Các kiểu nhân vật của truyện ngắn mini Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 111 - 118)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.2. Các kiểu nhân vật của truyện ngắn mini Việt Nam đương đại

Thế giới nhân vật của truyện ngắn mini đông đảo và sinh động trong những bức tranh đời sống thế sự đa tạp, trong dòng đời mênh mông, rộng lớn. Có bao nhiêu nhân vật là có bấy nhiêu đường nét, số phận tính cách khác nhau. Trong thế giới nhân vật đông đảo ấy, chúng tôi tạm phân định thành 4

kiểu loại nhân vật, dựa trên tiêu chí tư tưởng sáng tạo và quan niệm về con người của tác giả:

- Kiểu nhân vật cô đơn, lạc lõng, bị bỏ rơi - Kiểu nhân vật tha hóa, xuống cấp về đạo đức - Kiểu nhân vật sống trong hoang tưởng, phi lý - Kiểu nhân vật nghệ sĩ yếu đuối, đầy khát vọng

(Sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, vì thế giới nhân vật trong truyện ngắn mini rất đa dạng, phức tạp. Người viết chỉ tập trung vào những kiểu nhân vật tiêu biểu và có giá trị nghệ thuật nổi trội).

Thứ nhất, kiểu nhân vật cô đơn, lạc lõng, bị bỏ rơi. Đây là kiểu nhân vật phổ biến trong văn học đương đại, phản ánh thực tế cuộc sống hiện đại con người mải miết chạy theo cơn lốc xoáy của buổi kinh tế thị trường mà đánh mất nhiều giá trị của cuộc sống. Kiểu nhân vật này thường rơi vào những người phụ nữ, trẻ em và người già -những người vốn dễ bị tổn thương và gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống.

Người phụ nữ trong chiến tranh họ phải chịu cảnh cô đơn vì người thân của họ ngoài chiến trường không hẹn ngày trở về, còn người phụ nữ trong thời hiện đại, hậu hiện đại họ cô đơn trong chính gia đình của mình. Sống bên cạnh chồng con, một đời chăm lo vun vén cho chồng, cho con vậy mà có lúc họ nhận ra “thấy như mình chẳng cần cho ai” (Cam ngọt). Họ vốn là những con người nhạy cảm, nên dù có một cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng vẫn luôn khao khát giữ lại một chút hơi hướng của người chồng (Hơi hướng đàn ông). Người phụ nữ trong truyện ngắn mini đều là những mảnh đời rất nhỏ, luôn gặp những cảnh ngộ éo le, dễ gợi lòng trắc ẩn. Chị tôi của Nguyễn Thị Thu Huệ là chuyện về người con gái hết lòng vì gia đình, vì em, chết vì một tai nạn thê thảm. Sông lấp của Nguyễn Bản là chuyện về người phụ nữ hết lòng yêu, hết lòng vị tha độ lượng, mà bị phụ bạc, từng tìm lối lấp đi mối tình

cũ mà tơ lòng còn vương không dứt. Thuyền lá của Thái Sinh là chuyện người phụ nữ giàu lòng thương, giàu tình yêu, vượt qua cả phong tục, tự nguyện dâng hiến tình yêu, suốt đời đợi chờ, hi vọng trong vô tình, quên lãng. Hoa đại trắng của Đức Ban là câu chuyện về người phụ nữ bị chồng đơm đặt chuyện ngoại tình để li dị phải chết cô đơn nơi cửa Phật... Tất cả đều là những chuyện đời thường có thực ngoài đời, không phải thật tiêu biểu, điển hình cho cuộc sống, số phận con người nhưng lại giàu sức gợi liên tưởng về những vấn đề chung và phổ quát hơn

Nhân vật trẻ em và người già cũng được các tác giả truyện ngắn mini chú ý xây dựng. Họ là những người lẽ thường được gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc nhiều nhất, nhưng ở đây họ lại luôn phải chịu cảnh lẻ loi, bị bỏ rơi. Những đứa trẻ không cha, không mẹ thì lang trên đường đói, rét, nghèo nàn với những lo toan kiếm sống (Thằng hát rong, Anh Hai, Cái còi câm...). Những đứa trẻ có cha có mẹ thì bị bố mẹ chúng bỏ rơi, sống thiếu tình thương (Bố mẹ, Thằng bé bán báo, Cây nhang, Tìm cha...). Nhiều người già còn phải sống trong nghèo nàn, lam lũ (Cổ tích, Đồng vốn, Đồng vọng ngược chiều...). Đáng buồn nhất là họ phải sống trong cô đơn và sự xa lánh, đối xử tàn nhẫn, lạnh lùng của con cái. Hoa cho người sống (Trung Trung Đỉnh) nhân vật chính là một bà già sống nhàn nhã nhưng buồn tẻ, không được những đứa con thưởng thành, giàu có chăm sóc. Bà chết không được một tiếng khóc xót thương, nhưng đám ma lại đầy hoa phúng viếng. Tìm người (Đặng Anh Đào) là chuyện những đứa con coi trọng vật chất hơn chính cha đẻ của mình. Qua nhân vật trẻ em và người già cho thấy giá trị đạo đức đang bị đảo lộn. Truyền thống gia đình đang có nguy cơ bị phá vỡ. Lối sống thực dụng đang ăn mòn tình thương và lòng trắc ẩn của con người hiện đại.

Thứ hai, kiểu nhân vật tha hóa, xuống cấp về đạo đức. Khi xây dựng kiểu nhân vật này, các tác giả truyện ngắn mini không đi sâu vào khắc họa

ngoại hình, diện mạo, xuất thân, nghề nghiệp... mà nêu trực tiếp về hành động, tính cách, từ đó làm sáng rõ bản chất của nhân vật. Họ chủ yếu là những người đàn ông ti tiện, giả dối, phản bội và dùng mọi âm mưu thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Họ là nguyên nhân chính của những bất hạnh và đau khổ của người phụ nữ. Truyện ngắn mini không kể dài dòng về những việc họ làm, về nguyên nhân, động cơ mà chỉ đưa ra hành động, đôi khi là cử chỉ hay lời nói làm nổi bật bản chất nhân vật. Đó là sự thờ ơ của người chồng trong Hơi hướng đàn ông. Sự phản bội đối với người đã cứu mạng sống của mình trong Vàng, với người con gái đã đem lại cho mình sự vinh quang trong Bức ảnh, với người đàn bà chung thủy chờ mình cả cuộc đời trong Thuyền lá... Họ là những kẻ chuyên dùng vẻ bề ngoài của mình để lừa tình những cô gái ngây thơ, trong sáng, giàu tình thương (Chàng thi sĩ đã chết, Người đàn bà hóa đá...).

Trong cuộc sống xã hội hiện đại, với sự xô bồ của nền kinh tế thị trường, con người phải đua tranh, phải giành giật quyết liệt để bảo toàn sự sống và tham vọng của mình. Phản ánh thực tế đó, truyện ngắn mini xây dựng nên hình tượng những người đàn ông lọc lõi, thủ đoạn, cơ hội, những kẻ đểu giả được núp dưới bộ mặt thánh thiện và cái vẻ của những kẻ có học thức. Đó là những kẻ xu nịnh, thân mật với cấp trên nhưng khi họ sa sút thì lạnh lùng, tàn nhẫn, xa lánh (nhân vật bác Dương - tổng biên tập báo tỉnh trong Bạn của bố của Mai Hạnh). Đó là những kẻ đạo mạo có vai vế quan trọng của nền giáo dục nhưng đặt lợi ích vật chất lên trên mọi giá trị (ông hiệu trưởng trong truyện Bức tượng quy ra tiền là bao nhiêu của Y Ban). Là những kẻ lợi dụng chức quyền mà làm việc đồi bại (lão thủ trưởng trong Câu đêm của Nguyễn Thị Thu Huệ). Là những kẻ dùng tiền, thủ đoạn để mua danh bán tước (nhân vật Cả Thộn trong Sợi dây chuyền chín lượng của Ái Lâm)... Tác giả truyện ngắn mini không ngần ngại lách ngòi bút của mình vào những mặt tối của xã hội, vạch trần sự bỉ ổi của những quan chức mọi ngành nghề. Đàn ông vốn là

trụ cột trong gia đình và có nhiều cống hiến cho xã hội. Vậy mà một bộ phận không nhỏ trong số họ đang đứng trước nguy cơ xuống cấp về đạo đức. Đó là một thực trạng đáng phê phán, rung chuông cảnh tỉnh để môi trường nhân tính của con người trong sáng hơn.

Thứ ba, kiểu nhân vật sống trong hoang tưởng, phi lý. Sự phi lý trong văn chương những năm gần đây xuất hiện với những nét rõ rõ rệt, và thật ngẫu nhiên nó lại thường rơi vào thể loại truyện ngắn mini với những tác giả: Nhật Chiêu, Hoàng Long, Nhã Thuyên. Sự kỳ dị, hư cấu và khó nắm bắt ở các tập truyện Lời tiên tri của giọt sương (Nhật Chiêu), Những tàn dư mưa

(Hoàng Long), Ngón tay út (Nhã Thuyên) ở mức độ nào đó đã gây tò mò, hấp dẫn người đọc. Thế giới nhân vật trong những tập truyện này là những con người luôn sống trong không gian của những giấc mơ, tưởng tượng. Thế giới ấy không có trong thực tế, đầy hình ảnh ma quái, kỳ dị với cõi âm, những linh hồn và ảo giác rùng rợn. Họ luôn sống trong trạng thái mệt mỏi, hoang tưởng, dằn vặt với nỗi day dứt về một không gian sống ngột ngạt, bệnh tật và tình trạng xuống cấp về tinh thần của đời sống con người thời hiện đại.

Những giấc mơ, nhưng cơn mộng mị dày đặc, ám ảnh, nặng trĩu trong những trang văn của tác giả trẻ Nhã Thuyên. Đó là giấc mơ được ngủ suốt đời không bao giờ phải tỉnh dậy trong Giấc mơ của người mê ngủ. Là giấc mơ đầy sợ hãi về một cuộc gặp gỡ với người đã chết trong Giấc mơ bị đánh thức. Đó là giấc mơ kinh dị về một không gian gây gây, ngào ngạt đến ngạt thở đầy tử khí, mùi thịt người rữa nát trong Ám thị. Đặc biệt ở truyện Khe thoát hiểm giấc mơ trở thành một nhân vật với nhiều trạng thái: có những cơn mộng ác, cũng có những giấc mơ hạnh phúc. Những giấc mơ luôn ám ảnh và mang nhiều tai họa cho con người. Có những giấc mơ thật kinh dị “trong mơ, hắn cần mẫn vớt từng gương mặt người chết ở một cái giếng sâu để tìm bằng được gương mặt người bạn thân đã chết buổi ấu thời. Hắn vớt lên không biết bao nhiêu gương mặt, nhưng mỗi gương mặt cứ vừa đặt lên tay lại rã dần thành

dòng chất sền sệt có màu sắc và mùi vị khác nhau và không thể phân biệt được khuôn dạng nữa” [70,92]. Những giấc mơ triền miên như vậy khiến con người mang trong mình một khối nội tâm rồ rại, bỏng rát và nhức nhối như mang giữ một khối u ác.

Rõ ràng những điều mộng mị đó không tồn tại trong cuộc sống hiện thực. Nó có giá trị phản ánh một trạng thái tinh thần của con người trong xã hội hậu hiện đại khiến con người sống căng thẳng, không thanh thản. Chúng ta cũng bắt gặp hảng loạt những kiểu nhân vật như vậy trong truyện ngắn mini của Hoàng Long. Điều đáng lưu ý là những kiểu nhân vật này họ tự kể về mình, tự giãi bày. Điều đó có nghĩa là họ ý thức được những gì đang xảy ra với họ. Họ ý thức được mình đang bị lợi dụng, bị bóc lột sức lao động nên mới liên tưởng mình là những điếu thuốc (Người điếu thuốc). Họ ý thức mình bị bỏ rơi, hắt hủi nên tưởng tượng mình như thân rẻ rách (Người rẻ rách). Họ ý thức được xã hội đang tồn tại đầy rẫy tội ác và người với nhau sống bằng cái mặt nạ giả dối nên mới nghĩ ra những vết chàm đen trên cơ thể (Để sống còn)... Những nhân vật của Hoàng Long phần lớn là những con người mất nhân hình nhân dạng, luôn tìm cách trốn khỏi cuộc đời và lánh xa loài người. Đó là cách phản ánh cuộc sống mới mẻ, độc đáo và có những giá trị riêng, từ đó sáng tạo nên một kiểu nhân vật mới trong văn học Việt Nam.

Thứ tư, kiểu nhân vật nghệ sĩ yếu đuối, đầy khát vọng. Các tác giả truyện ngắn mini gần đây đang có xu hướng quan tâm đến kiểu nhân vật là nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ. “Trong bối cảnh văn chương nước nhà suy thoái như hiện nay” (Y Ban), những người cầm bút có trách nhiệm luôn trăn trở với nghề làm sao để tìm tòi, sáng tạo những cách viết mới phù hợp với thị hiếu của độc giả. Điều đó cũng lí giải vì sao mà những cây bút có nhiều cách tân mới mẻ như Hoàng Long, Nhã Thuyên, Y Ban, Nguyễn Thị Hậu lại có nhiều tác phẩm khắc họa những nhân vật là nhà văn, nhà thơ.

Những kiểu nhân vật này thường không có tính cách, không được miêu tả hình dáng, họ chỉ hiện lên với tư tưởng, khát vọng, hoài bão cống hiến cho nghệ thuật. Xung đột của họ chủ yếu là xung đột trong nội tâm về tác phẩm, về thái độ của người đọc ngày nay với văn chương.

Trong 100 truyện của tập Những tàn dư mưa, có tới 8 truyện Hoàng Long viết về nhà văn. Những nhân vật của ông thường là những người luôn khao khát cháy bỏng viết được những tác phẩm để đời, những kiệt tác văn học tồn tại mãi với hậu thế. Đó là những con người cả đời cống hiến cho nghệ thuật, có nhiều người còn phải trả giá bằng cả mạng sống. Và cũng vì khát vọng của họ quá lớn mà họ thường rơi vào trạng thái hụt hẫng, thất vọng vì ước mơ không thực hiện được. Mặc dù vậy, chúng ta hết sức trân trọng sự tâm huyết của họ. Điều đó giúp chúng ta hiểu rằng, để có được một tác phẩm nghệ thuật đích thực là cả một quá trình mệt mỏi, căng thẳng và có phần nghiệt ngã nữa. Và “trong dòng thời gian bất tận của đất trời, chính nhà văn cuối cùng cũng trở thành tác phẩm. Tác phẩm- Đó chỉ là một tên gọi khác của huyền thoại” (Tên gọi khác của huyền thoại). Trong nhiều tác phẩm ông còn chia sẻ những kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật. Theo ông, mỗi câu chuyện mà nhà văn xây dựng nên đều là những cuộc đời dở dang, và đôi khi sự tàn nhẫn, bất hạnh chính là điều hấp dẫn của nghệ thuật (Câu chuyện dở dang). Và một yếu tố không thể thiếu của nhà văn khi chiếm lĩnh chiều sâu thực tại đó là tưởng tượng. Ông đưa ra một chân lý của sáng tạo nghệ thuật: “Tưởng tượng để sáng tạo và muốn sáng tạo thì cần phải tưởng tượng” (Tưởng tượng). Nhà văn Y Ban trong tập truyện ngắn mini Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy ? cũng có nhiều truyên viết về nhà văn với một cái nhìn rất sắc sảo. Qua một loạt các tác phẩm như: Tặng sách, Hội thảo, Sao... tác giả Y Ban đã đưa ra một thực tế đáng buồn là con người thời hiện đại đang có nguy cơ thờ ơ, quay lưng lại với nghệ thuật. Những truyện của bà thường hồn nhiên, dí

dỏm như những giai thoại hoặc tiếu lâm nhưng đậm chất trí tuệ và giàu ý nghĩa thâm sâu. Truyện Hội thảo với giọng văn giễu cợt mà cho thấy cả một sự thật đau lòng về văn chương nước nhà trong thời buổi suy thoái. Truyện

Sao kể chuyện cô công nhân xây dựng viết văn tầm thường mà nói lên được số phận nghiệt ngã của nhà văn trước búa rìu của dư luận. Truyện Tặng sách

nói về khát vọng nổi tiếng hão huyền của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống đầy thực dụng và toan tính... Nhã Thuyên cũng có truyện Cuộc đời tẻ nhạt

viết rất hay người cầm bút mà chúng tôi đã có dịp đề cập đến ở phần trên. Nguyễn Thị Hậu cũng có một chùm truyện ngắn mini viết về nhà văn: Thi sĩ, Chết, Haiku, Giải Nobel, Chữ ký, Món nợ văn chương... Tác giả Đỗ Ngọc Thạch cũng quan tâm đến nhân vật là nghệ sĩ với những tác phẩm rất sâu sắc:

Phỏng vấn các nhà thơ, Chuyện về ba nhà thơ... Điều đó cho chúng ta có quyền được hi vọng vào tương lai của văn chương nước nhà.

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 111 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w