Đối với những người chết không lưu danh

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 106 - 109)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.4 Đối với những người chết không lưu danh

Thơ Nguyễn Du đầy dẫy những nấm mồ cỏ xanh, không ai biết, không ai sửa sang, không ai thắp cho một nén nhang. Nhìn thấy những nấm mồ vô chủ, những gò đống, bãi hoang ấy, Nguyễn Du bày tỏ sự thương xót đến đắng lòng cho những số phận hẩm hiu cho dù đời ông cũng nhiều phen lận đận.

Trong bài Từ hành lạc trước những nấm mồ “người xưa đã ngổn ngang” tác giả đã thốt lên câu hỏi “người nay sao còn chạy vạy bôn chôn? ”. Có lẽ đi suốt cuộc

đời, tìm khắp mọi người vẫn không tìm đâu ra lời giải thỏa đáng. Vẫn biết rằng cửa tử sinh khó thể vượt qua, đời con người cuối cùng rồi cũng còn “một nắm đất” mà thôi. Chỉ cần một ngọn gió thổi vào nấm mồ xưa thì bao vinh hoa hư ảo đều tan hết.

(Ngẫu thư công quán bích). Nhưng nào ai có thể vượt ra khỏi vòng danh lợi để tìm cho mình sự thanh thản trong cuộc đời. “Phù thế thao thao tử tuẫn danh, hồi đầu thùy khẳng niệm ngô sinh” (Cuộc đời trôi nổi, thói đời suy kém bao người chết vì danh, mấy ai chịu quay đầu nhìn lại mà lo cho cuộc sống của mình) ( Nhị Sơ cố lý).

Nguyễn Du không hề nói đến Phật giáo, nhưng thái độ, quan điểm của ông luôn nhuốm đầy nhân sinh quan Phật giáo. Trước hết là nhận thức về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Đâu đâu trong thơ ông cũng toát lên cái nhìn chín chắn, không hư dối về cuộc đời. Triết lí nhà Phật cho ông cái nhìn bình đẳng “Phật và chúng sinh giống nhau, đều lông mày ngang, lỗ mũi dọc”. Có thể khi sống, họ có địa vị xã hội khác nhau, có người là vương hầu, khanh tướng, có kẻ nghèo khổ, bần hàn, có người màn che trướng rũ cũng có kẻ phải buôn phấn bán hương… Nhưng khi trở về cát bụi thì như nhau cả thôi. “Còn chi ai quý ai hèn, còn chi mà nói ai hiền ai ngu” (Văn chiêu hồn)

Nhìn những nắm xương tàn trăm trận đánh nằm trong bãi cỏ xanh “xương khô trăm trận gai góc chồng”, “những nắm xương vô chủ vùi thây trên đồng ruộng” “Khoáng dã biến mai vô chủ cốt” tác giả không khỏi ngậm ngùi cho số phận của họ. Nghĩ về họ, liên tưởng đến bản thân mình “phương xa một mình gửi cái thân làm quan”. Không biết rồi đây, đến cuối đời ta có bỏ thân mình nơi đất khách hoang tàn lạnh lẽo hay không.

Những nắm xương tàn, gò bãi, những ngôi mộ nằm dưới tán lá thông như chứng nhân cho những thay đổi của cuộc đời. Họ là ai? Họ đã sống như thế nào? Ước nguyện của họ là gì?... Tất cả những câu hỏi trên đều không lời giải đáp. Chỉ xót thương cho những kiếp người chẳng có một chút may. Nào đâu vinh nhục, nào đâu sang hèn, họ đã để lại tấm thân tàn ở nơi hoang lạnh. Còn lại gì chăng khi mọi thứ trên cuộc đời đều tan biến theo thời gian và theo lòng người.

Đứng trước những nấm mồ hoang, những đình đài xiêu ngã, Nguyễn Du đã thấm thía sự mong manh, bi thiết của cuộc đời. Tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ một lần nữa lại rung lên niềm xúc động.

Nói tóm lại, qua thái độ, tình cảm của Nguyễn Du dành cho người đã khuất, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Du đã dành trọn vẹn tình cảm của mình cho họ. Điểm nổi bật nhất chính là thái độ yêu ghét rạch ròi của Nguyễn Du. Càng yêu thương những hiền tài, những người tiết liệt, ông càng căm ghét những kẻ xấu xa, những kẻ đã gây nên đau khổ cho họ. Những tấm gương đạo đức mà Nguyễn Du ca ngợi là của những người đã khuất. Nguyễn Du có muốn rũ lớp bụi mờ trên các tượng thờ, có muốn lay động cái yên lặng ngàn năm bao bọc lấy những đền thờ, miếu mộ của các bậc trung thần hiền giả, cũng là để có cớ phỉ nhổ vào bọn quyền thế đương thời.

Chương 3. Ý NGHĨA NHÂN SINH QUA HÌNH ẢNH MỘ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU

Qua hình ảnh những nấm mồ và đình, đài, miếu trong ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng tôi nhận thấy rằng chính hình ảnh trở đi trở lại nhiều lần ấy tự bản thân nó đã gợi lên sự ám ảnh về cõi hư vô của con người. Sự đua chen, tranh giành nơi cõi thế rồi cũng trở thành vô nghĩa. Ai rồi cũng đến lúc phải vào gửi thân bên dưới những nấm mồ, nghĩ đến điều này lòng người không khỏi băn khoăn.

Những nấm mộ theo thời gian đã mờ đi dấu vết, người nằm dưới mộ cũng theo thời gian mà chìm vào trong sự lãng quên của người đời. Một nấm mồ không chỉ là ranh giới chia cắt giữa sự sống và cái chết, mà nó còn là ranh giới để thể hiện sự yêu thương, hờn giận, nuối tiếc, xót xa... Bởi lẽ, chẳng ai trách hờn gì đối với người đã chết, có chăng chính là sự ngậm ngùi tiếc nuối cho những sở nguyện không thành của các bậc hiền tài. Cho sự lạc lối, lầm đường, cho những lỗi lầm đã trót gây ra trên cõi thế của những kẻ xấu xa.

Cuộc đời vốn dĩ có quá nhiều điều mà con người không thể hiểu được hết. Thật - giả, tốt - xấu, thiện- ác cùng đan xen tồn tại. Làm thế nào để có thể phân biệt, để có thể nhìn rõ trắng đen. Có những khi ta ở gần người lòng dạ độc ác nhưng lại nghĩ đó là những người hết lòng vì ta để rồi ngậm hờn nuốt tủi khi bị người bội phản. Hay đối với người tốt thì ta lại nghi ngờ, đố kị. “Cuộc đời” ư? Muôn hình vạn trạng, làm thế nào để minh xác thực hư khi mà ranh giới giữa phải – trái, đúng – sai, trên cõi đời này thật quá mong manh.

Hình ảnh những nấm mồ, đình miếu không chỉ gợi ám ảnh về cái chết, về thế giới của những người đã khuất mà nó còn gợi ra nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Một phần của tài liệu thế giới tâm linh qua hình ảnh mộ trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 106 - 109)