Cung cầu sản lượng xi măng năm 2013

Một phần của tài liệu phân tích các yếu tố tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần xi măng tây đô trong giai đoạn 2011 đến tháng 6 năm 2014 (Trang 49 - 50)

XI MĂNG TÂY ĐÔ

4.1.2 Cung cầu sản lượng xi măng năm 2013

Trong những năm gần đây các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt do tình trạng cung vượt cầu đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình khó khăn của toàn ngành như: chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm đầu tư công, sự trầm lắng của thị trường bất động sản, xây dựng. Các ngân hàng đã dừng không ưu tiên cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản. Do đó, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng sụt giảm đáng kể. Điều này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong toàn ngành.

Theo thống kê của Hiệp hội xi măng Việt Nam cho thấy: Năm 2011, tổng sản lượng xi măng sản xuất trong toàn ngành là 65,5 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 2010 tức là tăng 3,15%. Nguyên nhân của sự tăng sản lượng cung là do có một số nhà máy được Chính phủ bảo lãnh bắt đầu đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thiết kế lên 67 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng xi măng tiêu thụ thời điểm này có phần giảm so với năm 2010. Cụ thể, năm 2010 được xem là cột mốc đáng nhớ đối với toàn ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành sản xuất xi măng nói riêng với tổng sản lượng tiêu thụ đạt con số 53,2 triệu tấn/năm cao nhất từ trước đến nay. Như vậy năm 2011 sản lượng tiêu thụ đã giảm 1,79% tương đương giá trị sản lượng là 0.9 triệu tấn. Lý do của sự sụt giảm này là ảnh hưởng chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản chưa được khôi phục, sức mua của người dân giảm do thắt chặt chi tiêu.

Tiếp đến năm 2012, tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành tiếp tục theo chiều hướng tăng. Theo số liệu thống kê cho thấy, sản lượng sản xuất năm 2012 là 67,2 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn về tuyệt đối và 2,6% về tương đối.

Trong khi đó, tổng công suất thiết kế thời điểm này là 70 triệu tấn/năm cho toàn ngành. Nguyên nhân chính của sự tăng mạnh này là do năm 2012 cả nước có thêm 4 nhà máy xi măng đi vào hoạt động, nâng dây chuyền lò quay công nghệ khô lên con số 60, bên cạnh 38 dây chuyền lò đứng. Về tiêu thụ, cả năm 2012 sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 55,1 triệu tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 45,5 triệu tấn, xuất khẩu đạt 9,6 triệu tấn, lượng tồn kho còn lại là 12,1 triệu tấn. Nguyên nhân là trong toàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, sức mua của nền kinh tế giảm nên sản lượng tiêu thụ cũng có phần giảm theo. Tuy nhiên, ngành xi măng lại đầu tư quá mạnh và ồ ạt nên công suất thiết kế và năng lực sản xuất tăng, cung vượt xa cầu dẫn đến tình trạng dư thừa xi măng là điều khó tránh khỏi.

Sang năm 2013, các doanh nghiệp đã bắt đầu giảm công suất hoạt động thấp hơn bình thường để giải quyết tình trạng cung vượt quá cầu, vấn đề tồn kho và giảm áp lực cạnh tranh gay gắt. Vì thế, sản lượng sản xuất năm 2013 giảm 1,4% so với năm 2012, tức chỉ còn 65,8 triệu tấn/năm. Trong khi năng lực sản xuất giảm do tình hình bất ổn của thị trường thì sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu tăng đáng kể 6 triệu tấn trong đó xuất khẩu tăng 5,4 triệu tấn. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng tiêu thụ này chưa hẳn là một dấu hiệu tích cực. Bởi vì trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2012, lượng cung vượt quá xa cầu nên đa số các công ty cố gắng đẩy mạnh lượng tiêu thụ bằng nhiều hình thức khuyến mãi như: thưởng xi măng hiện vật, hỗ trợ phí vận chuyển, giảm giá bán…Trong xuất khẩu thì xảy ra hiện tượng giảm giá không lành mạnh, chỉ tạo điều kiện cho khách hàng nước ngoài ép giá ta, gây thiệt hại chung cho toàn ngành.

Bảng 4.1: Sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ trong giai đoạn 2010 – 2013 Đơn vị tính: triệu tấn CHỈ TIÊU NĂM 2010 NĂM 2011 NĂM 2012 NĂM 2013

Sản xuất 63,5 65,5 67,2 65,8

Tiêu thụ 53,2 52,3 55,1 61,1

Nguồn: Bộ Xây Dựng

Một phần của tài liệu phân tích các yếu tố tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần xi măng tây đô trong giai đoạn 2011 đến tháng 6 năm 2014 (Trang 49 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)