phương pháp giảng dạy, các điều kiện học tập, vấn đề về giao tiếp với Thầy Cô, bạn bè ….
1.3.3. Những vấn đề thường gặp trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất năm thứ nhất
Dựa trên những đặc điểm tâm lý của sinh viên năm thứ nhất, đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên và tham khảo các công trình nghiên cứu trước đó, đồng thời dựa trên kết quả khảo sát nhanh bằng phiếu điều tra mở về những vấn đề mà sinh viên năm thứ nhất thường gặp phải trong hoạt động học, từ đó chúng tôi đưa ra một số vấn đề cơ bản trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất đó là những vấn đề liên quan đến nội dung học tập, phương pháp học tập, phương pháp giảng dạy của giáo viên, vấn đề về giao tiếp và các điều kiện học tập khác. Dưới đây là những vấn đề mà sinh viên năm thứ nhất hay gặp:
• Những vấn đề có liên quan tới nội dung học tập
Một trong những khó khăn của sinh viên năm thứ nhất trong quá trình học tập đó chính là nội dung học tập. Nội dung học tập của sinh viên trong môi trường Đại học – Cao đẳng không mang tính chất phổ thông mà mang tính chất chuyên ngành. Sinh viên phải tiếp thu một khối lượng kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo chuyên ngành, phạm vi hẹp hơn, nhưng sâu sắc và phức tạp hơn nhiều so với bậc học phổ thông với các học phần như: Các môn khoa học cơ bản, các môn khoa học chuyên ngành, các môn nghiệp vụ… Các môn học này đều có vị trí và vai trò như nhau bởi sự đóng góp của nó trong quá trình hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực của những chuyên gia, trí thức, những kĩ sư tương lai. Nhưng sinh viên năm thứ nhất là những người vừa rời khỏi ghế nhà trường phổ thông, bước vào môi trường học tập mới ở các trường Đại học – Cao đẳng, nên họ còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào hoạt động học tập cũng như các hoạt động khác. Ở phổ thông học sinh lĩnh hội tri thức đã được biên soạn sao cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Còn ở Đại học – Cao đẳng sinh viên phải tiếp thu kiến thức cơ bản hệ thống và có tính khoa học cao của một khoa học nhất định. Vì thế nó nảy sinh một số vấn đề mà sinh viên năm thứ nhất thường phải đối diện như:
- Nội dung học tập khá mới mẻ, kiến thức nhiều và khó, sinh viên năm thứ nhất chưa thích ứng kịp với nội dung học tập đa dạng.
- Kiến thức đòi hỏi suy luận nhiều - Không nắm bắt kịp bài học
- Nhiều môn học còn tập trung vào lý thuyết thiếu thực tiễn
• Những vấn đề liên quan đến phương pháp học tập
Vấn đề mà sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động học tập đó chính là phương pháp học tập. Sinh viên lĩnh hội kiến thức bằng phương pháp tự nghiên cứu là chủ yếu, Thầy Cô chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn còn sinh viên mới là trung tâm của quá trình dạy và học. Mục đích, nhiệm vụ học tập đòi hòi cao nhưng sinh viên năm thứ nhất còn quen với cách học thuộc lòng máy móc, luôn được Thầy Cô giám sát, đánh giá, kiểm tra liên tục và nội dung học thì có giới hạn trong một khuôn khổ chung. Sinh viên thường áp dụng những phương pháp học ở phổ thông, nhưng những phương pháp này không còn phù hợp với yêu cầu của hoạt động học tập ở Đại học – Cao đẳng. Hoạt động học tập ở Đại học – Cao đẳng đòi hỏi sinh viên phải tích cực, chủ động trong việc học của mình. Trong quá trình thích nghi với những phương pháp học tập đa dạng thì sinh viên năm thứ nhất còn gặp phải một số vấn đề như:
- Vấn đề tự học, ghi chép, tiếp thu bài giảng, lập kế hoạch học tập cụ thể - Vấn đề tự nghiên cứu giáo trình, tham khảo tài liệu học tập, tìm kiếm thêm tài liệu học tập
- Vấn đề học nhóm
• Những vấn đề liên quan tới phương pháp giảng dạy của giáo viên
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung là yêu cầu bắt buộc đối với việc giảng dạy ở mọi cấp độ, giúp người học chuyển từ cách học bị động sang cách học chủ động. Đặc biệt là ở bậc Đại học – Cao đẳng. Người giáo viên không còn đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, mà là người hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong hoạt động học tập, còn sinh viên là trung tâm của quá trình dạy và học. Chính vì vậy mà giáo viên thường xuyên sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm phát huy tính tích cực, chủ động,
sáng tạo của sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Sinh viên năm thứ nhất thường là những người vừa rời ghế nhà trường phổ thông đã quen với những phương pháp giảng dạy truyền thống nên khi bước vào học tập ở Đại học – Cao đẳng được làm quen với những phương pháp giảng dạy mới cho nên sinh viên không tránh khỏi những bỡ ngỡ hay sẽ gặp phải một số vấn đề, khó khăn trong hoạt động học tập như:
- Chưa kịp thích nghi với các phương pháp giảng dạy của Thầy Cô - Một số giáo viên dạy quá nhanh
- Một số giáo viên dạy không trọng tâm, không liên hệ với thực tiễn - Một số giáo viên dạy không hấp dẫn, không gây hứng thú cho sinh viên
• Những vấn đề liên quan tới hoạt động giao tiếp
Giao tiếp là điều kiện tất yếu của mọi hình thức hoạt động xã hội và cá nhân của con người. Giao tiếp hiệu quả giữa sinh viên với giáo viên, bạn bè, với các cán bộ phòng ban cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của sinh viên. Do sinh viên mới bước chân vào giảng đường Đại học – Cao đẳng còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm thực tế, một mặt do tâm lý sinh viên còn e ngại nên không dám mạnh dạn trong quá trình giao tiếp với giáo viên, cán bộ phòng ban, với bạn bè. Từ đó, sinh viên lúng túng, e ngại khi tiếp xúc cán bộ phòng ban hay khi trò chuyện với Thầy Cô. Việc thiết lập mối quan hệ với bạn bè cũng gặp nhiều khó khăn, do các bạn đến từ nhiều nơi khác nhau nên còn rụt rè khi trò chuyện, tâm sự cùng nhau. Trong hoạt động giao tiếp sinh viên năm thứ nhất thường gặp một số vấn đề khó khăn về giao tiếp xoay quanh các mối quan hệ sau:
- Giao tiếp với bạn bè - Giao tiếp với Thầy Cô
- Giao tiếp với Cán bộ phòng ban trong trường
• Những vấn đề liên quan đến các điều kiện học tập khác
Ngoài những vấn đề liên quan tới nội dung học tập, phương pháp học tập của sinh viên, phương pháp giảng dạy của giảng viên, các mối quan hệ giao tiếp của sinh viên thì còn có một số những vấn đề khác cũng có những ảnh hướng nhất định tới hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất như:
- Những vấn đề liên quan tới nội quy, quy chế đào tạo ở Đại học – Cao đẳng
- Phương tiện học tập như internet, máy tính, tài liệu … còn thiếu
- Cơ sở vật chất như phòng học, máy chiếu…của nhà trường chưa đảm bảo - Áp lực thi cử, kiểm tra đánh giá