Thanh Hiên tiền hậu tập (1786 – 1804)

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 42 - 48)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.1 Thanh Hiên tiền hậu tập (1786 – 1804)

Lê Thu Yến đã viết, tập thơ này là “sáng tác của thời thanh niên chí cao mộng lớn, nhưng thời vận lỡ làng, số phận long đong đành gởi vào thơ những nỗi niềm tâm sự, triết lí về cuộc đời hiện thực đầy rẫy khổ đau” [41, tr.25].

Nguyễn Lộc nói “Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, một ấn tượng sâu sắc để lại cho người đọc là nhà thơ rất buồn. Lúc nào cũng buồn. Có lí do để buồn đã đành, nhiều khi vô cớ, không đâu ông vẫn cứ buồn như vậy. Buồn thương như một

tiếng đàn réo rắt, não nuột vang lên trong hầu khắp các thi phẩm của ông” [25, tr.304].

Đây là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du, tập thơ chỉ còn 78 bài và các bài được chép không theo một thứ tự nào. Do đó, nhóm biên soạn do Lê Thước và Trương Chính chủ biên đã phải dựa vào đời sống và tâm sự của nhà thơ để sắp xếp, phân chia chúng vào ba giai đoạn:

• Mười năm gió bụi: (1786 - khoảng cuối 1795 đầu năm 1796): tức năm Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà, cho đến năm Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hồng Lĩnh khoảng cuối 1795 đến 1796

• Dưới chân núi Hồng (1796-1802): quãng thời gian ông về ẩn tại quê nhà (Hà Tĩnh).

• Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804): quãng thời gian ông bắt đầu ra làm quan cho nhà Nguyễn.

“Mười năm gió bụi” một chặng đường Nguyễn Du phải sống nơi quê người với cuộc sống rất khó khăn lại thêm bệnh đau nên tư tưởng buồn chán, hay than thân trách phận “Thập tải phong trần khứ quốc xa, tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia, trường đồ nhật mộ tân du thiểu, nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa…” (Mười năm gió bụi rời kinh thành đi xa. Đầu bạc phơ phơ ở nhờ nhà người. Đường dài, trời chiều, bạn mới ít. Một nhà xuân lạnh bệnh cũ nhiều…” (U Cư – Bài 2)

Hình ảnh của Nguyễn Du qua nhiều bài thơ, là hình ảnh một nhà nho buồn chán vì bế tắc và không làm gì được cho mình, cho đời “…Trù trướng lưu quang thôi bạch phát, nhất sinh u tứ vị tằng khai.” (Buồn rầu vì ngày tháng trôi giục mái tóc bạc thêm, suốt đời ôm mối u sầu chưa từng gỡ ra được.) (Thu Chí), Nguyễn Du cũng hay than trách cho sự nghiệp của mình còn long đong hoặc cho rằng những khó khăn mình đang chịu đựng là do trời đất phú cho: “Sinh vị thành danh thân dĩ suy… Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng.” (Sống chưa làm nên danh, thân đã suy yếu,… Trời đất phú cho người cốt tướng gian truân) (Tự Thán – Bài 1). Mặc dù cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả, dẫu băn khoăn về sự nghiệp hay số phận của

mình nhưng tận thâm tâm, Nguyễn Du vẫn mong ngóng về một chốn an nhàn rời xa những danh lợi tranh chấp của cuộc sống “Hà năng lạc phát quy lâm khứ, Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.” (Ước sao có thể xuống tóc vào rừng, Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây) (Tự Thán – Bài 2).

Trong “mười năm gió bụi” ấy, lúc nào Nguyễn Du cũng canh cánh một nỗi niềm nhớ quê da diết “Ky lữ đa niên năng hạ lệ, Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm” (Lâu năm làm khách xa nhà, lệ rơi dưới đèn, Nghìn dặm nhớ quê, lòng gửi theo vầng trăng) (Xuân Dạ).

Nhìn lại chặng đường mười năm xa nhà là mười năm của nỗi day dứt muộn phiền mà ông muốn xua cho tan đi, nhưng vẫn chưa thoát được. (“Thập tải trần ai ám ngọc trừ, … Bách chủng u hoài vị nhất sư.” (Bụi trần mười năm nay che tối thềm ngọc, … trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải thoát) (Bát muộn). Vì phải làm người khách ở lâu (trệ khách) nơi quê người nên ông đã quyết định phải trở lại với quê nhà ở vùng núi Hồng, sông Lam.

Quãng thời gian về sống tại quê nhà, Nguyễn Du đã tìm được sự yên ổn và bình tĩnh trước những thăng trầm, thay đổi. Ông đi câu cá ở bể Nam, đi săn trên Hồng Lĩnh lấy tên là Nam Hải điếu đồ và Hồng Sơn hiệp lộ. Tính cách tiêu dao và nhàn dật của tư tưởng Lão Trang đã giúp ông thanh thản khi nhìn đời và trông lại mình:

“Y quan đạt giả chí thanh vân, Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần…”

(Những người áo mũ hiển đạt để chí mình ở đường mây; Còn ta ta cũng vui với bầy hươu nai của ta)

(Liệp)

Trong sáng tác của ông giai đoạn này có một số bài thơ mang tư tưởng thoát li và hưởng lạc. Trong bài Hành lạc từ thể hiện một quan điểm hư vô của ông về cuộc sống và muốn đi vào hưởng lạc. “Tịch thượng hữu kỹ kiều như hoa, Hồ trung hữu tửu như kim ba. Thúy quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp. Đắc cao ca xứ thả cao ca.” (Trên tiệc có kỹ nữ đẹp như hoa, Trong bình có rượu nổi sóng vàng, Tiếng sáo đẹp, tiếng tiêu ngọc khi mau khi chậm, Được lúc cao giọng hát thì cao giọng hát). Tố

Như vẫn hằng mong mỏi thoát ra được cuộc đời trôi nổi để làm người đạt được ý nguyện là vui thú, ngồi thong dong dưới cội tùng của kẻ đã thấu rõ được lẽ đời:

“Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại, Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân.”

(Ước gì nhảy thoát ra khỏi vỏng tục lụy Dưới bóng cây tùng già, thích biết bao)

(Sơn thôn)

Tuy nhiên, trong tư tưởng thoát li hưởng lạc ấy vẫn ẩn chứa một nỗi buồn da diết của Nguyễn Du. Chuyện thoát li, hưởng lạc chỉ là một cái cớ để bộc lộ nỗi lòng. Bởi vì, Nguyễn Du chưa bao giờ thoát trần, mặc dù ông đã vẽ ra một cảnh sống thần tiên, xa trần thế rồi ao ước được thoát khỏi nó. Một trái tim hòa cùng trái tim với mọi người, đập cùng những nhịp đập yêu thương với mọi người thì không thể nào tìm được sự thoát li, hưởng lạc thật sự. Ông luôn đau đáu một nỗi buồn thương. Ông tâm sự với bạn: “Anh như hạc nội mây ngàn thỉnh thoảng mới gặp một lần.” còn tôi ở đây có gió mát trăng thanh nhưng “gió trăng cứ lặng im không nói”(Ký Huyền Hư tử). Ốm đau nằm một chỗ, Nguyễn Du ước “vầng trăng sáng xuất hiện ngay trước cửa, ánh sáng dọi xuống xua đuổi mọi bóng tối”(Ngọa bệnh).

Năm 1802, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễncùng với nhiều cựu thần nhà Lê khác. Bước đầu ông được bổ làm Tri huyện Phù Dung ở Khoái Châu, rồi ba tháng sau được bổ làm Tri Phủ Thường Tín. Cuối năm 1803, ông được cử lên Trấn Nam Quan đón sứ nhà Thanh sang nhân dịp Gia Long lên ngôi xin cầu phong. Đức độ và tài năng của ông đã được triều đình Huế nể trọng nên đường hoạn lộ của ông cũng hanh thông. Chỉ trong vòng hai năm ông đã là sứ giả thay mặt triều đình đón sứ nhà Thanh. Sự trọng dụng của triều đình đã cho ta thấy được một phần nào về tài năng của ông trong công việc.

Nhìn lại những bài thơ của ông ở giai đoạn này, chúng ta cũng thấy việc ra làm quan cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Nguyễn Du vẫn tiếc nhớ nhà Lê và khi Tây Sơn tung hoành ngang dọc từ Nam ra Bắc, ông đã từng có ý nguyện ra giúp Nguyễn Ánh nhưng âm mưu bị lộ và bị Tây Sơn giam giữ ba tháng. Tuy nhiên, tự thâm tâm ông vẫn thường nghĩ là mong ước sâu xa của đời người là được tự do, tự

tại “ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp” (Nguyễn Công Trứ), được làm bạn với thiên nhiên, thong dong làm kẻ ẩn dật:

“…Hữu sinh bất đái công hầu cốt, Vô tử chung tầm thỉ lộc minh. Tiễn sát bắc song cao ngọa giả, Bình cư vô sự đáo hư linh.”

(Lúc sinh ra không mang cốt cách vương hầu, Chưa chết thì rốt cuộc sẽ đi tìm lợn, hươu làm bạn.

Thèm chết đi được như người nằm khểnh bên song cửa sổ phía bắc, Thường ngày không có việc gì bận đến tâm tình trong sáng.)

(Ký hữu)

Con đường hoạn lộ, con đường làm quan cũng lắm chông gai. Đó là một bãi chiến trường tranh giành danh lợi rất khốc liệt. Lòng dạ con người bị lợi danh chi phối sẽ trở nên tàn tệ, thâm độc. Áo mũ cân đai đẹp đẽ, chức tước, bổng lộc, miếng đỉnh chung v.v… của chốn quan trường đã biến nhiều người thành những kẻ xấu xa từ bên trong, được che dấu bằng bộ mã đẹp đẽ bên ngoài:

“Khổng tước phủ hoài độc, Ngộ phục bất khả y. Ngoại lộ văn chương thể, Trung tàng sát phạt ky…”

(Mật công chứa chất độc, Uống lầm không thuốc chữa. Mã ngoài lộ ra vẻ đẹp

Bên trong giấu chất độc giết người.)

(Khổng tước vũ)

Sống giữa vòng danh lợi chốn quan trường, ông đã tỏ vẻ chán ngán, mệt mỏi: “Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần; nhân tự tiêu điều, xuân tự hảo…” (Xuân tiêu lữ thứ) nghĩa là: “Trong trường danh lợi nhiều phen cười và nhăn mày, người cứ tiêu điều xuân vẫn tươi đẹp…”.

Nguyễn Du đã tỏ vẻ nguội lạnh về việc làm quan: “Anh hùng tâm sự hoang trì sính.” (Tâm sự người anh hùng không còn nghĩ đến dong ruổi nữa). (Xuân tiêu lữ thứ)và luôn luôn mơ ước về một chốn yên ổn, nhàn nhã, ung dung tự tại:

“…Tiễn nhĩ dã âu tùy thủy khứ, Phù sinh lao lục kỷ thời hưu.”

(Thèm được như đàn âu kia theo giòng nước lội đi Còn cảnh phù sinh vất vả (của ta) đến bao giờ mới thôi.)

(Đồng Lung Giang)

Bài “Quỷ Môn đạo trung” làm thời kỳ này cũng là một bài thơ giàu ý nghĩa. Việc đi đón sứ nhà Thanh đi ngang qua đây gợi ra cho ông niềm tự hào về những chiến công của tiền nhân đã từng khiến kẻ thù phương Bắc phải run sợ khi tiến đánh nước ta ở phương Nam:

“Chinh khách nam qui dục đoạn hồn.”

(Khách đi đường xa về nam như muốn dứt hồn)

(Quỷ Môn đạo trung)

Khách đi xa có thể là giặc khách, giặc phương Bắc ngày trước như giặc Nam Hán, giặc Nguyên Mông, giặc nhà Minh v.v và cũng có thể là sứ giả nhà Thanh đại diện cho một triều đình từng đem quân đánh phương nam và bị đại bại bởi Quang Trung… Đó là những “chinh khách nam qui” phải khiếp sợ khi vào đất Việt qua ải Quỷ Môn này.

Giai đoạn bước vào chốn quan trường tranh nhau danh lợi, ông cảm thấy chán nản không ham thích vì con ngựa đem đóng móng sẽ mất ngay tính trời, tính tự nhiên theo quan niệm Lão gia “Khắc lạc thiên chân thất mã đề” (Xuyên tạc chân tính thiên nhiên làm mất cả ý nghĩa thiên “mã đề” (Ngẫu hứng, bài 1). Nguyễn Du suy nghĩ, băn khoăn về việc ra làm quan của mình, hoài niệm những ngày ẩn dật, đi săn, cảm thấy bứt rứt không yên, cho là mình tự làm trái tính tự nhiên của mình, như chuyện “cắt ngắn chân con hạc dài” vậy. Nhưng nhờ thấm đượm tinh thần thiền nên cách nhìn đời của Tố Như vững chãi hơn, rộng hơn. Sống giữa trường đua tranh danh lợi mà lòng ông không hề xao động như thói thường.

Ba chặng đường của Nguyễn Du với 78 bài thơ trong Thanh Hiên Tiền Hậu Tập này đã đánh dấu ba hoàn cảnh sống, cùng với những biến chuyển tư tưởng của ông. Ngoài những tư tưởng nho học, hai tư tưởng Thiền và Lão Trang đan quyện vào nhau để có thể giúp ông vượt qua những trăn trở về cuộc sống phải “xử kỷ tiếp vật” đối diện với chính mình và các mối giao tiếp với con người và vạn vật.Việc tìm hiểu đoạn đường đời của Nguyễn Du ở thời kỳ Thanh Hiên Thi Tập này chỉ là những nét phác thảo còn sơ sài về một nhà thơ lớn của dân tộc.

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)