Mộ và các hình thức mộ

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 56 - 61)

7. Kết cấu của luận văn

2.1Mộ và các hình thức mộ

Mộ: nơi chôn cất (hoặc chôn cất tượng trưng) người chết được đắp hoặc xây cao hơn xung quanh [31, tr 639].

Mộ là một không gian cụ thể, là ranh giới cụ thể của người sống và kẻ chết. Nói về khía cạnh này, Lê Thu Yến cho rằng đây là “loại không gian có mái che nhưng khác với nhà cửa, nó vừa rộng hơn, vừa hẹp hơn. Rộng hơn là vì thông qua mồ mả còn có sự thăng hoa tới một đỉnh trời nào đó. Còn hẹp hơn là do kích thước đã thấy rõ ràng…”[41, tr 151].

Mồ mả là nơi yên nghĩ cuối cùng của người chết, của tổ tiên. Nó tồn tại từ đời này sang đời khác cùng với con cháu. Cùng với việc thờ cúng, mồ mả là biểu tượng thiêng liêng mà bất cứ ai cũng phải kính trọng. Việc chăm sóc chu đáo, kĩ lưỡng mồ mả của người chết một phần thể hiện ý thức trách nhiệm của người sống đối với người đã khuất, nêu cao truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, một phần củng cố khẳng định niềm tin thiêng liêng về tổ tiên ông bà, người thân

quá cố vẫn còn bên cạnh con cháu. Và một phần nữa việc làm này cốt để thỏa mãn đời sống tâm linh của mỗi con người.

Mồ mả thường gắn liền với nghĩa địa tha ma, nên khi nhắc đến không gian mộ ta thường nghĩ đến một không gian lạnh lẽo đầy âm khí “Ở đây âm khí nặng nề” (Truyện Kiều). Hầu hết mỗi một làng quê đều dành một khoảng đất trống cho việc chôn cất người chết. Nhưng sự đời dâu bể, nào có phải ai cũng được chôn cất đàng hoàng tử tể. Người có thân nhân gia quyến thì mồ còn yên mả còn đẹp song những kẻ không người thân thích khi chết đi hồn chỉ biết làm bạn với gió mây. Có những nấm mồ được xây dựng, trang trí cầu kì, có hương trầm nghi ngút của nghĩa tình, của niềm hiếu thảo, có những ngôi mộ nhỏ bé đơn sơ nhưng rất linh thiêng và xúc động. Song cũng có những nấm mồ hương tàn khói lạnh, hoang vắng âm u, hay những bãi hoang lưu giữ nắm xương tàn của những người xấu số.

Chẳng ai mong mình được trở về trong một không gian mà mái che nhỏ hẹp “Ai có thích gì đi mãi mãi, vô trong cái cõi chẳng mô tê, một khi cập bến vào vô tận, thì đến vô biên chẳng trở về” (Xuân Diệu – Không đề).Đứng bên cạnh những nấm mồ của thân nhân, chúng ta thấy thương tiếc họ vì họ không còn ở với chúng ta nữa. Những nấm mồ nằm bất động nơi đây nhắc nhở chúng ta cuộc đời như những bông hoa sớm nở tối tàn, chúng ta kẻ trước người sau cũng đến lúc sẽ vào trong đó, nên trong cuộc sống hiện tại chúng ta phải làm gì để đến khi trở về với đất mẹ chúng ta không phải hối tiếc về những gì mình chưa làm được. Con người được sinh ra ở cõi đời, sống ở cõi đời nhưng không thuộc về cõi đời vì ai cũng biết rằng “Sinh kí, tử quy”. Phải chăng cánh cửa cuộc sống của con người khép lại dưới các nấm mồ thì có một cuộc sống khác nảy sinh? Một chiếc lá vàng lìa cành để một chồi non xanh tơ lại mọc.

Có phải vì Nguyễn Du “là một người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời, về cái gì là chủ yếu trong cuộc đời” ( Mai Quốc Liên) [24, tr7] nên đứng trước những nấm mộ Nguyễn Du thường suy tư, trăn trở ?

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du nằm trong khuôn khổ của nền văn học trung đại, cho nên chắc chắn không gian nghệ thuật trong thơ ông cũng là không gian vũ trụ. Khảo sát toàn bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta sẽ nhận thấy có hai

không gian tồn tại. Một không gian rộng lớn mênh mông khoáng đạt và một không gian nhỏ bé khiêm nhường. “Hai khoảng không gian này tuy nhỏ bé, rộng hẹp khác nhau nhưng cùng thể hiện một cách trọn vẹn thế giới tâm linh của tác giả” [ 41, tr 142]. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du hình ảnh những nấm mồ hoang, những đình đài xiêu ngã xuất hiện nhiều lần. Phải chăng chính Nguyễn Du cũng lẩn khuất ý niệm về cái chết, về cõi vĩnh hằng mà bản thân ông luôn khao khát, muốn khám phá, hiểu biết về nó.

Không gian nhỏ hẹp thứ nhất được biểu hiện qua ngôi nhà. Nhà là tổ ấm là nơi mà con người có thể tìm được sự bình yên, hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu của mình. Nguyễn Du chưa hề tìm thấy một niềm hạnh phúc khi sống ở một nơi nào đó. Thơ của ông luôn cho thấy xa nhà, đau bệnh, vợ buồn, con đói, hoài bão không thành, tóc bạc… Cho nên, không gian ngôi nhà đó, với Nguyễn Du nó không thể là nơi ấm áp, một nơi mà ông có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn sau những đắng cay trong cuộc sống mà chỉ càng làm ông trăn trở hơn về chính cuộc đời mình cũng như về kiếp nhân sinh mà thôi.

Đến với loại không gian nhỏ hẹp thứ hai là khộng gian có mái che nhưng đó lại là mái che - ngôi nhà của người đã khuất. Không gian và cũng là điểm đến cuối cùng của con người. Có thể chúng ta chẳng thích nó, nhưng không ai có thể tránh được nó. Không gian này cũng giúp ta hiểu thêm về tâm trạng của Nguyễn Du.

Ngôi mộ dù chỉ khiêm nhường như một gò đất hay vươn lên trời cao như một kim tự tháp cũng vẫn gợi ý nghĩa về sự ra đi của con người. Mỗi ngôi mộ là một đài chứa sự sống. Ngôi mộ khẳng định tính vĩnh cữu của sự sống qua các dạng biến thái của nó. Trong cuộc sống, có những người chưa bao giờ nghĩ tới lúc mình chết đi thì sẽ như thế nào? Nhưng cũng có những người để tâm chuẩn bị cho ngôi nhà vĩnh viễn của mình nhiều hơn là sắp xếp nơi mình đang sống. Trong truyền thống Hy Lạp ở thời đại Mycènes, mộ được xem là nơi ở của người đã chết, cũng cần thiết như nhà cho người sống. Theo nhiều truyền thống khác, phổ biến nhất là ở châu Phi, mộ dùng để giữ lại hồn người chết bằng một dấu hiệu vật chất, cho các vong hồn khỏi đi lang thang quấy rối người sống.

C.G Jung gắn mồ mả với mẫu gốc nữ tính, coi là tất cả những gì bao bọc, ôm ấp. Đó là nơi an toàn, nơi ra đời, sinh trưởng, nơi êm đềm; là nơi thể xác biến thái thành tinh thần hoặc là nơi chuẩn bị để tái sinh, nhưng cũng là vực thẳm nơi con người chìm đắm trong những vùng tăm tối nhất thời và không thể tránh khỏi. Người nào nằm mơ thấy người chết, thấy nghĩa trang, mồ mả thực ra là đang tìm kiếm một thế giới còn chứa đựng một cuộc sống bí mật nào đó của họ. Họ cố tìm câu trả lời, giải mã những điều bí mật thế nhưng làm sao có thể hiểu thấu tất cả mọi việc trên cuộc đời này.

Hình 1

Mộ Nguyễn Du ở Hà Tĩnh

Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một mồ”. Nếu ngôi nhà của người sống có nhiều kiểu dáng khác nhau, thì “ngôi nhà” của người đã khuất cũng thế. Nhìn vào những ngôi mộ cũng có thể biết được người sang, kẻ hèn. Ngôi mộ toát lên sự thanh thoát, người dưới mộ dễ được siêu thoát và để cho người sống có thêm một nơi để cảm nhận về cuộc sống. Còn ngôi mộ hoang tàn lạnh lẽo người nằm dưới mộ cũng tủi buồn cho số kiếp, để lại trong lòng người sống sự day dứt, xót xa. Những nấm mộ trong tập thơ chữ Hán, cùng với những

người nằm dưới mộ ấy đã phát ra tín hiệu về cuộc sống, về còn - mất trong cuộc đời của mỗi con người.

Trong cuốn sách Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam, Toan Ánh đã viết: hình thức mộ Việt Nam có sự thay đổi theo địa phương. Từ miền Bắc đến Thanh Hóa, mộ có chiều dài theo hình khối chữ nhật, dốc ở bốn góc và cao hơn ở đỉnh mộ. Từ Nghệ An đến Khánh Hòa, mộ hình tròn và đỉnh mộ cao. Từ Khánh Hòa vào miền Nam, mộ lại theo hình dài như ngoài Bắc [4].

Hình thức mộ còn thay đổi theo địa vị xã hội của người mất. Mộ đất của dân thường có chiều ngang dọc từ 60 đến 80 cm. Mộ đất của các quan chức, các chức sắc... thường đắp cao hơn và to rộng hơn, có khi tới năm, sáu thước. Mộ xây có kiểu mộ hình trứng ngỗng và mộ liếp (hình khối chữ nhật, xây gạch, chiều dài khoảng hai thước, chiều rộng khoảng thước rưỡi và chiều cao độ 20 cm). Mộ hình trứng ngỗng nhưng biến thể thành mai rùa hoặc hình lá sen dành cho những Phật tử.

Kiểu mộ liếp được xây như một ngôi nhà trúc gọi là mộ trúc cách, hoặc giống một chiếc kiệu gọi là mộ long đình dành cho người quý phái, các quan triều thần và những người trong hoàng tộc. Dân chúng mà xây kiểu mộ trúc hoặc mộ long đình sẽ bị tội phạm thượng. Mộ của các bậc đế vương gọi là lăng. Mộ của các tu sĩ Phật giáo gọi là tháp [4, tr 26].

Mộ cũng là thứ kiến trúc làm nơi cư ngụ cho một người không còn sống. Thường ở các nghĩa trang, mộ được xây theo một kiểu mẫu đồng dạng. Đó là loại nhà lập thể cho những người đã khuất. Nhìn vào thấy buồn, ngậm ngùi và sự vô nghĩa của cái chết càng vô nghĩa hơn. Nếu cho rằng làm một ngôi mộ có tính thẩm mỹ cao sẽ tốn rất nhiều tiền là không đúng. Tính thẩm mỹ không phụ thuộc vào số của cải vật chất, số tiền để xây ngôi mộ. Một nấm mộ vô danh cũng đẹp, cũng mang tính thẩm mĩ cao chỉ cần đặt lên đó một hòn sỏi khắc chữ “Vô danh” cũng toát lên niềm kính trọng.

Giáo sư, tiến sĩ nhân học Phan An cho rằng mộ không nhất thiết phải đóng khung như một hình hộp chữ nhật, càng không nên xây thành ngôi nhà mồ có cửa rào, tường xây bít bùng hay như một lâu đài nguy nga như ở một số vùng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Như thế sẽ khiến ngôi mộ vừa lạnh lùng vừa phô trương. Theo ông, nghĩa trang không phải là nơi hiu quạnh mà phải là một công viên văn hóa, có những ngôi mộ đẹp dù hình thức rất đơn sơ. Người viếng mộ nhìn vào bia sẽ thấy mình sống có trách nhiệm hơn, xứng với người đã mất. Điều này rất cần thiết cho xã hội hôm nay: giáo dục con người sống nhân văn hơn.

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 56 - 61)