Khái quát về các trường đại học trong phạm vi nghiên cứu của đề tà

Một phần của tài liệu Nhu cầu và điều kiện học tập lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở hà nội hiện nay (Trang 92 - 98)

của đề tài

3.1.3.1. Đại học Kinh tế quốc dân

Thành lập năm 1956, trường đại học Kinh tế quốc dân là trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các trường đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở Việt Nam. Với sứ mệnh cung cấp cho nền kinh tế đất nước nguồn nhân lực có chất lượng cao, Đại học Kinh tế quốc dân luôn là trường đại học tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Sau hơn 20 năm đổi mới, đại học Kinh tế quốc dân đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên có trình độ, giàu kinh nghiệm, và từng bước hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế. Với đội ngũ hơn 1.200 cán bộ, giáo viên, Nhà trường có 50 chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học và hơn 20 chuyên ngành đào tạo ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ, với quy mô đào tạo khoảng 50.000 sinh viên.

Hiện nay, Đại học Kinh tế quốc dân đang thực hiện chiến lược xây dựng Nhà trường theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, mở rộng hợp tác quốc tế, trở thành trường đại học đẳng cấp trong khu vực. Thực hiện chiến lược đó, Nhà trường chú ý mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập với nền giáo dục khu vực và thế giới. Tính đến nay, Đại học Kinh tế quốc dân có các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu với trên 100 trường đại học và tổ chức giáo dục danh tiếng của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trường có quan hệ với nhiều công ty nước ngoài trong việc đào tạo, nghiên cứu và cấp học bổng cho sinh viên.

Mục tiêu phát triển bền vững của Đại học Kinh tế quốc dân là giữ vững, phát huy và khẳng định vị thế trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước, phát triển Đại học Kinh tế quốc dân thành trường đại học đa ngành về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, chuẩn hoá đội ngũ giảng dạy và phục vụ; tạo ra sự đột phá về chất lượng đào tạo ở một số ngành, chuyên ngành mũi nhọn, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế đảm bảo sự lan toả và làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng toàn diện các hệ đào tạo. Mở rộng, phát triển và khẳng định vị thế là một trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn kinh tế, quản trị kinh doanh lớn và có uy tín hàng đầu của Việt Nam. Phát triển quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ và nâng cao vai trò đào tạo, nghiên cứu và tư vấn trong mạng lưới các trường đại học có đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh, trong hệ thống giáo dục đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp ở Việt Nam; mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi có hiệu quả với các trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Mở rộng ảnh hưởng và không ngừng nâng cao hình ảnh uy tín của trường trong và ngoài nước. Phấn đấu trở thành trường đại

học hiện đại với đầy đủ cơ sở vật chất và các trang thiết bị tiên tiến, môi trường phục vụ đào tạo và nghiên cứu cơ bản đạt tiêu chuẩn khu vực với hệ thống giảng đường đủ tiêu chuẩn, hệ thống thư viện hiện đại cùng một hệ thống các dịch vụ cung cấp có chất lượng cao

Là trường trọng điểm quốc gia, Đại học Kinh tế quốc dân có sứ mệnh cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao, có thương hiệu và danh tiếng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, phấn đấu phát triển thành trường đại học định hướng nghiên cứu, trường đại học đa ngành có uy tín, đạt chất lượng khu vực và quốc tế trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh và một số lĩnh vực mũi nhọn khác.

3.1.3.2. Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Học viện Báo chí và Tuyên truyền được thành lập ngày 16-01-1962 theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III. Là một trường của Đảng với nhiệm vụ đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo ở Trung ương và địa phương từ trình độ sơ cấp trở lên về lý luận và nghiệp vụ, đến nay Học viện trở thành một trung tâm quốc gia lớn về đào tạo giảng viên lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng văn hóa của đất nước.

Hiện tại, Học viện đào tạo 29 chuyên ngành bậc đại học, 13 chuyên ngành bậc cao học, 2 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Hàng năm Học viện tuyển sinh gần 1800 sinh viên chính quy tập trung và gần 2000 sinh viên chính quy không tập trung. Tổ chức bộ máy của Học viện có 34 đơn vị trực thuộc Ban Giám đốc. Hoạt động chuyên môn của Học viện hiện đang trong đà phát triển

mạnh mẽ, các chuyên ngành được mở rộng và đào tạo liên tục theo niên khoá. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng có vai trò to lớn trong hoạt động chung, góp phần bổ sung và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Các trang bị, thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư nhằm phục vụ kịp thời cho các chuyên ngành đào tạo đặc thù. Học viện mở rộng hoạt động hợp tác đào tạo với đối tác nước ngoài, bắt đầu tham gia các dự án Quốc tế. Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật. Chất lượng đào tạo nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ của Đảng và Nhà nuớc. Trong suốt chặng đường hơn 50 năm qua, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của học viện đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo bồi dưỡng giảng viên LLCT, cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa, cán bộ báo chí, biên tập viên xuất bản, cán bộ một số ngành KHXH&NV khác; nghiên cứu về lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, lĩnh vực báo chí - truyền thông. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức và quy hoạch các chức danh là trưởng, phó trưởng phòng và tương đương trở lên của các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông, xuất bản ở các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng, phó trưởng ban Tuyên giáo cấp huyện và tương đương; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên LLCT cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm Bồi dưỡng chính trị của các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, các trường đào tạo cán bộ của bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các trường đại học, cao đẳng của hệ thống giáo dục quốc dân; Nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí

Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, khoa học chính trị và một số ngành KHXH&NV khác; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông. Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chương trình, nội dung, tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, phát triển và hoàn thiện quy trình, phương pháp giảng dạy các chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng của học viện. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo và khoa học của các nước, các tổ chức quốc tế.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn chú trọng công tác dạy và học LLCT cho sinh viên. Với tư cách là một trường Đảng đồng thời là một trường đại học có nhiệm vụ quan trọng nhất là đào tạo, bồi dưỡng giảng viên LLCT cho các trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân, ở cả ba bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên LLCT. Học viện không chỉ tham gia tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất cho việc giảng dạy LLCT mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục Việt Nam với tư cách là trường đại học trọng điểm của cả nước.

3.1.3.3. Học viện Kỹ thuật quân sự

Học viện Kỹ thuật Quân sự là một viện đại học kỹ thuật tổng hợp, đa ngành trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Đây là trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam, có chức năng nghiên cứu và đào tạo kỹ sư quân sự, kỹ sư dân sự, chỉ huy tham mưu kỹ thuật, quản lý khoa học và công nghệ, quản lý kinh tế - kỹ thuật các trình độ trong các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự, công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá quân đội và các ngành kinh tế quốc dân. Học viện Kỹ thuật quân sự được tổ chức theo mô hình trường đại học kỹ thuật tổng hợp, vừa đào tạo và nghiên

cứu ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại vào thiết kế, chế tạo, sản xuất và khai thác sử dụng các phương tiện kỹ thuật quân sự, vũ khí cũng như phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Cùng với đào tạo, học viện rất quan tâm công tác NCKH, coi đó là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Học viện đã có nhiều giải pháp phát huy thế mạnh của cơ sở đào tạo đa ngành và khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên, đông đảo học viên vào tham gia NCKH. Hoạt động NCKH của Học viện được triển khai theo 3 hướng: nghiên cứu phục vụ đào tạo, phục vụ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế dân sinh. Học viện đã xây dựng thành công mô hình kết hợp: đào tạo - NCKH - sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất, đời sống. Đi đôi với nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, đổi mới trang thiết bị phục vụ đào tạo, học viện đã tổ chức đi sâu NCKH ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhà trường có ưu thế để phục vụ quốc phòng và kinh tế.

Cơ sở đào tạo của Học viện được quy hoạch, xây dựng tương đối khang trang, đồng bộ với hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng, thao trường huấn luyện, phục vụ công tác giáo dục và đào tạo, NCKH và bảo đảm đời sống, sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, học viên. Trang thiết bị, vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo được tăng cường, tiếp cận với công nghệ hiện đại và tương đối hiện đại. Học viện đã xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ trên 700 cán bộ, giảng viên đạt tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, trình độ học vấn, phương pháp sư phạm. Các hoạt động của Học viện đi vào nền nếp chính quy, khoa học; môi trường văn hóa và môi trường đào tạo lành mạnh. Vị thế của Học viện trong hệ thống nhà trường quân đội và trong ngành giáo dục và đào tạo được nâng cao.

Học viện đẩy mạnh đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, tập trung trí tuệ nghiên cứu, tiếp tục đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo sát với thực tiễn quân đội, đất nước; bảo đảm tính liên thông giữa các bậc học từ kĩ sư, thạc sĩ đến tiến sĩ theo hướng cơ bản, thiết thực, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, hướng trọng tâm vào phục vụ công tác thiết kế, chế tạo; ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn, phù hợp với yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Triển khai xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo thí điểm các ngành và chuyên ngành phục vụ công nghiệp quốc phòng. Tích cực, chủ động liên kết đào tạo, mở rộng quan hệ với các nước khác để học hỏi kinh nghiệm, xây dựng học viện phát triển toàn diện. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại; vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tiên tiến, nhằm phát huy tính chủ động, tự giác, độc lập, sáng tạo của người học. Yêu cầu đó đặt ra cho người dạy phải có đủ năng lực, trình độ thực hiện chức năng của người thầy, biết vận dụng sáng tạo các phương pháp để truyền thụ cho người học phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu, học tập. Tăng cường vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Một phần của tài liệu Nhu cầu và điều kiện học tập lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở hà nội hiện nay (Trang 92 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w