2.1.4.1. Thể loại tản văn
Theo Từ điển Thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán– Trần Đình Sử– Nguyễn
Khắc Phi( Đồng chủ biên), thì “Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể
trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc hoạ nhân vật. Lối thể hiện đời
sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính của tác giả…
Trong văn học hiện đại, tản văn bao gồm các thể ký, tùy bút, văn tiểu phẩm, văn chính luận, tạp văn, ngụ ngôn, chân dung văn học…
Tản văn là loại văn tự do, dài ngắn tùy ý, cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả, có truyền thống lâu đời và sức sống mạnh mẽ”[17, 293–294].
Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam, “Tản văn là một thể văn không vần, không
đối ngẫu như thể phú, viết bằng văn xuôi thuần tuý”.
Theo Dương Thị Lệ Giang “Tản văn là một biến thể của ký gắn liền với báo
chí…Nếu ký là thể loại không thể thiếu để làm nên diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại thì tản văn là một biến thể tất yếu của ký không thể thiếu trong giai đoạn đổi mới văn học…Trong tản văn, những gì được biểu hiện đều mang đậm dấu ấn cảm nhận,
cảm nghĩ của nhà văn… Ở tản văn, cái tôi được biểu diễn đa dạng hơn: gồm cảm xúc, suy tưởng, triết lý, nghị luận và cả cái tôi hành động… thường chỉ với một hình thức ngắn, một bài tản văn vẫn có thể mở ra được nhiều chiều không gian, cả bề rộng lẫn bề sâu với lượng tri thức phong phú và mới mẻ”.
Và quả Dương Thị Lê Giang đã cảm nhận một cách rất nên thơ rằng “Tản văn
cứ lặng lẽ níu kéo người ta trong những tình cảm thiết tha, sâu nặng với quê hương, với lịch sử, với văn hoá, với tất cả những gì thân thương, gần gũi xung quanh mình”
[19, 9 – 13].
Ở Tản văn thời kỳ đổi mới,Lê Trà My đã có những nhận định: “Tản văn hiện đại Việt Nam sau những thành tựu của một số cây bút mở đường như Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Phùng Tất Đắc,…nửa đầu thế kỷ XX, phải tới những năm 90 mới có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Nhìn lại đời sống văn học hơn mười năm qua, thấy bên cạnh những thể loại được coi là chủ chốt trên văn đàn như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ,…tản văn đã thực sự có chỗ đứng trong ý thức tiếp nhận của công chúng. Nó vươn dậy tự nhiên trong nhu cầu mạnh mẽ muốn góp những tiếng nói chân thực và biểu lộ chính kiến của các nhà văn về tất cả các vấn đề trong cuộc sống, bởi tản văn là thể loại bộc lộ trực tiếp “cái tôi” của người sáng tác.
Hai điều kiện chính yếu góp phần dấy lên không khí mới cho tản văn là không khí tự do dân chủ thời đổi mới và đời sống báo chí sôi động…
Giờ đây, tản văn có thể tung đôi cánh tự do của nó, làm đầy đặn thêm diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới”[38, 285–286].
Tựu trung, tản văn có thể được nhận diện bằng các tiêu chí:
- Là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể miêu tả phong cảnh, khắc hoạ
nhân vật, là loại văn tự do.
- Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá.
- Có cấu tứ độc đáo.
- Có giọng điệu, cốt cách cá nhân.
- Cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến, dấu ấn cảm
nhận, cảm nghĩvà cá tính tác giả.
- Với một hình thức ngắn, một bài tản văn vẫn có thể mở ra được nhiều chiều
không gian, cả bề rộng lẫn bề sâu với lượng tri thức phong phú và mới mẻ.
Trong những năm qua, tản văn nở rộ, cả ở những sáng tác đến được với công chúng và số các nhà văn tham gia viết thể loại này. Có thể kể những tác giả đã có những tản văn để lại những nét riêng: Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Mai Văn Tạo, Vương Trí Nhàn, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư…và nhiều nhiều nhà văn khác nữa.
Trong số những nhà văn ấy, có Dạ Ngân. Chị đã lặng lẽ góp năm tập tản văn vào đời sống văn học nước nhà trong những năm qua, với những đề tài khác nhau, với những cách thể hiện khác nhau, mang dáng vẻ riêng của chị.
2.1.4.2. Đóng góp của Dạ Ngân– Nhìn từ tản văn
Có thể nói, với năm tập tản văn đã xuất bản, Dạ Ngân đã có điều kiện trải lòng
mình trước những trang viết về những cảnh sắc, hương vị của quê hương; trong đó,
phần lớn, là quê hương Nam Bộ. Miệt vườn Tây Nam Bộ, nơi chị được sinh ra, lớn
lên, đã luôn hiện diện trên những trang viết của chị. Lục bình, dừa nước, cầu khỉ, vỏ
lãi, đèn đáy, bông tràm, bông điên điển, rau đắng, ba khía, bánh hỏi ... đã luôn thấp
thoáng trong những trang văn của Dạ Ngân. Rồi cá tính của những con người Nam
Bộ, văn hoá Nam Bộ cũng đây đó được tỏ bày trên những dòng văn. Sự gan góc,
chịu khó trong lao động của những con người Nam Bộ, lòng mến khách, tình yêu máu thịt đối với câu vọng cổ…đã được Dạ Ngân gói ghém trong những tản văn của
mình vớt những nỗi cảm hoài về quá khứ khi phải sống xa quê.
Nét riêng của tản văn Dạ Ngân không chỉ bộc lộ ở nội dung mà còn bộc lộ qua bút pháp.
“ Bút pháp là cách thức hành văn, dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương
tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó. Ở đây bút pháp cũng là cách viết, lối viết..
Khái niệm bút pháp tương đồng với khái niệm phong cách, văn phong. Khái niệm phong cách nay được hiểu rộng hơn, có tính hệ thống hơn, còn bút pháp thường chỉ yếu tố của phong cách”[20, 29-30].
Là một phụ nữ, yêu tha thiết miệt vườn, nơi mình sinh ra, lớn lên, chị đã từng tụ hào mình là một người phụ nữ miệt vườn. Và có lẽ, chính từ tấm lòng yêu quê hương sâu nặng, nên dẫu có nhiều bất trắc, đau khổ trong cuộc đời, thì nhà văn nữ của chúng ta, trên những tản văn của mình, vẫn luôn giữ một chất thơ bay bổng.
Giống bèo tây– lục bình luôn có mặt trong cuộc sống của những con người miền Tây
Nam Bộ, quanh chị, đã là nguồn cảm hứng để chị viết lên những dòng “Giác này con
sông Hậu mênh mang bồn chồn như người đàn bà hồi xuân, trên đó lục bình nghiêng nghiêng trôi dài về hướng Trà Nóc theo nhịp triều lên. Có cái gì đó thật hồn hậu sẽ sàng trong vị ngọt chân thành của hột bắp và mùi hoang sơ bờ bãi của lục bình, thứ lục bình tươi nguyên ít thấy trên mặt nước xiết sông Tiền, càng không thể tìm thấy trong màu nước mắt mèo của sông Vàm Cỏ”[57,78–79].
Người đọc còn nghe được những giọng chuyện trò của chị, những lời thủ thỉ, như tâm sự, như vẽ lên trước mắt chúng ta, những cảnh, những màu, những hình,
những hương, đẹp như một bức thủy mặc. Tất cả điều ấy, có ở Mùa bông tràm.
Nếu ở Rơm rạ xốn xang, một tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, việc đốt đồng
được diễn tả bằng hình ảnh của những ngọn lửa nhỏ run rẩy, với khói từng bầy dùng
dằng dưới cảm nhận của một cậu bé thơ ngây “Sang tháng ba thì rạ ngoài đồng đã
khô quéo cọng, đứa bé kia lúp xúp theo cha nó đi đốt đồng. Ngọn lửa nhỏ run rẩy trong tay, chẳng mấy chốc cơn lửa chạy lan đi. Khói từng bầy dùng dằng tan tác
trong những cơn gió rối bời cuối mùa”[85,91]; thì vớiMùa đốt đồng, Dạ Ngân đã có
những trang viết nên thơ “Tàn tro bắt đầu bay vần vụ không trung. Mùi khói rơm rạ
nồng ấm không thể tưởng…Trong nỗi nhớ tiếc khôn nguôi về cái gì đã xa và đã từng thuộc về ta, không chỉ có lúa mùa, mùi cơm thơm hay màu rạ sáng, mà còn có những
buổi tối lâng lâng bởi khói đốt đồng”[60,166]. Cảm nhận ấy của Dạ Ngân, phải
Trong hồi tưởng về làng quê của mình, Băng Sơn nhớ về chiếc chiếu. Ở Mảnh hồn làng, đó là “Ta đi ra từ làng, hồn làng theo ta…mảnh chiếu vuông nơi nền nhà đất nện…Hồn chiếu lúc mới là chiếu tân hôn, là chiếu tiếp khách, mươi năm nó cũ càng mệt nhọc, nó trở thành chiếu trải đầu hè đêm đón gió nam, và cuối cùng nó thành cái manh che cửa chuồng trâu những đêm trở gió…Chiếu đã chứng kiến một
đời người, thành mảnh hồn theo con người, toát ra hơi ấm và sẻ chia”[68,152]. Còn
đối với Dạ Ngân, chị cũng đã có những cảm nhận về chiếc chiếu quê hương. Ở Nhớ
chiếu, chị đã viết: “Có những ngày đông miền Nam bỗng dưng trở lạnh khác thường, mền mỏng và chỉ đủ dùng, má nghĩ ra kế cho các con đắp bằng chiếu…không ngờ đắp chiếu lại ấm hơn. Nhớ mãi những ngày đông thương nhớ ấy, nhớ cả cảm giác thèm được trở lạnh một cách khác thường để mấy chị em rúc vào trong chiếu lùng nhùng đùa giỡn rồi ngủ vùi trong mùi thơm không gì thay thế được của một chiếc
chiếu thơm”[62,10–11]. Hoài niệm về quê hương của Dạ Ngân gắn bó mật thiết với
những đồ vật bình dị của gia đình, với những ký ức tuổi thơ, với tình quê đọng lại
khó phai mờ. Cũng là hơi ấm của chiếu, nhưng với Dạ Ngân, chị diễn đạt truyền
cảm, dễ khiến bạn đọc có cùng chung một nỗi niềm nhớ quê, cùng chị. Đó chính là một trong những cách truyền tải những thông điệp về tình người qua ngôn từ nghệ thuật của Dạ Ngân. Và chị đã thành công.
238 tản văn đã được in trong 5 tập khác nhau, đã nói lên sức viết bền bỉ của chị cho thể loại này.
Có lẽ, sự thành công tiếp theo của Dạ Ngân sau truyện ngắn chính là ở những tản văn của chị. Song, bên cạnh những tản văn giàu chất thơ, để lại những suy nghĩ, những dấu ấn trong lòng bạn đọc; thì vẫn còn đó những tản văn còn nhàn nhạt, như
Câu hát tình yêu, Cửa kính dày ấm sực…Điều ấy, âu cũng là thường tình.
Điều bạn đọc dễ nhận ra là tình cảm với quê hương vẫn luôn thường trực trong trái tim của chị. Để khi có dịp, chị vẫn trải lòng trên những trang viết của mình, về con người và cảnh sắc, hương vị quê hương. Và những trang viết ấy , vẫn còn lôi cuốn bạn đọc, để bạn đọc cũng vui buồn cùng chị, và cùng yêu mảnh đất Nam Bộ như chị đã từng.
Dạ Ngân cũng đã có những phát hiện tinh tế, sâu sắc trước những sự vật bình
thường quanh chị, lẫn quanh chúng ta. Cọng rau muống tím, Cây me với cây gòn,
Cây so đũa, Cái bếp củi dừa, Về một người sạ lúa, Màu tím Huế, Ngày xưa thương nhớ, Ô môi đang mùa, Hoa xoan lớp lớp, Ký ức khẩn hoang, Bánh phồng đêm ba mươi Tết, Dã quỳ vàng, Tiếng chèo khuya, Chuyến xe thổ mộ, Khoảnh khắc thu vàng, Buổi chiều tản mác… là những tản văn chị đã mang đến cho bạn đọc. Chỉ lướt qua thế thôi, cũng dễ thấy chị đã để tâm rất nhiều đến những mảng đề tài khác nhau, và ở mỗi tản văn của mình, lòng hoài vọng về quê hương chưa từng vơi trong chị.