Đối với người hiền, người tài

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 90 - 102)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.2. Đối với người hiền, người tài

Nguyễn Du cho rằng người hiền, người tài xưa nay hiếm và hay bị trời đất ghen ghét. Hàng loạt trong tập Bắc hành là tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa của người xưa như Khuất Nguyên, Cù Thức Trĩ, Liễu Tử Hậu, Hàn Tín, Văn Thiên Tường, Âu Dương, Tỉ Can, Kê Thị, Dự Nhượng, Kinh Kha, Nhạc Phi, Liễu Hạ Huệ, Phạm Tăng… Nguyễn Du mến họ vì họ là những người trung nghĩa, yêu nước thương nòi, trọng dân kính chúa, một đời vì nghĩa lớn quên mình, một lòng tận trung báo quốc. Ông hết lời tuyên dương họ và nêu bật được những nét tích cực nhất ở họ.

Cù Thức Trĩ, đời Sùng Trinh giữ chức Tuần phủ Quảng Tây. Sau khi nhà Thanh đánh chiếm hết vùng Trung Nguyên, Quế Vương xưng đế ở Triệu Khánh, phong Thức Trĩ là đại học sĩ. Sau Quế Vương thất bại chạy lên Vân Nam, Thức Trĩ cố giữ thành Quế Lâm. Thành bị hãm, ông tuẫn tiết:

“Kiệt lực cô thành khống nhất phương, Chung nhật tử trung tâm bất động.

Thiên thu địa hạ phát do trường.”

(Ông vẫn dốc sức giữ tòa thành trơ trọi để khống chế một phương, Suốt ngày trước cái chết, lòng không nao núng

Nghìn thu nằm dưới đất, tóc vẫn dài)

(Quế Lâm Cù các bộ)

Tấm lòng trung nghĩa đến chết vẫn không hề thay đổi của Cù Thức Trĩ đã khiến Nguyễn Du rất cảm phục và ngợi ca.

Đối với những người mắc nỗi oan lạ lùng như Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Nhạc Phi... những người tài, một sớm một chiều bị số phận vùi dập, họ mang theo nỗi hận trong lòng khi từ giã cõi đời thì Nguyễn Du tự xem mình cùng hội cùng thuyền, cùng ngồi vào con thuyền số mạng chòng chành của những nhân vật sống cách ông hàng nghìn năm.

Có thể nói Nguyễn Du là một nhà thơ dạt dào tình cảm, ông không chỉ cảm thông cho số phận những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh mà ông còn có sự thấu hiểu với những kiếp người trung, hiếu, tiết, nghĩa mà lại gặp nhiều như đau khổ trong cuộc đời.

Ông đau đớn cho Khuất Nguyên “Hãy sớm thu tinh thần vào cõi hư vô, đừng trở lại đây mà người ta mai mỉa” (Phản Chiêu Hồn),nuốt tủi cho Đỗ Phủ “Chứng lắc đầu cũ đã hết hay chưa? Dưới đất đừng để cho lũ ma quỷ cười mình” (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ 1), ngậm hờn thay cho Nhạc Phi “Mười năm huyết chiến để làm nên cái việc. Bị giết ở đình Phong ba để triều đình tạ tội với người Kim” (Yển Thành Nhạc Vũ Mục ban xứ…).

Đó là những người tài, một sớm một chiều bị số phận vùi dập. Họ sống giữa đời ôm tài nuốt tiếng, thân xác biến thành tro tàn, nấm mộ biến thành bãi hoang… Vượt lên trên sự thương yêu đồng cảm là sự nhập thân mình vào người để thấy hết nỗi đau người gánh chịu cũng như đang cố tìm lối thoát cho chính mình.

Khuất Nguyên tượng trưng cho chí bất khuất, lòng yêu nước nghìn đời của nhân dân Trung Hoa và nhân loại. Ông giữ lòng cô trung, trầm mình trên sông Mịch La. Nguyễn Du đã dành đến 6 bài thơ để viết về Khuất Nguyên. Tựu trung lại tác

giả thương tài làm thơ hay của Khuất Nguyên (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu I), thương vì Khuất Nguyên chết oan, thương người chỉ một mình tỉnh táo (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu II). Nguyễn Du còn phản bác lại bài chiêu hồn của Tống Ngọc, khuyên hồn Khuất Nguyên không nên trở về vì cõi trần đầy dẫy bọn gian ác (Phản chiêu hồn). Đi qua Tương Âm, gần với sông Mịch La nơi Khuất Nguyên đeo đá trầm mình, Nguyễn Du nhớ đến và quan tâm cả phần hồn của tác giả Li Tao: đêm yên tĩnh, thôi đừng ngâm nga nữa, đừng làm cho giao long sợ hãi, nhốn nháo khiến hồn Khuất Nguyên ở dưới đó không yên được (Tương Âm dạ). Không những chỉ thương mà tác giả còn thấu hiểu tấm lòng cô trung của Khuất Nguyên.

Giả Nghị (200 – 168 TCN) khi đi qua sông Tương có làm bài phú “Viếng Khuất Nguyên” để gởi tâm sự mình. Trong bài này Giả Nghị viết: “Lịch cửu châu nhi tướng kỳ quân hề, hà tất hoài thử đô dã” (Trải chín châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy). Ông có ý chê Khuất Nguyên ôm lòng cô trung mà chết. Nếu Sở Hoài Vương không xứng đáng để tôn phò thì tại sao không đi khắp chín châu để tìm vua khác. Nguyễn Du bác lại lời Giả Nghị bằng nội dung của Nho giáo là trung thần không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng. Cơ bản, Nguyễn Du cho rằng Giả Nghị không hiểu được lòng Khuất Nguyên, vì:

“Bất thiệp Hồ Nam đạo, An tri Tương Thủy thâm? Bất độc Hoài sa phú

An thức Khuất Nguyên tâm?”

Khuất Nguyên tâm, Tương Giang thủy, Thiên thu vạn thu thanh kiến để”

(Không đi qua Hồ Nam,

Sao biết nước sông Tương sâu. Không đọc phú Hoài Sa,

Sao biết được lòng Khuất Nguyên? Lòng Khuất Nguyên và nước sông Tương Nghìn năm vạn năm vẫn trong suốt thấy đáy)

(Biện Giả)

Nguyễn Du tự cho mình là người nghìn năm sau hiểu rõ lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị. Cơ sở để Nguyễn Du bác Giả Nghị là lí tưởng trung quân của Nho giáo. Khi bậc chí tôn là minh quân thì trung quân nhất thể hóa với ái quốc. Khi quân vương thiếu sáng suốt, khi đất nước không phải là thái bình thịnh trị, khi buộc phải lựa chọn, các nho gia yêu nước và thức thời đều chọn ái quốc chứ không phải là trung quân.

Thấu hiểu, cảm phục và mến thương Khuất Nguyên, ông đã viết riêng cho Khuất Nguyên những vần thơ xé ruột. Càng cảm phục mến thương Khuất Nguyên, ông càng cảm thấy đau xót:

“ Ngư long giang thượng vô tần cốt, Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương. ”

( Trên sông đầy cá, rồng, nắm xương tàn không còn nữa, Bên bãi sông chòm đỗ nhược có thêm những giống hoa tươi).

( Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu I)

Tấm lòng thanh cao, tài trí tuyệt với của Khuất Nguyên, cả cuộc đời nổi trôi vô định của Tam Lư đại phu cũng có những nét giống Nguyễn Du. Và Nguyễn Du mong muốn rằng, hãy để cho linh hồn của Khuất Nguyên được siêu thoát, được bay vào khoảng không xanh, nơi không có những thủ đoạn dã tâm. Hồn đừng trở về bởi vì:

“Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan, Đại địa xứ xứ gia Mịch La.

Ngư long bất thực, sài hồ thực…”

(Đời sau người đều là Thượng quan,

Cá rồng chẳng nuốt, hùm sói cũng ăn”

( Phản chiêu hồn)

Nguyễn Du rất yêu mến Đỗ Phủ. Đỗ Phủ được đánh giá là “Trên làm nhạt Phong, Tao, dưới làm mờ Thẩm, Tống; lời thơ vượt cả Tô, Lý; khí thơ át cả Tào, Lưu; che khuất Nhan, Tạ đỉnh cao nhuộm đục Từ, Dữu dòng thắm, được tất cả cái thể thế của cổ kim, có tất cả cái độc chuyên của từng thi sĩ, người làm thơ xưa nay chưa từng có ai như Đỗ Tử Mĩ” (Nguyễn Chẩn). Trong những bài thơ chữ Hán của mình, Nguyễn Du đã dành một tình cảm đặc biệt cho “Thi thánh”.

Với Khuất Nguyên, Nguyễn Du đã yêu thương, đã cảm phục, và đã hoài niệm như một vị thánh, còn đối với Đỗ Phủ, Nguyễn Du xem ông như một con người của trần thế với nỗi đau rất thực, rất đời thường. Từ cổ chí kim có nhà thơ nào lại có cuộc sống khốn khó như ông. Có thể chính vì điều đó mà Nguyễn Du đã có một tình cảm đặc biệt với Đỗ Phủ. Nói về nỗi khổ của Đỗ Phủ, nhà thơ đồng thời nói lên nỗi khổ của chính mình. Những đồng cảm, giao lưu, ảnh hưởng và học hỏi là có sự giao thoa và sáng tạo. So sánh thì thấy hai ông có những sự tương đồng rất lớn. Có thể nói Đỗ Phủ và Nguyễn Du là hai đỉnh cao nhất của thơ ca hiện thực của hai dân tộc.

Với Đỗ Phủ và Nguyễn Du, ta thấy quan niệm sáng tác văn chương của hai nhà thơ này gặp nhau ở những điểm căn bản, truyền thống, khuôn mẫu dù ở trong tư duy hay trên thực tiễn sáng tác. Đỗ Phủ viết: “ Bạch đầu lữ khách nhân thi trữ, loạn thế cô thân đối ảnh đàm” (Người lữ khách bạc đầu nhờ thơ bày tỏ tình cảm, cô độc trong thời loạn, tự ngồi nói chuyện với bóng mình). “Nguyệt hạ tư hương thi dữ thức, giang đầu bi thế thuỷ duy tri” (Nhớ quê dưới trăng, có thơ hiểu lòng ta, buồn về thế cuộc nơi đầu sông, chỉ dòng nước biết). “Li loạn thời nhân vô dữ ngữ, phiêu bồng sinh kế thác thi ngôn” (Đời loạn, không tâm sự được cùng ai, sinh kế nổi chìm gửi cả ở trong thơ).

Những quan điểm của Đỗ Phủ được Nguyễn Du chiêm nghiệm và suy ngẫm suốt một đời thơ. Nguyễn Du đã vượt qua ranh giới của việc “làm thơ” đơn thuần, tầm thường của một số người thương vay khóc mướn như các nhà thơ thời Đông

Tấn. Ông làm thơ bằng chính những trải nghiệm của cuộc đời mình, làm thơ như một sự thôi thúc thực sự từ bên trong, “vì ý mà sinh lời”. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Nguyễn Du tuy sinh sau Đỗ Phủ hơn mười thế kỷ nhưng sự đồng cảm thì thật là sâu sắc hiếm có. Chính “độ lùi” khá xa về khoảng cách với thời đại và bi kịch của Đỗ Phủ nên ông hiểu Đỗ Phủ một cách đầy đủ và trọn vẹn. Bi kịch của Đỗ Phủ là bi kịch của cái đẹp, cái tài, của một trái tim luôn đập chung những nhịp đập đau khổ của những con người bị vùi dập, đọa đày. Trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1813 cách đây gần hai trăm năm Nguyễn Du đã làm bài thơ “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ”, nói lên sự giao cảm đặc biệt của tâm hồn mình với tiền nhân Đỗ Phủ. Nguyễn Du đã lo lắng cho Đỗ Phủ bị chôn xuống đất rồi mà vẫn có những kẻ phản đối tư tưởng tiến bộ của ông (chết xuống mồ rồi mà vẫn còn nhiều người ganh ghét, ai cũng biết cuộc sống vấn chỉ là tạm bợ thế sao con người mãi tranh giành hơn thiệt với nhau?)

“Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư), Bình sinh bội phục vị thường ly. … Dị đại tương liên không sái lệ Nhất cùng chí thử khởi công thi”

(Văn chương để lại muôn đời, bậc thầy của muôn đời Suốt đời ta khâm phục chưa chút đơn sai

… sống khác thời đại thương nhau chỉ biết rơi nước mắt. Cùng quẫn đến thế, có phải vì giỏi làm thơ.)

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ 1)

Bài thơ vừa sâu sắc vừa thấm thía của một tâm hồn lớn trước một tâm hồn lớn. Nguyễn Du khẳng định vị trí của Đỗ Phủ và giá trị của thơ Đỗ Phủ: “Văn chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thầy của muôn đời”. Đó là một sự đánh giá cao nhất, nhưng cũng là đúng đắn nhất. Sự bất tử của thơ Đỗ Phủ đã

được thời gian khẳng định. Giá trị của thơ Đỗ Phủ ngày càng được truyền tụng vì thơ ông là “vì con người”, đặc biệt là người nghèo khổ.

Nguyễn Du thể hiện sự đồng cảm hiếm có của một trái tim thi sĩ lớn đối với một tấm lòng nhân đạo lớn: “Tôi bình sinh khâm phục ông, không lúc nào xa rời” và “sống khác thời đại, thương nhau luống rơi nước mắt”. Cái sự nhọc nhằn, cay đắng mà Đỗ Phủ phải trải qua thì cũng là cái cơ cực, túng quẫn mà Nguyễn Du phải chịu đựng. Từ sự đồng cảm lớn ấy đã cho Nguyễn Du đặt câu hỏi lớn mà nghìn năm cũng không dễ trả lời, ấy là sự bất tương đồng giữa thơ và cuộc sống: “Ông cùng khổ như thế há phải vì thơ hay?”.

Tại sao thi sĩ cứ phải chịu sự đắng cay nghèo khó trong khi mang lại bao vàng ngọc cho đời là những câu thơ hay? Có gì bí ẩn giữa tài năng và thân phận con người? Đây là một tâm sự day dứt của Nguyễn Du trong nhiều năm mà ông đã ký thác trong tác phẩm lớn nhất của đời ông là Truyện Kiều: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”“Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Điều làm cho Nguyễn Du day dứt chính là nấm mồ cô đơn nơi đất khách của Đỗ Phủ. Người ta ai cũng sống gửi thác về, Đỗ Phủ mất ở quê người. Nguyễn đau lòng trước nấm mộ của con người tài hoa gửi ở nơi đất khách ấy.

“Cộng tiễn thi danh sư bách thế, Độc bi, dị vực ký cô phần. ”

(Ai cũng khen tài thơ đáng bậc thầy muôn thuở

Riêng tôi thương cho ông phải gửi nấm mồ cô đơn nơi đất khách)

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

Đó là một điều cực kì đau khổ của người xưa. Sống đã trôi dạt tha phương, chết cũng không được yên nơi, yên chỗ. Nguyễn Du đã thể hiện cái bi của mình đối với Đỗ Phủ, quả là có sự cộng hưởng giữa hai trái tim nghệ sĩ.

“Độc” là một mình, “bi” là buồn, một mình Nguyễn buồn cho Đỗ. Buồn về lẽ gì? Buồn cho nấm mộ (phần), nấm mộ cô đơn (cô phần) của ông gửi (ký) ở nơi đất khách (dị vực). Câu thơ 7 chữ mà có tới 4 thanh trắc với 3 thanh nặng (độc, dị,

vực ) , những thanh nặng ấy đã đè nặng xuống khiến cho câu thơ có gì đó như uất nghẹn, trầm thống, động thấu đến tận bên trong con tim khối óc người đọc. Từng tầng lớp nối tiếp, đắp thêm, chất cao lên cho sự bi phẫn đến tột cùng. Nấm mồ cô đơn ấy đã làm bật lên kiếp sống đọa đày của một con người tài hoa. Người ta khen ông tài thơ muôn thuở nhưng không ai sẻ chia với ông nỗi đau cùng cực ấy. [41,tr 109]. Nguyễn Du buồn thương cho Đỗ Phủ và cũng dự cảm cho bản thân mình rồi cũng sẽ như Đỗ mà thôi.

Bình luận về ý thơ này, Lê Thu Yến đã nói một câu rất chí tình: “Rõ ràng, khi thể hiện cái bi đối với cuộc đời Đỗ Phủ, Nguyễn Du gần như đã tự ngồi vào con thuyền số mạng chòng chành của Đỗ Phủ để sẻ chia, để bù đắp, để tiếc nuối…”

Những gì mà Đỗ Phủ để lại cho con người là còn mãi với thời gian. Thương khóc cho Đỗ Phủ chính là con người đang thương khóc cho bản thân mình. Sự thông hiểu của Nguyễn Du với Đỗ Phủ là “dị đại tương liên”. Trung Quốc tôn vinh Đỗ Phủ là bậc thi thánh. Người đời thèm khát cái danh vị đó của ông. Riêng Nguyễn Du thương cho nấm mồ cô độc của ông phải gởi nơi đất khách. Hơn ai hết, Nguyễn Du hiểu nỗi bất hạnh khi phải tha phương cầu thực. Nếu Đỗ Phủ có 11 năm cuối đời đưa gia đình đi lánh nạn khắp nơi, mùa thu, nhìn hoa cúc nở bao lần là biết đã xa quê mấy năm thì Nguyễn Du cũng có 10 năm gió bụi, nương náu ở quê vợ tận Thái Bình, có khi đau không có thuốc uống, đói không có cơm ăn. Nguyễn Du cảm phục tài thơ của Đỗ Phủ, thương cho cảnh nghèo giống nhau đồng thời thấu hiểu cái chết nghèo khổ cô độc trên chiếc thuyền rách nát cũng như nắm xương tàn phải gởi nơi quê người 40 năm. Đứng trước mộ Đỗ Phủ, trong đám mây chiều ở Lỗi Dương, Nguyễn Du rơi nước mắt khóc thương người nghìn năm trước. Trong sự xót xa ấy, tác giả hỏi trời “cùng quẫn đến thế, có phải vì giỏi làm thơ?”. Nhưng, làm sao có câu trả lời, vì “cổ kim hận sự thiên nan vấn”.

Đứng trước nấm mồ của những bậc hiền tài mà lạnh lẽo khói hương, trở nên hoang tàn thì trong lòng Nguyễn Du là sự day dứt, xót thương. Phải chăng trong cuộc đời cái ác và sự bất hạnh bao giờ cũng nhanh chân hơn, mau chóng hơn khi đến với con người. Ai dũng khí bằng Kinh Kha, Nhiếp Chính? Ai có ý chí và lòng

bất khuất hơn Tỷ Can, Dự Nhượng? Ai có tấm lòng nghìn đời hơn Văn Thiên Tường, Nhạc Phi… vậy mà cuộc sống của họ gặp biết bao giông tố. Bao oan trái của cuộc đời dường như chỉ chọn họ để trêu ngươi. Họ đã chết trong tủi nhục và oan uổng biết nhường nào.

“Dịch thủy ba lưu tự kim cổ, Cố lý chỉ cức tung phục hoành. Chỉ hữu tàn bi do vị khuynh”

( Sông Dịch từ ngàn xưa đến nay vẫn chảy hoài,

Nơi làng cũ ( của Kinh Kha) cây chỉ cây gai mọc ngang, mọc dọc

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 90 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)