Các công trình nghiên cứu trên đây được các tác giả, các nhà khoa học nghiên cứu từ góc độ tâm lý học, xã hội học, triết học, chính trị học, giáo dục học… Tuy nhiên, ở góc độ khoa học công tác tư tưởng thì vấn đề về nhu cầu và điều kiện học tập LLCT chưa được nghiên cứu thấu đáo. Từ góc độ khoa học công tác tư tưởng, có thể tiếp tục nghiên cứu theo những hướng sau:
- Khái quát, bổ sung, phát triển những vấn đề lý luận về nhu cầu và điều kiện học tập LLCT của sinh viên hiện nay;
- Những yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến nhu cầu học tập LLCT của sinh viên;
- Những điều kiện khách quan và chủ quan ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả học tập LLCT trong các trường đại học hiện nay.
- Xác định rõ nhu cầu học tập nâng cao trình độ LLCT là một trong những nhu cầu cần thiết của mỗi công dân, đặc biệt là học tập nhằm hoàn thiện các phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ tư duy lý luận, tư duy chính trị cho sinh viên;
- Phân tích thực trạng nhu cầu và điều kiện học tập LLCT của sinh viên hiện nay, những vấn đề đặt ra trong việc tạo lập điều kiện nhằm kích thích, phát triển nhu cầu, nâng cao chất lượng học tập LLCT của sinh viên hiện nay;
- Đề xuất giải pháp có tính thực tiễn và khả thi tác động tích cực đến nhu cầu học tập LLCT, nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập LLCT của sinh viên trong các trường đại học ở Hà Nội hiện nay.
Tiểu kết chương 1
Nhu cầu và điều kiện học tập cũng như nhu cầu và điều kiện học tập LLCT được các nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu từ lâu nhằm mục đích nâng cao chất lượng học tập nói chung và chất lượng học tập LLCT nói riêng. Do có sự khác nhau về hệ tư tưởng, quan điểm chính trị và định hướng phát triển của mỗi quốc gia, việc học tập LLCT chịu sự chi phối mạnh mẽ của các yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến nhu cầu và điều kiện học tập LLCT cũng có những kết quả khác nhau.
Ở Việt Nam nói riêng, các quốc gia khác nói chung, các nhà khoa học đã nghiên cứu khá nhiều vấn đề về nhu cầu, thái độ, động cơ, tính tích cực và điều kiện học tập nói chung, học tập LLCT nói riêng của sinh viên. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu mới chỉ tập trung vào những vấn đề chung như: nhu cầu, lý luận, chính trị, LLCT … mà chưa đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn của nhu cầu và điều kiện học tập LLCT của sinh viên. Từ góc độ khoa học công tác tư tưởng, các công trình khoa học chưa có những khảo sát đánh giá sâu sắc về thực trạng nhu cầu học tập LLCT của sinh viên trong điều kiện hiện nay; chưa đề xuất được những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo lập điều kiện và qua đó kích thích, phát triển nhu cầu LLCT góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT trong xã hội và trong sinh viên đại học hiện nay.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, sự thiếu vắng trong nội dung nghiên cứu của các nhà khoa học về cơ sở lý luận và thực tiễn của nhu cầu và điều kiện học tập LLCT của sinh viên ở các trường đại học hiện nay sẽ được chúng tôi bổ sung trong các chương tiếp theo của luận án.
Chương 2