Những dự cảm, dự báo của truyện ngắn mini đương đại

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 81)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

2.3. Những dự cảm, dự báo của truyện ngắn mini đương đại

2.3.1. Một vài giới thuyết

Văn học là sự tái tạo một cách nghệ thuật dòng chảy của đời sống vốn rất phức tạp. Nhưng điều quan trọng nhất là sau mỗi câu chuyện về đời sống, tác phẩm văn học phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống, những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng. Truyện ngắn mini cũng không nằm ngoài mục đích đấy. Hiện thực đời sống được tái hiện trong truyện ngắn mini luôn mang lại cho người đọc sự trải nghiệm, sự suy ngẫm một cách nghiêm túc về cuộc đời, về con người trong thời đại mới. Đặc biệt qua đó người đọc có những dự cảm, dự báo mọi mặt về tương lai, về giá trị đích thực của đời sống và con người.

2.3.2. Những lo âu, bất an bởi sự ngự trị của cái xấu, cái ác

Như ở trên đã phân tích, sự phản ánh cũng như giá trị nhận thức của truyện ngắn mini về hiện thực bề bộn và phức tạp của thời đổi mới, thời kinh tế thị trường; chúng ta thấy một mảng rất lớn về sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức, nhân cách con người. Đứng trước hiện thực đó, người đọc không khỏi cảm thấy lo âu và bất an về sự ngự trị ngày càng lớn của cái xấu và cái ác. Xã hội sẽ ra sao khi đâu đâu cũng có những con người bội phản, xem nhẹ giá trị của tình yêu (Vàng, Thuyền lá, Chàng thi sĩ đã chết...)? Con người sẽ trụ vững như thế nào khi sự lọc lừa, thủ đoạn lại luôn chiếm ưu thế và chiến thắng (Sợi dây chuyền chín lượng)? Tương lai của đất nước sẽ đi về đâu khi một bộ phận không nhỏ trẻ em đang có nguy cơ tha hóa, hư hỏng và bị bỏ rơi trên hè phố (Nước mắt muộn mằn, Thằng hát rong, Cái còi câm)?... Cái hay của truyện ngắn mini đôi khi không phải là cung cấp cho người đọc những câu chuyện gây cấn, giật gân, mà ở chỗ đọc xong mỗi câu chuyện, gấp trang sách sách lại chúng ta vẫn tiếp tục phải suy ngẫm về nó. Đó chính là khả năng phản ánh chiều sâu hiện thực của thể loại này. Đúng như Julio Cortaza từng

phát biểu: “Điều đáng kinh ngạc về những truyện chạy đua với đồng hồ là chúng tạo ra được một cú sét đánh từ một nhúm chất liệu tối thiểu”.

Trước những hiện thực được phản ánh trong các truyện ngắn mini cho chúng ta thấy những giá trị về hạnh phúc gia đình đang bị lung lay nghiêm trọng. Mối quan hệ vợ chồng trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Hạnh phúc chỉ tìm thấy khi con người ta ngộ nhận và lừa gạt chính mình. Điều đáng lo ngại nhất là ma lực của đồng tiền đã len lỏi và can thiệp sâu, chi phối đến cuộc sống gia đình. Đồng tiền, vật chất trở thành thước đo mọi giá trị. Người chồng trong Tự biết của Ngô Thị Kim Cúc đã phải sống cô đơn, bất lực, tuyệt vọng trong cái hạnh phúc dối trá và ô nhục. Học vấn và bằng cấp của anh với những đồng lương ít ỏi đã trở thành một thứ hào quang tắt ngấm trước giá trị của đồng tiền. Vợ, con cái không coi trọng đến sự tồn tại của anh. Giá trị của con người anh bị lu mờ trước giá trị của vật chất. Đắng cay hơn, người chồng trong Tính cách của nàng còn có nguy cơ bị biến thành một thứ hàng hóa được xếp ngang hàng với những đồ vật ở trong nhà. Người vợ thành đạt và giàu có có một sở thích là thay đổi những vật dụng trong nhà. Từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp ga, dàn nhạc, xe, máy lạnh đều dần dần được thay thế bằng những thứ tối tân, hiện đại nhất. Đến khi không còn gì để thay nữa cô nghĩ đến việc phải thay một ông chồng mới và ông chồng cũ có nguy cơ cũng như những vật dụng đã cũ trong nhà bị đưa vào kho chứa đồ phế thải. Đứng trước hiện thực đáng buồn đó, con người chúng ta sẽ nghĩ gì? Đâu là hạnh phúc và giá trị đích thực của gia đình, khi mà thứ tình nghĩa bền chặt nhất cũng bị đưa ra để tính toán, đổi trác?

Cái xấu, cái ác đang từng ngày, từng giờ len lỏi vào đời sống con người. Nó như một thứ dịch bệnh lây lan nhanh và rất khó chữa khỏi. Con người trở nên hoài nghi và mất phương hướng. Đi tìm cái đẹp thì gặp toàn cái xấu xa bỉ ổi. Đi tìm điều thiện thì gặp điều độc ác. Đi tìm tri kỷ thì chỉ gặp kẻ

thù. Những nghịch lí ấy là sự thật về cái phi lí của cuộc sống và con người đang tồn tại đầy rẫy trong xã hội. Con người sống một cách vụ lợi, dối trá và thực dụng. Vì sự ghen ghét, đố kị mà trở nên thờ ơ, vô tâm trước những đau khổ, mất mát của người khác (Ráng đỏ). Cái xấu lấn át. Những con người tiên tiến luôn lép vế và bị cái xấu hãm hại (Lực điền)... Càng hiểu thấu rõ tâm can, tư tưởng của con người thì càng ngỡ ngàng và buồn bực, thất vọng và chán nản, đau đớn và tuyệt vọng; và kết cục càng trở nên thắc mắc và hoài nghi về con người (Kẻ chơi dao)... Chưa bao giờ mà ranh giới giữa lòng tốt và sự xấu xa lại trở nên mong manh đến vậy.

Con người với nhiều sức ép của thời buổi kinh tế thị trường: tiền tài, danh vọng, chức quyền, áp lực công việc, tội ác, sự lừa dối, bị lợi dụng, trà đạp... dễ rơi vào khủng hoảng và bế tắc. Khi không còn tin vào cuộc sống thực, không lí giải được hiện thực con người ta thường lui vào một thế giới ảo. Đó là một nguy cơ đáng buồn của xã hội, khi mà con người luôn muốn trốn tránh khỏi cuộc sống trần thế. Hiện tượng này được dự báo khá rõ nét trong tập truyện mini của Hoàng Long. Chiếm phần lớn trong tập truyện là những con người luôn tìm cách lánh xa đồng loại, trốn mình vào chốn hoang vu bí ẩn và thoát xác. Nhưng ý nghĩ trốn chạy không làm cho nhân vật cảm thấy thanh thản mà họ luôn giằng xé, dùng dằng giữa đi và ở. Bởi với họ “Kẻ nào quá ham quý cuộc sống này là kẻ không có đầu óc, kẻ nào ruồng rẫy thế giới này mà ra đi không chút gì lưu luyến là người không có con tim” (Đường bay vô định). Con người đành tạo ra một lớp áo giáp để ngụy trang và phòng thủ với đời; thỉnh thoảng làm một cuộc hành hương lên núi cao để nhìn lại những vết thương do đời gây ra và hít thở những luồng gió trường sinh (Cuộc đời đầy những vết thương sâu). Con người trong truyện Nơi không có thời gian lại bị lạc và giam hãm ở một nơi tối tăm, tiều tụy; ở đó ngày tháng chẳng có ý nghĩa gì. Quá khứ, hiện tại, tương lai đều xám xịt. Câu chuyện có ý nghĩa

phản ánh sự ảo tưởng của con người trong xã hội hiện đại. Những chiếc đồng hồ vẫn treo ở khắp nơi nhưng chỉ để lừa dối con người rằng nơi đây thời gian vẫn trôi qua bình yên và thời gian sẽ mang tương lai màu hồng tươi sáng đến. Trên thực tế, ở đó chỉ có “những mái nhà điêu tàn liền kề nhau”, “những gương mặt người khắc khổ, tiều tụy” và những “con đường dài sâu, âm u và tối ám”. Truyện Để sống còn là một cách hình dung về cuộc sống một cách độc đáo. Khi con người làm việc xấu sẽ được đánh dấu trên cơ thể bằng những vết chàm đen, khi làm việc tốt vết chàm sẽ lùi dần. Và tất cả mọi người từ một đứa trẻ, chị đầu bếp đến ông sếp, trưởng phòng đều dấu những vết chàm đen kịt sau lớp áo quần. Bởi một sự thật, những việc tốt mà con người làm hiếm hoi như mưa rơi trên sa mạc lỗi lầm và để tồn tại được thì phải đeo mặt nạ mà sống. Vị thánh nhân buồn lại nói về một sự thật con người ta mới sinh ra ai cũng hiền lành, thánh thiện như một thánh nhân. Nhưng cơn lốc cuồng nộ của cuộc đời đọa đày con người khiến họ hao gầy thân xác, kiệt quệ tâm tư... Một trăm truyện mini của Hoàng Long đã vẽ nên một bức tranh kì dị của cuộc sống, nơi mà con người luôn cảm thấy hoang mang, lo sợ cực điểm về sự ngự trị của cái xấu và cái ác. Từ đó thức dậy ở con người một thái độ với cuộc sống của chính mình. Nói như Lewins L.Dunnington: “Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì, mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao; không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào?”. Đó cũng chính là điểm dừng và đích đến của văn học muốn mang đến cho con người.

2.3.3. Những thảm họa khó lường

Các vấn đề nóng bỏng của hiện thực đương đại đang đặt ra những thảm họa khó lường cho cuộc sống của con người. Đó là nỗi hoang mang trong việc xác lập bảng giá trị về cuộc sống, những giá trị cũ bị nghi ngờ, những giá trị mới chưa được khẳng định. Đó là dự cảm về sự tồn tại của một xã hội mà con

người mất hết nhân hình, nhân dạng, một cõi trú ẩn đầy máu và sự dị dạng... Nhã Thuyên đã có một tác phẩm nói rất hay về Kinh nghiệm cảm giác của con người trong thời hậu hiện đại: “Mỗi sáng thức giấc tôi lại hoảng hốt bởi một ngày mới. Mặt trời sẽ mọc ở đâu? Mặt trời sẽ mọc ở đâu? Có chảy tràn trề máu như trong đêm không?”. Các nhân vật trong truyện rất ngắn của tác giả trẻ Nhã Thuyên đều luôn sống trong cảm giác hoảng hốt, lo âu, một dự cảm về cuộc sống bất thường trong tương lai, với những con người dị biệt cả về hình hài lẫn tâm hồn. Đó là một cô gái cố luyện tập để tỏ ra không bao giờ có phản ứng với nỗi đau để đến mức biến thành “một thứ quái vật mặt người. Tim làm bằng đá, bằng sắt, bằng đất sét, bằng thủy tinh, bằng sành sứ, bằng cây khô” (Trò chuyện). Lại có cô gái nhận ra sự khác biệt của mình với những người bạn cùng giới khác ở chỗ mình luôn ở truồng và có thêm một cái dương vật xếp hợp lý một góc gần vuông và ở phía trên âm hộ mà không hề cảm thấy vướng víu, bởi cô nghĩ “có hay không có cả hai bộ phận, ở truồng hay không ở truồng thì nói trắng ra, tất cả chúng ta đều lưỡng tính” (Ở truồng giữa những người mặc quần)... Cuộc sống của con người là do con người quyết định. Trong sâu thẳm cõi lòng, tất cả mọi người đều mong muốn có một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Vậy sao, càng ngày con người lại càng phải sống trong lo sợ, bất an? Xã hội sẽ ra sao đây khi con người không giữ nổi nhân dạng? Có phải môi trường sống của con người đang bị nhiễm độc mà đâu đâu cũng xuất hiện những con người tìm cách trốn tránh cuộc sống? Tương lai xét về góc độ nhân tính đang là thứ mơ hồ, khó hình dung nhất.

Thái độ và phản ứng của con người với đời sống thể hiện rất rõ sự hình dung viễn cảnh cuộc sống trong tương lai. Và thật bất ngờ khi đọc những truyện ngắn mini của tác giả Hoàng Long, chúng tôi nhận ra sự xuất hiện dày đặc của hình ảnh máu trong những trang văn. Máu ảm ảnh trong từng cuộc đời, từng số phận con người. Điều đó cho chúng ta một dự cảm kinh hoàng

về một cuộc sống tràn trề máu. Theo chúng tôi đó chính là một thảm họa khó lường nhất đối với cuộc sống con người.

Hoàng Long dùng nhiều hình ảnh máu để nói về thái độ của con người đối với cuộc sống. Máu được nhắc trong hàng loạt các tác phẩm để chỉ những vết thương không cầm được do cuộc đời gây nên như: Câu chuyện dở dang, Tìm đường, Kẻ sùng bái ánh trăng, Tiếng động, Ngựa vằn, Phim ảnh, Một nơi diễm ảo, Cầm máu, Cuộc đời đầy những vết thương sâu, Kẻ vô hình...; thậm chí máu còn được nhắc đến như một nhân vật (Người máu). Tất cả đều muốn nói, cuộc đời là những vết chém làm tổn thương con người, gây đau đớn cho họ.

Cầm máu nói về cuộc sống là một cái vòng luẩn quẩn của nhân sinh: gặp người thì bị chém, trốn tránh con người thì buồn quay quắt, âm ỉ. “Cứ mỗi lần gặp tha nhân, tôi lại chảy máu đầm đìa. Người thì dùng dao đâm tôi rồi chìa tay ra xin lỗi. Người thì lén lút đâm sau lưng tôi. Kẻ đưa mắt chém, người thì nói xấu như những mũi tên đâm vào tim tôi”. Và rồi con người phải trốn tránh vào một xó xỉnh để cầm máu những vết thương do đời gây nên. Nhưng rồi được thời gian, buồn quá lại chường mặt ra cho người ta chém. Sau một thời gian khổ sở, cuối cùng để không phải cầm máu vết thương đến cuối đời, nhân vật tôi nhận ra rằng “chỉ có tuyệt giao với tha nhân mình mới sung sướng mà thôi”. Còn thảm họa nào lớn hơn khi mà con người lại tuyệt giao với chính đồng loại của mình? Truyện Cuộc đời đầy những vết thương sâu

cũng là vẫn là những vét chém trên cơ thể của cuộc đời: “Thân hình thật sự của hắn không có chỗ nào lành lặn. Vết dao chém in dấu khắp da thịt. Trên khuôn mặt thật của hắn, vết dao chém chằng chịt như tổ đỉa. Những vết dao của đời”. Con người ngây thơ bị đời làm cho vỡ nát. Cuộc đời đối với hắn là một cuộc chiến. Và để tiếp tục tồn tại, hắn phải tự trang bị cho mình một chiếc áo giáp như tấm khiên che để phòng thủ, ngụy trang. Đối với hắn “Học phí đời phải trả bằng máu”, do vậy, hắn hết sức nâng niu và quý những vết

thương của mình. Ngược lại với người cầm máu, nhân vật trong Kẻ vô hình

lại tự lấy mảnh kính mài cho sắc rồi tự đâm vào tay mình, đập đầu vào gốc cây, thấy máu chảy mà sung sướng như điên. Sau một thời gian xa lánh con người hắn trở thành kẻ vô hình, không có hình hài. Hắn khao khát được gặp lại tri âm, nhưng không ai biết được sự tồn tại của hắn, chỉ khi có riêng mình hình hài mới trở về với hắn. Thế là hắn phải chấp nhận cuộc sống hoang vu, không có nghĩa.

Trong Người máu, Hoàng Long xây dựng máu như một nhân vật, cũng có hình hài, có tiếng nói, có khao khát. Người đọc hết sức kinh hoàng khi thấy một búng máu tươi được khạc từ miệng con người ra “di động thành hình người chạy nhảy lăng xăng. Chẳng có mặt mũi gì cả, chỉ là một hình nhân chạy vòng quanh sân, chạy ùa ra cổng” để được chơi với người đời. Con người và giọt máu là hai nhưng là một. Họ cần nhau, bởi cuộc sống quá cô đơn và nhàm chán.

Vì sao trong cảm quan của nhà văn, máu lại trở nên ám ảnh như vậy? Lý giải vấn đề này, chúng tôi xin trích dẫn một ý kiến của chính tác giả khi nói về việc lựa chon hình ảnh trong truyện cực ngắn: “Trước hết phải nói đến tính vụt sáng của thể loại này. Vì thể loại này đòi hỏi tính “cực ngắn” nên ngôn từ phải rất cô đúc, hình ảnh phải sắc nét. Nó như một tia chớp lóe lên trong đêm mù tâm thức bừng sáng rỡ ràng... Chỉ đưa một hình ảnh, không diễn giải, không bình luận, như một khoảnh khắc được ghi lại bằng nghệ thuật nhiếp ảnh, thơ haiku và truyện cực ngắn mang một tính hàm súc cao độ. Hình ảnh phải được nổi bật lên vụt sáng trong mịt mù tâm thức, qua những màn che đứt đoạn của hồng trần, để gợi lên chập chùng một phiến khói sương, hoang vu như ảo ảnh, neo đậu trong tâm thức người đọc” [52]. Hình ảnh máu được Hoàng Long trở đi trở lại trong các tác phẩm của mình trước hết để gây ra ấn tượng với người đọc. Tất nhiên, muốn nó trở thành một chi tiết phát sáng thì

chi tiết ấy phải mang ý nghĩa tượng trưng, phải hàm chứa một cách nhìn, một

Một phần của tài liệu Thể loại truyện ngắn mini trong văn học việt nam đương đại luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w