7. Kết cấu của luận văn
2.3.3. Những kẻ ác, kẻ xấu
Thời nào cũng có người tốt kẻ xấu, nếu trong triều chỉ có những bậc trung thần thì những người hiền tài đã không phải bị chết oan. Nếu chỉ có những phụ nữ trung trinh tiết hạnh thì xã hội đã chẳng cười chê những kẻ bày trò trên bộc trong dâu. Càng yêu thương những người hiền, người tài thì ông càng căm ghét những kẻ
ác, kẻ xấu. Ông sẵn sàng lên tiếng một cách mạnh mẽ và thể hiện nỗi bất bình của mình. Ông nhận thấy rằng con người bôn ba để làm gì, tranh giành để làm gì? Cuối cùng, kiếp người chỉ còn lại nấm mồ mà thôi.
Tào Tháo là một kẻ lắm mưu nhiều kế. Hắn đã gây ra biết bao điều oan trái, bao nhiêu người đã mất mạng trước sự đa nghi của hắn. Hắn xem thường nhà vua, lấn lướt các vương hầu xem mạng người như cỏ rác. Trước lúc sắp chết, Tào Tháo dặn các tỳ thiếp hằng ngày phải cúng Tháo bằng các món ăn mà Tháo thích lúc còn sống và có nữ nhạc múa hát để hầu trong bữa ăn để làm vui cho y. Tháo lại chia các thứ phấn sắp, giày thuê, khăn lụa cho các tỳ thiếp đó để họ bán lấy tiền khi túng thiếu.
Biểu hiện của văn hóa tâm linh rõ nét trong hành động ấy của Tào Tháo. Hắn lo lắng, suy nghĩ nhiều đến cuộc sống sau khi chết của hắn, hắn muốn được tiếp tục hưởng thụ, hắn lo sợ người ta sẽ đào mộ của hắn.
Trước việc làm ấy của Tào Tháo, Nguyễn Du đã chê cười “Bậc trượng phu lỗi lạc sao lại như thế”. Nhưng dù có muôn khéo nghìn khôn, có trăm mưu ngàn kế thì cũng không thay đổi được số mệnh. Tháo những mong xây đài Đồng Tước để bắt hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều để mua vui nhưng nàng Tiểu Kiều đến già vẫn là vợ của Chu Lang còn nền đài thì nghiêng lở, cỏ thu tàn úa; Mặc dầu Tháo xây 72 ngôi mộ giả để tránh người đời đào mồ sau khi chết thế nhưng “Tiếng xấu đầy quách thì còn chôn giấu kĩ để làm gì, nắm xương tàn tên giặc nghìn đời bị chửi bới cũng chẳng hay biết” (Thất thập nhị nghi trũng). Mưu trí vô hạn của Tháo chẳng phải uổng phí lắm sao? Mọi việc đã thay đổi, cho dù có cố gắng che đậy đến đâu thì tiếng xấu vẫn còn đấy “Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.Trong khi đó, miếu của Lưu Bị ở Cẩm Thành “đến tận ngày nay cây tùng cây bách vẫn còn tỏa sáng” (Thất thập nhị nghi trủng). Điều này đã khẳng định cái xấu cái ác cho dù cố che đậy cũng không thể nào đậy hết được, còn cái tốt thì “hữu xạ tự nhiên hương”, chẳng cần phải phô trương, bản thân giá trị của nó là mãi mãi.
Mã Viện là một viên tướng trong thời kì nhà Đông Hán. Đánh thắng Hai Bà Trưng, ông còn được gọi là Phục Ba tướng quân hay Mã Phục Ba.
Theo An Nam chí lược của Lê Tắc (nhiều học giả cho rằng nên đọc là Lê Thực) có ghi lại tâm trạng của Mã Viện trong ngày mừng chiến thắng như sau: "Mã Viện khi đã dẹp yên Giao Chỉ, có giết trâu bò, lọc rượu đãi quân sĩ. Trong lúc yến tiệc, Viện thong thả nói với liêu thuộc rằng "Người em họ của ta tên là Thiếu Du thường hay thương ta khẳng khái có chí lớn và nói: Kẻ sĩ sinh ở đời, miễn sao vừa đủ ăn mặc, đi cỗ xe tầm thường, cưỡi ngựa xấu xí, làm chức lại thuộc trong quận, giữ phần mộ của tổ tiên, làng xóm cho là người hiền, như vậy thì đủ rồi. Còn như ham muốn cho dư dũ, thì chỉ là mình tự làm khổ mình đó thôi. Hồi ta ở giữa Lãng Bạc và Tây Lý, chưa diệt được giặc (Mã Viện chỉ Hai Bà Trưng), dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy chim diều bay là là xuống nước, nhớ lại lời nói thời bình của Thiếu Du, ta tiếc không làm sao được như vậy"[63]
Mã Viện vốn được tôn vinh là một vị tướng dũng mãnh, "có chí lớn", từng nguyện kẻ làm tướng phải chết ở sa trường "da ngựa bọc thây", vậy mà trong ngày khao quân chiến thắng tâm trạng rã rời đến thế! Cũng bởi vì “có chí lớn” như thế
nên đã60 tuổi rồi mà còn tham chiến, ham đi chinh phạt, ham mê công danh.
“Lục thập lão nhân cân lực suy, Cứ an bị giáp tật như phi.
Điện đình chỉ bác quân vương tiếu, Hương lý ninh tri huynh đệ bi”
(Người già sáu mươi thì gân sức suy,
Mà ông mặc áo giáp nhảy lên yên nhanh như bay. Chỉ chuốc được nụ cười nhà vua ở sân điện, Đâu biết nỗi buồn của anh em ở xóm làng.”
(Giáp Thành Mã Phục Ba miếu)
Đứng trên lập trường của Lão – Trang, Nguyễn Du thấy việc Mã Viện đã ngoài 60 tuổi mà còn ham đi chinh phạt, thật là nực cười. Đối với Nguyễn Du, chiến công của Mã Viện, rốt lại chỉ còn có “gió lạnh thổi vào xương trắng”, chẳng có kì công gì , tên tuổi không được ghi ở gác Vân Đài. Cuối cùng rồi con người cũng chỉ
là nô lệ cho tham vọng của chính bản thân mình. Nguyễn Du đã mỉa mai chê cười một người quá ham mê công danh mà cuối đời “thân không bại mà danh liệt”. Khi ở Giao Chỉ, Mã Viện hay ăn hạt ý dĩ (bo bo) để chống chướng khí, khi trở về nước có chở về một xe ý dĩ để dùng. Người ta đồn đó là hạt trai ở phương Nam. Sau khi Mã Viện chết có người tố cáo là Viện đã chở về một xe hạt trai. Vua Hán nổi giận. Vợ con Viện phải chôn cất ông ở phía tây thành chỗ Mã Viện đang đóng quân ở Hồ Nam, không dám đem xác về. Cuối đời Mã Viện cũng chỉ còn lại ngôi miếu cổ xa quê mà thôi. Nguyễn Du lên án một kẻ khi sống đã đi cướp nước người đến lúc chết còn muốn bòn cúng tế của nhân dân phương Nam. “Tính danh hợp thướng Vân Đài họa, Do hướng Nam trung sách tuế thì” (Họ tên chỉ đáng được ghi ở gác Vân Đài, Sao còn ngoảnh về nước Nam đòi hỏi việc cúng tế hàng năm? .(Giáp Thành Mã Phục Ba miếu).
Tô Tần người đất Lạc Dương đi du thuyết mấy năm, không ai nghe theo, tiền hết, áo rách, trở về nhà bị cả nhà rẻ rúng “Vợ chàng không dời khung dệt bước ra đón, chị dâu không nấu cơm cho ăn, cha mẹ không đoái nhìn, như gặp người lạ ở ngã ba đường”.Đến khi dùng kế hợp tung lừa phỉnh bọn vua chúa tầm thường, giàu sang ngạo nghễ với đàn bà góa. Khi đeo ấn về làng thì “cha mẹ ra tận ngoài đồng đón, chị dâu quỳ gối lết ra chào, vợ thấy chồng lấm lét nhìn”,Tô Tần đã bảo “trước sao khinh rẻ, sau sao cung kính”.Nguyễn Du cho rằng nói như thế là thù hằn nhỏ mọn, là lời nói của một kẻ hèn hạ. Người đời có thể noi gương Tô Tần về việc học, nhưng đừng giống Tô Tần ở cách đối nhân xử thế. Càng học rộng, hiểu sâu thì dã tâm của hắn càng lớn, càng bộc lộ sự nhỏ nhen, hèn hạ. Cuối cùng hắn còn lại gì với cuộc đời? Chẳng còn gì cả! “Ngựa xe vàng ngọc không còn dấu vết, trước đình chỉ thấy cỏ mọc xanh tươi” (Tô Tần đình, II). Nguyễn Du đã khéo léo vạch ra sự tương phản trong con người Tô Tần để gửi gắm, nhắn nhủ với mọi người rằng vinh hoa chỉ là hư ảo, cuộc sống trần gian chỉ là cõi tạm mà thôi. Muốn tìm được hạnh phúc thật sự thì không gì ngoài biết đủ, biết dừng.
Tần Cối làm ngự sử trung thừa đời Tống Khâm Tông. Khi hai cha con Tống Khâm Tông bị người Kim bắt, Tần Cối đi theo, sau được người Kim thả về Nam
Tống, làm chức tể tướng. Cối chủ trương đầu hàng Kim, đã hại chết người anh hùng Nhạc Phi và nhiều trung thần nghĩa sĩ khác. Lúc chết được phong là Trung Vương. Đến đời Tống Minh Tông, Cối bị xóa bỏ tước vương và đặt tên thụy là Mâu Xú. Người đời sau dựng tượng Tần Cối quỳ chịu tội ở chân miếu Nhạc Phi, thường lấy gậy đánh và nhổ vào đầu vào mặt tượng nhưng vô hình chung vẫn để cho nó cùng tồn tại với bậc trung thần.
Nguyễn Du đã có một cái nhìn mới lạ hơn về việc quỳ chịu tội của Tần Cối bên mộ Nhạc Phi. Nguyễn Du cho rằng “suốt đời trái tim chết chứa đầy nọc độc, nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nổi oan lạ lùng. Thương xót, cảm thông với những người có tài, có tình chịu nhiều bất hạnh đã không phải là dễ. Đến cảm thông với cả nỗi oan của cục sắt dùng làm tượng cho đứa gian thần, lòng căm uất của Nguyễn Du phải nói là mãnh liệt.
Đối với Minh Thành Tổ, Nguyễn Du không tiếc lời mắng nhiếc tên vua đê tiện, gian ác. Một kẻ cướp ngôi của cháu để tự lập làm vua. Một kẻ để hả một cơn giận của mình mà có thể giết cả mười họ người ta, trong năm năm giết trên trăm vạn mạng người… thì kẻ ấy không thể nào là bậc nhân quân được. Kỳ Lân mà vì kẻ ấy hiện ra thì cụ Nguyễn cũng xem nó là loài yêu quái.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, Nguyễn Du đã có một thái độ yêu -ghét, trọng -khinh một cách rõ ràng, dứt khoát. Ông hết lời ca ngợi người tốt, phê phán kẻ xấu có lúc tưởng chừng như âm thầm mà quyết liệt. Tất cả thái độ thương ghét ấy đều bắt nguồn từ tấm lòng nhân đạo sâu sắc của ông“Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”(Nguyễn Đình Chiểu)