Theo Cục thống kê Gia Lai (2011), ở Việt Nam hiện nay có các hình thức sở hữu vốn trong doanh nghiệp như sau:
Doanh nghiệp Nhà nước gồm các loại hình doanh nghiệp sau: (1) Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp do trung ương quản lý và địa phương quản lý; (2) công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước do trung ương quản lý và địa phương quản lý; (3) công ty cổ phần vốn trong nước mà nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước gồm các doanh nghiệp vốn trong nước mà nguồn vốn thuộc sở hữu tập thể, tư nhân do một người hoặc nhóm người hoặc có sở hữu Nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Khu vực này có hai loại hình chủ yếu là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài và với các đối tác trong nước.
Theo Davis và Haltiwanger (1999), các nghiên cứu của Chow và ctg (1996), Koning và ctg (1996), Leonard và Zax (1995) cho thấy tỷ lệ dòng chảy việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhà nước nhỏ hơn rất nhiều so với khu vực tư nhân. Masso, Eamets và Phillips (2005) nghiên cứu về Tạo việc làm và tiêu hủy việc làm ở Estonia: tái phân bổ lao động và chuyển đổi cấu trúc cho thấy rằng doanh nghiệp có vốn sở hữu nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng việc làm, doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng việc làm kém. Trong khi đó, kết quả hồi quy các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm của Acquisti và Lehmann (2000) trong nghiên cứu về Tạo việc làm và tiêu hủy việc làm ở Nga: bằng chứng sơ cấp
19
từ dữ liệu ở cấp độ doanh nghiệp lại cho thấy doanh nghiệp nhà nước lớn và vừa tạo ra việc làm nhiều hơn hẳn so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, mặc dù ảnh hưởng của loại hình sở hữu vốn là khá nhỏ; tuy nhiên nếu xét tương tác giữa quy mô doanh nghiệp với loại hình sở hữu vốn ngoài tư nhân (ví dụ doanh nghiệp trên 500 lao động), thì doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn tạo việc làm vượt trội hơn so với doanh nghiệp nhà nước có cùng quy mô.
Khi nghiên cứu về Tạo việc làm và tiêu hủy việc làm của các doanh nghiệp Việt Nam, Nguyễn Minh Hà (2010) cho thấy rằng trong giai đoạn 2000- 2005 doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ tăng trưởng việc làm âm (-2,36%), doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ tạo việc làm ròng dương, nhưng không đáng kể (0,62%) và thấp hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (1,08%).
Theo Vũ Thanh Tự Anh (2013), kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng lao động của khu vực DNNN Việt Nam giảm rất nhanh từ mức 44% trong giai đoạn 2001-2005 xuống còn 24% trong giai đoạn 2006-2008. Không những thế, tỷ lệ tạo ra việc làm mới cũng giảm tương ứng từ -4% xuống -22%, tức là DNNN không những không tạo ra việc làm mới mà còn cắt giảm lao động, tạo việc làm mới chủ yếu ở khu vực tư nhân và khu vực dân doanh.