Nhân vật trong truyện ngắn và truyện ngắn mini

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 108 - 111)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.1. Nhân vật trong truyện ngắn và truyện ngắn mini

Nhà văn hào Đức W. Goethe khẳng định: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”. Đối tượng trung tâm và cái đích cuối cùng của văn học là con người. Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học. Nói như Tô Hoài: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết

thảy trong một sáng tác”. Nhân vật văn học là nhân tố quan trọng đối với mọi thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn. Nhân vật trong tiểu thuyết thường gắn với kiểu nhân vật “con người nếm trải”, nghĩa là tính cách nhân vật tiểu thuyết được miêu tả trong một quá trình biến đổi, chịu sự nếm trải tư duy, chịu sự đau khổ dằn vặt của cuộc đời. Những nhân vật đó là những con người đang trưởng thành, biến đổi và trong tính cách, hành động nhân vật tiểu thuyết “lãnh đủ” mọi tác động của cuộc sống; giúp ta hình dung đầy đủ từng bước phát triển tính cách nhân vật trong tính quá trình của nó. Trong khi đó truyện ngắn là loại tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Nhân vật trong truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Không theo dõi, tìm hiểu và mô tả tỉ mỉ sự thăng trầm của số phận, tính cách nhân vật như tiểu thuyết, truyện ngắn chỉ “sử dụng” nó, có nghĩa là vào lúc cần thiết nhất bắt nó hiện lên rõ ràng. Cũng như tiểu thuyết, truyện ngắn sống bằng nhân vật. Một tác phẩm thành công là một tác phẩm mà tác giả đã tạo nên được những nhân vật điển hình như: Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, tướng Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu...

Nhân vật có chức năng khái quát quy luật cuộc sống của con người, thể hiện những ước ao, kì vọng của nhà văn về con người. Nhân vật văn học có chức năng tương tự như một chiếc chìa khóa, giúp nhà văn mở cánh cửa bước vào hiện thực rộng lớn, tiếp cận những đề tài, chủ đề mới mẻ. Nhân vật là một hiện tượng thẩm mỹ, do vậy nhân vật biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới, con người. Có thể xem nhân vật là một trong những phương diện tạo nên những dấu hiệu nhận biết cá tính, phong cách nghệ thuật của nhà văn. Đào Khắc Toàn khẳng định: “Một truyện ngắn hay, có thể có cốt truyện hoặc không có cốt truyện, nhưng dứt khoát nó phải để người đọc kể lại được

hoặc cảm nhận được một điều gì đó, một vấn đề gì đó thông qua số phận và tính cách nhân vật” [31, 400].

Truyện ngắn mini - một dạng đặc biệt của truyện ngắn đang có xu hướng trở thành một thể loại phổ biến trong đời sống văn học đương đại, phù hợp với tâm lý con người thời hiện đại. Để làm được điều đó, trước hết truyện ngắn mini phải dồn sức nặng của mình cho nhân vật. Nói như Võ Khắc Nghiêm: “Đã là truyện thì dù truyện dài, truyện ngắn, hay truyện rất ngắn cũng đều cần phải khắc họa được nhân vật và phải viết cho ra một cái truyện” [31,489]. Trong bài Nhịp đập gấp của con tim, Phan Trung Việt cũng nhắc đến vai trò của nhân vật trong truyện cực ngắn: “Truyện tức là người trong đời, bởi vậy dù rất ngắn cũng phải khắc họa nhân vật - khắc đến đâu, tài năng của người cầm bút quy định”. Hoàng Dân trong bài Nỗi ám ảnh của các nhân vật không tên đã có nhiều ý kiến hay về nhân vật trong truyện ngắn mini. Cái mà ông “thú” nhất đối với truyện ngắn mini đó là nhân vật: “Nhân vật! Đúng là các nhân vật của thời đại bùng nổ thông tin. Họ thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm thức của tôi như một nỗi ám ảnh”. Ông cho rằng mặc dù họ không có tên gọi cụ thể, diện mạo cụ thể nhưng lại đầy sức sống và rất dễ cảm. Cách gọi nhân vật theo lối phiếm chỉ này vừa có tính khái quát lại vừa có tính ám chỉ cao. Vốn là một bác sĩ, ông có những so sánh rất thú vị: “Là bác sĩ giỏi nghĩa là phải biết chẩn đoán bệnh chính xác ngay khi người ta còn đang khỏe mạnh, là người viết truyện ngắn tài nghĩa là phải biết cắm vào trong tâm tưởng người đọc một tâm trạng nào đó ngay khi người ta đang dửng dưng, lạnh nhạt với văn chương. Bác sĩ chỉ cần phát hiện bệnh, chứ không cần nhớ hết họ tên của bệnh nhân làm gì. Phải chăng những người đọc truyện ngắn Thế giới mới cũng chỉ cần nhớ những hành vi, tâm thế của nhân vật trong truyện chứ không nhất thiết phải nhớ một cái tên cụ thể nào đó làm gì!” [31, 405].

Trong khuôn khổ, sức chứa của thể loại, truyện ngắn mini có sự giản lược nhân vật tối đa nhưng vẫn đảm nhận được vai trò trung tâm, vị trí quan trọng nhất để khái quát hiện thực. Truyện ngắn mini thường rất ít nhân vật, thường chỉ có một đến bốn nhân vật, thậm chí chỉ có một nhân vật độc thoại xưng “tôi” giãi bày tâm trạng và nỗi niềm của mình (truyện của Hoàng Long, Nhã Thuyên, Nhật Chiêu...). Nhân vật trong truyện ngắn mini không được khắc họa đầy đặn mà chỉ đi vào một khoảnh khắc, một hành động, một tính cách, một cảm xúc là những mảnh nhỏ trong cuộc đời nhân vật, tất nhiên đó là “mảnh” thể hiện được bản chất. Nhân vật của truyện ngắn mini không được chú tâm miêu tả ngoại hình, cũng không nhằm khắc họa những tính cách điển hình. Trong truyện ngắn mini chỉ chọn những tính cách, những hành động mang bản chất nhất để phản ánh, chỉ một hành động cho thấy cả con người, một giai đoạn nhưng thấy cả cuộc đời; nói như Lỗ Tấn “từ một mảng lông mà biết toàn thân con báo, từ một con mắt mà truyền được cả tinh thần”. Tác giả Nguyễn Thanh Tâm khẳng định: “Xuất hiện trong thế giới nhỏ bé của loại hình vi truyện, các nhân vật không tròn đầy về diện mạo lẫn những biến thái tâm hồn. Hình như các tác giả chỉ nhằm ghi lại những khoảnh khắc, những ấn tượng nội tâm trong những lát cắt cực mỏng của đời người mà thôi” [62]. Thế mạnh của nhân vật truyện ngắn mini không phải là ở kể nhiều, tả kỹ mà chính là ở chỗ gợi đến những suy tư triết học về cuộc đời. Đây là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của nhân vật trong truyện ngắn mini.

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w