những “phát minh” mới không chỉ về nội dung mà còn về hình thức, cách thể hiện độc đáo. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện ngắn mini có thể xem là có nhiều biểu hiện mới lạ, riêng biệt của thể loại hậu sinh này.

Truyện ngắn mini là con đẻ của thời đại thông tin, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại mới - thời đại của tốc độ, của khoa học thông tin. Mọi việc phải nhanh, gọn, súc tích, đòi hỏi những gì cần và đủ, gạt bỏ không thương tiếc những gì rườm, thừa. Truyện càng ngắn thì chi tiết càng phải đắt,

thể hiện nhân vật phải rõ ràng, tập trung. Giới thiệu trực tiếp nhân vật là một trong những đặc trưng nổi bật trong thủ pháp thể hiện nhân vật của truyện mini. Tiểu thuyết, truyện ngắn do dung lượng ngôn từ không bị hạn chế nên trước khi nhân vật xuất hiện, có thể “làm duyên” bằng những đoạn văn trữ tình ngoại đề như: giới thiệu phong cảnh, miêu tả, dẫn dắt những vấn đề tưởng như không ăn nhập. Trong khi đó, tuyệt đại đa số những truyện ngắn mini đều giới thiệu ngay những nét cơ bản về nhân vật từ những câu văn đầu tiên. Cách giới thiệu như vậy tạo ấn tượng cho người đọc, đáp ứng tâm thế thưởng thức văn chương của con người hiện nay muốn nhanh chóng thâm nhập ngay vào tác phẩm. Văn nhân xưa ở Trung Quốc gọi đó là thủ pháp “khai môn kiến sơn” (mở cửa ra là thấy núi ngay). Có thể dễ dàng thấy điều này ở bất cứ tác phẩm nào, kể cả những tác phẩm ở ngôi kể thứ ba cũng như với những tác phẩm xưng “tôi”. Chẳng hạn: “Năm mười ba tuổi, cái tuổi dậy thì da thịt chân tay ngứa ngáy, chị Minh trèo lên cây ổi trong sân chùa hái những quả chín” (Chị Nghêu của Hoàng Đình Quang). “Khi vượt biển đào tẩu, gã là thiếu úy thuộc tiểu đoàn biệt động Cọp Vằn. Giờ đây Jon Kim là một nhà kinh doanh giàu có bậc nhất thành phố Spielberg. Công thành danh toại nhưng vẫn còn một nỗi buồn “chí tử” là không con” (Đứa con chung của Triệu Huấn). “Tôi là một kẻ yếu đuối. Từ nhỏ đã luôn mang việc chết ra, coi đó như việc cứu tinh” (Câu đêm của Nguyễn Thị Thu Huệ). “Tôi luôn nghĩ mình là đứa trẻ bất hạnh. Nhà nghèo nên việc học hành của tôi vất vả lắm” (Chị tôi của Nguyễn Thị Thu Huệ). “Nàng là một thứ quái vật mặt người. Tim làm bằng đá, bằng sắt, bằng đất sét, bằng thủy tinh, bằng sành sứ, bằng cây khô” (Trò chuyện của Nhã Thuyên)... Với cách thức trực tiếp giới thiệu nhân vật truyện ngắn mini đã tạo cho mình được một nét riêng, gây hứng thú cho người đọc. Người đọc sẽ chuẩn bị tâm thế để đón nhận cách giải quyết của tác giả. Điều đặc biệt là truyện ngắn mini mở đầu giới thiệu trực tiếp

nhưng kết thúc thường bỏ ngỏ để kích thích vai trò đồng sáng tạo của độc giả., gieo vào lòng họ những dự cảm về tương lai qua câu chuyện. Chẳng hạn, kết thúc truyện Tìm cha của Lê Thanh Huệ người đọc vẫn chưa biết rồi số phận của cậu bé đó sẽ đi đến đâu. Về nhà thì không còn người thân nào, mà ở tù thì không phải chỗ dành cho con nít. Câu chuyện không nhằm mục đích khắc họa tính cách, cuộc đời nhân vật, mà chỉ qua những khoảnh khắc đó đưa ra vấn đề: cái thiện trắng trong của con trẻ đôi khi khiến cái ác phải giật mình và thức tỉnh.

Từ cách giới thiệu nhân vật trực tiếp như vậy nên truyện ngắn mini cũng không chú trọng khắc họa chân dung, diện mạo của nhân vật, nếu có cũng chỉ là vài nét chấm phá. Chẳng hạn truyện Người đàn bà khoanh tay mỉm cười của Nguyễn Phan Hách. Truyện kể về cuộc gặp gỡ của một anh họa sĩ với một phụ nữ tưởng chừng với đặc trưng nghề nghiệp chúng ta sẽ gặp nhiều đoạn miêu tả, chấm phá. Nhưng không, suốt câu chuyện chỉ có duy nhất một câu tả chị “Chị ngồi đó trắng trong như ngọn suối cửa nhà, bông hoa hồng bạch dẫm sương cầm tay, ánh mắt thăm thẳm trập trùng như rừng thông biếc”. Người viết truyện ngắn mini giống như nghệ sĩ nhiếp ảnh, chớp lấy khoảnh khắc đáng giá. Nhà văn phải nhạy cảm nắm bắt được cái thần của nhân vật, chỉ qua vài nét chấm phá mà hình dung được cơ bản về nhân vật. Giống như nhân vật chàng nghệ sĩ trong Bức ảnh của Nguyễn Khoa Đăng, nhờ chớp được cái thần chỉ diễn ra trong khoảnh khắc mà anh đã có được một bức ảnh nổi tiếng. Bức tranh đó không cần miêu tả nhiều “Hai cánh tay trần giơ cao như đang với lấy trời xanh. Tà áo, mái tóc bồng bềnh quyện với mây trời”. Cách đặt tên cho nhân vật của truyện ngắn mini cũng đầy dụng ý nghệ thuật. Đa số người viết truyện không gọi tên nhân vật một cách cụ thể mà thường xưng hô bằng các đại từ như: hắn, thằng bán báo, bà lão ăn xin, lão thủ trưởng, nàng, chàng thi sĩ, tôi, ông đại tá,... Cách gọi tên này mang tính

phiếm chỉ và khái quát cao thường dùng trong ca dao xưa mà Hoàng Dân cho đó là một cách gọi thông minh “Làm sống lại một thời ca dao trong thời đại tin học, quả là thú vị thật”. Nó cho thấy nhà văn không chú trọng vào việc cá biệt hóa nhân vật. Người đọc chỉ cần “nhớ những hành vi, tâm thế của nhân vật trong truyện chứ không nhất thiết phải nhớ một cái tên cụ thể nào đó làm gì”. Họ là những nhân vật của thời đại thông tin.

M.Goocki nói: “Ngôn ngữ là cái áo của mọi tư tưởng”. Theo nhà văn Tô Hoài thì “nếu ngôn ngữ ví là cái áo của tư tưởng thì nhân vật là hình thù con người mặc cái áo ấy”. Ngôn ngữ là một trong những phương diện quan trọng để biểu đạt phẩm chất mỗi con người. Vì vậy, trong việc xây dựng nhân vật các tác giả truyện ngắn mini rất chú trọng biểu hiện ngôn ngữ của nhân vật. Với dung lượng ngôn từ ít ỏi, ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn mini được tinh giản một cách tối đa. Các nhà văn cũng sử dụng hai hình thức ngôn ngữ nhân vật là đối thoại và độc thoại nội tâm nhưng cách thức sử dụng thì có những nét riêng.

Khác với những đoạn đối thoại dày đặc, liên tục thường gặp trong truyện ngắn, những đoạn đối thoại của nhân vật trong truyện ngắn mini thường ngắn gọn, được nhà văn tinh luyện, gạt bỏ những yếu tố thừa và thường mang những ý nghĩa làm nổi bật tính cách nhân vật và chủ đề truyện. Ví dụ truyện Anh Hai của Lý Thanh Thảo. Điểm nhấn, sức hút của toàn câu chuyện nằm trong câu nói của người anh cuối câu chuyện: " Ừa. Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!”. Câu nói làm sáng ngời vẻ đẹp của tình thương, lòng nhân ái của con người giữa buổi cơ chế thị trường đang len lỏi vào mọi ngõ nghách của cuộc sống, của tình người. Chỉ một câu nói ngắn ngủi mà làm sáng ngời lên niềm tin của con người vào cuộc sống, vào giá trị nhân bản của con người.

Nhân vật trong truyện ngắn mini phần lớn là xưng “tôi”. Bằng cách xưng hô như vậy, nhân vật trở thành đối tượng trực tiếp của độc giả để cùng suy ngẫm, trao đổi. Nó làm cho độc giả tin tưởng hơn, thân tình hơn nhưng đồng thời cũng buộc tác giả phải đi sâu khai thác, thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật. Để đột nhập vào thế giới bên trong đầy bí ẩn đó, các tác giả thường sử dụng phương thức độc thoại nội tâm của nhân vật. Khi sự cô đơn len lỏi vào khắp nơi trong cuộc sống, thì độc thoại nội tâm chính là cách để nhân vật tự đối diện với chính con người mình. Khách thương hồ của Hào Vũ là một ví dụ. Dọc câu chuyện rất nhiều lần người phụ nữ muốn trò chuyện bày tỏ với người đàn ông chủ chiếc ghe thương hồ nhưng rốt cuộc lại chỉ nói với chính mình. Chị ấp ủ một câu hỏi: “Sao anh bị mất giò?” nhưng không sao nói được. Đó là những mặc cảm về số phận, đồng thời cũng thể hiện khao khát yêu đương muộn màng của người phụ nữ trở về sau chiến tranh. Trong

Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh chỉ một câu nói với chính mình của Hạc mà làm nổi rõ một số phận lỡ làng “Có mai rồi đấy, mà vẫn không thành tết!”... Có thể thấy những đoạn độc thoại nội tâm ngắn ngủi súc tích đã giúp người đọc khám phá mạch ngầm văn bản và hiểu được những góc khuất trong tâm hồn của nhân vật. Truyện mini thực sự đã khẳng định được ưu thế của mình bằng những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, riêng biệt.

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 118 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w