Mộ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 61 - 63)

7. Kết cấu của luận văn

2.2 Mộ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

Cùng nói về không gian mộ, nhưng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du nấm mồ không chỉ là nơi lưu giữ thân xác của con người khi trở về cõi vĩnh hằng , mà hình ảnh mộ ấy còn chứa đựng nhiều triết lí sâu sắc mà ông muốn thể hiện.

Hình ảnh mồ mả, gò đống xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Nguyễn Du. Trong truyện Kiều và Văn Chiêu hồn hình ảnh ấy xuất hiện ít hơn trong thơ chữ Hán.

Ở Truyện Kiều chỉ thấy xuất hiện duy nhất nấm mồ vô chủ Đạm Tiên nhưng đó lại là điểm nhấn chi phối cuộc đời Kiều, chi phối nếp cảm, cách nghĩ của Nguyễn Du. Ông bộc lộ thái độ cảm thông chân thành đối với cuộc đời Đạm Tiên. Khi sống cô là một cô gái tài sắc, nổi danh một thời nhưng khi chết đi chỉ còn lại nấm mộ hoang lạnh lẽo trong sự quên lãng của người đời. Văn Chiêu Hồn với kết cục cho muôn người là những mồ vô chủ những thi thể liệm sấp chôn nghiêng thật sơ sài. Để rồi tác giả phải cảm thán “Còn chi ai khá ai hèn, còn chi mà nói kẻ hèn người ngu.” (Văn chiêu hồn). Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du nói nhiều về những nhân vật quyền thế một thời lừng lẫy xưng hùng tranh bá rốt cục: “đài cơ tuy tại, dĩ khuynh dĩ, âm phong nộ hào thu thảo mĩ” (Nền đài tuy còn nhưng đã nghiêng lỡ, gió lạnh réo gào giận dữ, cỏ thu tàn úa.) (Đồng Tước đài), các nhân vật hiền tài tiết nghĩa cuối cùng cũng ngậm đắng nuốt cay dưới sự tàn phá của thời gian “Thu thảo nhất khâu tàng thử hạc, danh gia bát đại thiện văn chương”. (Một gò cỏ thu trở thành nơi chứa chuột chồn, Đứng trong hàng tám văn hào lớn lừng tiếng văn chương), (Âu

Dương Văn Trung mộ). Hình ảnh mộ trở đi trở lại nhiều lần khiến người trong cuộc và người xem không khỏi suy nghĩ.

Nghịch đối lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người là sự sống và cái chết. Cái chết luôn là một điều gì đó bí ẩn rất đáng sợ, mà càng lo sợ thì con người lại càng muốn tìm hiểu khám phá về nó. Cuộc sống vốn dĩ đầy rẫy khổ đau “bách niên đa thiểu thương tâm sự” (Cuộc đời trăm năm có biết bao chuyện thương tâm) và thật ngắn ngủi thế nhưng rất ít người tạo cho mình một sự thảnh thơi, an nhàn cần thiết. Con người lại luôn ganh ghét, đố kị, hằn thù nhau, chỉ chờ cơ hội là sát phạt nhau. Tranh hơn thua nhau chỉ vì một chút tiếng tăm hay danh lợi. Để rồi khi đứng trước ngưỡng cửa của sự sống - chết thì lại ăn năn, hối tiếc. Với Nguyễn Du, những cái chết muôn hình vạn trạng diễn ra thường trực trong thơ ông như một sự trăn trở, dằn vặt ưu tư về cõi đời của mình. Vì vậy, hình ảnh các nấm mộ trở đi trở lại như một sự bế tắc, hoài nghi, xót xa, xúc động. Từ nấm mồ của Đạm Tiên đến những nắm đất, những mồ hoang của vạn cô hồn đơn lẻ đều gợi lên những nỗi ai hoài về sự ngắn ngủi của kiếp phù sinh. Nói đến mộ là nói đến sự hủy diệt của thời gian, ông xót xa, ngậm ngùi cho những số phận khi sống đã cống hiến hết mình mà khi chết chỉ còn trơ trọi một nắm đất, một nắm xương tàn. Rồi theo thời gian tất cả tan biến, xóa nhòa chẳng còn dấu vết. Ý thức cái chết đồng nghĩa hiểu sâu sắc giá trị của sự sống. Nghĩ về cái chết để tìm ra một lẽ sống đúng đắn hơn. Bằng sự trải nghiệm của mình, Nguyễn Du như muốn phát ra tín hiệu cho người đời, cho hậu thế, hãy biết quý trọng cuộc sống, quý trọng thời gian.

Viết về mồ mả tha ma Nguyễn Du đã thể hiện niềm tin thiêng liêng của mình về thế giới cõi âm, bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc trước cái chết bi thiết của người đời. Như một quy luật bất biến của thế giới tự nhiên, con người sinh ra lớn lên, trải bao thăng trầm sóng gió, dù có là người giàu sang tiền muôn bạc vạn, hay là kẻ bần cùng khố rách áo ôm, dù là một người có quyền cao chức trọng hay một kẻ cơ hàn tiểu tốt vô danh thì đến cuối cuộc đời cũng nằm sâu dưới ba tấc đất, cũng phải trở về với cõi hư vô mà thôi. Chẳng ai mang theo được gì cho mình khi trở về trong lòng đất mẹ.

Để thuận tiện cho việc nghiên cứu chúng tôi tiến hành khảo sát các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Trong tổng số 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng tôi nhận thấy: có 34 bài thơ có hình ảnh mộ (cụ thể và vô danh) chiếm 13,6% và có 16 bài thơ có không gian liên quan đến người đã mất (đình, đài, miếu) chiếm tỉ lệ 6.4%, với khoảng 84 lần các hình ảnh ấy được nhắc đến. Có thể số lượng chưa thật nhiều nhưng với tần số xuất hiện như thế cũng đủ để hiểu thêm về thế giới tâm linh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Mặc dù những ngôi mộ có khác nhau, những người nằm dưới đó có khác nhau nhưng tất cả đã làm động lòng trắc ẩn của một trái tim nhân đạo sâu sắc.

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)