7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Mộ những kẻ vô danh
Nếu bên trên với những nấm mộ cụ thể của những con người cụ thể đã gợi cho chúng ta nhiều suy tư, trăn trở, nhiều nỗi ai hoài về những triều đại cũ đã không còn thì những gò đống, bãi hoang, nơi lưu giữ những nắm xương tàn của những người không quen biết, những nấm mồ vô chủ càng gợi nên sự day dứt, xót xa về sự mong manh, ngắn ngủi của cuộc đời.
Trên đường đi, Nguyễn Du đã thấy: “Khoáng dã biến mai vô chủ cốt”
(Trên đồng ruộng khắp nơi vùi xương vô chủ)
(Ngẫu đắc)
Câu thơ gợi lên một không gian hoang vắng lạnh lẽo, đồng ruộng rộng mênh mông, bao nhiêu người đã vùi thây nơi hoang tàn ấy, họ là ai? Trong số những người đó có ai ngờ rằng mình sẽ vùi thây nơi hoang lạnh thế không? Chỉ ngẫu nhiên mà nảy ý thơ, nhưng nếu không có sự suy tư thì ý thơ này có ngẫu nhiên nảy sinh không? Ông đang “phương xa một mình gửi cái thân làm quan” thì những nắm xương tàn ấy đã trở thành nỗi ám ảnh trong ông cho dù là quan cao chức trọng thì chỉ cần:
“Phong xuy cổ trủng phù vinh tận”
(Ngẫu thư công quán bích)
Đời con người nào có còn lại gì khi sự sống không còn nữa. Lợi danh ư ? Chức trọng quyền cao ư ? Cũng bay theo hương khói mà thôi. Đọc những câu thơ ấy, chúng ta như cảm nhận được tâm trạng băn khoăn của Nguyễn Du trước những thay đổi chóng vánh của cuộc đời. Chỉ cần một cơn gió thoảng thì tất cả những gì mình đã gây dựng đều có thể tan biến. Thế nhưng trong cuộc đời không phải ai cũng có thể thấu suốt những điều tưởng chừng như giản đơn ấy. Họ vẫn tranh đua hơn thiệt với nhau, vẫn âm mưu, thủ đoạn để đạt những điều mà họ mong muốn. Để rồi cuối cùng tất cả cũng chìm vào cõi hư vô.
Trong bài “Đồ trung ngẫu hứng”,Nguyễn Du cũng đã nhắc đến những nấm mồ dưới tán lá thông, “ngổn ngang những gò đống đều là người thời xưa”. Trong những nắm xương tàn ngổn ngang nằm đó ai công hầu khanh tướng? Ai chức trọng quyền cao? Và những ai là người hành khất lang thang, là những kẻ không nơi nương tựa?... “Ngổn ngang gò đống đều là người thời xưa” .Tất cả đều tự do, tự tại không biết là đã chết, hay họ cũng chẳng bận tâm gì về việc phải ra đi. Quy luật trên cuộc đời, giàu sang chỉ là mây nổi, rốt cuộc thì đều như thế cả thôi. “Hoa rụng, hoa nở, mùa xuân dài vô hạn, đến tiết phục lạp, con cháu tưới uổng rượu xuống đất, Giàu sang trên đời chỉ là mây nổi, Trăm năm rốt cuộc đều như thế cả, Ngoảnh đầu nhìn lại chỉ thấy một đám bụi mịt mù”( “Đồ trung ngẫu hứng”. Những người nằm dưới tán thông ấy, không hề bận tâm về một việc gì, họ đã được giải thoát khỏi những đau khổ của đời sống tạm bợ. Ta nhận thấy có một sự nhẹ nhàng thanh thản trong tâm hồn của họ.
Trong bài Hành lạc từ Nguyễn Du đã nêu lên một điều tưởng như là giản đơn nhưng lại vô cùng thâm thúy và sâu sắc: “Xưa nay hiền ngu đều chỉ còn một nắm đất”.
Suy cho cùng thì có lẽ quan niệm trên hầu như ai cũng biết. Thế nhưng từ biết đến hành động như thế nào để có được một sự yên lành, thanh thản thì khoảng cách lại quá xa xôi. “Cửa ải tử sinh chẳng ai vượt qua, khuyên anh uống rượu rồi vui chơi”. Nói lên điều này, không phải Nguyễn Du hướng chúng ta đến ý nghĩ tiêu cực, là giàu nghèo - sang hèn thì cũng như nhau, cũng chỉ còn lại nắm đất, hãy cứ sống một cuộc sống hưởng thụ. Mà nói lên điều ấy, cụ Nguyễn hy vọng thế hệ của chúng ta
phải có cái nhìn thấu suốt để có một cuộc sống tích cực hơn, ý nghĩa hơn, hãy biết quý trọng những gì mình đang có. Và có thể thấy rằng, quý nhất trên cuộc đời này không phải là tiền bạc mà chính là mạng sống của con người, là một cuộc sống thật sự có ý nghĩa.
Ai chẳng phải ra đi, có triều đại nào tồn tại mãi ngàn năm, nên những gò đống còn ghi dấu thời đại trước cũng trở thành đối tượng để Nguyễn Du bày tỏ nỗi lòng của mình:
“Khâu lăng xứ xứ lưu tiền đại. ”
( Gò một nơi còn ghi dấu triều đại trước. )
(Đông Sơn A lộ hành)
Nghĩ về cuộc đời, Nguyễn Du nghĩ về bản thân mình, đầu bạc rồi mà vẫn còn bận rộn mãi chưa xong. Câu thơ vừa như một lời tâm sự, lại vừa như một mong ước khát khao, mong tìm được chút an nhàn trong cuộc sống, được nghỉ ngơi làm bạn với chim muông. Cả một triều đại chẳng còn lưu giữ, thì xá gì một tấm thân tàn. Sao cứ mãi rộn ràng bôn tẩu:
“Lộ kinh tam tấn giai khâu thổ”
(Nay ta qua đây Tam Tấn đều thành gò bãi”
(Dự Nhượng chủy thủ hành)
Tất cả đều có sự đổi thay, cảnh vật trước đây như thế nào mà giờ đây đã thành những gò đống, bãi hoang. Dự Nhượng một lòng trung thành nhưng khi Trí Bá không còn nữa thì nước Tấn đã bị chia cắt làm Tam Tấn, và cả Tam Tấn bây giờ cũng đã trở thành gò bãi với gió tây hiu hắt lạnh ghê người.
Hình ảnh “Xương tàn trăm trận đánh nằm trong bãi cỏ xanh” (Độ linh giang), “Trên đồng ruộng khắp nơi vùi xương vô chủ” (Ngẫu đắc)... đã gợi lên hình ảnh tang thương, chết chóc. Chiến tranh đã kết thúc nhưng vẫn còn đó những nắm xương tàn không tuổi, không tên. Hình ảnh ấy làm dấy lên trong lòng người đọc một niềm cảm thương sâu sắc.
Nói tóm lại, những ngôi mộ đã hoàn thành bức tranh về cuộc đời của con người. Điểm đến cuối cùng ấy vẫn gợi ra nhiều ưu tư trăn trở, không ai chọn được cho mình nơi sinh ra, không ai tự quyết định được số mệnh của mình thì cũng chẳng
ai chọn được cho mình nấm mồ khi chết. Chỉ có thể rằng, lúc sống nên sống như thế nào để đến khi không còn nữa thì vẫn sống mãi trong lòng của mọi người. Đó chính là điều quan trọng. Và như vậy thì, Tố Như hãy yên lòng, thế hệ sau vẫn luôn nhớ tới ông, vẫn kính trọng và cảm phục ông tất cả những gì ông đã để lại cho đời.
Những nấm mộ cụ thể của những con người cụ thể theo thời gian cũng trở nên hoang tàn lạnh lẽo, nào có khác gì những nấm mồ của kẻ vô danh không người thân thích. Thời gian có một sức mạnh ghê gớm , nó có thể thay đổi đổi mọi thứ. Phải chăng qua hình ảnh của những nấm mồ, Nguyễn Du mong muốn có một sự công bằng, bình đẳng hơn giữa những người trong xã hội?