I. Tình trạng sức khỏe
5. Nhận xét chung
Những phân tích trên cho thấy tình trạng sức khỏe của nhân dân Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe nhân dân được đề ra trong Kế hoạch 5 năm của ngành y tế đều được cải thiện. Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến lĩnh vực y tế, như ngăn chặn HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác (Mục tiêu 6); giảm 50% số người không có khả năng tiếp cận bền vững nguồn nước uống an toàn và vệ sinh cơ bản (một nội dung của Mục tiêu 7). Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề lớn đáng quan tâm. Đó là:
Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong 3 năm tới, Việt Nam cần phải tiếp tục có những nỗ lực lớn để: giảm tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi (Mục tiêu 4) xuống còn 19,3‰ vào năm 2015 (hiện mới đạt 23,3‰); giảm tỷ số tử vong mẹ xuống còn 58,3 ca trên 100 000 trẻ đẻ ra sống (hiện mới đạt 67); tăng tỷ lệ người có thể tiếp cận hố xí hợp vệ sinh.
Sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe của nhân dân các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn đang là một vấn đề rất đáng quan tâm. Cùng với việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo các chương trình của Chính phủ, việc tăng cường công tác y tế để giải quyết các vấn đề sức khỏe của nhân dân ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đang được đặt ra rất cấp bách. Trước hết, cần từng bước khắc phục sự chênh lệch còn cao và chưa được thu hẹp (thậm chí còn tăng) về tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em...
Bên cạnh nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm quay trở lại; một số bệnh dịch mới đang phát triển phức tạp và diễn biến khó lường, xu hướng gia tăng liên tục ở mức cao các bệnh không lây nhiễm đang trở thành một thách thức lớn đối với tình trạng sức khỏe nhân dân và hệ thống y tế Việt Nam.