6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
1.3.2. Một hành trình của truyện ngắn mini (từ những năm cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ
kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI)
Lịch sử văn học nói như M. Bakhtin thì đó là cuộc hòa tấu của thể loại. Trong tiến trình đó, sự hình thành, phát triển hay sự mất đi của một thể loại là bình thường, đôi khi là quy luật của sự phát triển. Truyện ngắn mini trong cuộc hội ngộ của sân khấu văn học được coi là một thể loại “trẻ”, sinh sau đẻ
muộn, nhưng khả năng phát triển và định hình thể loại là khá nhanh và mạnh. Là con đẻ của xã hội hiện đại, truyện ngắn mini (hay truyện cực ngắn) đang ẩn chứa nhiều tiềm năng trong hành trình sáng tạo hiện thực. Tuy nhiên lần giở các công trình nghiên cứu văn học, chúng ta tuyệt nhiên chưa thấy bóng dáng và chỗ đăng quang của thể loại văn học này. Chính vì thế, để minh định rõ bản chất và khả năng của truyện ngắn mini, nhất thiết phải truy tìm lại nguồn gốc của nó.
Thể loại ra đời và trưởng thành như thế nào đó là cả một hành trình biến đổi, hoàn thiện, có khi thăng trầm. Nhà nghiên cứu văn học M. Bakhtin đã chỉ rõ: “Thể loại đang sống trong hiện tại nhưng bao giờ cũng nhớ đến quá khứ của mình, nguồn gốc của mình. Thể loại là đại diện kí ức sáng tạo trong tiến trình văn học” [64, 32 ]. Truyện ngắn mini mới xuất hiện ở Việt Nam mấy thập niên gần đây nhưng trên thế giới thể loại văn học này đã có lịch sử vài thế kỷ. Theo nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào, ở các nước phương Tây, truyện ngắn mini có tiền thân trên báo chí từ thế kỷ XVIII. Các tờ báo đã đăng tải những sự kiện nhỏ. Những mẩu giai thoại nhỏ làm tươi tắn sự nhàm chán những trang giấy và khiến độc giả được giải trí (ý kiến của nhà văn Pháp A. Gronopxki). Người ta cho rằng, mục Tin vặt trên báo chí chứa đựng nhiều mối liên hệ với truyện ngắn nói chung và phù hợp, gần gũi với loại truyện rất ngắn xét về độ dài của nó. Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, trong mục
Tin vặt không chỉ có thông tin thời sự, mà có cả nghệ thuật, có sự gia công trí tưởng tượng phong phú của người viết. Mục đích của tin vặt là cung cấp thông tin, vì thế thông tin cần hấp dẫn. Muốn hấp dẫn người viết cần tạo sự bất ngờ, bất thường, tính kịch cho tin. Đó cũng là yếu tố quan trọng của truyện cực ngắn.
Nếu tiền thân truyện ngắn mini ở châu Âu là báo chí thì trong văn học Việt Nam là từ văn học dân gian, trực tiếp là từ tiếu lâm. Trong tham luận của
nhà văn Nguyễn Tuân đọc trước Đại hội các nhà văn lần thứ hai năm 1963 đã nhấn mạnh: “Tìm ở tiếu lâm một cái gì đó có tính chất kĩ thuật và nghệ thuật viết truyện ngắn thật ngắn nữa. Nhiều truyện tiếu lâm chỉ ngắn không tới mười dòng. Như truyện kể lại cái việc anh nhà nghèo phải đứng quạt hầu thằng nhà giàu... Truyện ngắn - tiếu lâm viết ngắn, đọng, nhưng vẫn đủ chỗ để đi vào tâm lí, vào cái lõi của nhân vật... Đứng về nghề nghiệp mà bàn về tiếu lâm, thì đó là một số kinh nghiệm thành công về kỹ thuật và nghệ thuật truyện ngắn, rất kiệm lời và ý ở ngoài lời thì rất nhiều” (Dẫn theo Bùi Việt Thắng). Lê Dục Tú trên hành trình minh định xuất xứ truyện mini cho rằng ở Việt Nam truyện ngắn mini cũng đã xuất hiện khá lâu. Trong truyện truyền kỳ Việt Nam từ thế kỷ XV - XVI cũng đã có nhiều truyện rất ngắn chỉ trên dưới 100 chữ như các truyện: Bà đồng, Sống lại, Con hổ có nghĩa, Cá thần, Nghề mọn nên quan... Gần đây, hồi tiền chiến, Khái Hưng và Thạch Lam cũng có những truyện ngắn rất ngắn: chẳng hạn Duyên số, Cái chân què của Thạch Lam. Tuy nhiên những cái ngắn ấy tự nhiên mà ngắn, vì câu chuyện kể tự nó giản dị nên ngắn. Thực chất truyện tiếu lâm hay truyện truyền kỳ chỉ giống truyện ngắn mini ở hình hài, chỉ là sự nhận dạng bề nổi về tính chất ngắn của nó. Truyện ngắn mini với tính chất là một thể loại văn học mới, là biến thể của truyện ngắn mới thực sự xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, “Xu hướng tìm đến truyện rất ngắn - một thứ truyện ngắn mini như những ký thác nghệ thuật thực sự chỉ thật rõ vào những năm 90” (Vũ Tuấn Anh). Còn trước đó, dáng vóc thể loại chưa rõ nét nếu không nói là còn nhòa nhạt, dễ lẩn khuất, bởi chúng ta đều biết giá trị của truyện ngắn mini không chỉ nằm ở chỗ nó ngắn mà còn ở nhiều khả năng khác.
Sự phát triển của truyện ngắn mini Việt Nam đương đại Việt Nam thực sự khởi sắc từ những năm 90 trở lại đây. Nó có quan hệ mật thiết với báo chí. Rất nhiều báo từ chuyên đến không chuyên về văn học đều dành không gian
rộng rãi để in những mẩu truyện mini, siêu nhỏ. Đặc biệt, trên nhiều website, weblog cá nhân, truyện ngắn mini được đăng tải liên tục, khó mà kiểm soát hết chứ chưa nói đến việc đọc hết và kiểm định chất lượng. Có thể coi cuộc thi viết truyện rất ngắn do Tạp chí Thế giới mới, báo Văn nghệ tổ chức năm 1993 - 1994 là cột mốc đánh dấu sự nở rộ của thể loại truyện này. Gần đây báo Tuổi trẻ cũng tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn 1200 từ đã tạo được tiếng vang lớn và thu hút nhiều cây bút tham gia. Cuộc thi không chỉ xới lên hứng thú viết truyện ngắn mini mà còn tạo dấu mốc, từ nay truyện ngắn mini sẽ có chỗ đứng trong sự quan tâm của độc giả Việt Nam. Từ đây nhiều cây bút đã được định vị, nhiều tài năng đã được phát hiện như Phan Thị Vàng Anh, Phạm Sông Hồng, Nguyễn Quang Thân, Lý Thanh Thảo, Nguyễn Bản, Quốc Dũng, Tường Long, Nguyễn Quốc Văn... Trong đó, nữ nhà văn Phạm Sông Hồng sau này đã trở thành cây bút chuyên viết truyện rất ngắn với ba tập truyện đã được xuất bản: Vùng lặng, Nghĩa cử và Tiếng đáy. Sau cuộc thi, Tạp chí Thế giới mới kết hợp với Nxb Hội Nhà văn đã tuyển chọn để in thành tập 40 truyện rất ngắn (tác phẩm chung khảo). Sau đó, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh lại ra tiếp cuốn 100 truyện hay cực ngắn năm 1999 được tuyển chọn từ trên 5000 bản thảo của cuộc thi. Đến năm 2006, Tạp chí Thế giới mới
kết hợp với Nxb Văn hóa Sài Gòn xuất bản cuốn 108 truyện hay cực ngắn. Những tập truyện này khẳng định sự trưởng thành và vị thế của truyện ngắn mini trong văn học đương đại. Từ thực tế đó cho thấy, truyện ngắn mini thực sự đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. Giới nghiên cứu cũng đã để tâm đến loại hình văn học này. Nhiều bài viết của các nhà văn, nhà lý luận, phê bình và bạn đọc yêu mến văn chương tham gia trao đổi, thảo luận xung quanh cuộc thi đã cho chúng ta một hình dung rõ nét hơn về thể loại văn học đang còn hết sức mới mẻ này.
Sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, truyện ngắn mini đã khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Và đến
nay có thể nói thể loại truyện ngắn mini chưa bao giờ được yêu chuộng, phát triển thành một xu hướng và được đón nhận nồng nhiệt từ người viết đến người đọc như hiện nay. Nhiều tập truyện ngắn mini vừa ra mắt bạn đọc trong năm 2010, 2011. Các tác giả tìm đến với truyện cực ngắn xuất phát từ ý thức nghề nghiệp chứ không cảm tính như trước. Cho ra sách truyện cực ngắn có: Nguyễn Thị Hậu, Nhã Thuyên, Hoàng Long, Nhật Chiêu, Y Ban... Nhiều tác giả lại đăng tải truyện của mình trên các trang web, blog, trong đó nổi lên các cây bút: Nguyễn Như Núi, Vũ Thanh Hoa, Trần Quốc Minh, Đỗ Ngọc Thạch...
Các tác giả đương đại tìm đến truyện cực ngắn với ý thức rõ rệt hơn. Tác giả Nguyễn Thị Hậu, đồng tác giả tập sách Ngắn và rất ngắn lý giải động cơ sáng tác truyện cực ngắn của mình: “Vì nó như một thách đố: càng ngắn gọn, càng chính xác thì càng đạt đến sự giản dị. Viết truyện cực ngắn cũng rất thú vị vì thường mang lại bất ngờ, định viết thế này mà khi hoàn chỉnh lại ra một truyện hoàn toàn khác hẳn”. Nhã Thuyên, tác giả Ngón tay út bộc bạch: “Ban đầu tôi đến với cực ngắn vì... lười đọc văn xuôi, ngại viết cái gì dài dài, rồi dần dà cực ngắn là một sự rèn luyện, một ý thức viết”. Nhà văn, dịch giả Hoàng Long - tác giả Những tàn dư mưa cho rằng: “Tôi thấy thể loại này có nhiều cái hay. Thứ nhất là kiệm lời, thứ hai là đòi hỏi tác giả phải nỗ lực chiêm nghiệm tìm kiếm. Truyện cực ngắn còn dạy tôi biết chọn lọc ngôn từ và suy tư một cách nghiêm chỉnh, bởi nếu như không có một điều gì để nói, truyện cực ngắn không thể nào được hình thành”.
Nhà văn Nhật Chiêu trong tập truyện Lời tiên tri của giọt sương gọi truyện cực ngắn của mình bằng tên gọi là “truyện tuyệt ngắn”. Tiến sĩ Nguyễn Nam (bút danh Hoàng Lương) đề xuất một cách đọc Nhật Chiêu: “Hãy thử đọc như một hành trình khảo cổ tri thức, bóc tách và tạo đa nghĩa cho tập truyện, cũng như suy nghiệm trong không gian đa chiều, đa nghĩa của văn chương”... Đặc biệt tập truyện còn mang lại cho độc giả những trải nghiệm văn chương kỳ lạ và bất ngờ bởi những truyện chỉ có một câu, thậm chí cô
đọng lại chỉ duy nhất một từ. Điều này đã phá vỡ những định nghĩa trước đây - vốn đứng không vững trước thực tiễn sáng tác văn chương. Đối với những người say mê và thích khám phá những cái mới về cách viết và kỹ thuật sáng tác thì tập truyện tuyệt ngắn và truyện một câu của Nhật Chiêu là một thử thách thú vị. Người đọc tha hồ phát huy trí tưởng tượng, sức liên tưởng, suy tưởng để giải mã trò chơi ngôn từ của tập truyện. Nguyễn Hữu Tình gọi Lời tiên tri của giọt sương là “bản hợp xướng với những tấu âm lạ”. Truyện nào cũng hiện đại, cũng lạ, lạ cả trong giọng văn và ngôn ngữ được dẫn dụng, tạo ra những “khoảng trống mênh mông” thôi thúc người đọc khám phá và cảm nhận theo cách riêng của mình.
Như vậy, truyện ngắn mini đến nay đã trải qua được hành trình trên hai mươi năm với những bước phát triển mang tính đột phá. Có thể nói chưa có một thể loại văn học nào mà sự ra đời của nó lại thu hút được nhiều người đọc và sáng tác như vậy. Và xem ra sự phát triển của thể loại này cũng luôn hứa hẹn những bất ngờ thú vị. Truyện ngắn mini khi được các nhà văn ý thức sáng tạo, với tâm thế đồng hành cùng cuộc sống thì tất yếu sẽ sản sinh những tác phẩm hay. Còn với bạn đọc, việc có trên tay một cuốn sách bỏ túi hay một tập truyện cực ngắn đơn giản trước hết là một sự lựa chọn tiêu dùng trong cuộc sống hối hả hôm nay. Là một thể loại ra đời trong lòng xã hội hiện đại nên nó cũng phải tuân theo quy luật tồn tại và phát triển của thời đại đó.