Bắc hành tạp lục (1813 – 1814)

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 51 - 56)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.3 Bắc hành tạp lục (1813 – 1814)

Bắc Hành Tạp Lục gồm 132 bài sáng tác trong vòng một năm từ đầu tháng 2 đến giữa tháng Chạp năm Quý Dậu ( 1813). Mở đầu quyển là bài cảm tác khi trở ra Thăng Long để lên đường đi Trung Quốc cầm đầu sứ đoàn tế cống. Chỉ một năm mà các sáng tác trong giai đoạn này bằng bao nhiêu năm cộng lại. Bắc hành tạp lục là

đỉnh cao nghệ thuật trong văn nghiệp của ông. Hầu hết là các bài thơ viết về con người và cuộc sống bên ngoài - tái hiện và bình luận vạn sự cổ kim. Tâm hồn Nguyễn Du giờ đây đã rộng mở để "đón nhận những vang động của đời". Hình tượng “tự họa” trong Bắc hành tạp lụcgắn liền với những biến đổi sâu sắc trong cái nhìn của nhà thơ khi đối diện với bản thân, với cuộc đời. Hiện lên dưới ngòi bút Nguyễn Du vẫn là người lữ khách mang nặng mối sầu tha hương song không nhuốm tủi hờn, đau đớn như ở Thanh Hiên thi tậpmà nghiêng về nỗi nhớ nhung da diết... Nhưng hành trình ấy còn mang đến cho Nguyễn Du một cơ hội quí giá để mở rộng tầm nhìn. Bao nhiêu kiến thức thu nhận từ sách vở và những số phận con người từng ám ảnh tâm hồn nhà thơ - giờ đây đang hiện lên ngay trước mắt: "Dấu cũ từ nghìn năm trước xa xôi, điều sách chép rành rành nay hiện rõ trước mắt” (Thương Ngô tức sự).

Trên con đường đi sứ, Nguyễn Du đã phát hiện nhiều điều mới mẻ về thiên nhiên, con người và cuộc sống trên đất nước Trung Hoa. Có lúc nhà thơ không khỏi bàng hoàng trước cảnh sóng thác gầm thét dữ dội: "Mọi người đều nói đường trên đất Trung Hoa bằng phẳng, hóa ra đường Trung Hoa lại thế này, sâu hiểm quanh co giống lòng người" (Ninh Minh giang chu hành). Có lúc, ông thảng thốt trước những điều trông thấyhoàn toàn tương phản với những gì mình hằng nghe nói: "Thường chỉ nghe ở Trung Nguyên ai cũng no ấm, ngờ đâu Trung Nguyên cũng có người như thế này" (Thái Bình mại ca giả), "Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa, sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này?" (Quế Lâm Cù các bộ)...

Cũng trên đường đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du đã đến viếng hết di tích của các danh nhân kim cổ. Ông gửi gắm tâm sự mình qua những vần thơ, sẻ chia và cảm thông cũng những "người ngàn năm trước". Ông đã đánh giá nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, từ Tiên Tần cho đến Đường Tống. Ông viết về Khuất Nguyên đến Đỗ Phủ, từ Tam Hoàng đến Tào Tháo... Nguyễn Du đã tìm thấy trên những nẻo đường đầy cố cảnh, cựu tíchkia lời giải đáp cho nhiều câu hỏi lớn về cuộc đời, về thân phận con người từng khiến ông day dứt... Ông không ngợp mắt trước phồn hoa, không đắm mình vào cảnh đào hồng, liễu lục nơi xứ lạ mà thường kiếm

tìm dấu cũ, bia xưa... của những con người có phẩm cách phi thường, có số phận bất hạnh.

Thơ ghi chép những điều trông thấy, những cảm nghĩ dọc đường. Từ cõi lòng ngổn ngang với những đau khổ của bản thân, ông đã hướng đến nỗi đau khổ của mọi người. Ông đã dựng nên những bức tranh chân thực về những cảnh đời nghèo khổ, tha phương. Xót xa cho những người:

“ Khẩu phún bạch mạt, thủ toan xúc, Khước tọa, liễm huyền, cáo chung khúc. Đàn tận tâm lực cơ nhất canh,

Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục, Tiểu nhi dẫn đắc há thuyền lai. Do thả hồi cố đảo đa phúc”

(Miệng sùi bọt, tay rã rời,

Ngồi yên, cất đàn, ngỏ lời đã đàn hát xong Dốc hết tâm lực gần một trống canh Mà chỉ được năm sáu đồng tiền Đứa bé dẫn được ra khỏi thuyền Còn quay đầu lại chúc “đa phúc”

(Thái Bình mại ca giả)

Có cái gì đó thật chua xót, ông lão sao có nhận được chút “ phúc” nào từ cuộc đời, từ những con người trong xã hội lúc bấy giờ.

Không giống như những tập thơ đi sứ khác, những bài thơ trong Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du cũng là thơ tâm sự. Nhiều bài nửa trên là tức cảnh, nửa dưới là tâm sự của mình. Những bài vịnh sử bộc lộ rõ thái độ sống của nhà thơ. Ông nói về những kẻ thù dân tộc cũng như những nhân vật lịch sử Trung Quốc, ông nói nhiều đến cảnh loạn lạc, cảnh đói kém ở Trung Quốc, chuyện đời sống nhân dân cực khổ trong khi đó có những kẻ ăn thừa mứa đổ xuống sông. Và ông nói về cuộc đời con người khi không còn nữa. Chính vì những điều trông thấy ấy mà tư tưởng muốn về ở ẩn lại xuất hiện nhiều lần trong những bài làm trên đất khách.

Đề tài hiện thực là niềm trăn trở trước số phận của con người, từ những đau khổ của riêng mình mà ông đã hòa vào nỗi đau của cõi người.

Bên cạnh đề tài về hiện thực, thì trong Bắc hành tạp lục có một số lượng tác phẩm lớn viết về những nhân vật lịch sử Trung Quốc. Đối với những nhân vật này ông có thái độ khác nhau. Những tấm gương trung nghĩa tiết liệt như Đỗ Phủ, Nhạc Phi, Khuất Nguyên… ông trân trọng và cảm thương cho số phận của họ. Đối với những bậc hiền tài bạc mệnh ông thể hiện tình cảm yêu thương lẫn kính phục. Đặc biệt đối với những kẻ độc ác, xấu xa như Tào Tháo, Tần Cối, Tô Tần, Minh Thành Tổ… ông vạch trần những hành vi xấu xa, tàn ác của chúng. Nguyễn Du triệt để khai thác nhân vật lịch sử qua các sự kiện, các nhân vật trong không gian và thời gian khác nhau. Chính vì thế mà trong thơ chữ Hán của ông luôn trở đi trở lại hình ảnh nấm mồ, đứng trước mồ, chiều tà, bóng đêm, gió tây… ông luôn nhìn lại quá khứ với cảnh xưa, người cũ, luôn đặt mình vào đó mà chiêm nghiệm những năm tháng đã qua. Viết về đề tài lịch sử, Nguyễn Du đã có một cách nhìn mới mẻ, luôn có ý thức kết nối quá khứ - hiện tại, lịch sử - hiện thực. Nhà thơ luôn đứng trên lập trường dân tộc để bàn về các nhân vật lịch sử Trung Quốc nên có ý nghĩa nhân sinh và dân tộc sâu sắc.

Tập thơ Bắc hành tạp lục cho thấy ở Nguyễn Du một khả năng quan sát chi tiết trung thực, kiến thức thâm sâu về địa lý và lịch sử Trung Hoa cũng như một hệ thống suy tư đặc thù sâu sắc về nhân sinh.

Nguyễn Du là một nhà thơ lớn. Ông không chỉ biết đến số phận của cá nhân mình mà ông là người biết đặt lòng mình vào những con người bất hạnh, khổ đau. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du với truyện Kiều là một. Có khác chăng là Truyện Kiều giống như một dòng sông lớn, còn thơ chữ Hán là những con suối nhỏ, nhưng tất cả đều đỗ vào đại dương mênh mông của chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Nói tóm lại, cả cuộc đời Nguyễn Du đã quan sát, nghĩ suy, chiêm nghiệm không ngừng nghỉ để rồi chắt lọc, lắng đọng lại thành những trang thơ sống mãi với thời gian. Đi qua hai thế kỉ, thơ Nguyễn Du là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn, đồng hành với thăng trầm lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc. Thơ ông đa dạng và phong phú từ những cảm nhận về đời sống thôn quê đến nơi đô hội thị thành, từ

dòng sông bến bãi thân quen đến những miền đất xa lạ trên đường đi sứ. Từ một câu chuyện đói no thoáng gặp bên đường đến bài học nhục vinh ngàn năm xưa cũ, từ nỗi đơn côi cá nhân tới vui buồn mọi kiếp chúng sinh, từ nỗi hoài niệm một thuở ấu thơ tới ngày mái đầu điểm bạc, từ đêm tàn lẻ bóng mà mơ hồ nghĩ đến một mai xuôi về bến bãi hư vô, đặt mình vào đó mà soi nhìn lại kiếp sống con người... Một tâm hồn nghệ sĩ lớn, một năng lực sáng tạo phi thường và “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời” của Nguyễn Du đã làm nên những vần thơ chữ Hán chất nặng suy tư.

Chương 2. MỘ TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU

Mồ mả là nơi yên nghỉ cuối cùng của con người. Nó tồn tại từ đời này sang đời khác như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Mộ, nghĩa trang như là công viên văn hóa, nơi giao lưu nhân ái giữa người sống và người chết. Người Việt coi trọng “sống có nhà, thác có mồ”, dù giàu sang hay nghèo khó, người sống cần có một mái nhà để ở, người chết cần có nấm mồ chôn thây. Nhà hay mồ đều là không gian quan trọng nhất của đời con người. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, hình ảnh mộ trở đi trở lại nhiều lần như một ám ảnh về thế giới của người đã khuất. Có dự cảm nào dành cho không gian tối tăm kia không ? Tại sao Nguyễn Du quan tâm quá nhiều tới mái che của người chết ? Phải chăng, qua những nấm mồ ta dần nhận ra cùng đích của đời mình, là đến để sống với, sống cùng, sống trong, sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Phải chăng có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn nén lại và mang đi? Phải chăng có một điều gì trong tâm hồn Nguyễn Du mà chúng ta chưa hiểu hết ?

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)