Đặc điểm các trường đại học ở Hà Nộ

Một phần của tài liệu Nhu cầu và điều kiện học tập lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở hà nội hiện nay (Trang 88 - 92)

Hà Nội là trung tâm khoa học- giáo dục của cả nước, cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học trọng điểm với 68 trường đại học và khoảng hơn 80 vạn sinh viên. Các trường đại học hàng đầu của Hà Nội đã và đang thực sự trở thành các cơ sở đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ với hệ thống các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phòng thí nghiệm hiện đại, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ cao, tâm huyết, gắn bó với nghề. Các trường đại học ở Hà Nội có cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực đào tạo đa dạng, bao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, tự động hóa, báo chí, kinh tế - pháp lý, tài chính kế toán, ngân hàng, điện, sư phạm… Một số trường đại học ở Hà Nội tiên phong trong việc đăng ký, áp dụng chương trình, giáo trình đào tạo tiên tiến, chủ động thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo với nước ngoài hướng tới sự đa dạng hóa, hiện đại hóa từng bước, phấn đấu đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, đất nước và Thủ đô Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Với lợi thế được sống, học tập tại thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra hầu hết các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn của cả nước nên sinh viên Hà Nội luôn nhạy bén trước những sự kiện chính trị trong nước và quốc tế, do vậy thái độ và nhận thức chính trị của sinh viên từng bước được nâng cao theo xu hướng tích cực. Niềm tin của sinh viên Hà Nội vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố và tăng cường; số đông sinh viên mong muốn và phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đa số sinh viên Hà Nội đã nhận thức rõ hơn về vai trò học vấn, kiến thức chuyên môn, khả năng thực hành, kỹ năng công tác, ứng xử và rèn luyện phẩm chất đạo đức nên chăm chỉ học tập, ham hiểu biết, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, các giải thưởng trong nước và quốc tế ngày càng nhiều, luôn đứng đầu cả nước về số lượng sinh viên tham gia và đạt giải thưởng. Phần lớn sinh viên có lối sống văn minh, thanh lịch; có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa thế giới có chọn lọc. Rất đông sinh viên có xu hướng vươn ra tiếp cận, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học kỹ thuật và tự khẳng định mình trong thực tiễn xã hội. Đa số sinh viên muốn có môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh để phát huy năng lực sáng tạo của bản thân; được đảm bảo công bằng trong học tập, kiểm tra đánh giá; được thực hành, thực tập, tiếp cận thực tiễn; có chính sách về việc làm, phát triển tài năng; có giải pháp đồng bộ về quy hoạch các trường đại học; đầu tư về cơ sở vật chất cho học tập và có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn...

Những biến động phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, mặt trái của nền KTTT, sự bùng nổ thông tin, của mạng internet và các mạng xã hội… đã khiến một bộ phận sinh viên Hà Nội dao động trong lập trường tư tưởng, suy thoái đạo đức: có khuynh hướng xa rời giá trị truyền thống, tiếp thu thiếu chọn lọc lối sống phương Tây, một số ít sinh viên có lối sống ích kỷ,

quá đề cao cái “tôi” cá nhân thực dụng, chỉ thích hưởng thụ, ứng xử thiếu văn hóa; thiếu kỹ năng và kiến thức xã hội, ý thức chấp hành pháp luật kém, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Một số sinh viên có tâm lý chủ quan, thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu học tập và tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, tác phong trong sinh hoạt hàng ngày, không có chí hướng phấn đấu vươn lên, bị lôi cuốn vào những thú vui, đua đòi của cuộc sống thị thành. Nhiều sinh viên bàng quan trước những biến động xã hội, những sự kiện chính trị trong nước và quốc tế; thậm chí những kiến thức cơ bản về địa lý, nhân văn Việt Nam, về biên giới quốc gia và chủ quyền lãnh thổ đất liền, trên không, trên biển đảo cũng không cập nhật. Đây là hiện tượng đáng lo ngại cho sự phát triển của giới trẻ và cho tương lai của đất nước.

Vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo và đầu ra của các trường đại học Hà Nội hiện nay là phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn sử dụng là diễn thuyết tập trung giới thiệu kiến thức thuần túy trong khi đó sinh viên ghi chép một cách rất thụ động. Việc học trên lớp chỉ yêu cầu sinh viên ghi nhớ kiến thức máy móc và sẽ kiểm tra vào cuối kỳ, không động viên giảng viên và khuyến khích giảng viên thực hiện những thay đổi. Vấn đề cần quan tâm ở các trường đại học Hà Nội chủ yếu là nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập. Đây là nền tảng cho bất kỳ cơ sở đào tạo đại học nào cũng giống như việc cải tiến giáo dục là nền tảng đối với bất cứ nỗ lực xây dựng các trường đại học ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung để vươn lên chất lượng đẳng cấp quốc tế được thừa nhận bởi các trường đại học hàng đầu thế giới.

Phương pháp giảng dạy không hiệu quả, quá phụ thuộc vào các bài thuyết trình và ít sử dụng các kỹ năng học tích cực , kết quả là có ít sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong và ngoài lớp học. Quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng mà không nhấn mạnh vào việc học khái niệm hoặc học ở cấp độ cao như phân tích và tổng hợp, dẫn đến hậu quả

là học hời hợt thay vì học chuyên sâu. Sinh viên học một cách thụ động (nghe diễn thuyết, ghi chép, nhớ lại những thông tin đã học thuộc lòng khi làm bài thi); sĩ số ở các lớp học quá đông dẫn đến khâu quản lý không chặt chẽ, quá nhiều sinh viên không đến lớp. Sinh viên mất quá nhiều thời gian học ở lớp mỗi ngày và học quá nhiều môn trong một học kỳ mà không có thời gian để tiếp thu tài liệu, không hiểu sâu. Hầu hết sinh viên quan tâm đến việc đi làm thêm hơn là lo học tập, không có thời gian để ôn lại kiến thức sau những giờ lên lớp. Thiếu hiểu biết về sự khác biệt giữa giáo dục là sự chuẩn bị chung cho việc học cá nhân và nghề nghiệp lâu dài và đào tạo là sự chuẩn bị cụ thể để hoàn tất công việc. Thiếu nhấn mạnh đến sự phát triển các kỹ năng thông thường và nghề nghiệp, chẳng hạn như làm việc theo nhóm, khả năng giao tiếp hoặc viết bằng tiếng Anh, quản lý dự án, các phương pháp giải quyết vấn đề, sáng kiến, học lâu dài, v.v. Thiếu hiểu biết về mối tương quan giữa việc sử dụng phương pháp dạy hiện tại với chất lượng và mức độ tiếp thu của sinh viên. Không có nhiều nguồn tài liệu viết hoặc nguồn tài liệu điện tử, cũng như các cán bộ hỗ trợ chuyên nghiệp để giúp đào tạo các phương pháp giảng dạy và học tập mới nhất; sách, tài liệu thuyết giảng, phần mềm lạc hậu. Trang thiết bị phòng học nghèo nàn, phương tiện trong phòng thí nghiệm và dụng cụ phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu không tương xứng hoặc không có, thư viện và các nguồn lực phục vụ học tập chưa phù hợp.

Nội dung, cấu trúc, phương pháp của chương trình đào tạo và các môn học trong các trường đại học Hà Nội hiện nay cũng là vấn đề cần quan tâm. Hầu hết các môn học bao gồm quá nhiều chủ đề và lạc hậu, điều này ảnh hưởng không tốt đến công tác giảng dạy và học tập. Chương trình đào tạo đại học yêu cầu quá nhiều môn học và số tín chỉ trong một học kỳ, kết quả là sinh viên không có kiến thức sâu. Đây là khối lượng công việc khá nặng cho giáo viên và sinh viên. Ngoài ra trình tự sắp xếp chưa rõ trong toàn bộ chương

trình đào tạo đại học, nhiều môn học trong chương trình đào tạo không liên quan đến ngành học và chuyên ngành. Nội dung của từng môn học và toàn bộ chương trình đào tạo lạc hậu và không ngang tầm với các trường đại học hàng đầu thế giới. Các ứng dụng thực tiễn tập trung vào các bài tập mức độ thấp như lập trình và giải bài tập để tìm câu trả lời đúng, hơn là các khả năng tư duy như phân tích, tổng hợp, đánh giá và giải quyết vấn đề. Không có đủ các bài thực tập tại phòng thí nghiệm do tỉ lệ chương trình đào tạo dành cho phòng thí nghiệm không thích hợp và trang thiết bị còn thiếu. Thiếu sự chuẩn bị cho các kỹ năng thông thường và nghề nghiệp như giao tiếp nói và viết, các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý dự án, tư duy phê phán, và sự tự tin. Sinh viên không có cơ hội thường xuyên đánh giá các môn học và toàn bộ chương trình đào tạo có liên quan đến thành tích học tập đạt được.

Một phần của tài liệu Nhu cầu và điều kiện học tập lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở hà nội hiện nay (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w