Mộ: nỗi niềm bi thiết, tiếc nuối

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 113 - 119)

7. Kết cấu của luận văn

3.2 Mộ: nỗi niềm bi thiết, tiếc nuối

Khi phân tích nhân sinh quan của Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu thường nhắc đi nhắc lại thời đại của Nguyễn Du, tất cả lịch sử của chế độ phong kiến Trung Quốc và Việt Nam mà Nguyễn Du tiếp thu qua sách vở đã góp phần sâu sắc vào cái nhìn nhân sinh quan của Nguyễn Du, cái suy tư, trăn trở của Nguyễn Du.

“ Sinh kí tử quy” luôn trở đi trở lại trong thơ chữ Hán như một ám ảnh nặng nề. Dẫu biết rằng : Sinh, lão, bệnh, tử đó là quy luật của một kiếp người. Là ai đi chăng nữa cũng không nằm ngoài vòng quy luật ấy. Ai rồi cũng phải trở về ngôi nhà có mái che nhỏ hẹp của chính mình nhưng sao vẫn không tránh được niềm bi thiết.

Thơ chữ Hán của Cao Bá Quát có một nỗi buồn về thân phận và thời cuộc. Đó là nỗi buồn của một kẻ sĩ “chí không thành danh không toại”, muốn đem hoài bão giúp dân giúp nước mà không sao thực hiện được. Ông lại phải tận mắt chứng kiến cảnh thối nát của bọn quan lại, vua chúa, cảnh dân chúng đói khổ lầm than, lưu vong và nguy cơ ngoại xâm đang đến gần. Chế độ đã không tin dùng, nỡ đang tay vùi dập tài năng nên nỗi buồn chất chứa mãi trong lòng Chu Thần lâu ngày biến thành nỗi bi phẫn không sao kìm nén được. “Nhất danh cơ bạn trường như thủ! Ô hô! Nhất danh cơ bạn trường như thử, Bạch phát, thanh bào, ngô lão hỹ (Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này! Than ôi! chút danh cứ ràng buộc mãi thế này! Bạc

đầu với chiếc áo xanh. Ta già mất rồi.) (Đề sát viện Bùi công Yên Đài anh ngữ khúc hậu). Nỗi niềm bi thiết, tâm trạng sầu muộn, u ẩn của Nguyễn Du là của người mang nặng nợ đời và khổ đau vì đời. Ông nhận thấy rằng, càng tài tình số phận càng bi thiết. Mặc dù trong thơ chữ Hán ít nói đến định mệnh nhưng vẫn thấy “định mệnh” bàng bạc khắp tập thơ do cái nhìn và tâm trạng bế tắc của nhà thơ. Người xưa qua rồi, người nay đến nhưng những ưu tư sầu muộn khổ cực của cuộc đời thì vẫn thế, kiếp người không có gì thay đổi được. Tất cả những nỗi đau thương u uất về cuộc đời, về con người đã hình thành trong nhân sinh quan của Nguyễn Du một ý thức thường trực, một cảm hứng bi thiết về sự mong manh của đời người, của số phận.

“ Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ”

( Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại một nắm đất)

Cõi đời chỉ là giả tạm, sống trên đời tựa phù du có rồi lại mất, phú quý chỉ như áng mây nổi mà thôi. Trước những nấm mồ ngổn ngang của người xưa người đời nay chỉ biết cười, nhưng sao vẫn bôn tẩu rộn ràng, vẫn tất bật đua chen trên con đường danh lợi, vẫn bon chen, giành giật hãm hại nhau. Những câu chuyện thương tâm về cái chết, về sự mất mát của con người đã được Nguyễn Du tái hiện qua những trang viết giữa cuộc đời. Lời thơ chan chứa nỗi niềm, tâm sự kín đáo của Nguyễn Du. Con người trong thơ chợt nhận ra một sự bẽ bàng, chua xót của kiếp làm người. Tất cả mọi sự tồn tại đều tạm thời, là hư vô và chóng vánh, như bọt biển dễ dàng tan biến trước một tác động nhỏ sóng trào. Sự thay đổi ấy phải chăng cũng chính là sự thay đổi của thời đại sự kết thúc của một thời đại này chính là sự mở đầu của một thời đại khác. Khi một cánh cửa của hạnh phúc đóng lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Có điều là liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận cái mới hay cứ mãi hoài cổ, mãi nhớ về cái đã qua.

Nói như Thích Nguyên Hiền: “Ý thức sâu sắc cuộc đời là giả tạm, Nguyễn Du tự vạch cho mình một lối về, một chốn về mà ở đó không còn những oái oăm phiền muộn, đơn sơ với hoa tùng quả bách, với mây trắng nước trong. Văn thiêng không ở trong lời (linh văn bất tại ngôn ngữ khoa) Nguyễn Du không hề

nói đến Phật giáo nhưng thái độ, quan điểm của ông luôn nhuốm đầy nhân sinh quan Phật giáo. Trước hết là nhận thức về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Đâu đâu trong thơ ông cũng toát lên cái nhìn chín chắn, không hư dối về cuộc đời. Đó là sự thật về cái khổ (khổ đế), sự thật thứ nhất trong bốn sự thật mà một hành giả tu tập Phật giáo phải ý thức rõ ràng” [47].

Dường như bao nhiêu nỗi khổ, bao nhiêu bất công trên cuộc đời này nhà thơ đều mang vào mình, xem nỗi đau của mọi người là của mình vậy.

Đứng trước những nấm mồ, người sống không thể không tưởng nhớ về người đã khuất, không thể không nuối tiếc khi sự nghiệp của người đã chết đang còn dang dỡ và càng không thể không đau lòng khi những người mà mình thương yêu, kính trọng đã nằm sâu dưới ba tấc đất mãi mãi không quay trở về.

Đứng trên mảnh đất Trung Hoa tận mắt chứng kiến cảnh khổ của nhân dân Trung Quốc, ông vỡ lẽ ra nhiều điều:

“Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bão Trung Hoa diệc hữu như thử nhân”

(Thường chỉ nghe ở Trung Nguyên ai cũng no ấm Ngờ đâu Trung Nguyên cũng có người như thế này.”

( Thái Bình mại ca giả)

Hóa ra ở Trung Nguyên cũng có người nghèo khổ, phải hát rong nuôi miệng thế sao? Người Trung Quốc vốn đề cao trung nghĩa, quan điểm Nho giáo của Trung Hoa đã nhấn mạnh “ nhân, lễ, nghĩa” nên khi đứng trước mộ của Cù Các Bộ, Nguyễn Du đã thốt lên:

“ Cộng đạo Trung Hoa trọng tiết nghĩa, Như hà hương hỏa thái thê lương.”

( Trung Hoa vốn trọng người trung nghĩa, Sao chỉ hương tàn khói lạnh thôi?)

(Quế Lâm Cù Các Bộ)

Ai chẳng biết, Ông Các Bộ họ Cù ở Quế Lâm, trước cái chết ông không hề nao núng, vẫn để tóc dài, chứ không chịu hàng phục nhà Thanh. Tấm lòng trung

nghĩa của Cù Các Bộ đến chết vẫn không hề thay đổi. Đứng trước con người tiết nghĩa như thế, Nguyễn Du càng kính trọng bao nhiêu thì càng day dứt xót xa bấy nhiêu khi nơi đây khói hương lạnh lẽo. Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa. Có thật vậy chăng?

Nhìn nấm mộ cô đơn của Đỗ Phủ nơi đất khách. Nguyễn Du buồn và bi phẫn thay cho Đỗ Phủ. Người sao lúc sống đã khổ, chết rồi vẫn khiến cho người khác rơi nước mắt.

Trong cuộc sống, nhìn những nấm mộ hoang lạnh lẽo không người chăm sóc, chúng ta cảm thương cho số phận của người bất hạnh. Ở đây, Nguyễn Du không chỉ thể hiện niềm cảm thương sâu sắc mà dường như ẩn trong sự cảm thương ấy chính là sự lên án, phê phán xã hội Trung Hoa đã không biết quý trọng tiết nghĩa, đã không ghi nhớ đến tấm lòng của những người suốt đời tận trung vì đất nước. Tiếc nuối cho số phận của một con người trung nghĩa. Thái độ đó, cách cư xử đó phải chăng chỉ có ở Trung Hoa?

Trên đường đi Hà Bắc, thấy tấm bia mộ cao năm thước dựng bên đường ghi là mộ Kỳ lân. Việc ấy đã lâu nay chỉ thấy con đường cái quan bằng phẳng không gò đống, cạnh bia chẳng đắp mộ, không trồng cây, phiến đá xiêu vẹo, rêu phủ mờ. Sáng gió lạnh thổi, chiều dầm dề mưa tuôn. Kỳ lân theo sách cổ là một giống linh thú, không giẫm lên vật sống, không bẻ cành cây tươi, nên gọi là giống thú có nhân. Chỉ khi nào nước có thánh nhân thì kỳ lân mới xuất hiện. Do đó Kỳ lân được tượng trưng cho điềm lành, báo hiệu đời thịnh trị.

Ấy vậy mà, con vật thiêng báo điềm lành, báo có thánh nhân nay xương thịt bỏ cho sâu kiến đục. Ông thông cảm vì nó xuất hiện nhầm, nên đến chốn này nó phải bỏ mình trước. Nguyễn nuối tiếc sao thời ấy Kỳ lân không dạo chơi phương Nam “Nhược đạo năng vị Thánh nhân xuất, Đương thế hà bất Nam du tường” ( Kỳ lân mộ).

Nếu thật sự Kỳ lân hiện ra là vì thánh nhân thì số phận Kỳ lân có lẽ sẽ không như thế. Số phận Kỳ lân nào có khác gì số phận của những người hiền tài, suốt đời trung hiếu để rồi khi không còn nữa thì cũng chỉ còn lại một nắm đất hoang lạnh mà thôi.

Lời thơ đã thể hiện thực tế của nước Trung Hoa lúc bấy giờ, mượn hình ảnh Kỳ lân xuất hiện ở Phương Bắc và kết cục của nó để lên án bản chất tàn ác của Minh Thành Tổ, chỉ có ở phương Nam mới có thánh nhân mà thôi.

Hà huống Yên Đệ hà như nhân, Đoạt điệt tự lập phi nhân quân. Bạo nộ nhất sính di thập tộc,

Đại bổng cự hoạch phanh trung thần. Ngũ niên sở sát bách dư vạn,

Bạch cốt thành sơn địa huyết ân.

( Huống nữa Yên Đệ là người thế nào?

Cướp ngôi của cháu để tự lập làm vua, y không phải là bậc nhân quân.

Để hả một cơn giận y giết cả mười họ,

Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu trong vạc dầu lớn.

Trong năm năm giết trên trăm vạn người, Xương trắng chất thành núi, đất ngập máu.)

(Kỳ lân mộ)

Những điều tai nghe và mắt thấy dường như hoàn toàn đối lập trên mảnh đất Trung Hoa này.

Âu Dương Văn Trung một người suốt đời ngay thẳng, dưới suối vàng còn nức tiếng thơm, là một trong tám văn hào lớn, vậy mà một gò cỏ thu đã trở thành nơi chứa chuột chồn.

“Thu thảo nhất khâu tàng thử hạc, Danh gia bát đại thiện văn chương.”

( Một gò cỏ thu trở thành nơi chứa chuột chồn,

Đứng trong hàng tám văn hào lớn lừng tiếng văn chương.)

(Âu Dương Văn Trung công mộ)

Nhìn vào gò cỏ hoang này, ta có nghĩ đây là nấm mộ của một người suốt đời ngay thẳng? Sao nấm mộ của những người tài đức lại lạnh lẽo khói nhang? Buồn

thay cho đời. Đỗ Phủ với nấm mồ cô đơn nơi đất khách, mộ Lưu Linh với gai góc mọc đầy “Thiên niên cổ mộ trương kinh cức”, Triệu Vũ Đế với ngôi mộ cổ nghìn năm ở đất Phiên Ngu bị cỏ vùi lấp:

“Đãng đãng thu nguyên khâu lũng bình, Mộ bi do chí Tấn Công danh.

Đan tâm nhất điểm lưu kim cổ, Bạch cốt thiên niên cách tử sinh.”

( Trên cánh đồng mùa thu rộng mênh mông, gò đống bằng phẳng,

Tấm bia mộ còn ghi tên Tấn Công. Một tấm lòng son lưu thiên cổ,

Nghìn năm xương trắng chia cách nguời sống và nguời chết.)

( Bùi Tấn công mộ)

Đứng trước những bãi hoang, những đình đài đổ nát “Tam quân cựu bích phi hoàng diệp, bách chiến tàn hài ngọa lục vu” (Trên lũy cũ ba quân lá vàng bay lả tả. Xương tàn trăm trận đánh vẫn nằm trong bãi cỏ xanh) ( Độ Linh Giang);

“Phong xuy cổ trủng phù vinh tận, Nhật lạc bình sa chiến cốt cao”(Gió thổi vào nấm mồ xưa, vinh hoa hư ảo tan hêt; mặt trời tà trên bãii cát. Đống xương chiến trận đã cao”)(Ngẫu thư công quán bích), Nguyễn Du nghĩ về cuộc đời, về những gì còn lại khi con người không còn nữa. Tất cả mọi người dù có tài giỏi hay chẳng làm nên trò trống gì, dù cuộc sống có sung sướng hay cực khổ thì cuối đời cũng chỉ còn lại một nắm xương tàn, một mộ bia đôi khi không còn nguyên vẹn.

Văn hóa Việt có nhiều nét đẹp riêng, một trong những nét đẹp ấy chính là tình cảm dành cho người đã khuất. Mỗi một con người khi đứng trước một nấm mồ, thì chỉ cần một cái cúi đầu hay một nén hương được thắp lên đều tỏ lòng thành kính. Nguyễn cũng đã bày tỏ nỗi niềm yêu thương cảm thông sâu sắc của mình với những bậc hiền tài: xuống xe, lau chùi bia để tỏ lòng thành kính.

Nếu cô Kiều của Nguyễn Du đã khóc thương bùi ngùi khi đứng trước mộ Đạm Tiên vô chủ, đã thắp nén hương tưởng niệm như chia sẻ, an ủi, tiếc thương cho một số kiếp oan trái thì Nguyễn Du của chúng ta đã đi qua bao ngôi mộ, cũng đã

thắp bao nén hương, bao lần nghiêng mình thể hiện lòng cảm phục, rồi tâm sự sẻ chia, đối thoại với người đã khuất. Tính chất đối thoại của những bài thơ chữ Hán có gì gần gũi với văn hóa giao tiếp của người Việt Nam. Đó là sự sẻ chia, quan tâm một cách chân thành đối với những người đồng cảnh ngộ. Nguyễn Du đã tìm thấy trên những nẻo đường đầy cố cảnh, cựu tích kia là lời giải đáp cho nhiều câu hỏi lớn về cuộc đời, về thân phận con người từng khiến ông day dứt. Ông không choáng ngợp trước cảnh phồn hoa, không đắm mình vào cảnh lầu hồng gác tía nơi xứ lạ mà thường tìm kiếm dấu cũ, bia xưa của những con người có phẩm cách phi thường mà số phận bất hạnh long đong. Dường như với Nguyễn Du, Trung Hoa trước hết là đất của những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Dự Nhượng, Nhạc Phi… cho nên, cái nhìn của người nghệ sĩ trong ông đã xuyên qua lớp vỏ của thực tại kia để thấu suốt bản chất của hiện thực, một hiện thực được phản chiếu rõ nét qua từng dấu tích đau thương ngang trái của quá khứ. Đề rồi từ đó nhà thơ cất lên tiếng nói cảm thương đau đớn, phẫn uất cho thân phận con người trên suốt dòng thời gian kim cổ. Nguyễn Du đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người.

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 113 - 119)