6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
1.3.3. Truyện ngắn mini một thành tựu đáng ghi nhận của văn xuôi tự sự Việt Nam đương
tự sự Việt Nam đương đại
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của văn học, truyện ngắn luôn là thể loại chiếm ưu thế và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, sau 1986, truyện ngắn có bước đột khởi nhờ vào ngọn gió lành của công cuộc đổi mới. Truyện ngắn không chỉ “được mùa thể loại”, tăng nhanh về số lượng mà còn đổi mới từ nội dung phản ánh đến hình thức thể hiện. Truyện ngắn mini -
một cách tân của thể loại truyện ngắn có thể coi là một thành tựu đáng ghi nhận của văn xuôi tự sự Việt Nam đương đại.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, truyện ngắn luôn chú trọng đến vai trò “người lính xung kích” của mình. Để làm tròn vai trò đó, truyện ngắn mini xuất hiện luôn có ý thức làm thế nào để đến với bạn đọc nhanh và ngắn gọn nhất. Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định truyện ngắn mini đã làm được nhiều điều vượt quá khuôn khổ thể loại và ngày càng khẳng định vị trí độc lập của mình trong đời sống văn học. Truyện ngắn mini ra đời đánh trúng vào thị hiếu của độc giả trong nhịp sống của cuộc sống hiện đại. Truyện phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống dưới hình thức ngắn gọn, cô đúc. Hình thức nhỏ gọn, cộng với sự phát triển của công nghệ thông tin, độc giả có thể thưởng thức mọi lúc, mọi nơi. Vì thế truyện ngắn mini nhanh chóng hấp dẫn và thu hút được lượng tác giả rất lớn.
Vào đầu thập niên cuối thế kỷ XX là công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng đã đưa dân tộc chủ động hội nhập vào nhân loại, một nhân loại trong xu thế toàn cầu hóa. Nhu cầu hội nhập với nền văn học thế giới cùng là một cái hích cho sự chuyển mình của văn học Việt Nam nói chung và truyện ngắn mini nói riêng. Sẽ rất vất vả và khó khăn khi chúng ta phải dịch thuật và chuyển tải một tác phẩm văn học đồ sộ ra nước ngoài. Vì thế, truyện ngắn mini với khuôn khổ nhỏ bé, ngôn từ ngắn gọn rất thích hợp với việc dịch thuật để đưa văn học của chúng ta đến với thế giới. Ở Việt Nam, cũng lần đầu tiên ta thấy một tập truyện được xuất bản dưới hình thức song ngữ. Đó là trường hợp cuốn Lời tiên tri của giọt sương của Nhật Chiêu được dịch giả Từ Lê Tâm thực hiện dịch sang tiếng Anh rất công phu qua sự hiệu đính của Nguyễn Nam (đang giảng dạy ở Đại học Harverd Mỹ). Với 109 truyện cực ngắn, có truyện chỉ dài một câu, thậm chí một chữ rất thích hợp để vừa đọc vừa học tiếng Anh. Không phải là tham vọng, nhưng những lời nhỏ của giọt sương
hoàn toàn đủ sức hòa vào dòng chảy mênh mang, đa điệu của văn chương thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.
Nhà văn Hoàng Đình Quang khi bàn về truyện ngắn mini chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, đọc truyện ngắn “ngắn” không phải là ăn tiệc nhỏ, ăn cái bánh bé. Cũng không phải là chuyện ăn nhanh, ăn liền hoặc xắt một miếng nhỏ ra mà nếm. Nghĩa là dù ngắn mấy đi nữa thì người viết vẫn phải cho ra một tác phẩm văn học trọn vẹn cả nội dung lẫn hình thức” [31, 415 ]. Truyện ngắn mini với tính chất đặc thù của nó là dung lượng nhỏ, cô đọng và hàm súc nên nó có hình thức phản ánh hiện thực đặc biệt, độc đáo. Do yêu cầu phải phản ánh hiện thực trong những nét đa dạng và phức tạp của nó, lại bị giới hạn trong một nhúm chữ ít ỏi, truyện ngắn mini không thể viết theo lối ngẫu hứng nhất thời, không thể kể tràng giang đại hải về hiện thực trước mắt, không thể quá đi sâu vào việc tả, kể các chi tiết, sự kiện của đời sống. Là một hình thức tự sự loại cực nhỏ, truyện ngắn mini chỉ tập trung miêu tả biến cố nổi bật, biến cố chủ yếu xảy ra trong khoảnh khắc nào đó của đời sống nhân vật, những lát cắt cực mỏng của đời người, biểu hiện một nét độc đáo của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh tiêu biểu của đời sống xã hội. Đặc trưng này đem đến cho truyện ngắn mini một ưu thế mà tiểu thuyết và truyện ngắn không dễ có, là phản ánh cuộc sống theo chiều sâu chứ không theo chiều rộng. Bởi thế, ngoài khả năng phản ánh những sự kiện nóng hổi của đời sống, truyện ngắn mini phần lớn đi sâu vào thế giới tinh thần, cụ thể hơn vào thế giới nội tâm đa dạng và phong phú của con người. Đây được xem là một thành tựu quan trọng mà thể loại truyện ngắn mini đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam đương đại. Chúng ta cùng đọc và cảm nhận sức nặng trong một truyện cực ngắn rất hay của Nhã Thuyên: Giấc mơ bị đánh thức
“Trong một đêm yếu đuối, quá khứ trở lại nghẹt thở tim nàng. Nàng nằm thức, bởi chỉ nhắm mắt giấc mơ sẽ kéo trĩu nàng xuống như thể có một bàn tay từ một nấm mồ của người đã chết. Nàng sợ hãi bởi nàng biết mình đã luôn chờ
đợi điều ấy, nàng biết chắc chắn mình sẽ bám chặt lấy bàn tay ấy để được kéo đi, trong đêm tối, cho dù phải đổi cả mạng sống và không bao giờ tỉnh dậy.
Nàng nhắm mắt đợi. Một bàn tay. Một người đã chết đứng trước mặt, cạnh giường nàng. Nếu không chỉ cần một tiếng gọi thôi, chỉ cần một tiếng gọi mơ hồ như tiếng gió. Người chết trở lại. Một gặp gỡ. Nàng đợi trong sợ hãi vì biết mình sẵn sàng đổi cả mạng sống của mình nếu xảy ra được cuộc gặp ấy.
Nàng nức nở tuyệt vọng một đêm dài. Bởi dù thế nào, những giấc mơ cũng bị đánh. Bởi nàng không thể được không tỉnh dậy. Bởi dù có tự nguyện đổi cả mạng sống và không sợ hãi, thì điều ấy, cuộc gặp gỡ ấy sẽ chẳng bao giờ có được bên ngoài những giấc mơ” [70, 17].
Nỗi cô đơn ám ảnh, giăng mắc ở từng câu chữ: cô đọng mà day dứt không nguôi. Người phụ nữ trong truyện đối diện với nỗi cô đơn của mình bằng cách tìm vào những giấc mơ, neo giữ lòng mình vào một quá khứ đã quá xa, về một bóng hình không còn nữa. Trải qua nỗi cô đơn ấy còn đau hơn tất cả mọi nỗi đau. Quá khứ - hiện tại - và những giấc mơ chập chờn, đan cài, vây quanh, trói chặt người phụ nữ vào nỗi cô đơn, nỗi sợ hãi không lối thoát. Không cần viết dài dòng, không cần kể lể nhiều, người đọc vẫn dễ dàng cảm nhận được sức nặng của truyện. Hoàng Như Mai đã so sánh rất hay khi nói đến sức nén của thể loại này: “Lý thuyết thông tin đã chứng minh: ngắn, ít, chọn lọc thì lượng thông tin càng mạnh; đối với nghệ thuật cũng vậy, càng như vậy: vài nét vẽ thường khi sắc sảo hơn nhiều so với bức chân dung có đủ chân tơ kẽ tóc!” [31, 411].
Truyện ngắn mini với một dung lượng nhỏ mà có sức chứa rộng lớn những vấn đề lớn lao của con người. Để làm tốt được nhiệm vụ đó, truyện ngắn mini cũng có những cách tân nghệ thuật đáng ghi nhận. Sự giản lược tối đa nhân vật, kết cấu đơn giản, ngôn ngữ cô đọng hàm súc được coi là những đặc trưng riêng biệt của truyện ngắn mini.
Truyện ngắn mini thường rất ít nhân vật, và theo sự quan sát của chúng tôi thì số lượng nhân vật trong truyện cực ngắn ngày càng tối giản. Trong cuốn 108 truyện hay cực ngắn (xuất bản 2006) số lượng nhân vật phổ biến từ hai đến bốn nhân vật, nhưng đến những tập truyện ngắn mini mới xuất bản năm 2011 đa số truyện chỉ có một nhân vật độc thoại xưng “tôi” “ta” để giãi bày tâm trạng và nỗi niềm. Đọc truyện của Hoàng Long và Nhã Thuyên ta bắt gặp một loạt những cái tôi: khi thì dằn vặt đau đớn, lúc rơi vào trạng thái hoang tưởng cao độ, lại có cái tôi thần bí, ma quái, rồi cái tôi cô đơn, khao khát đi tìm bình yên, hạnh phúc... Truyện ngắn mini thường khéo đưa ra những khoảnh khắc, những tình huống, những “chi tiết phát sáng” để từ đó tính cách nhân vật, tư tưởng chủ đề được bộc lộ.
Thế giới nội tâm con người là thế giới khó nắm bắt và nhận diện một cách rõ ràng nhất. Truyện ngắn mini thường đi vào miêu tả thế giới nội tâm đó nên kết cấu của truyện cũng thường triển khai trên những diễn biến của dòng chảy tâm lý, từ đó người đọc thấy được số phận của nhân vật. Bên cạnh đó, kiểu kết cấu vòng tròn: hiện tại - quá khứ - hiện tại cũng được sử dụng phổ biến. Kết thúc của truyện ngắn mini thường là kết thúc mở. Người đọc có thể tự do dự đoán về số phận của nhân vật. Kết thúc bất ngờ cũng được xem là đặc trưng của truyện ngắn mini. Châu Thành Nguyễn cho rằng: “Truyện cực ngắn thường là sự gặp gỡ của những trạng thái đời sống ở thời điểm ngưng kết đi tới chuyển đổi như phút 89 đầy kịch tính trên sân cỏ trong những trận đấu bóng nghiêng ngửa” [31, 393]. Ở truyện ngắn mini chúng ta cũng thấy dấu ấn của kỹ thuật viết hiện đại như sử dụng bút pháp đồng hiện, yếu tố kỳ ảo... Truyện ngắn mini đã thể hiện được tính năng động của mình trong đời sống văn học đương đại.
Sự ra đời của truyện ngắn mini trong hơn hai thập kỷ nay và được công chúng đón nhận nồng nhiệt cho thấy văn học Việt Nam đang không chỉ ngày
càng đổi mới về nội dung phản ánh mà còn đổi mới về phương thức thể hiện. Nguyên Ngọc đã có đánh giá về sự phát triển của văn học giai đoạn này: “Cần phải nói rằng có được loại truyện rất ngắn hay như thế này hôm nay, chính là do cả một quá trình thường được gọi là đổi mới văn học suốt gần mười năm qua đã công phu - và dũng cảm nữa để chuẩn bị cho nó: Quá trình văn học cày xới trên cánh đồng hiện thực xã hội phong phú, phức tạp, ngổn ngang, tạo nên một khối lượng tư liệu, nguyên liệu xã hội và nhân sinh đồ sộ cho sự chưng cất, chắt lọc này. Và khi đã được chưng cất thực sự từ khối nguyên liệu đời sống giàu có, sinh động như vậy, thì sẽ có những tác phẩm văn học thực sự. Tức là những tác phẩm mơn mởn, tươi tắn như chính đời sống” [31,454]. Có thể nói ít có một thể loại văn học nào mà trong một thời gian ngắn như thế đã khẳng định được diện mạo và vị thế của mình trên diễn đàn văn học. Đó là một tín hiệu đáng mừng của một nền văn học đang hướng đến những tiêu chí mới: hiện đại, giao lưu và hội nhập.
Chương 2
NỘI DUNG NHẬN THỨC, PHẢN ÁNH CỦA TRUYỆN NGẮN MINI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI