Dư âm của chiến tranh

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

2.1.2. Dư âm của chiến tranh

Nhà văn Liên Xô Borit Vatxiliep đã viết: “Những cuộc chiến tranh lớn có bắt đầu, nhưng chẳng bao giờ có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt những người vợ góa, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của những người lính bị thương”. Đúng vậy, dẫu tiếng bom, tiếng súng đã qua đi, dẫu bầu trời không còn đỏ lửa, nhưng những vết thương do chiến tranh để lại sẽ còn nhức nhối, ám ảnh mãi. Suy cho cùng, chiến tranh dù bên thắng hay bên bại thì nhân dân cũng đều là những người thiệt hại.

Sau chiến tranh, với độ lùi thời gian cần thiết, nhà văn có cơ hội nhìn lại chiến tranh, kiểm chứng lại những hậu quả, dư trấn của chiến tranh, vẫn viết về chiến tranh nhưng với cái nhìn mới, những mối quan tâm, những suy tư trăn trở mới, nhìn nhận chiến tranh qua lăng kính của số phận. Văn học thường đi sâu khám phá những khoảnh khắc thường nhật của chiến tranh, vào những diễn biến tâm lí, tiềm thức nhân vật, vào những cảnh ngộ, xung đột nội tâm của con người khi phải đối diện và vượt qua những đau thương và tổn

thất, những khoảng tối trong tâm hồn và nhân cách, những lỗi lầm và sự trả giá... Truyện ngắn với những ưu thế thể loại đã rất thành công trong việc thể hiện mảng đề chiến tranh, cuộc sống của con người thời hậu chiến. Gần như mọi góc cạnh của chiến tranh đều được truyện ngắn cày xới và thu được kết quả bội thu. Truyện ngắn mini - một cách tân của truyện ngắn cũng thể hiện được chỗ đứng nhất định của mình khi viết về đề tài này. Những truyện ngắn mini viết về dư âm của chiến tranh đã mang lại cho người đọc cách cảm nhận mới mẻ về những vấn đề tưởng như đã rất quen thuộc.

Chiến tranh đã lùi xa, những con người từ chiến tranh trở về họ sẽ ra sao? Đó là mối quan tâm của hầu hết những cây bút khi khai thác vấn đề này. Đò thiêng của Phạm Minh là câu chuyện khiến ta cảm động về tình người và xót xa về lẽ đời. Người đọc chông chênh theo dòng hoài niệm thiêng liêng của người phụ nữ về chuyến đò năm xưa đưa người yêu ra trận, ám ảnh mãi về lời hẹn ngày trở về. Tác giả Đò thiêng đã rất tài tình dán ghép hai không gian của hai dòng chảy: hiện tại và quá khứ, hòa bình và chiến tranh. Bên cạnh không khí hoảng loạn của chuyến đò có nguy cơ bị đắm là dòng hồi tưởng không dứt về chuyến đò ngày xưa, ngày chị đưa anh ra trận. Không gian đò đầy của hai mươi năm trước vào mùa mưa như một chiếc gương soi để chị soi ngắm lại mình và về thói đời. Bao nhiêu năm qua đi, chị không một lần dám bước chân đến đò này. Chị đã mong đến thắt lòng về một chuyến đò đưa anh trở về với mảnh đất quê, dẫu bây giờ anh chỉ còn là nắm hài cốt nằm sâu trong vali, lạnh giá. Tiếc rằng, chuyến đò ấy, cũng là chuyến đò đầy nhưng không tưng bừng cờ, hoa, nụ cười và nước mắt mà chỉ là những lời cấm cẳn, gắt gỏng, là những toan tính thoát thân. Giữa hai không gian cách biệt ấy có một mối liên hệ sâu xa. Người đọc lạnh xương sống khi nghe tiếng nói của một người đàn bà: “Quái lạ! Đò như có vong ấy các ông các bà ạ!”. Tính chất thiêng ấy là bởi, trên chuyến đò ấy có anh - người đã lặng lẽ hi sinh và có chị - người đã lặng lẽ chờ đợi trong thủy chung.

Cùng chung cảm hứng với Đò thiêng chúng ta còn bắt gặp Người đàn bà hóa đá của Xuân Cang. Người đọc đặc biệt ấn tượng đến một câu chuyện của người cha kể lại cho con nghe: “Năm bốn sáu quân Anh-Ấn-Pháp đã vây chi đội của ba ở đâu đây, bên bờ song. Ba cùng mấy người du kích nữa chạy vào trốn trong một bụi ô rô. Chẳng may ở đấy đã có sẵn hai mẹ con. Người mẹ rất trẻ. Đứa bé gái còn đỏ hỏn. Em nhỏ la khóc dữ quá. Quân giặc đã đến gần. Không ai biết làm cách nào cho em bé nín khóc. Người mẹ liền ôm em nhỏ đứng dậy, rời khỏi bụi ô rô. Chị đi nhanh xuống bến, thấy roc chịn tách nhanh khỏi bụi ô rô có người. Các chiến sĩ thì đứng im. Mọi người thấy chị giật tung cúc áo, rồi cởi tuột áo, lót cho đứa bé nằm trên cát. Rồi chị xuống bến, như người đang tắm. Vừa lúc ấy, bọn giặc ập đến, chúng nó sì sồ hỏi chị, vẫy chị lên. Một đứa chĩa sung vào đứa bé, nói cái gì. Chị phải lên khỏi nước, nửa thân trần trụi trước mặt chúng nó. Chị chỉ tay về một phía. Chúng nó ùa chạy đi theo hướng tay chị. Nhưng chỉ vài giây sau, một thằng sĩ quan quay lại với khẩu súng ngắn. Nó lại chĩa súng vào đưa bé đang khóc và ra hiệu bắt chị cởi quần. Nó đã hiếp chị ngay ở cái dốc xuống bến. Ba bảo: thoạt tiên chị giãy giụa, rồi thấy chị nằm im. Rồi bất thình lình, chị ôm chặt thằng sĩ quan lăn luôn mấy vòng xuống nước... Tên chị là Nghiêm Thị Giăng” [31, 244 ].

Câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về những người vợ chờ chồng hóa đá đã ăn sâu vào tiềm thức cô giáo Hạnh. Để rồi chính bản thân cô cũng hóa đá vì mãi đợi ngày trở về của chàng trai khoa Sử, dù chưa một lời hẹn ước.

Hoa chanh trái vụ của Văn Như Cương lại là câu chuyện cổ tích thời chiến tranh. Đó là câu chuyện về một người con trai khỏe mạnh, dũng cảm và chân thành yêu một cô gái thùy mị, nết na, hay lam hay làm. Chiến tranh đã đẩy họ vào những hoàn cảnh trái ngang: người con trai bị hiểu lầm là kẻ thù, người con gái bị khinh ghét là kẻ phản bội, và đứa bé phải sinh ra trong dè bỉu của dân làng. Câu chuyện đẩy lên cao trào khi người con gái ấy hi sinh trong

một trận đánh. Tưởng như mọi bí mật bị đóng lại, mọi nghi ngờ không được giải tỏa, và câu chuyện kết thúc trong bi kịch. Nhưng không, đó là một câu chuyện cổ tích với một kết thúc có hậu. Chi tiết năm ngón tay tật nguyền của đứa trẻ từ từ mở ra như năm cánh hoa, giữa lòng bàn tay là một nụ hoa chanh thơm ngào ngạt khi gặp cha giống như chuyện một ông Bụt trong truyện cổ tích hiện lên hóa phép tiên. Và phép màu đã xảy ra, người mẹ sống lại và tất cả được hóa giải.

Chiến tranh ồn ào náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó. Hòa bình yên tĩnh, thanh bình mà lại chứa đựng những sóng ngầm, gió xoáy bên trong. Triệu Huấn viết Đứa con chung từ những điều tâm niệm đó. Truyện đặt ra rất nhiều vấn đề: chiến tranh và hòa bình, quá khứ và hiện tại, hận thù và lòng bao dung, ta và địch... Chiến tranh và quá khứ là bất biến, chỉ có lòng bao dung mới xóa bỏ được hận thù. Người phụ nữ trong truyện như một bậc á thánh, đã xóa bỏ hai mối hận: mối hận bị cưỡng hiếp và mối hận giết chồng, để đứa con được sống với máu mủ của mình, dù nó được thai nghén trong hận thù, tủi nhục. Trái tim con người có những lí lẽ riêng mà lí trí và khoa học không thể nào lí giải được. Cũng giống như vậy là người phụ nữ trong truyện

Mẹ của Nguyễn Nguyên An. Câu chuyện được kiến trúc bằng những câu văn hết sức ngắn gọn, gói vẻn vẹn trong hơn mười câu văn: “Chiến tranh mẹ mất tay. Một người đàn ông gửi con trong lòng mẹ rồi đi! Mẹ nuôi dạy con không tay. Thuở bé, con hỏi: “Tay mẹ đâu?”. Mẹ âu yếm con bằng mắt: “Là con đó”. Lớn lên, con tách mẹ tìm yêu. Bạn trai con xin nguyên vẹn đời con rồi xô con ra giữa ngày giông gió. Con trở về ôm con thơ chạy tìm mẹ, lao đao nửa đời khát vọng. Con thắp ba nén hương khấn:

- Lạy mẹ tha thứ cho con. Con muôn vàn hối lỗi ăn năn!

Giữa hư không mẹ cười. Nụ cười mẹ nghiêng một vầng trăng khuya khoắt bao dung”.

Viết về chiến tranh và số phận con người hậu chiến đã có quá nhiều những tiểu thuyết xuất sắc như Thời xa vắng của Lê Lựu, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... và cũng đã có quá nhiều truyện ngắn hay viết về đề tài này (truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo...). Vậy mà đọc Khách thương hồ, một truyện rất ngắn của Hào Vũ, chúng ta vẫn thấy được những vấn đề lớn lao về “những con người rất nhỏ nhoi bình thường đang dám vượt lên những đau khổ, cả trớ trêu hậu chiến nữa, để sống cho ra người, tức là sống có hạnh phúc như thế nào...” [31, 453 ]. Chuyện xảy ra chòng chành trên chiếc ghe bơi dọc theo con kênh xuống ấp Mới, trên ghe có hai con người, cùng chung số phận, cùng có một cái chân giả, cùng cô đơn và khao khát có người tâm sự. Nhan đề Khách thương hồ đã gợi lên một cái gì đó bồng bềnh, trôi nổi, bất ngờ, trớ trêu rồi. Nguyên Ngọc đã cảm nhận rất hay về truyện này: “Câu chuyện được kể trùng trình, lúc ngập ngừng, lúc đoan quyết, lúc cẩn trọng, lúc liều lĩnh, lúc đắn đo, lúc xô bồ, hơi văn cứ như là một số phận đang rập rình rủi may vậy... Ôi một chút hạnh phúc, cũng là muộn mằn lắm rồi, lại què quặt nữa, nhưng mà khát khao quyến rũ, người ta bắt gặp được cũng chưa biết thế nào đây, có thể còn đầy bất trắc, nhưng mà cũng gọi mời, say đắm” [31, 452]. Câu chuyện đậm lòng trắc ẩn về những số phận lỡ làng sau chiến tranh.

Có một điều dễ nhận thấy là viết về những dư âm của chiến tranh, các nhà văn lại thường đi sâu khám phá số phận những người phụ nữ, những người vợ, người mẹ. Phải chăng họ mới chính là những người trực tiếp gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh? Đó là những người vợ chờ chồng đến hóa đá, những người mẹ sống với nỗi đau mất chồng và dòng máu ngoại lai, những số phận lỡ làng trở về không lành lặn... và đến với truyện

dần đi bởi nỗi bi thảm khôn cùng của cuộc đời người phụ nữ bị bỏ quên giữa rừng với sự chờ đợi và nỗi đau hóa đá. Khi đọc câu chuyện này, tôi chợt nhớ đến truyện Rừng cười của Võ Thị Hảo - một tác giả trẻ thuộc thế hệ chối bỏ cổ tích,vốn không tin vào “thần thoại chiến trường”. Một câu chuyện mà đọc xong tôi cứ thấy rùng rợn và ám ảnh về những cái cười méo mó, man dại của chiến tranh, của những cô gái Trường Sơn mà “những dòng nước khe màu đen xanh thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc họ” và họ “bị buộc trở thành đàn ông”. Và người con gái duy nhất sống sót lại giữa rừng người vượn lõa thể đó sẽ mãn kiếp bị loại khỏi vòng tình ái, chỉ sống với những giấc mơ triền miên về mái tóc dài bị rừng già cướp giật. Còn truyện Người đàn bà khoanh tay mỉm cười nói như Nguyên Ngọc đó cũng là truyện “người đàn bà và chiến tranh... Chuyện lặng lẽ của một người thành chuyện dữ dội của một thời”. Truyện được viết với một niềm tin đối với một xã hội tan chiến nhưng chưa tàn chiến. Truyện cũng khiến người ta giật mình, ớn lạnh dọc xương sống: một cô gái trồng cây, “mỗi cây trồng xuống, chị cứ mỉm cười một mình, tự đếm ứng với một người lính”, và khi cây thành rừng, thì bỗng “y như cả một sư đoàn khoác lá ngụy trang triển khai tập trận. Ngày ấy chị 18 tuổi giữa một rừng đàn ông!” [31,249]. Chị chờ đợi, không ai trở về với chị, chiến tranh đã biến chị thành người đàn bà tóc muối tiêu bị bỏ quên giữa rừng cây của chính mình, chẳng có ai để trách, chẳng thể trách ai. Nụ cười của chị không man dại giống như những cô gái Trường Sơn trong Rừng cười (Võ Thị Hảo) nhưng nó thể hiện một đau truyền kiếp bị chai lì qua thời gian. Hình ảnh chị đã để lại cho hậu thế thời bình một bức tranh được vẽ bằng những thứ màu chẳng bao giờ có trên đời: màu sương mai, màu thời gian, màu cô đơn, màu nỗi buồn, và màu của tuyết trinh vĩnh cửu. Chị trở thành một nhân vật huyền thoại giống như nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá.

Lịch sử viết thành văn bao giờ cũng trang trọng và sạch sẽ. Người lính trong văn học trước 1975 bao giờ cũng được lí tưởng hóa và là phương tiện để

soi sáng lịch sử. Sau chiến tranh, đặc biệt sau công cuộc đổi mới toàn diện của văn học, hình ảnh người lính hiện ra chân thực hơn. Nguyễn Minh Châu đã chiêm nghiệm sâu sắc rằng: “Chiến tranh không chỉ là những chiến công, không chỉ có anh hùng và quả cảm. Chiến tranh còn là một phần chìm khuất với biết bao nỗi đa sự đa đoan của cuộc đời và của bao số phận con người”. Các tác giả truyện mini khi đi vào khắc họa chân dung người lính cũng tập trung, đi sâu vào số phận riêng tư, những tính cách đa chiều mới mẻ, những mất mát éo le, những bi kịch khủng khiếp của chiến tranh hằn sâu trong từng số phận con người một cách da diết, đau đớn. Đôi mắt của Lê Đình Bích được đặt trong một tình huống đầy kịch tính và đạt tới ý nghĩa nhân bản lớn. Anh Hai - một người lính Nam Bộ thật thà, chất phác được anh em đồng đội gọi là Hai Sáng vì anh là người duy nhất biết chữ, thư vợ, thư nhà đều nhờ anh đọc hộ. Khi trở về với cuộc sống thời bình, anh em đồng đội cũ tìm nhau nhưng không biết ai là Hai Sáng vì bây giờ anh đã thành Hai Mù do cuốc đất, vỡ rẫy... dẫm phải mìn. Một sự thật làm đau lòng những người lính “Chiến tranh thì sáng, mà hòa bình lại tối”. Bao nhiêu bom đạn của chiến tranh không hạ gục được anh, vậy mà đi giữa đời thường không tiếng súng anh lại bị mìn đánh cho mù mắt. Câu chuyện vừa khiến ta cảm động, vừa sáng ngời giá trị nhân bản, ca ngợi tình đồng chí đồng đội sâu sắc và trên cả là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của người lính trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Sao sáng lấp lánh của Nguyễn Thị Ấm cũng là một câu chuyện đẹp và cảm động về những người lính. Giữa muôn vàn yếu tố ngẫu nhiên mà thường nhật của chiến tranh, tác giả đã chọn cho mình một “chi tiết phát sáng”. Đó là chi tiết đôi mắt to, sáng, lấp lánh như sao của cô sinh viên trường múa đã mang lại hi vọng cho những người lính trong những ngày chiến đấu gian khổ không biết ngày trở về. Khi biết được người con gái có đôi mắt như sao ấy chỉ là tưởng tượng của một người lính vì quá cô đơn, người đọc không khỏi lặng

đi vì xúc động. Người lính đó đã ôm giấc mộng về hình ảnh đôi mắt như sao cho đến tận khi ngã xuống trên chiến trường.

Sau chiến tranh khi con người dám dũng cảm nhìn thẳng, đối diện với nó thì có những điều còn đắng lòng hơn cả những hi sinh, mất mát, đó là sự thật. Truyện Sự thật của Khuất Quang Thụy khiến tất cả chúng ta phải trăn trở và cùng suy nghĩ. Sự thật về một nấm mồ chỉ có cái bi đông và cái bao đạn đẫm máu là cái sự thật éo le mà chiến tranh để lại liệu có đáng trách hay không khi những người đồng đội cố tình che dấu về cái chết tan xác của đồng đội mình. Phải chăng đối với người lính, cái họ sợ không phải là đối diện với cái chết mà đó chính là những giọt nước mắt của người thân? Sự che dấu của những người đồng đội về nấm mồ đó là một sự dối trá nói lên được một sự

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w