7. Kết cấu của luận văn
1.3.2 Nam trung tạp ngâm (1805 – 1812)
Nam trung tạp ngâm gồm 40 bài, Nguyễn Du làm trong thời gian giữ chức quan ở Phú Xuân và Quảng Bình rồi trở về Phú Xuân. Nếu ở tập Thanh Hiên, Nguyễn Du đã bộc lộ thái độ của mình với chốn quan trường thì đến tập thơ này nhà thơ không còn chìm trong bế tắc, tuyệt vọng như trước. Song tác giả cũng chưa từng có được sự thanh thản khi bước chân vào chốn quan trường. Chốn quan trường phức tạp, đầy những bon chen, tranh cạnh. Quan lại trong triều đình là những người “quen hơi đồng” trước tiên, thường ganh đua nhau, người này tìm cách chèn ép người kia để có thể tiến nhanh hơn và cao hơn kẻ khác trên bậc thang danh vị: “Những con oanh đẹp trong vườn thượng uyển ghen nhau vì sắc đẹp”(Tống nhân).
Xung quanh Nguyễn Du toàn là những “dì gió tính rất chua ngoa” (Ngẫu thư công quán bích II.) Nguyễn Du đi từ thất vọng này đến thất vọng khác khi mắt thấy, tai nghe hầu hết những rối ren, mục nát bên trong chính quyền phong kiến thời bấy giờ. Tệ tham nhũng, đục khoét hoành hành khắp nơi. Những chuyện hiềm khích, hãm hại lẫn nhau nhiều không kể xiết. Đám nha lại bên dưới thì lấn quyền, khinh nhờn phép tắc.
Có đến 20 lần ông bày tỏ ước nguyện qui dư, qui cố hương. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du luôn cảm thấy day dứt, ân hận, luôn bị giằng xé trong nhiều mâu thuẫn nội tâm. Dường như ông thấy mình đã chọn lầm đường- con đường mà càng dấn thân vào, con người càng mất dần đi thiên tính tốt đẹp:
“Thanh sam tẩu biến hồng trần lộ, Viên hạc hà tòng nhân cựu lân? ”
"Chiếc áo xanh đi khắp đường bụi hồng,
Con vượn, con hạc làm sao mà nhận ra người láng giềng cũ?"
(Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn).
Điểm nhìn nghệ thuật của Nam trung tạp ngâmvẫn mang tính hướng nội song cảm nhận của nhà thơ về bản thân đã có nhiều đổi khác. Ông không còn phải khóc thương cho sự cùng đường, bế tắc của một con người lỡ thời, thất thế nhưng lại phải đau xót, tủi thẹn vì nguy cơ đánh mất mình. Thơ của Nguyễn Du thời kỳ này chất chứa những mệt mỏi, chán chường, thất vọng. Ông thất vọng về mình - vì đã không giữ vẹn được tấm tình thủy chung với non xanh, với tùng cúc, hươu nai. Ông thất vọng về chốn quan trường - vì những tưởng khi nhập thế sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ giúp ích cho đời nhưng cuối cùng cũng chỉ là kẻ bị trói buộc bởi năm đấu gạo. Chốn quan trường không làm cho nhà thơ cảm thấy vui vẻ, không tìm được người tri âm mà trong thế giới đó, từ chỗ không có ai để trò chuyện, ông đã tự mình đóng cửa không trò chuyện với ai “Phàm sinh ra mang khí phách khác thường, thì trời đất không có chỗ dung”, có lúc lại tự mỉa mai mình “Có thân hình chi vất vả, không bệnh mà lưng lom khom".
Cũng chính trong khoảng thời gian này, Nguyễn Du bắt đầu có những nhận thức sâu sắc về bản chất xã hội đương thời. Đó không phải là nơi cho những con người có hùng tâm tráng chí cất cánh bay cao. Người nghệ sĩ trong ông khi nhìn lại những biến động của thời đại đã không thể không đau đớn cho cuộc đời trong cảnh:
“Hán đoạt Tần tranh sự dĩ không Tạc giả đại khuy sinh vật đức…
(Chuyện Hán cướp Tần tranh đã thành không,
Trước kia đã thương tổn nhiều đến cái đức hiếu sinh của tạo hóa.) (Pháo đài)
“Tam quân cựu bích phi hoàng diệp, Bách chiến tàn hài ngọa lục vu. ”
(Trên lũy cũ ba quân lá vàng bay lả tả,
(Độ Linh giang)
“Khoáng dã biến mai vô chủ cốt”
(Trên đồng ruộng khắp nơi vùi thân vô chủ).
( Ngẫu đắc),
Tâm sự của Nguyễn Du trong Nam trung tạp ngâm đã không còn giới hạn trong những bất hạnh, đổ vỡ riêng tư mà phản chiếu cách nhìn nhận, đánh giá về bản chất của một xã hội trong chiều đi xuống. Được làm quan có thể là mơ ước của mọi người, là một cơ may để có thể “vinh thân phì gia”. Riêng với Nguyễn Du, ông ngại ngần và cảm nhận nhiều hơn ở mặt trái, những hệ lụy, ràng buộc, mất tự do: “Triều đình có đạo khiến anh tròn được đạo hiếu” (Tống nhân); “Không lụy nên chưa chuốc lấy sự trách móc của quỷ, bất tài nên hay sợ rước lấy sai lầm trong việc quan” (Giang đầu tản bộ, bài 1); “Khá thương mình đầu bạc vẫn phải chịu để người sai khiến, không cùng với núi xanh giữ được thủy chung” (Vọng Thiên Thai tự). Sự giả dối, tranh chấp, bon chen đố kị chốn quan trường cũng được Nguyễn Du bày tỏ một cách sâu sắc: “Không bệnh mà lưng lom khom” (Thu chí); “Phương xa một mình gửi cái thân làm quan, khi gặp việc bọn đầy tớ, lính hầu đều lên mặt với ta”
(Ngẫu đắc); hay sự vọng tưởng về chốn thanh tao, biết rằng mình lỗi hẹn cùng cỏ cây hoa lá: “Ta cũng muốn từ đây treo mũ áo từ quan mà ra đi” (Tặng nhân); “Rất thẹn cùng trúc đá vì lỗi phụ lời thề với nó” (Tống nhân),“Trăng núi gió sông dường như có ý đợi chờ” (Ngẫu thư công quán bích, bài 3); “Hồn ơi,về đi thương cố hương” (Ngẫu thư công quán bích, bài 1); “Trong giấc mộng tàn canh nằm vẫn còn mơ về quê hương” (Thủy Liên đạo trung tảo hành);“Thẹn mình đã phụ làn mây núi hồng” (Giản Công bộ Thiêm sự Trần, bài 2); “Cúc vàng năm ngoái, năm nay lại nở, vì ta hãy tạ từ với cây tùng, tảng đá ở Hồng Sơn” (Tạp ngâm)… Hơn nữa, Nguyễn Du làm quan nhưng chẳng giàu có gì nên luôn chạnh lòng thương nhớ những đứa con chịu cảnh đói nghèo nơi quê xa:
“Cố hương cang hạn cửu phương nông, Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng.
Hoài qui nguyên bất đãi thu phong.”
(Quê hương nắng hạn lâu làm hại việc nông, Mười miệng trẻ đói mặt cùng xanh như rau. Giá như rất tha thiết canh rau thuần gỏi cá lô, Thì lòng muốn về vốn chẳng cần đợi gió thu nổi.)
(Ngẫu đắc, bài 4) Nguyễn Du nhấn mạnh sự đối lập giữa hôm nay và hôm qua, giữa việc làm quan và cuộc sống tự tại, giữa sự bó buộc và tháng ngày lãng du.
“Thử thân dĩ tác phàn lung vật, Hà xứ trùng tầm hãn mạn du?”
(Thân này đã làm chim trong lòng, Biết tìm đâu lại cuộc chơi phóng lãng?)
(Tân thu ngẫu hứng)
Ông giống như một người không muốn trôi theo dòng chảy kia nhưng chẳng thể nào thoát khỏi được vòng xoáy dữ dội của nó nên đành chấp nhận. Điều đau xót nhất là, khi bước chân vào nẻo thanh vân cũng là khi hoài bão, ước mơ dần nguội tắt.
Nguyễn Du gọi mình là người “đa bệnh, đa sầu” và có lần không giấu được nỗi sầu, ông thanh minh “các bạn thân trách ta sao hay buồn và hay mơ mộng”. Rồi ông lại cười lặng lẽ tự trả lời “Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng?” (Ngẫu đề). Qua hai tập thơ chữ Hán, Thanh Hiên thi tập và Nam Trung tạp ngâm, chúng ta hiểu thêm hơn tâm sự của Nguyễn Du. Tâm sự ấy đã không còn giới hạn trong những bất hạnh, đổ vỡ riêng tư mà phản chiếu cách nhìn nhận, đánh giá về bản chất của một xã hội trong chiều đi xuống.